Xem tra cứu Thông tin Chứng khoán Ở đâu Tốt nhất?

Giới thiệu

Sau khi đã biết Cách xem Bảng giá Chứng khoán như hướng dẫn ở bài trước thì vấn đề tiếp theo là cần phải biết chọn cổ phiếu như thế nào, cổ phiếu nào hiện nay là tốt, là xấu, mua được chưa? Đây gần như là câu hỏi thường trực mà bất kỳ người nào cũng cần phải nắm được nếu muốn đầu tư chứng khoán thành công. Nhưng trước khi biết được mã này mã kia tốt hay xấu thì chúng ta cần phải biết chả hạn như AAA năm ngoái 2011 cả năm lãi bao nhiêu, 6 tháng đầu năm 2012 lãi bao nhiêu, … thì số liệu đó lấy ở đâu, nguồn nào, thông tin có đảm bảo chính xác, nhanh, đầy đủ??? Bài này xin trả lời vấn đề đó.

Ngoài ra, chủ đề này cũng một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Cổng Thông tin, Dữ liệu Tài chính – CafeF.
+ Thời báo Kinh tế Việt Nam – VnEconomy.
+ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh – HOSE.
+ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – HNX.
+ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán – VSD.
+ Website các Công ty Niêm yết.
+ Khác.

—————————————————————

1. Cổng thông tin, Dữ liệu Tài chính – www.CafeF.vn

Trong hình: Trang chủ của CafeF, bao giờ cũng gồm 2 Phần chính: Thông tin Hàng ngày và Dữ liệu Công ty (Link gốc ảnh)

– CafeF vốn là trang báo chuyên đưa thông tin về tài chính ở Việt Nam cũng như quốc tế, do Công ty CP Truyền thông Việt Nam (VCCorp) thành lập. Do gốc là từ truyền thông mà ra với ưu thế công nghệ tốt nên CafeF có đặc điểm chính như sau:

+ Thông tin: nhanh, nhiều, liên tục, trung bình cứ vài phút lại có 1 tin. Có được điều này là do Công nghệ của CafeF có chế độ tự quét các Báo Kinh tế lớn khác, tập hợp hết về 1 nơi, Biên tập viên chỉ việc đọc và duyệt bài lần cuối trước khi đăng. Điều này dẫn đến việc không phải mất nhiều công đi nhiều báo. Tất cả trong 1 là ưu điểm lớn của CafeF.

+ Dữ liệu Công ty: tương đối đầy đủ, trình bày đẹp dễ nhìn, đặc biệt các Công ty lớn, Công ty mới lên sàn được Thị trường quan tâm nhiều. Nhược điểm là các Công ty bên sàn phụ UPCoM hơi thiếu thông tin do đây là sàn phụ của Thị trường, ít người xem.

Tựu chung đây là địa chỉ cung cấp nhanh nhạy, đầy đủ, và là Trang Web đáng đọc nhất, hầu như người tham gia Chứng khoán nào ở Việt Nam cũng thường xuyên đọc. Lời khuyên: Bạn nên chịu khó đọc Trang này dần ngay từ khi có ý định muốn Tìm hiểu Chứng khoán.

—————————————————————

2. Thời báo Kinh tế Việt Nam – www.vneconomy.vn

– Thời báo Kinh tế Việt Nam – VnEconomy vốn là 1 Trang báo chuyên tự viết các vấn đề Kinh tế. Vì là tự viết mà không phải lấy từ các nguồn khác như CafeF, nên sẽ không nhiều bài viết. Báo tự chọn cho mình chủ đề và hướng đi riêng là Kinh tế Vĩ Mô. Tức là chuyên viết về 1 ngành, 1 lĩnh vực, 1 vấn đề lớn trong đời sống Kinh tế Xã hội của đất nước hay quốc tế. Chính cách viết như vậy giúp hiểu hơn về 1 chính sách Kinh tế vừa được Nhà nước, Bộ Ban ngành vừa ban ra. Đó là 1 gợi ý tốt để ta nên chọn ngành nào để đầu tư, trước khi chọn đến mã nào trong ngành đó.

Trong hình: Trang chủ của VnEconomy, trong năm nay 2017 Ô tô là ngành có nhiều biến động, một lần nữa lại được VnEconomy phân tích và bình luận. Các Mã CK trong ngành gồm: SVC HAX PTB CTF …(Link gốc ảnh)

– Báo cũng viết đầy đủ các thông tin về thời sự, tài chính, chứng khoán, bất động sản, thị trường, … Trong đó có 2 mục chuyên về chứng khoán đang quan tâm nhất là chuyên mục Chứng khoán sáng, chiều của tác giả Lan Ngọc như Hình ảnh tại đây và Blog Chứng khoán của tác giả iTrader như Hình ảnh tại đây – đây là 2 tác giả có am hiểu sâu về thị trường, ngòi bút viết tinh tế, ngôn từ sinh động và đáng xem nhất, mọi người có thể theo dõi hàng ngày mục này trên thời báo VnEconomy, sau một thời gian xem cộng với đối chiếu thị trường, ít nhiều sẽ nắm bắt được nhanh hơn. Đặc biệt nếu bạn là người mới tìm hiểu thì việc xem 2 chuyên gia đánh giá bình luận thị trường hàng ngày trong thời gian đầu sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều để nắm bắt được thị trường. Ví dụ như hình dưới về nội dung:

Trong hình: Đoạn phân tích và Bình luận của tác giả iTrade cho Phiên giao dịch ngày 19/09/2017 trên Trang của VnEconomy, tác giá có cách viết khá tinh tế và cảm nhận thị trường rất tốt (Link gốc ảnh)

—————————————————————

3. Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) – www.hsx.vn

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) có vài mục thông tin quan trọng, tuy nhiên trong vai trò 1 nhà đầu tư thì Mục quan trọng nhất là Mục “Tin về Hoạt động của Tổ chức Niêm yết”

Trong hình: Trang chủ của HOSE, có mục “Tin về Hoạt động của Tổ chức Niêm yết” là thứ cần quan tâm nhất đối với Nhà đầu tư (Link gốc ảnh)

Hàng ngày tất cả các Công ty Niêm yết ở HOSE khi có thông tin gì mới, theo hạn định thời gian đều phải gửi cho HOSE (Chữ ký số qua Email và Bản gốc gửi hôm sau tới), sau khi kiểm tra công văn Công bố thông tin của Công ty Niêm yết thì HOSE sẽ Công bố trên Web của mình, nên có thể coi đây là thông tin gốc được kiểm duyệt tốt nhất. Mặc dù hàng ngày thì CafeF vẫn lấy thông tin từ đây để “xào” bài nhưng chắc chắn sẽ có độ trễ nhất định (Vài tiếng chả hạn). Trong Chứng khoán thì đôi khi vài tiếng lại là thời gian quyết định Mua hay Bán tiếp. Tuy nhiên xét về mặt thời gian, thông tin của HOSE có thể vẫn chậm hơn chính Web của chính Công ty Niêm yết (Họ đăng lên Web họ ngay đồng thời gian Email cho Sở, nhưng Sở mất thời gian kiểm duyệt nên có thể sẽ chậm hơn). Dù không phong phú, có thông tin ngoài lề nhưng thực sự đây vẫn là Kênh thông tin quan trọng với các thông tin chính thống.

—————————————————————

4. Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội – www.hnx.vn

Do ở trên mình đã trình bày HOSE khá kỹ, nên ở HNX mình sẽ trình bày dưới dạng lướt, chỉ lưu ý những điểm khác biệt so với sàn HOSE.

Trong hình: Trang chủ của HNX, có mục “Cổ phiếu, ETF / Cổ phiếu Niêm yết / Thông tin Công bố” là thứ cần quan tâm nhất đối với Nhà đầu tư (Link gốc ảnh)

Khác với Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh chỉ quản lý sàn HOSE, thì Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngoài quản lý HNX, còn cả UPCoM, rồi Thị trường Phái sinh. Tab cần quan tâm nhất là tab “Cổ phiếu, ETF”, dưới đó các Tab con, bạn có thể thử mày mò tham khảo thử. Đặc biệt UPCoM mình hay tìm ở Sở HNX, chứ không qua CafeF, vì bên đó thông tin này khá sơ sài. Tất nhiên là do UPCoM ít người để ý và CafeF là Trang hoạt động nhờ vào quảng cáo nên họ phải làm thế.

—————————————————————

5. Cổng thông tin, Dữ liệu Tài chính – www.CafeF.vn

Do ở trên mình đã giới thiệu sơ qua về CafeF nên ở đây mình sẽ không giới thiệu nữa, cái cần nhấn mạnh ở đây là CafeF cũng là nơi có thể tra cứu cả các mã giống cả 2 Sở Giao dịch Chứng khoán, điểm mạnh hơn ở đây là cách trình bày khá khoa học và mục tra cứu giao dịch thì đặc biệt tốt và rất hữu ích.

– Tin doanh nghiệp: để xem chuyên sâu từng doanh nghiệp, chúng ta làm như sau, ngay khi vào Trang chủ của CafeF, bên phải ở phần tìm kiếm có dấu đỏ, ta đánh mã chứng khoán cần tìm kiếm ở đây tiếp tục ví dụ ACB.

– Thông tin cơ bản: trong đó đáng chú ý là các thông tin cơ bản EPS, P/E, BV (Giá trị sổ sách) và Lịch sử trả cổ tức và chia thưởng. Xin lưu ý rằng, đây chỉ là tra nhanh, tức là với những người đã hiểu hết các chỉ số trên rồi, còn việc phân tích ý nghĩa để hiểu các thông số trên sẽ được viết ở bài sau – Phân tích cơ bản và cách lựa chọn cổ phiếu.

– Tin tức Sư kiện: đây là mục tập hợp tất cả các thông tin về Công ty niêm yết nằm ngay dưới phần Thông tin cơ bản, ở đây là ACB. Ngoài các thông tin đến từ chính HNX về ACB thì còn có các thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau tập hợp tại đây để cho cái nhìn toàn cảnh về Công ty Niêm yết đó. Có thể xem đây là nguồn thông tin rất tốt nếu ai cần xem nhanh 1 nơi tập hợp từ nhiều nơi về. Muốn xem thêm chúng ta có thể bấm vào từ “Sau” hoặc “Xem tất cả” để xem nhiều tin trước đây của ACB cũng như tra cứu GD cổ đông lớn, cổ đông nội bộ (dấu đỏ) hoặc các tiêu chí lọc tin khác (dấu đỏ).

– Hồ sơ Công ty / Thông tin tài chính: ở đây chính là mọi thông tin tài chính của Công ty từ khi lên sàn tới giờ, bao gồm cả ở dạng trình bày trên Website tóm tắt lẫn đầy đủ, và dạng Bản gốc (Phần “Tải BCTC”). Mình cũng rất hay thường qua đây tải Báo cáo tài chính bản gốc xuống, vì Sở giao dịch thỉnh thoảng thay đổi cập nhật website mới là hay bị mất dữ liệu từ thời kỳ đầu thì ở đây vẫn tìm được.

– Khác: Ngoài 03 phần kể trên, thì trong thông tin về ACB của CafeF còn rất nhiều thông tin khác như Tỷ lệ ký quỹ, EPS tương đương, P/E tương đương, Công ty cùng ngành, Báo cáo Phân tích, Kế hoạch kinh doanh năm. Đây cũng là thông tin tham khảo đáng chú ý, mọi người nên tham khảo và tìm tòi thật ở đây, mình sẽ không giới thiệu ở đây, vì cũng có nhiều nơi làm tốt vấn đề này.

– Lịch sử Giao dịch, Thống kê đặt lệnh và Nhà đầu tư nước ngoài: đây là phần cuối cùng và cũng là 01 trong 02 mục quan trọng hữu ích nhất khi tra cứu tại CafeF (bên cạnh Tin tức Sự kiện). Nếu chỉ cần xem tắt thoáng qua thì có thể bấm vào 01 trong 03 chữ “Lịch sử GD” “TK đặt lệnh” “NĐTNN”. Tuy nhiên nên bấm vào “Xem tất cả” để xem toàn bộ bên trong.

– Sau khi bấm vào xem tất cả, ta chọn tab Khớp lệnh theo Lô thì sẽ có màn hình như hiện tại. Có 4 tab đầu tiên là rất đáng xem: Lịch sử giá, Thống kê đặt lệnh, Khớp lệnh theo lô và giao dịch khối ngoại. Ở đây mình xin giới thiệu phần mới nhưng hay và khá quan trọng – Khớp lệnh theo lô. Chúng ta có thể thấy trong phiên giao dịch cuối của năm 28/12/2012 thì ACB đã khớp 641.500 cổ phiếu. Trong đó có thống kê chi tiết các giá khớp ở phần tổng hợp. Riêng ở phần chi tiết, còn thông báo giá khớp đó là giá nào, số lượng bao nhiêu, giờ phút giây chi tiết. Nếu xem quen, chúng ta cũng thu được ít nhiều thông tin, nhất là trong bối cảnh thị trường dao động cao, lệnh lớn xuất hiện liên tục. Ví dụ: vào lúc 14:14:14 ngày 28/12/2012 có 1 lệnh khớp 50.000 cổ phiếu ACB giá 16.400 đ/ cổ phiếu (trị giá 820 triệu đồng). Dễ nhận thấy đây là lệnh do người mua mua thẳng vào người bán, ngay sau đó 29 giây, lại có tiếp 1 lệnh khớp 10.000 cổ phiếu ACB giá 16.500 đ/ cổ phiếu (165 triệu) và cũng như trên, đây là lệnh mua lên. So với khối lượng cả ngày khớp 641.500, thì 2 lệnh cuối cùng đó chỉ trong chưa tới nửa phút là đáng kể, lệnh cũng khá lớn, lại mua lên, điều đó thể xu hướng “chiều lên” của thị trường cũng đang tác động vào chính ACB. Đặc biệt, ai mong muốn đầu cơ, thì việc xem ở đây lại càng có ý nghĩa. Lưu ý rằng, xem phần này được cập nhật từng giây, kể cả giao dịch đang diễn ra trong phiên giao dịch, mọi người có thể F5 nếu muốn thêm dữ liệu mua bán trong giờ giao dịch.

—————————————————————

6. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam –  www.vsd.vn

Hiện nay Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) là đơn vị trực thuộc Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước quản lý toàn bộ hoạt động lưu ký, đăng ký, thực hiện quyền, thanh toán và bù trừ ở Việt Nam (2 Sở Giao dịch Chứng khoán chỉ quản lý vấn đề Giao dịch và Công bố thông tin theo phân quyền). Đặc biệt đối với Nhà đầu tư thì Trung tâm quản lý toàn bộ quá trình thực hiện quyền là rất quan trọng. Ví dụ: khi bạn muốn tra cứu Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank (Mã CK: CTG) mấy năm rồi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ bao nhiêu %, rồi thường Họp đại hội cổ đông thường niên hàng năm vào lúc nào, rồi thời điểm tăng vốn, … thì bạn có thể tìm đến địa chỉ gốc do VSD cung cấp.

Cũng như HOSE hay HNX thì trang của Trung tâm VSD cũng gồm 02 phần chính: là mục “Tin nghiệp vụ” (Tin Hàng ngày) và mục “Tìm kiếm” (Tin Doanh nghiệp – Công ty Niêm yết). Như trên hình trên thì bạn có thể thấy 02 phần đó trong phần gạch đỏ.

– Tin hàng ngày: ở bên trái của website của VSD, trong đó chủ yếu là các tin tức thực hiện Quyền Cổ tức tiền mặt, Quyền Cổ tức Cổ phiếu, Quyền Lấy ý kiến Cổ đông bằng văn bản, Quyền Đại hội cổ đông, Quyền mua phát hành thêm, Giấy chứng nhận đăng ký lần đầu / bổ sung, Cấp mã, … Trong đó đương nhiên là quan trọng nhất là các tin về Quyền về các Cổ phiếu đang niêm yết. Bạn có thể xem nhiều hơn khi kéo xuống dưới màn hình, bấm “xem tiếp” để xem được nhiều hơn.

– Tin Doanh nghiệp: ở bên phải của website của VSD, là mục tìm kiếm, ở đây bạn đang cầm hay quan tâm mã chứng khoán nào đó ví dụ như CTG ở trên thì ta chỉ việc nhập mã đó vào. Khi đó ta có hình sau:

Hình trên là toàn bộ thông tin do VSD quản lý thông tin Quyền đối với cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thường Việt Nam, bao gồm: thông tin chung, thông tin đăng ký CK (Các lần tăng thêm số lượng cổ phiếu để niêm yết) và Mẫu sổ cổ đông (Sổ giấy như ta thường nhìn). Kéo xuống chút ta sẽ có toàn bộ thông tin liên quan tới Quyền của CTG từ khi Niêm yết do VSD quản lý:

—————————————————————

7. Website các Công ty Niêm yết

Theo quy định về Công bố thông tin trong Luật Chứng khoán, thì các Công ty Niêm yết ngoài việc phải gửi cho Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán các tài liệu để công bố thông tin thì Công ty Niêm yết đó cũng đồng thời phải công bố thông tin trên chính Website của mình, và trong nhiều trường hợp mình kiểm tra thì ở 1 số Công ty, thông tin còn nhanh hơn là thông tin công bố ra trên Sở, vì việc gửi lên Sở vẫn có 1 độ trễ nhất định so với việc tự đăng thông tin lên web mình ngay. Vì vậy đây là 1 nguồn thông tin rất quan trọng. Định kỳ Sở và Ủy ban đều có kiểm tra xem là Công ty có tuân thủ việc công bố thông tin này hay không? Nếu vi phạm, sẽ có những chế tài áp dụng xử lí phù hợp. Chúng ta có thể đến thử ví dụ với mã chứng khoán VIC của Công ty CP Tập đoàn VinGroup (VinGroup hay tên cũ là Vincom của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng) như hình:

Qua công cụ tìm kiếm Google thì căn cứ vào tên của Công ty, ta đã tìm được website như trên hình và sau khi vào thì có trang chủ của VIC như hình tại đây. Khi vào bất kỳ 1 trang Website nào của Công ty Niêm yết thì theo quy định bao giờ cũng có 1 tab riêng có liên quan tới việc Công bố thông tin và thường là mục “Quan hệ cổ đông”, “Nhà đầu tư”, … hay các cụm từ tương tự. Ta có hình ảnh dưới đây:

Như trên hình ta có thể thấy VIC công bố và phân loại thông tin họ cần công bố khá rõ ràng, đầy đủ, qua đó giúp tạo điều kiện giúp các nhà đầu tư tìm kiếm được thông tin để tìm hiểu về Công ty một cách rõ hơn (Minh bạch cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá cân nhắc nên đầu tư hay không). Bạn có thể xem thử chi tiết một tin trong hình trên như tại đây. Bạn có thể thử với các Công ty Niêm yết khác cũng với cách kể trên để tìm hiểu về một Công ty mà bạn đang quan tâm cân nhắc đầu tư.

—————————————————————

8. Khác

Ngoài nguồn thông tin chính kể trên, thì khi nghiên cứu về 1 thông tin gì đó hay 1 ngành hay 1 Công ty cụ thể thì bạn có thể tìm hiểu thêm các nguồn khác như:

– Truyền thông: tương tự như CafeF nhưng kém hơn là Vietstock (www.vietstock.vn), Cophieu68 (www.cophieu68.vn), … .

– Cơ quan Quản lý – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) – www.ssc.gov.vn.

– Các Hiệp hội nghành nghề, cơ quan quản lý chuyên ngành, … .

– Trên đây là các trình bày giúp mọi người có thể có cách để tra cứu và tìm các thông hữu ích trong quá trình tìm hiểu và đầu tư về chứng khoán. Do là trình bày từ một phía nên mình cũng chỉ tóm tắt được các nội dung chính yếu nhất. Nếu bạn nào còn thắc mắc thêm, hay hỏi thêm các phần khác nữa, có thể liên lạc lại với mình để trao đổi theo thông tin ở bên phải trên đầu trang web.

Trong ảnh Lượt xem của Top 9 Trang Thông tin Chứng khoán hàng đầu và Top 10 Công ty Chứng khoán có Thị phần lớn nhất – Tháng 9/2018 (Nguồn: Similarweb) (Link gốc ảnh)

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

Xem Thông tin Cổ tức Ở đâu? Lịch trình Chi Trả Cổ tức

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

Các bước Tìm hiểu về Chứng khoán
Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Cập nhật bổ sung Tháng 12/2015)