Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 mới ở Việt Nam

Giới thiệu

Như các bạn đã biết, trước đây, khi Nhà Đầu tư mua Chứng khoán (ngày T+0) thì phải chờ 3 ngày giao dịch sau đó (T+3) mới bán được số Chứng khoán này. Tuy nhiên, kể từ ngày 29/08/2022, bạn đã có thể thực hiện việc bán chứng khoán ngay trong chiều ngày T+2. Vậy để các bạn hiểu rõ hơn về Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 mới ở Việt Nam thì trong Bài viết này, mình sẽ đưa ra những phân tích cụ thể. Bài viết là một phần của Nhóm Bài: Chu kỳ Thanh toán T+2 và các vấn đề có liên quan và cũng thường được tìm đến sau khi đã nắm rõ Kiến thức Cơ bản Chứng khoán và biết cách Phân tích Cổ phiếu. Về cơ bản, các Vấn đề chính gồm:

+ Các Khái niệm Ngày T, T+, Chu kỳ Thanh toán là gì?
+ Quy định Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 ở Việt Nam hiện nay.

—————————————————————

1. Các Khái niệm T, T+, Chu kỳ Thanh toán là gì?

Ngày T và Ngày T+: ta có, chữ cái T trong khái niệm là viết tắt của từ “Transaction – Giao dịch”. Như vậy, ngày T (T0, T+0) được gọi là Ngày giao dịch, hiểu cụ thể thì đây là ngày khớp lệnh thành công giao dịch Mua / Bán Chứng khoán trên Thị trường. Theo đó, ngày T+ là những ngày làm việc sau đó, cụ thể: T+1 (T1) là sau 1 ngày làm việc so với ngày giao dịch, T+2 (T2) là sau 2 ngày làm việc so với ngày giao dịch, T+3 (T3) là sau 3 ngày làm việc so với ngày giao dịch. Lưu ý: các ngày T, T+1, T+2, T+3 sẽ không tính Thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày nghỉ lễ.

Ví dụ: bạn khớp lệnh mua thành công Cổ phiếu HPG vào ngày thứ 2 đầu tuần – ngày 14/11/2022 thì đó gọi là ngày T, ngày thứ 3 – ngày 15/11/2022 được gọi là ngày T+1, ngày thứ 4 – ngày 16/11/2022 được gọi là ngày T+2 và ngày thứ 5 – ngày 17/11/2022 được gọi là ngày T+3. Vào ngày thứ 5 – ngày 17/11/2022 , bạn lại tiếp tục mua Cổ phiếu MBB thì khi đó thứ 5 lại được gọi ngày T, ngày thứ 6 – ngày 18/11/2022 được gọi là ngày T+1, ngày thứ 2 tuần sau đó – ngày 21/11/2022 là ngày T+2 và ngày thứ 3 – ngày 22/11/2022 là ngày T+3.

Trong ảnh: Ví dụ về Ngày giao dịch T và các ngày T+1, T+2, T+3 sau đó được mô phỏng trên bảng lịch (Link gốc ảnh)

Chu kỳ Thanh toán: như ta đã biết, trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam hiện nay, khi nhà Đầu tư khớp lệnh mua bán Cổ phiếu thành công thì vẫn chưa thể có toàn quyền quyết định với số Cổ phiếu hoặc Tiền của mình luôn mà phải đợi mấy ngày sau thì số Cổ phiếu hoặc số tiền đó mới về Tài khoản để bạn có thể giao dịch. Ngày Cổ phiếu hoặc tiền được chuyển giao giữa bên mua và bên bán được gọi là Ngày Thanh toán. Còn ngày mua bán ở Ngày T+0 được gọi là Ngày Giao dịch. Và để quản lý được Thời gian chuyển giao từ Ngày giao dịch đến Ngày thanh toán này thì quy định về Chu kỳ thanh toán được đưa ra, đây chính là thời điểm Nhà Đầu tư sở hữu hoàn toàn Cổ phiếu hoặc tiền của mình vê mặt Pháp lý.

Hiện nay, Chu kỳ Thanh toán áp dụng trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam với Cổ phiếu là Chu kỳ thanh toán T+2, tức là sau 2 ngày làm việc nữa bạn mới thực sự sở hữu số Cổ phiếu / Tiền bạn đã khớp lệnh thành công hôm nay. Trong hình dưới là ví dụ về trạng thái của một Tài khoản Chứng khoán, ta thấy trên hệ thống của Công ty Chứng khoán cũng có mục Trạng thái tiền T+0, T+1 và các cột T0, T1, T2 ở phần Chứng khoán, mục đích chính là để theo dõi tiền và các Cổ phiếu mà bạn mua bán đang ở trạng thái nào, mới mua được 1 ngày hay 2 ngày hay là đã về và sở hữu có thể bán (Mục “Số dư Giao dịch”). Để các bạn hiểu rõ hơn về Chu kỳ Thanh toán T+2 này thì mình sẽ phân tích cụ thể hơn ở phần dưới.

Trong ảnh: Trạng thái của một Tài khoản Chứng khoán được cập nhật trên bản Web của Chứng khoán Mirae Asset. Trong đó có các phần liên quan đến Ngày Mua T0, T1, T2 và Trạng thái tiền bán T+0, T+1 (Link gốc ảnh)

—————————————————————

2.  Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 mới ở Việt Nam hiện nay

Quy định về Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 :

* Quy định cũ: Như trước đây (trước ngày 29/08/2022),theo quy định của Luật, sau khi bạn Mua Cổ phiếu vào hôm nay thì 2 ngày làm việc sau bạn mới thực sự sở hữu số Cổ phiếu đó và thời điểm chính xác là vào lúc 16h30 ngày làm việc thứ 2 (T+2). Tuy nhiên, Thời gian Giao dịch trên cả 3 sàn Chứng khoán Việt Nam đếu kết thúc sớm hơn 16h30, cụ thể sàn HOSE là 14h45 và sàn HNX, UPCOM là 15h00. Vậy nên, đúng bản chất thì phải đến đầu ngày làm việc thứ 3 (T+3) tính từ ngày bạn mua Cổ phiếu, bạn mới có quyền bán số Cổ phiếu này.

Với trường hợp ngược lại, khi bạn bán Cổ phiếu thì 16h30 của hai ngày làm việc sau đó (T+2) bạn mới mất quyền sở hữu Cổ phiếu và Tiền về. Tuy nhiên với Tiền Bán chờ về mặc dù đến 16h30 Công ty Chứng khoán mới thực nhận được Tiền và chuyển vào cho Khách hàng thì bạn sẽ thấy nhận được Tiền bán ngay từ Sáng T+2. Nguyên nhân là do nguyên tắc “Lãi suất qua đêm” của các Ngân hàng. Chỉ cần qua đêm là Lãi suất đã được xác lập, còn sáng hay chiều thì không quan trọng. Như vậy, cho dù 16h30 Tiền mới thực sự về Tài khoản thì ngay từ sáng, Công ty Chứng khoán đã cho phép bạn sử dụng tiền đó (Lịch sử trên Thị trường Cổ phiếu cũng ghi nhận chưa bao giờ đến Ngày Thanh toán mà Công ty Chứng khoán không nhận được Tiền thanh toán).

Trong ảnh: So sánh Chu kỳ Thanh toán theo Quy định cũ (trước ngày 29/08/2022) và Quy định mới (từ ngày 29/08/2022 trở đi) (Link gốc ảnh)

* Quy định mới: Thời gian gần đây được sự đồng ý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với kỳ vọng sẽ giúp cho thanh khoản của Thị trường có sự gia tăng nhất định, đồng thời giúp nhà Đầu tư chủ động hơn trong chiến lược đầu tư nên Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có quy định rút ngắn hơn về Chu kỳ Thanh toán. Cụ thể, VSD đã ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSD theo Quyết định số 109/QĐ-VSD và Quy chế Thành viên Lưu ký Tại VSD theo Quyết định số 110/QĐ-VSD. Theo hai Quy chế trên, kể từ ngày 29/8/2022, Nhà Đầu tư có thể giao dịch Chứng khoán ngay từ chiều ngày T+2 thay vì đợi đến ngày T+3 như giai đoạn từ ngày 29/8/2022 trở về trước.

Với Quy chế mới này thì hiện nay, khi nhà Đầu tư thực hiện giao dịch mua Chứng khoán vào ngày T+0 thì sẽ nhận được Chứng khoán trước 13h ngày T+2 để có thể thực hiện bán chứng khoán trong phiên giao dịch buổi chiều cùng ngày. Bản chất ở đây có thể hiểu là T+2,5. Với chiều ngược lại, khi bạn thực hiện bán Chứng khoán thì trên thực tế, quy định mới cũng không có nhiều thay đổi so với quy định cũ vì cho dù tiền thực sự về Tài khoản Chứng khoán trước 13h hay 16h30 thì đều tính là cùng ngày và ngay từ đầu phiên sáng T+2, Công ty Chứng khoán đều đã cho phép bạn rút tiền hoặc dùng tiền đó để mua Cổ phiếu. Bản chất ở chiều bán thì với quy định mới hay quy định cũ đều là T+2 và nếu bạn có thực hiện việc Ứng trước tiền bán thì cũng không có gì thay đổi. Xem thêm: Ứng trước Tiền bán Chứng khoán và Cách tính Phí.

Trong ảnh: Thay đổi mới trong Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSD theo Quyết định số 109/QĐ-VSD  (Link gốc ảnh)

Lịch sử Thời gian Thanh toán Chứng khoán Việt Nam: như mình đã chỉ ra ở trên, theo quy định hiện tại thì Chứng khoán Việt Nam đang có Ngày giờ Thanh toán Chứng khoán (bao gồm Cổ phiếu, Chứng chỉ quỹ) là trước 13h Ngày T+2. Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi có sự thay đổi như hiện tại thì trong Lịch sử Phát triển của Thị trường Chứng khoán Việt Nam cũng đã từng có những sự thay đổi khác. Cụ thể, Thời gian thanh toán đối với Chứng khoán của Việt Nam đã từng bước được rút ngắn từ T+4 khi Thị trường Chứng khoán mới đi vào hoạt động đến chiều T+3, sáng T+3 và rút xuống cuối chiều T+2 từ ngày 1/1/2016.

Đặc biệt, thay đổi mới nhất, từ 29/08/2022, Chu kỳ thanh toán được rút ngắn về trưa T+2, so với các nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore,… thì Chu kỳ thanh toán của nước ta được đánh giá là khá ngắn, điều này tiếp tục khẳng định sự nỗ lực lớn của Cơ quan Quản lý và năng lực quản trị rủi ro của các Thành viên Thị trường trong việc vận hành Thị trường Chứng khoán Việt Nam.

Trong ảnh: Lịch sử Ngày Thanh toán Chứng khoán của Việt Nam đã có 3 lần thay đổi với 4 mốc Thanh toán khác nhau (Link gốc ảnh)

Ý nghĩa của việc rút ngắn Chu kỳ thanh toán T+2: Với việc rút ngắn Chu kỳ thanh toán, thay vì phải đợi qua ngày T+3 thì hiện nay nhà Đầu tư đã có thể giao dịch Cổ phiếu sớm hơn ngay trong chiều T+2, điều này giúp tăng khả năng ứng phó nhanh hơn với những biến động của Cổ phiếu và Thị trường (Nhà Đầu tư có thể kịp thời hiện thực hóa lợi nhuận, hoặc giảm thiểu thiệt hại), bớt rủi ro T+, đặc biệt là qua các kỳ nghỉ lễ dài. Đồng thời, Chu kỳ Thanh toán được rút ngắn cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động tích cực lên Thanh khoản của Thị trường khi thời gian thanh toán giảm bớt nửa ngày, nhờ vậy vòng quay giao dịch của Nhà Đầu tư sẽ tăng lên. Thanh khoản tăng lên thì sẽ làm cho Giá Thị trường được phản ánh chính xác hơn, góp phần hạn chế phần nào hiện tượng thao túng Giá Cổ phiếu.

Ví dụ cụ thể trong trường hợp bạn mua Cổ phiếu rồi bán ngay khi Cổ phiếu về Tài khoản, với quy định cũ thì Nhà Đầu tư cần 6 Phiên Giao dịch để hoàn thành 1 chu trình mua – bán và tiền bán về Tài khoản. Trong khi đó với quy định mới, Nhà đầu tư có thể hoàn thành 2 chu trình mua – bán Chứng khoán liên tục chỉ trong 7 Phiên Giao dịch.

Trong ảnh: Thanh khoản của VN-Index trong Tháng 11/2022 có giảm nhiều so với đầu năm nhưng vẫn ở mức khá so với vài năm trước do Rút ngắn về T+2,5 (Link gốc ảnh)

Mặt khác, khi vòng quay giao dịch của Nhà Đầu tư tăng lên, đồng nghĩa với việc Nhà Đầu tư có khả năng sẽ mua – bán nhiều lần hơn, từ đó phát sinh nhiều lần Phí Giao dịch hơn. Điều này có thể giúp các Công ty Chứng khoán cung cấp dịch vụ cũng được hưởng lợi từ hoạt động thu phí. Tuy nhiên, cần chú ý rằng khi bạn mua bán liên tục thì chi phí giao dịch sẽ tăng lên làm giảm mạnh vào lợi nhuận thu về, trường hợp chi phí giao dịch lớn hơn cả lợi nhuận thu về thì bạn coi như bị lỗ.

Như vậy, tổng kết lại, với những nhà Đầu tư theo trường phái dài hạn, mua Cổ phiếu và nắm giữ trong thời gian lâu dài, thì quy định mới rút ngắn Chu kỳ thanh toán sẽ gần như không có ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, với những Nhà Đầu tư thích trường phái ngắn hạn, thường xuyên “lướt sóng” Đầu cơ Cổ phiếu và liên tục giao dịch mua bán chứng khoán thì cần có sự tính toán kỹ trong hoạt động Đầu tư của mình, vừa tận dụng mặt lợi để chủ động đưa ra quyết định chốt lãi giảm lỗ, vừa tránh việc chi quá nhiều chi phí giao dịch làm ảnh hưởng đến Lợi nhuận Đầu tư.

Trên đây, mình phân tích cho các bạn nắm được rõ hơn về Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 mới ở Việt Nam hiện nay. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc và muốn được giải thích thêm thì có thể liên hệ mình theo Thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới, mình sẽ hỗ trợ cho bạn.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Chu kỳ Thanh toán T+2 và các vấn đề có liên quan
> Ứng trước Tiền bán Chứng khoán là gì và Cách tính Phí
> Ngày giao dịch, Ngày Thanh toán, Ngày T và Ngày T+2 trong chứng khoán

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 11/2022)