Thị trường Bò và Thị trường Gấu là gì?

Giới thiệu

Với những bạn đang quan tâm về Thị trường Chứng khoán, khi đọc Tin tức, Tài liệu hay xem Ti vi, Báo đài thì chắc hẳn sẽ thường được nghe nói tới một số cụm từ miêu tả Tình trạng Thị trường như Thị trường Bò (Bull Market) và Thị trường Gấu (Bear Market). Vậy các Thuật ngữ Thị trường Bò và Thị trường Gấu là gì? Nguồn gốc tên gọi cũng như đặc điểm của các Thị trường này như thế nào? Trong Bài viết này, mình sẽ đưa ra một số phân tích để các bạn hiểu được rõ hơn. Bài viết này cũng thường được tìm đến sau khi đã nắm rõ Kiến thức Cơ bản Chứng khoán và biết cách Phân tích Cổ phiếu và nằm trong Nhóm Bài viết Các Khái niệm và Thuật ngữ về Chứng khoán. Về cơ bản, các Vấn đề chính gồm:

+ Giới thiệu Tổng quan biểu tượng Bò và Gấu trong Chứng khoán.
+ Thị trường Bò và Thị trường Gấu là gì? Đặc điểm và nguồn gốc tên gọi.
+ Các Ví dụ cụ thể về Thị trường Bò và Thị trường Gấu.

—————————————————————

1. Giới thiệu Tổng quan biểu tượng Bò và Gấu trong Chứng khoán

Khi tìm hiểu về Thị trường Chứng khoán, chắc hẳn bạn đã bắt gặp biểu tượng con Bò tót và Gấu ở khá nhiều nơi. Trong đó, hình tượng con Bò và con Gấu đang đánh nhau có mặt ở hầu hết các Sở giao dịch Chứng khoán trên thế giới và nổi tiếng hơn cả là đó là tượng con Bò to lớn dựng ở ven lề đường dẫn vào công viên Bowling Green ở New York, rất gần Phố Wall nên còn được gọi là Con Bò Phố Wall.

Hình tượng con Bò Phố Wall là tác phẩm điêu khắc khổng lồ của nghệ nhân Arturo Di Modica làm bằng đồng (cao khoảng 3,3 mét và nặng tới 35 tấn), được đặt đứng hùng dũng, tượng trưng cho sức mạnh kinh tế của Mỹ sau vụ Thị trường Chứng khoán Phố Wall sụp đổ năm 1987. Từ ngày 15 tháng 12 năm 1989, con Bò này đã xuất hiện trên nhiều vỉa hè của thành phố New York nhưng sau đó đứng trụ vững bên hông Công viên Bowling Green, cách Sở Giao dịch chứng khoán thành phố khoảng 2 dãy nhà.

Trong ảnh: Một số bức tượng Bò và Gấu ở các Sở Giao dịch Chứng khoán trên Thế giới (Link gốc ảnh)

Cho đến nay, chú Bò Phố Wall vẫn được đặt trong Khu tài chính ở quận Mahattan, đầu Bức tượng hướng về Broadway, được gọi là kinh đô kịch nghệ Mỹ. Nghệ nhân Di Modica đã mô tả con Bò ở trạng thái sẵn sàng lao mạnh về phía trước, húc tung mọi rào cản để biểu trưng cho sự tăng tốc, phát triển cực mạnh của Thị trường Chứng khoán. Cùng với sự phát triển của Thị trường Chứng khoán New York, tượng Bò ngày càng nổi tiếng hơn và trở thành một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất ở New York, nhiều du khách tham quan Khu tài chính Phố Wall đều ghé qua thăm và chụp ảnh kỷ niệm với Con Bò này.

Ngoài bức tượng Con Bò nổi tiếng ở phố Wall thì tại những địa điểm khác trên Thế giới cũng có rất nhiều bức tượng Bò và Gấu được dựng lên, như là một đặc trưng tiêu biểu cho Thị trường Chứng khoán. Ngay ở tại Việt Nam, bạn cũng sẽ dễ thấy bức tượng Bò đấu Gấu ở ngay trước sảnh Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh và tượng con Bò hùng dũng ở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ngoài ra, trên báo đài, 2 con vật cũng thường xuất hiện để phản ánh Thị trường, một số được nhiều nhà đầu tư quan tâm thích thú như Website Bò và Gấu (trang thông tin với nhiều ảnh chế về Thị trường),…  Như vậy, có thể thấy, Bò (Bull) và Gấu (Bear) là những biểu tượng rất đặc biệt trong Chứng khoán, phổ biến khắp mọi nơi và 2 hai loài động vật to lớn, hung tợn đó chính là đại diện cho hai xu hướng hoàn toàn đối lập trên Thị trường Chứng khoán (hay thường nghe với tên gọi Thị trường Bò và Thị trường Gấu). Để hiểu rõ hơn các thuật ngữ này, mình sẽ đưa ra các phân tích cụ thể ở phần dưới.

Trong ảnh: Tượng Bò ở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (bên trái) và tường Bò đấu Gấu ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (bên phải) (Link gốc ảnh

—————————————————————

2. Thị trường Bò và Thị trường Gấu là gì? Đặc điểm và nguồn gốc tên gọi

Thị trường Bò (tên tiếng anh là Bull Market): Đây là thuật ngữ sử dụng hình ảnh con Bò để ẩn dụ về Thị trường tăng giá, đại diện cho xu hướng đang trên đà đi lên. Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ thì định nghĩa Bull Market là khi có sự tăng trưởng các quỹ chỉ số Thị trường trên diện rộng từ 20% trở lên. Như vậy, tuy không có cách nào để xác định chính xác một Thị trường tăng giá, nhưng ta có thể hiểu Thị trường Bò là một Thị trường Giá lên và lạc quan, đặc trưng bởi sự tăng giá đều đặn của các cổ phiếu trên diện rộng, trong đó nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền để mua vào Cổ phiếu và có niềm tin rằng một xu hướng đi lên vẫn còn tiếp tục. Để nhận định Thị trường đã thực sự bước vào Thị trường Bò hay chưa thì phương thức được chấp nhận phổ biến nhất là khi chỉ số đại diện cho Thị trường đó có mức tăng 20% trở lên từ đáy (với Thị trường Chứng khoán Việt Nam thì đây chính là chỉ số VN-Index). Xem thêm: Cách tính Chỉ số VN-Index và HNX-Index để hiểu thêm về Chỉ số VN-Index.

Trong ảnh: Tranh biếm họa về Bò và Gấu để miêu tả Thị trường Chứng khoán Mỹ tại thời điểm vẽ của Tác giả B.Rich Hedgeye lúc xảy ra Covid 19 (Link gốc ảnh)

* Đặc điểm của Thị trường Bò:

+ Cung và Cầu Chứng khoán: trong một Thị trường Bò thì Cầu chứng khoán sẽ cao hơn Cung vì có nhiều nhà đầu tư muốn mua, trong khi rất ít người muốn bán dẫn đến giá cổ phiếu tăng. Lúc này, các nhà đầu tư nghĩ rằng một xu hướng đi lên sẽ còn tiếp tục vì lực cầu mạnh và nguồn cung yếu, nhà đầu tư sẵn sàng tham gia với kỳ vọng thu được lợi nhuận cao. Nhắc đến Thị trường Bò ta sẽ thấy đó là đại diện cho phe Mua mạnh hay tranh Mua.
+ Hoạt động kinh tế: sự thay đổi hoạt động kinh tế trong một Thị trường Bò là sự khởi sắc về kinh tế, khi hầu hết Doanh nghiệp đều phát triển và đạt lợi nhuận tốt kèm Kỳ vọng cao. Sự tăng lợi nhuận này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc Thị trường định giá các Cổ phiếu. Có thể thấy, một xu hướng Bò trong Thị trường Chứng khoán thường bắt đầu trước khi nền kinh tế nói chung có dấu hiệu phục hồi rõ nét.
+ Niềm tin của nhà đầu tư: với một Thị trường Bò đầy hy vọng, các nhà đầu tư mua nhiều Cổ phiếu hơn trong thời kỳ Thị trường tăng giá và nắm giữ chúng, tin rằng chúng sẽ tiếp tục tăng nữa, nếu có bất kỳ một khoản thua lỗ nào thì đó cũng chỉ mang tính tạm thời và không ảnh hưởng quá lớn tới quá trình đầu tư. Do đó, ta có thể nhận ra một đặc điểm cốt lõi của Thị trường Bò là xu hướng Đầu tư dài hạn mà không phải những phản ứng tức thời của Thị trường trước một sự kiện cụ thể.

Ở Việt Nam chúng ta trong vài năm qua thì năm 2017 được coi là Thị trường Bò với mức tăng 48,03% (Từ 664,87 điểm lên 984,24 điểm) và năm 2021 cũng là Thị trường Bò với mức tăng 35,73% (Từ 1103,87 điểm lên 1498,28 điểm).

Trong ảnh: Giai đoạn Thị trường Bò năm 2017 và 2021 (phần mũi tên) thể hiện trên Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN-Index (Link gốc ảnh)

Thị trường Gấu (tên tiếng anh là Bear Market): Đây là Thuật ngữ đối ngược hoàn toàn với Thị trường Bò ở trên. Thị trường Gấu đại diện cho một Thị trường giá giảm, mô tả xu hướng trì trệ và đi xuống. Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ định nghĩa một Bear Market là khi Thị trường có sự sụt giảm ít nhất 20%. Như vậy, ta có thể hiểu cơ bản Thị trường Gấu là Thị trường Giá xuống đại diện cho sự lo sợ và bi quan của nhà đầu tư, đặc trưng bởi sự giảm giá chung của hầu hết các Cổ phiếu. Xác định Thị trường đã là Thị trường Gấu hay chưa thì cách phổ biến nhất vẫn là xem xét dựa vào Chỉ số đại diện cho Thị trường đó, nếu chỉ số có mức giảm lớn hơn hoặc bằng 20% so với đỉnh của nó thì đó là Thị trường Gấu.

* Đặc điểm của Thị trường Gấu:

+ Cung và Cầu Chứng khoán: với một Thị trường Gấu, ta sẽ thấy phần lớn nhà đầu tư trên thị trường muốn bán, trong khi rất ít người muốn mua thêm cổ phiếu, do đó Cung chứng khoán cao hơn Cầu, kéo theo Giá cổ phiếu bị giảm. Sự giảm giá này sẽ làm cho tâm lý nhà đầu tư chán nản, lực Cầu thấp đáng kể so với Cung, nhà đầu tư tiếp tục muốn bán để cắt bớt lỗ hoặc tháo chạy khỏi thị trường. Như vậy, có thể thấy Thị trường Gấu đại diện cho phe Bán mạnh.
+ Hoạt động kinh tế: ngược lại với Thị trường Bò, một Thị trường con Gấu thường liên quan đến một nền Kinh tế yếu kém, khi phần lớn Doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận, không thu được lợi nhuận cao dẫn đến việc Định giá các Cổ phiếu trên thị trường thấp hơn. Thông thường, một xu hướng Gấu xuất hiện trong Thị trường là khi nền kinh tế đang có dấu hiệu của suy thoái – một giai đoạn tăng trưởng âm trong dài hạn.

Trong ảnh: Tranh biếm họa về hoạt động của Bò và Gấu. Ảnh Phải – Gấu muốn ngăn cả Bò đi lên của Tác giả B.Rich Hedgeye (Link gốc ảnh)

+ Niềm tin của nhà đầu tư: đánh giá tâm lý của nhà đầu tư trong Thị trường Gấu là sự lo sợ và bi quan, họ không còn nhiều hi vọng vào thị trường và nghĩ rằng giá cổ phiếu sẽ có nguy cơ tiếp tục giảm vào bất cứ lúc nào. Với tâm lý hoảng sợ như vậy, chỉ cần một sự kiện tiêu cực nhỏ xảy ra cũng sẽ làm nhà đầu tư bán tháo dẫn đến thị trường trượt dốc mạnh. Xu hướng đầu tư trong Thị trường Gấu chủ yếu là giao dịch ngắn hạn.

Như vậy, nhìn chung, khi nền kinh tế rơi vào suy thoái hoặc triển vọng tăng trưởng kém, xuất hiện đại dịch, khủng hoảng chính trị hoặc chiến tranh,… thì đều có thể làm cho Thị trường rơi vào giai đoạn Thị trường Gấu.

* Thị trường Điều chỉnh: Đây cũng là một loại xu hướng giá giảm nhưng xảy ra ở mức độ nhẹ hơn Thị trường Gấu. Cụ thể, một Thị trường Điều chỉnh là khi có sự giảm giá, chỉ số Thị trường giảm lớn hơn 10%, nhưng thấp hơn 20% so với mức cao gần đây. Sự điều chỉnh này cũng tương đối mạnh nhưng không đủ lớn để có một Thị trường Gấu, xảy ra thường xuyên hơn, có thể xuất hiện sau khi giá của chứng khoán bị tăng giá quá mạnh trên Thị trường. Như vậy, bạn hãy lưu ý để phân biệt Thị trường Gấu với Thị trường Điều chỉnh.

Trong ảnh: Tranh biếm họa về hoạt động của Bò và Gấu về tình trạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây của Bên bovagau.vn và Entrade (Link gốc ảnh)

Nguồn gốc tên gọi: Có thể thấy, các thuật ngữ Bull Market và Bear Market đã xuất hiện trên Thị trường từ rất lâu, do đó nguồn gốc chính xác các tên gọi thì hiện nay cũng không có thông tin chính xác. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, bạn sẽ thấy có một số giả thiết đã được đưa ra để giải thích và được chấp nhận rộng rãi trên thế giới, bạn có thể tham khảo một số lý do dưới đây:

* Lý do theo Tự nhiên: giải thích dựa vào cách mỗi loại động vật tấn công. Trong thiên nhiên, những con bò tót khi tấn công thường sử dụng sừng của chúng để húc từ dưới lên trên và liên tục tấn công về phía trước, liên tưởng tới sự chuyển động đi lên mạnh mẽ của Thị trường. Trong khi đó, loài gấu tấn công bằng cách đánh mạnh bàn chân của chúng xuống phía dưới, giống như xu hướng Thị trường đi xuống rất mạnh. Những hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng cho sự chuyển động của Thị trường.

* Lý do theo Lịch sử: bắt nguồn theo đúng nghĩa đen khi da gấu còn giao dịch nhộn nhịp trong thời kì thuộc địa, các môi giới trung gian da gấu thường sẽ bán những bộ da gấu mà họ chưa mua để đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi đã thỏa thuận xong với khách hàng với mức giá trả trước, những nhà môi giới này hi vọng giá mua vào da gấu trong tương lai sẽ giảm xuống thấp hơn so với giá hiện tại để họ mua và hoàn thành đơn đặt hàng. Nếu giá da gấu thực sự giảm, họ sẽ có thêm một khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá. Những người môi giới da gấu này được đặt biệt danh là “Bear” (con gấu), rút gọn từ “Bearskin jobber” (người đầu cơ da gấu). Do vậy, từ “Bear” được sử dụng rộng rãi để chỉ mong muốn và kì vọng thị trường đi xuống.

Trong ảnh: Tranh biếm họa Bò đại diện cho “kéo” lên trên và Gấu đại diện cho “đạp” xuống dưới của Tác giả B.Rich Hedgeye (Link gốc ảnh)

Về từ Bull (Bò), một số giả thiết được đưa ra là tên gọi này có nguồn gốc từ Tài chính. Thay vì nói đến một loài động vật, danh từ bò (“bull”) có thể có nguồn gốc từ Sở Giao dịch Chứng khoán London. Một trong những sàn chứng khoán đầu tiên trên thế giới hiện đại, từ thế kỷ 17, London đã có những bảng tin khi thị trường có những cải thiện (bulletins – bảng tin). Ngoài ra, theo từ điển từ nguyên trực tuyến, từ “Bull” còn liên quan tới “thổi phồng“. Một nguồn gốc chính đáng khác là từ chữ “Bulla” có nghĩa là hóa đơn (bill), hoặc hợp đồng. Khi một thị trường đang tăng lên, những người nắm giữ của các hợp đồng giao hàng trong tương lai của một hàng hóa thấy được giá trị gia tăng hợp đồng của họ.

—————————————————————

3. Các Ví dụ cụ thể về Thị trường Bò và Thị trường Gấu

Trong thực tế, Thị trường Bò và Thị trường Gấu xuất hiện rất nhiều trong suốt thời gian phát triển của Thị trường Chứng khoán trên khắp Thế giới. Và để các bạn có thể nắm rõ hơn về các Thị trường này thì ở dưới đây, mình sẽ điểm qua một vài Ví dụ cụ thể về Thị trường Bò và Thị trường Gấu trên Thế giới và chính tại Việt Nam:

– Ví dụ về Thị trường Bò:

* Chỉ số Sàn giao dịch chứng khoán Bombay của Ấn Độ, Sensex, đã trong một xu hướng thị trường Bò trong khoảng năm năm, từ tháng 4 năm 2003 đến tháng 1 năm 2008 vì nó tăng từ 2.900 điểm lên 21.000 điểm.
*  Thị trường Chứng khoán Mỹ trong vòng 9 năm từ 2009 đến 2018 cũng là một Thị trường Bò khi chỉ số S&P 500 tăng hơn 300%.
* Với Thị trường Chứng khoán Việt Nam, có thể thấy giai đoạn Thị trường Bò nổi bật là vào năm 2004-2007. Chỉ trong vòng 3 năm, chỉ số VN-Index tăng từ 170 lên 1.179 điểm (tăng trưởng 593%).
* Một ví dụ khác gần đây nhất, vào tháng 3/2020, chỉ số VN-Index đang ở số điểm rất thấp (hơn 600 điểm) khi dịch Covid-19 lần đầu ập đến. Sau đó, VN-Index tăng trở lại lên mức 900 điểm vào ngày 10/06/2020. Như vậy, VN-Index lấy lại gần 36% chỉ sau hơn 2 tháng và tiếp tục tăng mạnh, vượt 1.500 điểm vào tháng 1/2022. Và đây cũng được xem là một Thị trường Bò.

Trong ảnh: Thống kê Xu hướng Thị trường Chứng khoán Việt Nam qua các giai đoạn từ đầu năm 2016 đến nay (Link gốc ảnh)

– Ví dụ về Thị trường Gấu:

* Thị trường ‘con Gấu’ trong thời kỳ dot-com 2000-2002, chỉ số S&P 500 lao dốc 51% từ đỉnh xuống đáy.
* Mức giảm mạnh nhất trong các lần trở thành Thị trường Gấu của Thị trường Chứng khoán Việt Nam là giai đoạn 08/10/2007 – 23/02/2009 khi ấy VN-Index mất hơn 77%. Cũng trong giai đoạn khủng hoảng đó, chứng khoán Mỹ và Trung Quốc lần lượt giảm hơn 56% và 70%. Đây là kết quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
* Gần đây nhất, vào những tháng đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất “hưng phấn” giúp chỉ số VN-Index vượt đỉnh hơn 1.500 điểm, nhưng chỉ trong những tháng tiếp theo thì Thị trường liên tục giảm mạnh, có phiên giảm sâu đưa VN-Index về dưới 1.150 điểm (vào đầu tháng 7/2022). Chỉ số giảm hơn 20% báo hiệu một Thị trường Gấu.

Như vậy, ở trên đây, mình đã đưa ra phân tích để các bạn hiểu được các Thuật ngữ Thị trường Bò và Thị trường Gấu là gì? Nguồn gốc tên gọi và Đặc điểm, Ví dụ của các Thị trường này. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hay cần tham khảo thêm thì có thể liên hệ với mình theo thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới, mình sẽ Hỗ trợ cho bạn.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Cách tính Chỉ số VN-Index và HNX-Index
> Các Khái niệm và Thuật ngữ về Chứng khoán

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 08/2022)