Chứng quyền có Bảo đảm là gì? – Kiến thức Cơ bản

Giới thiệu

Bài viết Chứng quyền có bảo đảm là gì? dưới đây là Bài viết Cơ bản về Chứng quyền – 1 Loại hình chính thức mới được triển khai ở Việt Nam từ Ngày 28/06/2019 trên sàn HOSE. Vì là rất mới và vẫn chưa qua Thời gian được thực tế đủ dài nên có thể vẫn còn nhiều lỗi “sạn” và sẽ liên tục được chỉnh sửa cập nhật dần nhằm hoàn thiện hơn. Các Vấn đề chính gồm:

+ Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant) là gì?
+ Tên Chứng quyền và Tổ chức phát hành – Chứng quyền có Bảo đảm CW.
+ Mã Chứng quyền và Mã Chứng khoán Cơ sở – Chứng quyền có Bảo đảm CW.
+ Thời hạn Chứng quyền và Ngày đáo hạn – Chứng quyền có Bảo đảm CW.
+ Tỷ lệ Chuyển đổi, Loại Chứng quyền, Kiểu Chứng quyền và Phương thức thực hiền Quyền.
+ Giá Phát hành và Giá Thực hiện – Chứng quyền có Bảo đảm CW.
+ Giá hòa vốn và các Trạng thái của Chứng quyền có Bảo đảm CW khi Đáo hạn.
+ Xem Thông tin Chứng quyền có Bảo đảm CW ở đâu?
+ Xem Bảng giá Chứng quyền có Bảo đảm CW ở đâu Tốt nhất?
+ Đoạn Chat Trao đổi Chứng Quyền có Bảo đảm CW.
+ Hội Thảo Chứng khoán – Chứng quyền có Bảm đảo CW – Video Youtube Kiến thức Cơ bản.

—————————————————————

Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant) là gì?

Chứng quyền có Bảo đảm (Tên Tiếng Anh là Covered Warrant hay viết tắt là CW) được hiểu là 1 Sản phẩm Chứng khoán hóa có Tài sản đảm bảo do Công ty Chứng khoán phát hành và được Niêm yết Giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán. Về cơ bản, Chứng khoán có Bảo đảm là 1 loại Tài sản cho phép Người sở hữu chúng được Quyền Mua hoặc Bán (Tùy vào Chứng khoán đó là Mua hay Bán) một loại Tài sản Cơ sở nào đó tại một Mức giá đã được xác định trước trong Tương lai. Đặc điểm ở đây là nếu Lãi thì ta sẽ thực hiện Quyền, còn Hòa hoặc Lỗ thì ta sẽ không thực hiện Quyền (Để không bị thiệt hơn ngoài Tiền Phí mua Quyền đã mất). Để rõ hơn, Ta có hình ví dụ như sau:

Trong hình: Các thông số chính trong Thông báo Phát hành Chứng quyền có Bảo đảm CW với Mã Chứng khoán Cơ sở MWG của 2 Công ty Chứng khoán BSC và VND (Link gốc ảnh)

Trong hình trên là các Thông số chủ yếu trong Thông báo Phát hành Chứng quyền có Bảo đảm Sơ cấp lần đầu (IPO) đối với Mã Chứng khoán Cơ sở MWG của 2 Tổ chức Phát hành là Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) và Công ty Chứng khoán VnDirect (VND). Một số các Thông số quan trọng nhất đã được mình đính màu xanh lá cây. Ta sẽ lần lượt giải thích các Khái niệm trong Bảng trên từ trên xuống dưới để hiểu được Tổng thể về Chứng quyền có Bảo đảm trước khi tham gia Thị trường rất mới này.

—————————————————————

Tên Chứng quyền và Tổ chức phát hành – Chứng quyền có Bảo đảm CW

Tên Chứng quyền: nhìn chung tên Chứng khoán Quyền là do Tổ chức Phát hành đặt tên, không có chuẩn chung đặt tên  của Nhà nước nhưng thường nêu bật được đặc điểm nổi bật của loại Chứng quyền đó: Loại Chứng quyền (Mua / Bán hoặc Tiếng Anh là Call / Put); Tên của Mã Chứng khoán Cơ sở được tham chiếu (MWG, FPT, PNJ, HPG, MWG, VNM, … ); Tên viết tắt của Tổ chức Phát hành (BSC, VND, HSC, SSI, KIS, VPS, VCSC, MBS … ); Phương thức Thực hiện Quyền (Bằng Tiền hay bằng Chứng khoán); …

Trong hình: Danh sách các Chứng quyền có Bảo đảm đã phát hành trên Thị trường trước ngày 25/06/2019. Tên Chứng quyền trong phần ngoặc đỏ phần Bên trái (Link gốc ảnh)

Tổ chức Phát hành: theo quy định hiện hành thì Tổ chức Phát hành ở đây chính là các Công ty Chứng khoán (như Hình ảnh trên phần ngoặc đỏ phần Bên phải). Có khá nhiều Điều kiện nhưng đáng chú ý nhất là Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu phải ít nhất đạt 1.000 tỷ đồng. Mặc dù cũng có nhiều Công ty Chứng khoán đạt được Điều kiện này, tuy nhiên Thống kê thực tế cho thấy trước khi chính thức Khai trương Thị trường Chứng quyền có Bảo đảm vào Thứ 6 – Ngày 28/06/2019 thì mới chỉ có 7 Công ty Chứng khoán đủ Điều kiện tham gia, đăng ký phát hành và đã thực hiện chào bán, gồm: SSI, HSC, VND, MBS, BSC, VPS và KIS. Với 10 Chứng quyền đã được Chào bán và có kết quả Chào bán tính đến Ngày 25/06/2019. Trường hợp bạn muốn mua trước khi lên sàn thì phải Đăng ký và mua ở 1 trong 7 Công ty Chứng khoán kia tùy vào Chứng quyền phù hợp với Chiến lược của riêng mình.

—————————————————————

Mã Chứng quyền và Mã Chứng khoán Cơ sở – Chứng quyền có Bảo đảm CW

Mã Chứng quyền: khác với Cổ phiếu bên Thị trường Cơ sở bình thường thì Mã Cổ phiếu (Hay Mã Chứng khoán) luôn chỉ có 3 Ký tự và thường để gợi nhớ đến Tổ chức Phát hành như MWG (Mobile World Group hay Thế giới Di động) hay HPG (Hoa Phat Group hay Tập đoàn Hòa Phát) thì Mã Chứng quyền sẽ có dạng CHPG1901 với C là Covered Warrant, HPG là Mã Chứng khoán Cơ sở tham chiếu vào của Chứng quyền này, 1901 là đợt 1 của Năm 2019 với Mã Chứng khoán Cơ sở HPG. Ta có xem thêm:

Trong hình: Danh sách các Chứng quyền có Bảo đảm đã phát hành trên Thị trường trước ngày 25/06/2019. Mã Chứng quyền trong phần ngoặc đỏ phần Bên trái (Link gốc ảnh)

Mã Chứng khoán Cơ sở: là Mã Chứng khoán bên Thị trường Cơ sở mà Chứng quyền đó tham chiếu vào. Quy theo định hiện tại trong Thời điểm đầu thì Điều kiện là các Mã Chứng khoán nằm trong Chỉ số VN30 hoặc HNX30 được công bố trong Thời điểm gần nhất và có Tỷ số Free-FLoat không thấp hơn 20% (Tự do Chuyển nhượng không thấp hơn 20%). Xem thêm: Chỉ số VN30, HNX30 là gì? và Tỷ lệ Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float nếu chưa rõ về 2 Khái niệm trên. Theo quy định hiện như vậy thì riêng trong Chỉ số VN30 sẽ chỉ có 26 / 30 Mã sẽ được chọn. 4 Mã Chứng khoán khác bị loại là: VCB, GAS, SAB và CTG do Tỷ lệ Free-Float < 20% và không đạt điều kiện quy định. Tuy nhiên trong thực tế khi lựa chọn thì mới chỉ có khoảng 6 Mã Chứng khoán được chọn trong Thời gian đầu là: FPT, HPG, MBB, MWG, PNJ và VNM. Trong đó đáng kể và được lựa chọn nhiều nhất là HPG và MWG.

—————————————————————

Thời hạn Chứng quyền và Ngày đáo hạn – Chứng quyền có Bảo đảm CW

Thời hạn Chứng quyền: nhìn chung thì ngay từ Giấy Chứng nhận Chào bán Chứng quyền cũng như trong Thông báo Phát hành CW, thì Tổ chức Phát hành – Công ty Chứng khoán thường có Thông báo ngay lập tức về Thời hạn của Chứng quyền là 3 tháng, 6 tháng hay … 2 năm. Hiện tại trước mắt trong Thời gian đầu thì mình mới chỉ thấy có các Thông báo là 3 tháng hay 6 tháng, kinh nghiệm tham khảo cũng cho thấy đây là 2 kỳ hạn tốt nhất. Nếu xa qua đến mức Đơn vị là năm thì biến động % Lời / Lỗ của Chứng quyền không nhiều và không hợp khẩu vị với 1 sản phẩm mà người vào vốn có ý thức về mức chấp nhận Rủi ro lớn như thế này.

Trong hình: Phần ngoặc đỏ là Thông báo về Thời hạn Chứng quyền, Ngày Phát hành, Giá Cơ sở tại Ngày Phát hành và Ngày đáo hạn của Chứng quyền có Bảo đảm do BSC và VND phát hành (Link gốc ảnh)

Ngày Phát hành và Ngày Đáo hạn: thường thì ngay sau khi nhận được Giấy Chứng nhận Chào bán Chứng quyền do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp thì Công ty Chứng khoán sẽ bắt đầu Chào bán Phát hành Sơ cấp lần đầu ngay sau đó 1 – 2 Ngày làm việc. Như BSC nhận được Giấy phép Thứ 6 – Ngày 07/06/2019 thì bắt đầu Chào bán là Thứ 2 – 10/06/2019 đến Thứ 4 – 10/06/2019.

Còn Ngày Đáo hạn thì căn cứ vào Ngày được Cấp phép + Thời hạn Chứng quyền. Trường hợp nếu Ngày Đáo hạn trùng với Ngày Nghỉ và Ngày Lễ thì sẽ là Ngày làm việc tiếp theo. Ví dụ: BSC được cấp phép vào Thứ 6 – Ngày 07/06/2019 thì 3 tháng sau là Ngày 07/09/2019, tuy nhiên đây lại là Thứ 7 nên Ngày đáo hạn thực tế sẽ là Thứ 2 – Ngày 09/09/2019 (Như trên Hình). Còn Giá Cơ sở tại Ngày Phát hành thì ở đây trong hình trên là Vùng Giá Cổ phiếu MWG trong mấy ngày từ 10 – 13/06/2019.

—————————————————————

Tỷ lệ Chuyển đổi, Loại Chứng quyền, Kiểu Chứng quyền và Phương thức thực hiền Quyền – Chứng quyền có Bảo đảm CW

Tỷ lệ Chuyển đổi: thường có dạng là N:1, trong đó là N là số nguyên dạnh như 1; 2; 3; 4; 5; … Như trong Ví dụ về MWG ở trên thì cả 2 Tổ chức Phát hành CW là BSC và VND đều công bố là 4:1, tức là cần 4 Chứng quyền có Bảo đảm CW để đổi thành 1 Cổ phiếu Cơ sở là MWG khi đáo hạn.

Trong hình: Tỷ lệ Chuyển đổi của các Chứng quyền có Bảo đảm đã phát hành trên Thị trường trước ngày 25/06/2019 (Link gốc ảnh)

Dễ thấy các Chứng quyền có Bảo đảm có các Mã Chứng khoán Cơ sở với Giá Cổ phiếu gốc khá thấp thì thường Tỷ lệ chuyển đổi khá thấp như MBB (cả 2 Tổ chức Phát hành SSI và HSC đều là 1:1 hay 1 CW được Quyền mua 1 Cổ phiếu Cơ sở). Ngược lại các Mã Chứng khoán Cơ sở với Giá Cổ phiếu gốc khá cao thì thường Tỷ lệ chuyển đổi khá cao như MWG (cả 2 Tổ chức Phát hành là BSC và VND đều là 4:1 hay 4 CW được Quyền mua 1 Cổ phiếu Cơ sở) hay như PNJ (MBS công bố là 5:1), … .

Loại Chứng quyền, Kiểu Chứng quyền và Phương thức thực hiện Quyền:

+ Loại Chứng quyền: trong thực tế thì có 2 Loại là Mua và Bán. Trong thời gian đầu ở Việt Nam hiện tại do còn mới sơ khai nên chỉ mới áp dụng Chứng quyền Mua (Tiếng Anh gọi là Call), tức là chỉ đánh 1 chiều và kỳ vọng duy nhất là Giá Cổ phiếu bên Thị trường Cơ sở lên Giá thì Nhà đầu tư mới có Lãi. Trong tương lai, sẽ có Chứng quyền Bán (Tiếng Anh gọi là Put).

+ Kiểu Chứng quyền: cũng tương tự như Loại Chứng quyền thì Kiểu Chứng quyền cũng có 2 loại là Kiểu của Châu Âu và Kiểu của Mỹ. Trong đó Kiểu Châu Âu là việc Thực hiện Quyền sẽ được thực hiện đúng vào Ngày Đáo hạn, trong khi Kiểu của Mỹ thì có thể chốt giá khi người nắm giữ Chứng quyền yêu cầu bất kỳ lúc nào trong khoảng Thời gian từ lúc phát hành đến lúc Đáo hạn. Trong thời gian đầu ở Việt nam thì chỉ mới có Chứng quyền có bảo đảm Kiểu của Châu Âu, vốn dĩ đơn giản hơn Kiểu của Mỹ được áp dụng. Tuy nhiên nếu Kiểu của Mỹ được áp dụng thì sẽ có lợi hơn cho phía Nhà đầu tư.

Trong hình: Phần ngoặc đỏ là Thông báo về Loại Chứng quyền, Kiểu Chứng quyền và Phương thức Thực hiện Quyền của Chứng quyền có Bảo đảm do BSC và VND phát hành (Link gốc ảnh)

+ Phương thức Thực hiện Quyền: trong thực tế thì có 2 Phương thực Thực hiện Quyền khi đáo hạn nếu lãi là Bằng Tiền hoặc Bằng Chứng khoán. Hiện tại thì Việt Nam mới chỉ áp dụng thanh toán Chênh lệch Lãi bằng Tiền khi có lãi (Chắc chắn sẽ thực hiện quyền) mà không phải chắc chắn được Quyền mua Cổ phiếu Cơ sở theo Giá Thực hiện đã thỏa thuận trước.

—————————————————————

Giá Phát hành và Giá Thực hiện – Chứng quyền có Bảo đảm CW

Giá Phát hành CW: là Giá bán của Chứng quyền do Tổ chức Phát hành bán sơ cấp lần đầu để tạo lập hàng trước khi được Niêm yết trên sàn Chứng khoán. Theo quan sát thì Giá CW trong đợt phát hành đầu tiên của CW trên sàn Việt Nam có giá khá thấp, được “rẻ hóa” qua việc đẩy Tỷ lệ Chuyển đổi cao lên. Ví dụ như BSC thay vì Chào bán Chứng quyền CMWG1901 với Giá Phát hành là 8.000 đồng / Chứng quyền (Nếu Tỷ lệ Chuyển đổi là 1:1) thì quyết định để Tỷ lệ Chuyển đổi sẽ là 4:1 và Giá Phát hành CW chỉ có … 2.000 đồng / Chứng quyền. Mặc dù thì 2 kiểu đó chả khác gì nhau về bản chất. Cần phải mất 8.000 đồng (1 x 8.000 đồng hay 4 x 2.000 đồng). Như vậy không thể nói Giá Phát hành 2.000 đồng / Chứng quyền là rẻ hơn Giá Phát hành 8.000 đồng / Chứng quyền. Mà chính xác cần phải tính là mất bao tiền mua số Chứng quyền để đổi được 1 Cổ phiếu Cơ sở.

Trong hình: Giá Phát hành CW và Giá Thực hiện của các Chứng quyền có Bảo đảm đã phát hành trên Thị trường trước ngày 25/06/2019 (Link gốc ảnh)

Giá Thực hiện: chính là Giá của Cổ phiếu Cơ sở mà Người sở hữu Chứng quyền sẽ được phép Mua khi Chứng quyền Mua đó đáo hạn (Nếu là Chứng quyền Mua). Do ở đây là Quyền nên nếu Giá Cổ phiếu Cơ sở khi Đáo hạn thấp hơn hoặc bằng Giá thực hiện thì Người Mua Quyền sẽ không thực hiện Quyền (Bỏ Quyền và Mất toàn bộ Phí Quyền). Còn trường hợp Giá Cổ phiếu Cơ sở khi đáo hạn cao hơn Giá thực hiện thì Người Mua Quyền sẽ thực hiện vì đã có Lãi. Để rõ hơn ta cùng xem Ví dụ sau:

Trong hình: Biểu đồ Giá Cổ phiếu Cơ sở và việc Thực hiện Quyền của Chứng quyền Mua khi Giá Thực hiện khi Đáo hạn là 45 (Link gốc ảnh)

+ Nếu như khi Đáo hạn, Giá Cổ phiếu Cơ sở là: 43 ngàn đồng. Tức là nếu Nhà đầu tư nắm giữ Chứng quyền Mua quyết định thực hiện Quyền này theo Giá Thực hiện đã bị cố định là 45 ngàn đồng thì họ sẽ bị Lỗ ngay khi Thực hiện là -2 ngàn đồng (43 – 45). Hành động ở đây sẽ là: Không Thực hiện Quyền và nếu muốn thì lên Sàn Cơ sở mua Cổ phiếu Cơ sở giá 43 ngàn đồng cho nó “rẻ”. Chấp nhận ở đây là Lỗ Tiền Phí mua Chứng quyền Mua.

+ Nếu như khi Đáo hạn, Giá Cổ phiếu Cơ sở là: 48 ngàn đồng. Tức là nếu Nhà đầu tư nắm giữ Chứng quyền Mua quyết định thực hiện Quyền nay theo Giá thực hiện đã bị cố định là 45 ngàn đồng thì họ sẽ Lãi ngay khi Thực hiện là +3 ngàn đồng (48 – 45). Hành động ở đây sẽ là: Thực hiện Quyền vì có Lãi ngay. Và do hiện nay trong Thời gian đầu nên Việt Nam áp dụng Phương thức Thực hiện Quyền là Bằng tiền nên Nhà đầu tư ở đây sẽ được thanh toán phần Chêch lệch 3 ngàn đồng / Cổ phiếu Cơ sở kia thay vì được mua Cổ phiếu theo Giá 45 ngàn đồng.

Như vậy, Giá Thực hiện lúc giao kèo ban đầu so sánh với Giá Cơ sở lúc Đáo hạn chính là gốc để cho biết Nhà đầu tư sẽ Thực hiện hay Không Thực hiện Quyền và nếu Lãi thì mức lãi chính xác bao nhiêu.

—————————————————————

Giá hòa vốn và các trạng thái của Chứng quyền có Bảo đảm CW khi Đáo hạn

Ở phần trên, Ta mới chỉ biết được là nếu Giá Cổ phiếu Cơ sở khi Đáo hạn thấp hơn Giá Thực hiện thì Chứng quyền Mua (Thời gian đầu có Chứng quyền Bán) đó sẽ không thực hiện, tức là Lỗ 100% hay mất Phí mua Chứng quyền Mua. Còn hiện tại vẫn chưa xét đến là khi nào thì bắt đầu Hòa vốn và có Lãi. Ta cùng xét đến trường hợp sau:

Giá hòa vốn: là phần Lãi từ Chênh lệch Giá giữa Giá Cơ sở khi Đáo hạn với Giá thực hiện đúng phải bằng với Phí của Chứng quyền. Lấy Ví dụ: Chứng quyền Mua trên (Là CFPT1901) với Giá Thực hiện là 45 ngàn đồng, Tỷ lệ Chuyển đổi là: 2:1 và Giá phát hành là: 1,9 ngàn đồng. Như vậy, Nếu mình mua lúc Phát hành và muốn Hòa vốn khi Đáo hạn thì Giá cổ phiếu Cơ sở (FPT) lúc đó phải là: 45 ngàn đồng + 2 x 1,9 ngàn đồng = 48,8 ngàn đồng. Trong đó 2 là Tỷ lệ Chuyển đổi cần 2 Chứng quyền để được đổi lấy 1 Cổ phiếu Cơ sở.

Trong hình: Trạng thái Lãi / Lỗ của Chứng quyền Mua có Bảo đảm khi Đáo hạn ở từng vùng giá khác nhau của Giá Cơ sở (Link gốc ảnh)

– Trạng thái của Chứng quyền có Bảo đảm CW khi Đáo hạn: về cơ bản có 4 Trạng thái như trên Hình. Ta có ví dụ cụ thể để dễ Hình dung hơn từ Trái sang Phải như sau:

+ Khi P <= 45 (Hay Giá Cơ sở < Giá Thực hiện): Ví dụ như Giá Cơ sở là 43 khi Đáo hạn thì 43 < 45 nên sẽ bỏ Chứng quyền Mua này và Lỗ 100% hay chính là toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua Chứng quyền Mua.

+ Khi 45 < P < 48,8: Ví dụ như Giá Cơ sở là 47 khi Đáo hạn, mà 47 > 45 nên sẽ Thực hiện Chứng quyền Mua này. Số Tiền thu được từ Thực hiện Quyền là 47 – 45 = 2 ngàn đồng. Tuy nhiên Chi phí để mua Chứng quyền Mua sẽ là 1,9 ngàn đồng x 2 (Tỷ lệ Chuyển đổi) = 3,8 ngàn đồng nên thực tế sẽ Lỗ 2 – 3,8 = -1,8 ngàn đồng hay -1,8 / 3,8 = 47,37%.

+ Khi P = 48,8: do 48,8 > 45 nên sẽ Thực hiện Chứng quyền Mua này. Số Tiền thu được từ Thực hiện Quyền là 48,8 – 45 = 3,8 ngàn đồng và đúng bằng với Chi phí để mua Chứng quyền Mua là 3,8 ngàn đồng nên sẽ là Hòa hay 0%.

+ Khi P > 48,8 ngàn đồng. Ví dụ như Giá Cơ sở là 50 khi Đáo hạn, mà 50 > 45 nên sẽ Thực hiện Chứng quyền Mua này. Số Tiền thu được từ Thực hiện Quyền là 50 – 45 = 5 ngàn đồng. Tuy nhiên Chi phí để mua Chứng quyền Mua sẽ là 3,8 ngàn đồng nên thực tế sẽ Lãi 5 – 3,8 = 1,2 ngàn đồng hay 1,2 / 3,8 = 31,58%.

Ta có Bảng Lãi / Lỗ Chứng quyền Mua của Chứng quyền có Bảo đảm CW ở các Mức giá khác nhau của Giá Cổ phiếu Cơ sở khi Đáo hạn:

Trong hình: Thống kê Trạng thái Lãi / Lỗ của Chứng quyền Mua có Bảo đảm ở nhiều mức Giá Cơ sở khác nhau khi Đáo hạn (Link gốc ảnh)

Dễ thấy khi Giá Cơ sở thay đổi thì % biến động bên Trạng thái Lãi / Lỗ của Chứng quyền Mua biến động khá mạnh, tức là đòn bẩy cao hơn Cơ sở rất nhiều, đây cũng là điểm thu hút các Nhà đầu tư chấp nhận Rủi ro lớn tham gia.

—————————————————————

Xem Thông tin Chứng quyền có Bảo đảm CW ở đâu?

Hiện nay Website của các Tổ chức Phát hành – Công ty Chứng khoán đều có đăng quảng cáo về Chứng quyền do mình phát hành. Tuy nhiên, Tổng quan nhất vẫn phải là Website của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) – đơn vị Tổ chức loại hình mới này. Tại trang chủ của HOSE tại www.hsx.vn:

Trong hình: Bạn có thể tìm Thông tin về Chứng quyền có Bảo đảm CW qua việc vào Website của HOSE qua các mũi tên trên hình (Link gốc ảnh)

—————————————————————

Xem Bảng giá Chứng quyền có Bảo đảm CW ở đâu Tốt nhất?

Hiện nay, trong Thời gian đầu liên quan đến Chứng quyền có Bảo đảm CW thì ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh – HOSE, thì chỉ có 6 Tổ chức Phát hành – Công ty Chứng khoán là có liên quan nên về nguyên tắc Bảng giá Chứng quyền sẽ được xem từ 7 đơn vị này (HOSE, SSI, HSC, VND, MBS, VPS, KIS và BSC). Mình có khảo sát và nhận thấy có 3 Bảng giá Chứng quyền đáng xem nhất (Các phần chú ý sẽ được mình chỉ mũi tên đỏ). Cụ thể:

– Bảng giá Chứng quyền VnDirect – Link Web:

Trong hình: Bảng giá Chứng quyền của VnDirect với 1 số tính năng Ưu điểm Tốt có thể tìm được qua các Mũi tên đỏ ở trên hình (Link gốc ảnh)

– Bảng giá Chứng quyền HSC – Link Web:

Trong hình: Bảng giá Chứng quyền của HSC với 1 số tính năng Ưu điểm Tốt có thể tìm được qua các Mũi tên đỏ ở trên hình (Link gốc ảnh)

– Bảng giá Chứng quyền SSI – Link Web:

Trong hình: Bảng giá Chứng quyền của SSI với 1 số tính năng Ưu điểm Tốt có thể tìm được qua các Mũi tên đỏ ở trên hình (Link gốc ảnh)

Cá nhân hiện nay thì mình hay dùng song song 2 Bảng, của VnDirect để cho dễ nhìn và tính % cho tiện, còn của HSC để tìm thêm các Thông tin và Trạng thái hiện tại của Chứng quyền có Bảo đảm để có Định hướng (Sẽ được mình đề cập trong các Bài viết nâng cao về sau).

—————————————————————

Đoạn Chat Trao đổi Chứng Quyền có Bảo đảm CW

Bạn có thể Tham khảo Link Word Online sau, được mình lọc lại trên Nhóm Chat Teleram nội bộ do mình Tổ chức và Quản lý: Đoạn Chat Trao đổi Chứng quyền.

—————————————————————

Hội Thảo Chứng khoán – Chứng quyền có Bảm đảo CW – Video Youtube Kiến thức Cơ bản

Ngoài ra, Sáng – Thứ 7 – Ngày 27/07/2019 vừa rồi tại HSC Láng Hạ, mình có tổ chức 1 buổi Hội thảo Chứng khoán về chủ đề Chứng quyền có Bảo đảm CW. nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Hội thảo Chứng khoán – Chứng quyền có Bảo đảm CW – Kiến thức Cơ bản” này để cảm nhận trực quan hơn thì:

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online 

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 07/2019)