Lãi ròng và Vốn chủ sở hữu ròng là gì? Cách tính và Ý nghĩa

Giới thiệu

Bài viết Lãi ròng và Vốn chủ sở hữu ròng là gì? Cách tính và Ý nghĩa là bài viết nằm trong Nhóm Bài Các Khái niệm và Thuật ngữ về Chứng khoán. Đây là những khái niệm cơ bản quan trọng của Doanh nghiệp để phản ánh một phần tình hình Kết quả Kinh doanh cũng như Vốn hoạt động của Doanh nghiệp. Vậy Lợi nhuận ròng và Vốn chủ sở hữu ròng là gì? (Sau đây trong Bài viết sẽ được mình gọi tắt là Vốn chủ ròng). Cách tính Lợi nhuận ròng và Vốn chủ ròng được quy định như thế nào? Để tìm hiểu nội dung này, các bạn có thể tham khảo bài viết được chia sẻ sau đây. Bài viết cũng thường được tìm đến sau khi đã nắm rõ Kiến thức Cơ bản Chứng khoán và biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Khái niệm Lãi ròng là gì? Cách tính và Ý nghĩa của Lãi ròng.
+ Khái niệm Vốn chủ ròng là gì? Cách tính và Ý nghĩa của Vốn chủ ròng.

—————————————————————

1. Khái niệm Lãi ròng là gì? Cách tính và Ý nghĩa của Lãi ròng

Giới thiệu Khái niệm Lãi ròng: còn được gọi là Lợi nhuận ròng và về cơ bản được hiểu là Lợi nhuận cuối cùng của Doanh nghiệp sau khi đã trừ hết tất cả các khoản Chi phí, Lãi vay, Thuế Thu nhập doanh nghiệp, … và đây là Lợi nhuận thuộc cổ đông – Chủ sở hữu của Công ty.

Thông thường thì Lãi ròng hay Lợi nhuận ròng sau khi được Kiểm toán năm tài chính sẽ là cơ sở để Công ty thực hiện phân phối Lợi nhuận như: Quỹ khen thưởng Phúc lợi, Quỹ Đầu tư phát triển, … và Cổ tức trả cho cổ đông được trình bày thông qua biểu quyết tại Đại hội Cổ đông Thường niên của Công ty. Cũng trong Báo cáo Kết quả Kinh doanh thì có rất nhiều loại Lãi như: Lãi Gộp, Lãi Tài chính, Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh, Lãi khác, Lãi ròng, … Trong đó Lãi ròng được hiểu là Lãi cuối cùng.

Trên Báo cáo Kết quả kinh doanh, Lãi ròng thường được hiểu là Lợi nhuận sau thuế với mô hình không Công ty con hoặc có Công ty con nhưng Công ty Mẹ nắm giữ toàn bộ 100% các Công ty con và được hiểu là Lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty Mẹ với mô hình có Công ty con tại Báo cáo Tài chính Hợp nhất với tỷ lệ nắm giữ tại tại các Công ty con không đạt đủ 100% tỷ lệ sở hữu (Vẫn còn các Cổ đông thiểu số khác tại Công ty con).

Trong ảnh: Lãi ròng hay Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng ACB – Báo cáo Tài chính Hợp nhất Kiểm toán năm 2022 (Link gốc ảnh)

Cách tính Lãi ròng: Trên thực tế, Mô hình Công ty sẽ được chia làm 2 loại, bao gồm Công ty không có Công ty con hoặc có Công ty con nhưng nắm 100% và Công ty có ít nhất một Công ty con với Tỷ lệ sở hữu < 100%. Để hiểu hơn về các Mô hình này, bạn có thể tham khảo thêm Bài viết: Công ty Mẹ, Công ty Con và Công ty Liên kết là gì?. Do có 2 Mô hình như vậy và để hiểu rõ Lãi ròng là gì thì ta cần hiểu cách tính theo từng Mô hình như sau:

+ Mô hình không có Công ty con hoặc có Công ty con nhưng Tỷ lệ nắm giữ 100%: Nếu Doanh nghiệp mà không có Công ty con (không nắm >50% cổ phần trở lên ở Công ty nào) hoặc nắm các Công ty con nhưng toàn là 100% như trường hợp Ngân hàng ACB ở trên thì Lãi ròng sẽ chính là Lợi nhuận sau thuế của chính Công ty đó trong Báo cáo Tài chính. Lúc này, ta có Cách tính đơn giản như sau: Lãi ròng = Tổng Doanh thu – Tổng Chi phí. Trong đó: Tổng Doanh thu là khoản tiền doanh nghiệp thu được từ các việc bán sản phẩm đến cung cấp dịch vụ, Doanh thu tài chính, Doanh thu khác; Tổng Chi phí là chi phí dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Chi phí tài chính, các Chi phí khác và Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN).

Trong ảnh: Công thức đơn giản tính Lãi ròng và Bảng Chỉ tiêu mô phỏng Báo cáo Tài chính trong mô hình Công ty không có Công ty con (Link gốc ảnh)

Ví dụ: Công ty A không có Công ty con, Báo cáo về thu nhập của họ gồm những thông tin sau: Tổng Doanh thu là 50 tỷ đồng, Giá vốn hàng hóa là 20 tỷ đồng. Tổng các khoản Chi phí hoạt động, Chi phí lãi vay và Chi phí khác là 15 tỷ đồng. Công ty đóng Thuế hết 500 triệu đồng. Khi đó, ta tính được Lãi ròng = Tổng Doanh thu – Tổng Chi phí = 50 tỷ – 20 tỷ – 15 tỷ – 500 triệu = 14 tỷ 500 triệu đồng.

Trong Báo cáo Tài chính, chỉ tiêu Lãi ròng cũng được tính toán và thực hiện từng bước. Để các bạn dễ hình dung và hiểu hơn về trình tự tính Lãi ròng từ các Chỉ tiêu khác trên Bảng Báo cáo hoạt động kinh doanh, mình sẽ đưa ra mẫu tính cơ bản như ở hình trên. Như vậy, ta có thể dễ dàng phân biệt Khái niệm Lãi ròng với các Chỉ tiêu Lợi nhuận khác như Lợi nhuận gộp hay Lợi nhuận thuần. Khi bạn muốn biết Lãi ròng của một Công ty, nếu xem xét thấy Công ty đó không có Công ty con thì bạn chỉ cần tìm Chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế và lấy giá trị đó. Đây là trường hợp đơn giản, tuy nhiên hiện nay có khá ít Công ty trên sàn áp dụng mô hình này.

Trong ảnh: Lợi nhuận sau thuế của PPC – Báo cáo Kiểm toán năm 2022 (Link gốc ảnh)

+ Mô hình có Công ty con không nắm giữ đủ 100%: Nếu Doanh nghiệp có ít nhất 1 Công ty con (Nắm từ 50% đến <100% cổ phần trở lên) thì Lợi nhuận ròng lúc này sẽ là Lợi nhuận sau thuế của Cổ đông Công ty Mẹ hoặc có nơi dùng tên gọi là Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ, Lợi nhuận sau thuế của Chủ sở hữu, Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng … trong Báo cáo Tài chính Hợp nhất.

Trong Ví dụ dưới đây, ta có Công ty A là Công ty Mẹ của Công ty B, nắm 60% cổ phần tại Công ty B. Ở Chỉ tiêu Doanh thu Thuần, dễ thấy Doanh thu Thuần trên Báo cáo Tài chính Hợp nhất của Công ty A chính bằng Tổng Doanh thu Thuần của Công ty Mẹ A và Công ty con B (Hợp nhất 100% Doanh thu Thuần của B). Tuy nhiên ở phía Lợi nhuận thì Lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo Hợp nhất Công ty Mẹ A sẽ được tách tiếp thành 2 phần:

Trong ảnh: Ví dụ về Doanh thu Thuần, Lợi nhuận sau thuế và cách hạch toán trong Báo cáo Kết quả Kinh doanh của Báo cáo Tài chính (Link gốc ảnh)

* Lợi nhuận sau thuế Cổ đông không Kiểm soát: chính là Lợi ích của các Cổ đông nhỏ tại Công ty con B – 40% của 30 tỷ Lãi là 12 tỷ đồng.
* Lợi nhuận sau thuế Công ty Mẹ: chính là Lợi nhuận thực của toàn bộ Cổ đông Công ty mẹ trên Báo cáo Tài chính Hợp nhất. Gồm: Lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo Tài chính Công ty Mẹ A – 150 tỷ và Tỷ lệ % lợi ích của A tại Lợi nhuận sau thuế Công ty con B – 60% của 30 tỷ Lãi là 18 tỷ đồng. Tổng thực ở đây là 168 tỷ đồng (Chứ không phải là 150 tỷ trên Báo cáo riêng lẻ Công ty Mẹ A hay 180 tỷ trên Báo cáo Hợp nhất như nhiều bạn vẫn lầm tưởng). Và đây chính là Lãi ròng trong Mô hình có Công ty con.

Như vậy, trong Mô hình Công ty có Công ty con thì Lợi nhuận ròng chính là Lợi nhuận sau thuế của Cổ đông Công ty Mẹ. Và được tính bằng Lợi nhuận sau thuế sau khi đã trừ đi Lợi nhuận sau thuế của Cổ đông không kiểm soát trên Báo cáo Tài chính Hợp nhất của Công ty Mẹ. Hiện nay, với các Công ty trên Sàn thì Mô hình chủ yếu là Công ty có Công ty con, đặc biệt là với những Công ty lớn. Do đó, khi bạn cần lấy dữ liệu Lãi ròng để phân tích về Doanh nghiệp có Công ty con thì hãy cần chú ý sử dụng Chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ thay vì Lợi nhuận sau thuế bình thường để có được nhận xét chính xác hơn.

Trong ảnh: Các loại Lợi nhuận sau thuế của FPT – Báo cáo Tài chính Hợp nhất Kiểm toán năm 2022 (Link gốc ảnh)

Ý nghĩa của Lãi ròng: Khi phân tích một Công ty thì Lãi ròng là Chỉ tiêu có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá một phần Tình hình tài chính hoạt động của Doanh nghiệp và là thước đo trọng yếu về hiệu quả Sản xuất Kinh doanh. Lợi nhuận ròng là một trong những yếu tố quan trọng thường được nhiều người quan tâm trước khi đưa ra quyết định có nên đầu tư vào Công ty không. Một doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt, Lợi nhuận ròng bền vững qua các năm sẽ đảm bảo khả năng sinh lời cũng như hạn chế được rủi ro cho Nhà Đầu tư.

Doanh nghiệp có Lợi nhuận ròng càng lớn cho thấy Doanh nghiệp đó hoạt động tốt. Ngược lại, nếu Doanh nghiệp có Lợi nhuận ròng thấp trong nhiều năm chứng tỏ Doanh nghiệp đó đang gặp vấn đề trong quá trình hoạt động và Nhà Đầu tư nên tránh những Doanh nghiệp này. Lãi ròng cũng là khái niệm quan trọng để tính các Hệ số liên quan tiếp theo đến Định giá và Hiệu quả Kinh doanh như EPS, P/E, ROA, ROE, … .

Lợi nhuận ròng tốt cũng là ưu điểm lớn và là cơ sở quan trọng để Doanh nghiệp vay được các Món vay từ Ngân hàng với Lãi suất tốt. Lãi nhuận ròng cao cho thấy khả năng thanh toán các khoản vay của Doanh nghiệp được đảm bảo.

Trong ảnh: Vốn chủ sở hữu và các Chỉ số ROE, ROA của Hòa Phát qua các năm đo lường hiệu quả kinh doanh – Báo cáo thường niên HPG năm 2022 (Link gốc ảnh)

—————————————————————

2. Khái niệm Vốn chủ ròng là gì? Cách tính và Ý nghĩa của Vốn chủ ròng

Giới thiệu Khái niệm Vốn chủ ròng: tên đầy đủ hơn là Vốn chủ sở hữu ròng, đây là nguồn Vốn thuộc sở hữu của Chủ doanh nghiệp hay chính là các Cổ đông trong Công ty. Về cơ bản, Vốn chủ ròng thường sẽ được cấu thành từ 2 yếu tố chính là Vốn Điều lệ (hay còn gọi là Vốn cổ phần) và Lợi nhuận sau thuế chưa Phân phối. Trong một số trường hợp Vốn chủ ròng chính là Vốn chủ sở hữu, trường hợp còn lại thì sẽ có sự chênh lệch giữa 2 giá trị Vốn chủ sở hữu và Lợi ích cổ đông không kiểm soát (cụ thể hơn mính sẽ trình bày ở phần dưới đây).  Nếu bạn muốn hiểu hơn về Khái niệm Vốn chủ sở hữu, bạn có thể xem thêm 2 Bài viết sau Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu (Phần 1)   /   Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu (Phần 2).

Trong ảnh: Vốn chủ ròng chính là Vốn chủ sở hữu của PPC – Mô hình Công ty không có Công ty con – Báo cáo Hợp nhất 2022 (Link gốc ảnh)

Cách tính Vốn chủ ròng: Tương tự như ở trên, với 2 Mô hình Công ty thì ta sẽ hiểu và tính toán theo từng Mô hình như sau:

+ Mô hình không có Công ty con hoặc có Công ty con nhưng Tỷ lệ nắm giữ 100%: Nếu Doanh nghiệp mà không có Công ty con hoặc có Công ty con nhưng Tỷ lệ nắm giữ ở các Công ty con này 100% thì Vốn chủ ròng sẽ chính là Vốn chủ sở hữu của chính Công ty đó trong Báo cáo Tài chính. Lúc này, ta có Cách tính đơn giản như sau: Vốn Chủ sở hữu ròng = Tổng Tài sản – Tổng Nợ phải trả. 

Trong đó:
* Tổng Tài sản sẽ bao gồm cả Tài sản ngắn hạn và dài hạn. Tài sản ngắn hạn gồm Tiền mặt, các khoản Đầu tư Tài chính, Phải thu, Hàng tồn kho và Tài sản ngắn khác; Tài sản dài hạn gồm các khoản Phải thu dài hạn, Tài sản cố định, Bất động sản Đầu tư, các khoản Đầu tư tài chính Dài hạn và các loại Tài sản dài hạn khác.
* Nợ phải trả bao gồm Phải trả người bán, Người mua trả tiền trước, Thuế phải trả, Phải trả Người lao động, Chi phí phải trả, Doanh thu chưa thực hiện, Phải trả khác, Dự phòng, Vay … .

Ví dụ: Công ty A không có Công ty con, Tổng Tài sản là 2.5 tỷ đồng nhưng có khoản vay Nợ ngân hàng 0.5 tỷ đồng để làm hàng tồn kho – Vốn lưu động. Do vậy, Vốn chủ sở hữu ròng của Công ty A thực tế là 2 tỷ đồng.

Trong ảnh: Kết cấu Vốn chủ sở hữu của FPT tại Báo cáo tài chính Hợp nhất Kiểm toán năm 2022 – Bảng Cân đối Kế toán (Link gốc ảnh)

+ Mô hình có Công ty con không nắm giữ đủ 100%: Nếu Doanh nghiệp có ít nhất 1 Công ty con với tỷ lệ sở hữu <100% thì Vốn chủ ròng lúc này sẽ là phần Vốn chủ sở hữu trừ đi Lợi ích Cổ đông không kiểm soát. Cụ thể vẫn Ví dụ mình ở trên, Công ty A là Công ty mẹ của Công ty B nhưng Công ty A chỉ chiếm 60% chứ không phải hoàn toàn 100% và giả định Vốn chủ Sở hữu của riêng Công ty mẹ A là 500 tỷ và Công ty B là 80 tỷ thì ta có: Lợi ích cổ đông không kiểm soát tại Công ty con B là 80 x 40% = 32 tỷ; Vốn chủ sở hữu Hợp nhất A: 500 + 80 = 580 tỷ đồng. Do đó Vốn chủ sở hữu ròng Hợp nhất A là: 580 – 32 – 548 tỷ đồng hay 500 riêng A + 48 (tương đương 60% Tỷ lệ Sở hữu của A tại B). 

Trong Báo cáo tài chính Hợp nhất của FPT ở hình trên, ta dễ thấy Lợi ích của Cổ đông không Kiểm soát của FPT năm 2022 lên tới 4.309 tỷ đồng. Lúc này, ta có Vốn chủ ròng của FPT tại 31/12/2022 = Vốn chủ sở hữu – Lợi ích của Cổ đông không Kiểm soát = 25.353 – 4.309 = 21.044 tỷ đồng và đây là số liệu phản ánh Vốn chủ ròng của các Cổ đông FPT. So với chỉ tiêu Vốn chủ sở hữu thì Vốn chủ ròng của FPT đã giảm đi đáng kể vì phần Lợi ích Cổ đông không kiểm soát khá lớn (Chứng tỏ Tỷ lệ Sở hữu của FPT tại một số Công ty con không cao).

Trong ảnh: Danh sách các Công ty con của Tập đoàn FPT cùng Tỷ lệ Sở hữu và Biểu quyết tại từng Công ty thành viên (Link gốc ảnh)

Ý nghĩa của Vốn chủ ròng: Khi đánh giá quy mô của một Doanh nghiệp thì Chỉ tiêu Vốn Chủ sở hữu ròng là yếu tố quan trọng hàng đầu vì đây mới là Vốn thực sự của Cổ đông, thay vì như thông lệ là Vốn Điều lệ hay Vốn chủ Sở hữu – Vốn không phản ánh hết được Vốn Kinh doanh thực sự của Doanh nghiệp. Ngày nay thì Vốn chủ Sở hữu và Vốn chủ Sở hữu ròng là các Chỉ tiêu ưa thích của các Doanh nghiệp trong ngành Tài chính như Ngân hàng, Chứng khoán, Bảo hiểm, Quỹ để xếp hạng quy mô lớn nhỏ. 

Về Định giá thì Vốn chủ Sở hữu ròng được hiểu là Tài sản ròng của Doanh nghiệp sau khi trừ đi các khoản nợ và do đó sẽ được dùng là Cơ sở để tính giả định trong trường hợp Phá sản hay Giải thể thì dự kiến Công ty sẽ còn lại bao nhiêu để chia cho cổ đông. Ứng dụng lớn nhất cho việc này là Phương pháp Định giá Tài sản theo hướng Giá trị sổ sách P/B. Về mặt thuấn túy thì Vốn chủ Sở hữu ròng vẫn là “lý thuyết” ước tính trên Sổ sách Kế toán. Nếu thực sự xảy ra việc giải thể / phá sản thì lúc đó Công ty sẽ phải thanh lý bán các Tài sản của Công ty, lúc đó có thể Vốn chủ sở hữu ròng thu về lúc cuối sẽ khác đi ít nhiều nhưng dù sao thì việc có Sổ sách ghi nhận như vậy cũng là một chỉ tiêu quan trọng làm cơ sở để ước lượng ra Vốn chủ ròng “Thực tế” có thể có (Cụ thể hơn sẽ được trình bày trong một Bài viết khác sau).

Ngoài ra, tình trạng Vốn chủ sở hữu giảm mà không phải đến từ việc chi trả cổ tức tiền mặt sẽ cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp đang không hiệu quả, gặp vấn đều lớn và bạn cần lưu ý trong trường hợp này.

Trong ảnh: Các Chỉ số EPS, P/E và Giá trị sổ sách là những chỉ tiêu quan trọng hàng đầu – Thông tin của Cổ phiếu FPT được cập nhật trên Website CafeF (Link gốc ảnh)

Ứng dụng lớn nhất của việc hiểu và tính chính xác Vốn chủ ròng là được sử dụng để tính tiếp các Chỉ số Tài chính quan trọng là Giá trị Sổ sách (Book Value) liên quan đến Định giá và Chỉ số ROE / ROAE đo hiệu quả sinh lời của Doanh nghiệp. Dựa vào nhưng Chỉ số như vậy các Nhà đầu tư có thể lọc được các cổ phiếu nhất định trước khi tiến hành đánh giá và phân tích cụ thể. Xem thêm: Chỉ số ROE và ROAE là gì? Cách tính, Ý nghĩa và Cách tra cứu.

Như vậy, có thể thấy, Lãi ròng được sử dụng nhiều trong Định giá Cổ phiếu thông qua EPS và Chỉ số P/E. Trong khi đó, Vốn chủ ròng được sử dụng để tính Giá trị sổ sách (Book Value) và Chỉ số P/B. Ngoài ra còn rất nhiều các Chỉ số khác liên quan như ROA, ROE, ROS, … Các loại Chỉ số này mình sẽ trình bày cụ thể hơn ở các Bài viết sau.

Trên đây, mình đã đưa ra những phân tích cụ thể để các bạn có thể hiểu hơn về Khái niệm Lãi ròng và Vốn chủ ròng là gì? Cách tính và Ý nghĩa của Lãi ròng và Vốn chủ ròng. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hay cần tham khảo thêm thì có thể liên hệ với mình theo thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới để để lại Thông tin cho Nhóm mình chủ động liên hệ lại.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu (Phần 1)   /   Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu (Phần 2)
> Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online 

—————————————————————

(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 04/2023)