Chu kỳ Thanh toán T+2, Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền, Ngày Đăng ký Cuối cùng và Ứng trước Tiền bán Chứng khoán

Giới thiệu

Thời gian gần đây cũng có khá nhiều bạn hỏi và thắc mắc với mình về 1 loạt các vấn đề mang tính cơ bản cần phải biết trước khi thực hiện giao dịch và mua bán chứng khoán, và mình cũng biết 1 số bạn đã giao dịch được một thời gian rồi nhưng có lẽ không phải ai cũng hiểu rõ hết toàn bộ, 1 phần vì “thỉnh thoảng” mới gặp, phần khác vì đang giao dịch ổn định nên cũng chưa sao. Do vậy bài viết dưới đây sẽ trình bày những Khái niệm về Chu kỳ Thanh toán T+2, Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền và Ngày Đăng ký Cuối cùng, Ứng trước Tiền bán Chứng khoán. Ngoài ra, chủ đề này cũng là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Ngày Giao dịch, Ngày thanh toán và Ngày T, T+1, T+2, T+3.
+ Chu kỳ Thanh toán T+2 là gì?
+ Tại sao phải có Chu kỳ Thanh toán T+2?
+ Ứng trước Tiền bán Chứng khoán.
+ Ngày Đăng ký Cuối cùng.
+ Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền, và Tra cứu Quyền.

—————————————————————

Ngày Giao dịch, Ngày Thanh toán và Ngày T, T+1, T+2, T+3

Đây là phần thuộc nhóm các khái niệm cơ bản, bạn có thể xem tại bài viết Ngày Giao dịch, Ngày Thanh toán, Ngày T và Ngày T+2 trong Chứng khoán để được hiểu rõ hơn trước khi bắt đầu phần dưới.

—————————————————————

Chu kỳ Thanh toán T+2 là gì?

– Thời gian Khi Mua, Sở hữu và bắt đầu Bán: Theo quy định hiện hành của Luật, sau khi bạn Mua Cổ phiếu vào hôm nay thì 2 ngày làm việc sau bạn mới thực sự sở hữu được số Cổ phiếu đó và chính xác là vào lúc 16h30 ngày làm việc thứ 2. Trong khi Thời gian Giao dịch trên cả 3 sàn của Việt Nam đếu kết thúc trước đó: HOSE là 14h45 và HNX, UPCOM là 15h00. Như vậy bản chất mua xong phải Ngày làm việc Thứ 3 bạn mới bán số Cổ phiếu bạn mua. Cụ thể:

+ Nếu bạn mua vào Thứ 2 – Ngày 26/11/2018 thì Cuối Chiều Thứ 4 – Ngày 28/11/2018 bạn mới thực sự sở hữu số Chứng khoán đó và Thứ 5 – Ngày 29/11/2018 thì bắt đầu bán được số Cổ phiếu đã mua đó. Tương tự nếu mua vào Thứ 3 – Ngày 27/11/2018 thì Thứ 5 – Ngày 29/11/2018 số Cổ phiếu đó về Tài khoản và Thứ 6 – Ngày 30/11/2018 thì bắt đầu bán được.

Trong hình: Nếu mua Thứ 2 – Ngày 26/11/2018 thì Thứ 5 – Ngày 29/11/2018 mới được bán Số Cổ phiếu đó. Tương tự Mua Thứ 5 – Ngày 29/11/2018 thì Thứ – Ngày 04/12/2018 mới được bán Số Cổ phiếu đó (Link gốc ảnh)

+ Nếu bạn mua Thứ 5 – Ngày 29/11/2018 thì Cuối Chiều Thứ 2 tuần sau – Ngày 03/12/2018 bạn mới thực sự sở hữu số Chứng khoán đó và Thứ 3 tuần sau – Ngày 04/12/2018 thì bắt đầu bán được số Cổ phiếu đã mua đó. Tương tự nếu mua vào Thứ 6 – Ngày 30/11/2018 thì Thứ 3 tuần sau – Ngày 04/12/2018 số Cổ phiếu đó về Tài khoản và Thứ 4 tuần sau – Ngày 05/12/2018 thì bắt đầu bán được.

– Thời gian Khi Bán, Sở hữu và bắt đầu Mua, Rút Tiền: cũng tương tự như trên, khi bạn Bán Cổ phiếu thì phải đúng 16h30 ngày làm việc Thứ 2 mới thanh toán và khi đó bạn mới thực sự mất Quyền sở hữu Cổ phiếu mà bạn từ 2 ngày làm việc trước. Tuy nhiên khác với Chứng khoán thì Tiền về lại thực sự là T+2. Do khi bạn bán T+2, các Công ty Chứng khoán biết chắc chắn là Tiền sẽ về vào lúc 16h30 chiều nên ngay từ đầu giờ buổi sáng họ sẽ cho phép bạn Rút tiền hay Mua thêm Cổ phiếu khác từ số tiền mà cuối giờ chiều đáng lẽ “Thực sự” mới về. Quan trọng của Tiền lại là có qua ngày hay không, còn sáng hay chiều không quan trọng và chắc hẳn bạn có thể từng nghe Ngân hàng hay nhắc đến cụm từ “Lãi suất qua đêm”. Một quá trình như vậy gọi là Chu kỳ Thanh toán và vì hiện nay sau 2 ngày làm việc mới được tính nên gọi là Chu kỳ Thanh toán T+2.

– Chu kỳ Thanh toán mới T+2,5 từ 29/08/2022: theo quy định mới của Nhà nước thì từ Ngày 29/08/2022, Chu  kỳ Thanh toán Cổ phiếu của Việt Nam là 12h – Ngày T+2. Xem thêm: Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 mới ở Việt Nam.

—————————————————————

Tại sao phải có Chu kỳ Thanh toán T+2?

Nhiều bạn sẽ thắc mắc là sao Mua xong cái không bán luôn được mà phải đợi tận 3 ngày làm việc sau mới được bán?Trước hết bạn cần phải nhớ Thị trường Chứng khoán ngày nay đã phát triển trong 1 thời gian khá dài (>18 năm từ năm 2000), Số lượng người tham gia Đầu tư Chứng khoán đã lớn hơn rất nhiều so với trước (>2,1 triệu Tài khoản Chứng khoán) và Số lệnh Giao dịch Hàng ngày cũng khá lớn. Ta có thống kê:

Trong hình: Số Lệnh Mua Bán trong Thời gian gần đây trên sàn HOSE. Khá thấp nhưng cũng hơn 10 vạn lệnh / ngày (Link gốc ảnh)

Ở trên ta thấy hàng ngày có đến hơn 10 vạn Lệnh giao dịch được đặt Mua Bán trên Hệ thống của Sở HOSE – Một con số khá lớn. Cũng như các Hệ thống Giao dịch các ngành khác, việc vận hành Hệ thống Chứng khoán cũng được thực hiện qua Máy tính, qua Online. Tuy nhiên trong hàng vạn lệnh thế kia trong suốt cả năm, chắc chắn là sẽ có lúc Hệ thống bị treo, bị đơ, … Đặt Lệnh Bán 1.000 cổ phiếu có thể thành 10.000 cổ phiếu dù thực sự không có, rồi Mua lại thành Bán, … Tóm lại không có gì 100% suốt cả năm. Lỗi có thể do con người, do Hệ thống, do quy trình Vận hành. Và cần có thời gian để khắc phục và sửa lỗi trên. Như vậy Thời gian T+2 đó chính là thời gian để bên bị lỗi kịp sửa lỗi nhằm đảm bảo Hệ thống Thị trường được thông suốt.

Trong hình: Công văn Công ty Chứng khoán VnDirect bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán khiển trách do trong Tháng 7/2018 bị sai và sửa lỗi tới 04 lần. Vượt quá số Chuẩn quy định (Link gốc ảnh)

– So với quốc tế: trong 1 lần được tham khảo tài liệu chu kỳ thanh toán của các quốc gia khi tổ chức Thị trường Chứng khoán thì hầu hết phổ biến là T+3, rất ít các quốc gia làm T+2, ngay như Mỹ là có 1 Thị trường Chứng khoán rất phát triển họ vẫn để … T+4. Như vậy so với thông lệ quốc tế, Việt Nam mình ở mức độ phổ biến, đặc biệt từ tháng 9/2012 thì Quá trình Thanh toán được chuyển từ 15h chiều T+3 hàng ngày lên trước 9h sáng T+3 để đáp ứng nhu cầu bán ngay trong Ngày Giao dịch T+3 thay vì phải tận T+4 mới được bán (Về chiều 15h – T+3 tức là sau giờ Giao dịch). Và hiện nay theo quy định mới nhất thì từ 01/01/2016 thì Quy trình Thanh toán đã được rút về 16h30 chiều – T+2.

—————————————————————

Lịch sử Ngày Thanh toán Chứng khoán Việt Nam

Như ở trên Bạn đã thấy hiện tại thì Chứng khoán Việt Nam đang có Ngày giờ Thanh toán Cổ phiếu / Chứng chỉ Quỹ là 16h30 Ngày T+2. Tuy nhiên trong Lịch sử Phát triển Thị trường Chứng khoán Việt Nam thì đó không phải là mốc duy nhất và trong thực tế quá khứ đã từng có các mốc khác, Ta có:

Trong hình: Lịch sử Ngày Thanh toán Chứng khoán của Việt Nam đã có 2 lần thay đổi với 3 mốc Thanh toán khác nhau (Link gốc ảnh)

Bạn có thể thấy những thay đổi được thực hiện trong những năm gần đây là 2012 và 2016, cũng là khoảng thời gian có rất nhiều thay đổi Quy định Pháp lý Chứng khoán ở Việt Nam. Một điểm nữa là Thời gian có xu hướng ngắn lại, giúp cho việc lưu chuyển Tiền của Nhà đầu tư ngắn hơn, cũng góp phần làm cho Thanh khoản Chứng khoán ở Việt Nam cao hơn. Đồng thời cũng ghi nhận sự nỗ lực lớn của Cơ quan Quản lý Thị trường trong việc vận hành Thị trường Chứng khoán Việt Nam.

—————————————————————

Ứng trước Tiền bán Chứng khoán

Đây là 1 Dịch vụ sản phẩm ra đời trên cơ sở của Chu kỳ Thanh toán T+2, về cơ bản khi bạn Bán Chứng khoán và phải đợi 2 ngày làm việc sau thì Tiền mới thực về. Nếu bạn có nhu cầu ngay dùng ngay (Rút tiền hoặc mua Mã Chứng khoán khác) và không muốn đợi thì sẽ sử dụng Dịch vụ này, chịu 1 khoản Chi phí Lãi vay trả cho Công ty Chứng khoán (Người cho vay hay Người cung cấp Dịch vụ). Xem thêm: Ứng trước Tiền bán Chứng khoán là gì và Cách tính Phí.

—————————————————————

Ngày Đăng ký Cuối cùng

Ngày Đăng ký Cuối cùng là Ngày Chốt Danh sách Cổ đông thực hiện 1 Quyền nào đó của Cổ đông như: Quyền nhận Cổ tức Tiền mặt, Quyền nhận Cổ tức Cổ phiếu, Quyền Mua Cổ phiếu Phát hành thêm, Quyền đi họp Đại hội cổ đông, … Việc tính toán Ngày Đăng ký Cuối cùng cũng phải dựa vào trên việc ai đang có thực sự Sở hữu Cổ phiếu (Căn vào Ngày Thanh toán T+2). Xem thêm để hiểu hơn: Ngày Đăng ký Cuối cùng là gì? Xem Thông báo ở đâu mới nhất ở đâu?.

Trong hình: Thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán về việc Chốt Danh sách Cổ đông – Tạm ứng Cổ tức năm 2018 bằng tiền của DGC vào Ngày 17/01/2019 (Link gốc ảnh)

—————————————————————

Ngày Giao dịch Không hưởng quyền và Tra cứu Quyền

– Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền: là Ngày Giao dịch mà từ đó nếu Nhà đầu tư Mua Cổ phiếu sẽ không được hưởng Quyền. Quyền ở đây có thể là: Quyền nhận Cổ tức Tiền mặt, Quyền nhận Cổ tức Cổ phiếu, Quyền Mua Cổ phiếu Phát hành thêm, Quyền đi họp Đại hội cổ đông, … Việc tính toán và Công bố Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền sẽ do Sở Giao dịch Chứng khoán thực hiện. Đây cũng là Ngày phát sinh từ Chu kỳ Thanh toán Chứng khoán T+2 hiện nay. Nhìn chung, Nhà đầu tư quan tâm Ngày này hơn so với Ngày Đăng ký Cuối cùng. Xem thêm để hiểu hơn: Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền là gì? Tra cứu Lịch Ngày này Ở đâu?

Trong hình: Thông báo về Ngày Đăng ký Cuối cùng và Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM về việc VietJet Air (Mã Chứng khoán: VJC) Tạm ứng Cổ tức năm 2018 bằng Tiền (Link gốc ảnh)

Nhà Đầu tư thường quan tâm Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền hơn Ngày Đăng ký Cuối cùng ở 1 điểm là tại Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền thì Giá cổ phiếu thường sẽ bị giảm 1 cách đột ngột do việc Điều chỉnh Giá mang tính kỹ thuật của Sở. Bạn có thể xem thêm để rõ hơn: Cách tính Giá Điều chỉnh trong Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền.

– Tra cứu Quyền: do cơ quan công bố thông tin gốc là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) nên không có gì hợp lý hơn là chúng ta tra cứu thông tin quyền trên chính Trung tâm là nhanh và hợp lý nhất. Cụ thể, chúng ta vào website của Trung tâm tại địa chỉ www.vsd.vn:

Trong hình: Trang chủ của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán VSD – Cơ quan trực tiếp quản lý toàn bộ Quyền và Website của VSD là nơi tra cứu việc này đáng tin cậy nhất (Link gốc ảnh)

Ở trên là website chủ của VSD, ngay sau khi vào sẽ còn màn hình như trên, ở đây chúng ta sẽ tra cứu theo 3 tiêu chí (được bôi khung đỏ). Với khung “Tin nghiệp vụ” thì chúng ta chuyên dùng để xem thông tin mới nhất ngày hôm nay và theo thứ tự giảm dần của thời gian, Bấm vào chữ “Xem tiếp” phía dưới để xem được nhiều hơn, tổng quát hơn. Với khung “Lịch thực hiện quyền” thì chúng ta dùng để xem thông tin chốt quyền từng ngày một, bất kỳ ngày nào trong khoảng 8 năm qua kể từ ngày Trung tâm chuyển về địa chỉ 15 Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội (Cạnh Vincom Bà Triệu). Và khung cuối cùng là khung tìm kiếm nho nhỏ ở trên bên phải, để tìm chốt quyền của riêng tổ chức niêm yết thì ta đánh mã chứng khoán cần tìm và bấm vào biểu tượng kính lúp để tìm kiếm là vào chi tiết mã chứng khoán ta cần tìm, ở đó sẽ có tất cả thông tin về tổ chức niêm yết cũng như những lần chốt quyền kể từ ngày Niêm yết.

—————————————————————

Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 mới ở Việt Nam (Từ 29/08/2022)

Xem thêm: Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 mới ở Việt Nam.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

Ngày giao dịch, Ngày Thanh toán, Ngày T và Ngày T+2 trong chứng khoán
> Ứng trước Tiền bán Chứng khoán là gì và Cách tính Phí
Ngày Đăng ký Cuối cùng là gì? Xem Thông báo ở đâu mới nhất ở đâu?
Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền là gì? Tra cứu Lịch Ngày này Ở đâu?
Cách tính Giá điều chỉnh trong Ngày giao dịch Không hưởng quyền
> Chu kỳ Thanh toán Cổ phiếu T+2 mới ở Việt Nam

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Cập nhật Bổ sung Tháng 11/2017)