Cách Khớp lệnh Phiên Định kỳ Chứng khoán

Giới thiệu

Bài viết này giới thiệu về Phiên Khớp lệnh Định kỳ và Lệnh ATO / ATC trong Phiên này. Bài viết này Hỗ trợ cho Bài viết Cách xem Bảng giá Chứng khoán và Bài viết Các loại Lệnh Đặt trong Chứng khoán – LO ATO ATC MP MTL MOK MAK PLO. Ngoài ra, chủ đề này cũng là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Giới thiệu về Phiên Khớp lệnh Định kỳ Chứng khoán và Lệnh ATO / ATC.
+ Ví dụ Thực tế về Phiên Khớp lệnh Định kỳ.
+ Một số Lưu ý Đặc biệt khác.
+ Ví dụ Thực tế về Phiên Khớp lệnh Định kỳ (Thêm Lệnh Bán / Thêm Lệnh Mua).

—————————————————————

Giới thiệu về Phiên Giao dịch Định kỳ Chứng khoán và Lệnh ATO / ATC

– Nếu như mới xem Bảng giá Chứng khoán vào lúc mở cửa đầu ngày, ngoài các giá cụ thể con số bạn thấy như 15.55 hay 67.2 thì bạn sẽ thấy có thể cả các ký tự lạ như ATO (Hay ATC ở cuối ngày). Vậy ATO (Hay lệnh ATO) ở đây có nghĩa là gì? Bài viết dưới đây sẽ trình bày Phiên Giao dịch Định kỳ có các lệnh này.

Ví dụ Phiên Khớp lệnh Định kỳ Mở cửa sàn HOSE ngày 24/01/2017 với các lệnh như phía trên, trong đó có Lệnh ATO (Link gốc ảnh)

– Bài viết này là bài viết bổ sung cho bài viết Cách xem Bảng giá Chứng khoán Online và nếu bạn chưa xem thì có thể xem trước hoặc cùng bài viết kia. Do có khá nhiều bạn hỏi về cách thức khớp lệnh trong phiên giao dịch định kỳ tại Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) (lệnh ATO Phiên 1 – Phiên mở cửa 9h00 – 9h15 và Lệnh ATC Phiên 3 – Phiên đóng cửa 14h30 – 14h45), đồng thời do ví dụ của HOSE khá đặc biệt nên hơi trừu tượng khó hiểu. Nên mình xin mô phỏng lại dựa trên thực tế khớp lệnh tại phiên 3 của Cổ phiếu Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (mã chứng khoán là PET) trong phiên giao dịch ngày 07/03/2013. Thông tin bổ sung thêm là bắt đầu từ phiên giao dịch ngày 29/07/2013 thì cùng với việc nới rộng thời gian giao dịch thì Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng thực hiện triển khai thêm phiên đóng cửa – Phiên 2 14h30 – 14h45 với lệnh rất quen thuộc là lệnh ATC của sàn HOSE. Việc đồng nhất ở phiên 3 này là 1 bước chuẩn bị cho việc sáp nhập 2 Sở Giao dịch Chứng khoán của Việt Nam thành 1 nhằm tăng quy mô tạo sự thống nhất cũng như tăng tính cạnh tranh với các Sở giao dịch Chứng khoán các quốc gia khác trong khu vực.

– Một số khái niệm và đặc điểm Phiên này:

Phiên Khớp lệnh Định kỳ khác Phiên Khớp lệnh Liên tục ở chỗ nào: Như đã biết ở trên thì thời gian giao dịch 1 ngày thì Phiên Liên tục luôn chiếm thời gian chính còn Phiên Định kỳ thì khá ít thời gian (15 phút đầu tiên và 15 phút cuối cùng). Trong Phiên Liên tục thì bạn cứ nhìn thấy Giá bên bán giả dụ đang bán 101 như mã MWG (Thế giới Di Động) thì chỉ việc nhập mua cái là mua được ngay lập tức hay thời gian thực. Tuy nhiên trong Phiên Định kỳ thì bạn không thể mua bán ngay được. Giả sử bạn đang vào xem Bảng giá Chứng khoán vào lúc 14h41 phút thứ 2 trong tuần tức là lúc này đang ở Phiên Định kỳ Đóng cửa, bạn nhập 1 lệnh mua cao nhằm mục đích mua được ngay nhưng sẽ không khớp, mà phải đúng đến phút cuối cùng của Phiên này 14h45 thì hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán mới ghép mua thành công. Tức là việc khớp lệnh của Phiên này giống như là Đấu thầu bên Xây dựng, các bên có thể nộp đơn chào thầu các ngày khác nhau nhưng đúng ngày cuối mới công bố ai là người trúng thầu. Bạn có thể đặt lúc 14h32, bạn khác đặt 14h38, rồi một bạn khác nữa đặt 14h43 nhưng rồi tất cả đều phải khớp lệnh vào lúc 14h45. Đó chính là tính chất của Phiên Định kỳ (15 phút đầu giờ gọi là Phiên Định kỳ Mở cửa và 15 phút cuối gọi là Phiên Định kỳ Đóng cửa).

Trong hình: Bảng phân bố Thời gian mới các Phiên Khớp lệnh Liên tục, Định kỳ, Sau giờ và Nghỉ trưa / Hết giờ (Link gốc ảnh)

Lệnh ATO / ATC: được xem là lệnh mua hoặc bán bằng mọi giá trong phiên khớp lệnh định kỳ, trong đó ATO cho phiên mở cửa (Phiên 1), là viết tắt của chữ At-The-Opening order hay dịch về tiếng Việt là Lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa và ATC là cho phiên đóng cửa (Phiên 3), là viết tắt của chữ At-The-Closing order hay dịch về tiếng Việt là Lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa. Về bản chất lệnh mua ATO/ATC giống như lệnh mua trần nhưng còn được ưu tiên xếp trước khi khớp lệnh, và lệnh bán ATO/ATC giống như lệnh bán sàn nhưng còn được ưu tiên xếp trước khi khớp lệnh. Mục đích của việc đưa ra lệnh ATO/ATC nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường (Công nghệ của Thái Lan), nguyên tắc khớp lệnh trong phiên định kỳ là 02 bên mua bán cùng đưa ra các lệnh mua bán sau 15 phút thì HOSE sẽ “mở bát” tương tự như đấu thầu / đấu giá, chứ không phải đưa ra lệnh khớp ngay lập tức như Phiên 2 – Phiên khớp lệnh liên tục, Giá Khớp lệnh Phiên định kỳ là giá đảm bảo nguyên tắc khối lượng khớp gặp nhau mua bán là lớn nhất. Khi Giá thị trường giảm thì người mua hay Tổng cầu sẽ nhiều lên vì ai cũng thích mua rẻ hơn nhưng người bán lại ít đi (không ai thích bán rẻ) và ngược lại khi Giá thị trường tăng thì người mua hay Tổng cầu sẽ ít đi vì chả ai thích mua đắt hơn nhưng người bán lại nhiều lên. Như vậy tồn tại 1 mức giá ở đâu đó ở giữa mà 2 bên mua bán cung cầu gặp nhau là nhiều nhất. Đó chính là nguyên tắc khớp lệnh của Phiên này.

Trong ảnh là Ví dụ bên Web của HSC. Ta có thể thấy đặt lệnh ATO / ATC khá đơn giản. Thay vì ghi giá cụ thể như Lệnh thường thì chỉ việc chỉ thẳng 3 chữ ATO hoặc ATC (Link gốc ảnh)

Tính duy nhất 1 giá: Trong cả Phiên Định kỳ mở cửa/ đóng cửa chỉ khớp duy nhất 1 giá, ngay cả khi bạn đặt mua giá trần 14.7 hay đặt lệnh mua ATO/ATC nhưng cuối cùng khi lệnh với giá 13.9 thì lệnh mua khớp thật vẫn phải là 13.9 (và ngược lại bán thấp hơn bán giá sàn 12.9 hay ATO/ATC thì vẫn khớp lệnh giá 13.9), việc đặt mua trần, bán sàn hay ATO/ATC chỉ là làm tăng tính ưu tiên trong quá trình ghép lệnh tại HOSE, còn giá khớp chỉ có 1 giá trong phiên đó (Ở đây trong ví dụ dưới là 13.9). Đặt lệnh mua 14.3 tức là tối đa là bạn chấp nhập mua tới giá 14.3, còn thấp hơn thì càng tốt.

Thứ tự ưu tiên khi khớp lệnh: là giá là ưu tiên lớn nhất, tiếp đến là ưu tiên về thời gian (đặt sớm hơn và cùng giá thì sẽ được ưu tiên khớp trước). Như ví dụ bên dưới thì người đặt mua (M3) đặt giá 14 (hết giờ khớp 13.9) với khối lượng 1.000 cổ phiếu dù đặt trước về mặt thời gian nhưng khi so khớp để lấy giá vẫn xếp sau người đặt mua (M2) ở giá 14.1 với khối lượng là 6.000 (lưu ý lại lần nữa là dù đặt 14 hay 14.1 thì vẫn chỉ khớp với giá 13.9 và chi phí bỏ ra mua với người mua M1 là 13.900.000 đồng (1.000 x 13.900) và người mua M2 83.400.000 đồng (6.000 x 13.900) (Ở đây mình tạm chưa tính yếu phí giao dịch vào đây, vì mỗi công ty chứng khoán có 1 biểu phí khác nhau, cũng như từng loại đối tượng khách hàng).

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Giới thiệu về Phiên Giao dịch Định kỳ Chứng khoán và Lệnh ATO / ATC” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Ví dụ thực tế về Phiên Giao dịch Định kỳ

Giá tham chiếu của cổ phiếu PET trong ngày 07/03/2013 là: 13.8 (hay 13.800 đồng/ cổ phiếu), nên với biên độ 7% thì giá trần của PET là 14.7 và giá sàn là 12.9. Vào đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (Phiên 3 có giá ATC), có các lệnh mua và bán mô phỏng như sau:

Trong ảnh là Ví dụ các Lệnh đặt Mua Bán của PET trong Phiên Khớp lệnh Định kỳ Đóng cửa – Ngày 07/03/2013 (Link gốc ảnh)

Trong đó: M1 là ký hiệu thêm của người mua số 1, M2 là ký hiệu thêm của người mua số số 2, … B1 là ký hiệu thêm của người bán số 1, B2 là ký hiệu thêm của người mua số 2, …

Nguyên tắc khớp lệnh cơ bản phiên định kỳ là: 02 bên Mua Bán (Tức Tổng Cầu và Tổng Cung) gặp nhau nhiều nhất thì Giá khớp lệnh chính là nằm ở đó.

Như vậy, giả sử khi hết giờ, có các lệnh sau được đưa vào hệ thống của HOSE, khi đó hệ thống sẽ được tính toán khớp lệnh như sau (Ở đây mình trình bày tiết tất cả các mức giá theo thứ tự ưu tiên mua thì từ giá cao xuống thấp và bán thì từ giá thấp lên giá cao và bạn cũng có thể xem rõ hơn tại Ví dụ Khớp lệnh Định kỳ tại HOSE – Bản Excel):

Trong ảnh là Ví dụ các Lệnh đặt Mua Bán của PET trong Phiên Khớp lệnh Định kỳ Đóng cửa – Ngày 07/03/2013 (Link gốc ảnh)

Mình xin giải thích nhắc lại một vài điểm quan trọng trong bảng trên:

– Lệnh Giới hạn LO (Limited Order): là lệnh phổ biến nhất trên thị trường chiếm 95%, chính là các lệnh ghi số bình thường trên bảng mà bạn đang thấy. Tính giới hạn của lệnh này được thể hiện ở điểm: ví dụ khi bạn đặt mua 14.1 thì nếu có giá thấp hơn đối với lệnh này như giá 13.9 thì càng tốt, khi đó lệnh sẽ khớp với giá 13.9. Còn 14.1 chỉ là thể hiện tối đa cao nhất mình mua giá đó, nếu thị trường khớp giá 14.2 thì mình coi như k mua được và được hoàn tiền về sau khi hết giờ trong ngày. Việc này giống như việc bạn muốn mua chiếc iPhone mới sau khi chiếc điện thoại cũ của bạn bị hỏng, nhớ lại 2 tuần trước thấy đứa bạn thân nó mới mua chiế iPhone mới nhất. Bạn bắt máy gọi điện hỏi giá thì bạn của bạn kêu: “Cái này mới ra và tớ mua giá 19,5 triệu đồng”. Như vậy hành động hỏi tham khảo giá như vậy tương tự như “Giá tham chiếu” trên bảng giá chứng khoán bạn vẫn thấy, và bạn quyết định mang đủ tròn 20 triệu đồng đi. Như vậy hành động mang 20 triệu đồng đi thể hiện tối đa 20 triệu đồng bạn sẽ mua trong lần tới này, còn tất nhiên khi đến chủ cửa hàng đó bảo … 19,2 triệu đồng / chiếc iPhone. Thế thì đương nhiên mình thanh toán 19,2 triệu đồng, chứ không ai lại đưa cả 20 triệu đồng. Đó chính là tính chất của lệnh trong chứng khoán và đây là điểm rất quan trọng trong chứng khoán.

– Cột “Cộng dồn khối lượng mua”:
+ Tại mức giá 14.7 bên mua (Giá trần – Giá cao nhất): chỉ có duy nhất giá mua ATO khối lượng 10K của người mua M1 sẵn sàng chấp nhận giá mua này.
+ Tại mức giá 14.6 đến 14.2 bên mua: cũng chỉ có duy nhất giá mua ATO khối lượng 10K của người mua M1 sẵn sàng chấp nhận giá mua này.
+ Tại mức giá 14.1 bên mua: lúc này ngoài người mua M1 giá nào cũng mua thì có người mua thứ 2 cũng chấp nhận mua là chính người đặt đúng tại mức giá mua 14.1 – Người mua M2 với khối lượng 6K. Cộng dồn khối lượng mua hay Tổng cầu tại mức giá 14.1 là: 10K (M1) + 6K (M2) = 16K.
+ Tại mức giá 14.0 bên mua: lúc này ngoài người mua M1 (ATO) và người mua M2 (14.1) với giá 14.1 chấp nhận mua thì giá 14.0 thấp hơn đương nhiên cũng chấp nhận mua. Ta có thêm người mua thứ 3 cũng chấp nhận mua và chính là người đặt đúng tại mức giá mua 14.0 – Người mua M3 với khối lượng 1K. Cộng dồn khối lượng mua hay Tổng cầu tại mức giá 14.0 là: 10K (M1) + 6K (M2) + 1K (M3) = 17K.
+ Tại mức giá 13.9 bên mua: lúc này ngoài người mua M1 (ATO), người mua M2 (14.1) và người mua M3 (14.0) với giá 14.0 chấp nhận mua thì giá 13.9 thấp hơn đương nhiên cũng chấp nhận mua. Ta có thêm người mua thứ 4 cũng chấp nhận mua và chính là người đặt đúng tại mức giá mua 13.9 – Người mua M4 với khối lượng 5K. Cộng dồn khối lượng mua hay Tổng cầu tại mức giá 13.9 là: 10K (M1) + 6K (M2) + 1K (M3) + 5K (M4) = 22K.
+ Tại mức giá 13.8 bên mua: lúc này ngoài người mua M1 (ATO), người mua M2 (14.1), người mua M3 (14.0) và người mua M4 (13.9) với giá 13.9 chấp nhận mua thì giá 13.8 thấp hơn đương nhiên cũng chấp nhận mua. Ta có thêm người mua thứ 5 cũng chấp nhận mua và chính là người đặt đúng tại mức giá mua 13.8 – Người mua M5 với khối lượng 8K. Cộng dồn khối lượng mua hay Tổng cầu tại mức giá 13.8 là: 10K (M1) + 6K (M2) + 1K (M3) + 5K (M4) + 8K (M5) = 30K.
+ Tại mức giá 13.7 bên mua: lúc này ngoài người mua M1 (ATO), người mua M2 (14.1), người mua M3 (14.0), người mua M4 (13.9) và người mua M5 (13.8) với giá 13.8 chấp nhận mua thì giá 13.7 thấp hơn đương nhiên cũng chấp nhận mua. Ta có thêm người mua thứ 6 cũng chấp nhận mua và chính là người đặt đúng tại mức giá mua 13.7 – Người mua M6 với khối lượng 7K. Cộng dồn khối lượng mua hay Tổng cầu tại mức giá 13.7 là: 10K (M1) + 6K (M2) + 1K (M3) + 5K (M4) + 8K (M5) + 7K (M6) = 37K.
+ Tại mức giá 13.6 đến 12.9 bên mua (Giá sàn – Giá thấp nhất): do không có thêm người nào đặt mua giá thấp hơn nên Tổng khối lượng mua vẫn là 37K cho tất cả các mức giá này.

– Cột “Tổng cầu”: chính là tổng khối lượng cộng dồn mua tại từng mức giá từ 12.9 lên 14.7. Ta có thể dễ dàng thấy trên bảng trên.

– Cột “Cộng dồn khối lượng bán”:
+ Tại mức giá 12.9 bên bán (Giá sàn – Giá thấp nhất): chỉ có duy nhất giá bán ATO khối lượng 5K của người bán B1 sẵn sàng chấp nhận giá bán này.
+ Tại mức giá 13.0 đến 13.5 bên bán: cũng chỉ có duy nhất giá bán ATO khối lượng 5K của người bán B1 sẵn sàng chấp nhận giá bán này.
+ Tại mức giá 13.6 bên bán: lúc này ngoài người bán B1 giá nào cũng bán thì có người bán thứ 2 cũng chấp nhận bán là chính người đặt đúng tại mức giá bán 13.6 – Người mua B2 với khối lượng 5K. Cộng dồn khối lượng bán hay Tổng cung tại mức giá 13.6 là: 5K (B1) + 5K (B2) = 10K.
+ Tại mức giá 13.7 bên bán: lúc này ngoài người bán B1 (ATO) và người bán B2 (13.6) với giá 13.6 chấp nhận bán thì giá 13.7 cao hơn đương nhiên cũng chấp nhận bán. Ta có thêm người bán thứ 3 cũng chấp nhận bán và chính là người đặt đúng tại mức giá bán 13.7 – Người bán B3 với khối lượng 2K. Cộng dồn khối lượng bán hay Tổng cung tại mức giá 13.7 là: 5K (B1) + 5K (B2) + 2K (B3) = 12K.
+ Tại mức giá 13.8 bên bán: lúc này ngoài người bán B1 (ATO), người bán B2 (13.6) và người bán B3 (13.7) với giá 13.7 chấp nhận bán thì giá 13.8 cao hơn đương nhiên cũng chấp nhận bán. Ta có thêm người bán thứ 4 cũng chấp nhận bán và chính là người đặt đúng tại mức giá bán 13.8 – Người bán B4 với khối lượng 4K. Cộng dồn khối lượng bán hay Tổng cung tại mức giá 13.8 là: 5K (B1) + 5K (B2) + 2K (B3) + 4K (B4) = 16K.
+ Tại mức giá 13.9 bên bán: lúc này ngoài người bán B1 (ATO), người bán B2 (13.6), người bán B3 (13.7) và người bán B4 (13.8) với giá 13.8 chấp nhận bán thì giá 13.9 cao hơn đương nhiên cũng chấp nhận bán. Ta có thêm người bán thứ 5 cũng chấp nhận bán và chính là người đặt đúng tại mức giá bán 13.9 – Người bán B5 với khối lượng 9K. Cộng dồn khối lượng bán hay Tổng cung tại mức giá 13.9 là: 5K (B1) + 5K (B2) + 2K (B3) + 4K (B4) + 9K (B5) = 25K.
+ Tại mức giá 14.0 bên bán: lúc này ngoài người bán B1 (ATO), người bán B2 (13.6), người bán B3 (13.7), người bán B4 (13.8) và người bán B5 (13.9) với giá 13.9 chấp nhận mua thì giá 14.0 cao hơn đương nhiên cũng chấp nhận bán. Ta có thêm người bán thứ 6 cũng chấp nhận bán và chính là người đặt đúng tại mức giá bán 14.0 – Người mua B6 với khối lượng 20K. Cộng dồn khối lượng bán hay Tổng cung tại mức giá 14.0 là: 5K (B1) + 5K (B2) + 2K (B3) + 4K (B4) + 9K (B5) + 20K (B6) = 45K.
+ Tại mức giá 14.1 đến 14.7 bên bán (Giá trần – Giá cao nhất): do không có thêm người nào đặt bán giá cao hơn nên Tổng khối lượng bán vẫn là 45K cho tất cả các mức giá này.

– Cột “Tổng cung”: chính là tổng khối lượng cộng dồn bán tại từng mức giá từ 12.9 lên 14.7. Ta có thể dễ dàng thấy trên bảng trên.

Phiên Định kỳ Rút gọn lại (Link gốc ảnh)

Mình chụp lại hình và rút gọn lại bằng việc bỏ đi 4 Cột: 2 Cột Cộng dồn Khối lượng Mua – Bán, 2 Cột Người đặt Mua – Bán. Ta dễ dàng thấy vài đặc điểm sau:

+ Cột “Tổng cầu”: khi giá càng giảm thì cầu càng tăng lên (vì ai cũng thích mua rẻ) và ngược lại.

+ Cột “Tổng cung”: khi giá càng giảm thì cung càng ít đi (vì chả ai cũng thích bán rẻ) và ngược lại.

+ Quy luật Cung Cầu trên Thị trường Chứng khoán: khi giá tăng lên thì cầu ít đi và cung nhiều lên, còn khi giá giảm xuống thì cầu lại nhiều lên và cung lại ít đi. Như vậy tồn tại ở giữa 1 giá ở đâu đó khiến cho 2 bên Cung – Cầu gặp nhau nhiều nhất và đó chính là Giá thị trường tại Phiên Định kỳ này. Ở đây ta dễ dàng thấy được tại mức giá 13.9 thì Tổng cầu là 22K, còn Tổng cung là 25K nên gặp nhau nhiều nhất là 22K (Như hình) và sau phiên vẫn còn dư 3K bên bán không bán được.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Ví dụ thực tế về Phiên Giao dịch Định kỳ” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Một số lưu ý đặc biệt khác

– Do để đơn giản hóa nên trong ví dụ trên mỗi mức giá mình để 1 người mua hoặc 1 người bán, tuy nhiên trong thực tế, mỗi mức giá sẽ gồm rất nhiều người mua bán, cho nên người nào đặt bán sau cùng (3K sau cùng về mặt thời gian) sẽ bị rớt lại không khớp được (Do bằng giá nên ưu tiên về mặt thời gian đặt lệnh).

– Trong trường hợp đặc biệt hơn là có tới từ 2 mức giá trở lên thỏa mãn điều kiện khối lượng khớp cung cầu là lớn nhất và lại bằng nhau thì khi đó với phiên 3 (đóng cửa/ATC), mức giá được chọn khớp lệnh là mức giá trùng hoặc gần với giá khớp lệnh gần nhất, thường là lệnh cuối cùng trong phiên 2 (Phiên khớp lệnh liên tục), còn với phiên 1 thì trùng hoặc gần với giá tham chiếu nhất sẽ được lựa chọn, trường hợp đặc biệt hơn trong phiên 1 này là mức chênh lệch lúc này so với tham chiếu cũng bằng nhau chả hạn cách tham chiếu 0.2 lúc này là 13.6 và 14 thì khi đang ghép lệnh trong 15 phút đầu giờ phiên mở cửa, giá dự kiến ghép ban đầu đang 14, lúc sau có thêm 1 số lệnh bán xuống, khiến cho mức giá 13.6 cũng có khối lượng thực khớp ngang với giá 14, thì khi đó giá 14 sẽ là giá khớp lệnh (ưu tiên thời gian).

– Vẫn có 1 số bạn thắc mắc 1 chút là tại sao ATO, ATC thì giá mặc định mua / bán là trần / sàn rùi thì sao lại có mức giá (Giá khớp) ở đây nhỉ? Mình xin giải thích rõ hơn là khi bạn ra quyết định đặt mua ATO chả hạn thì có nghĩa là bạn muốn thể hiện ý muốn mua bằng được, kể cả là giá khớp cuối cùng là giá trần, vì mua ATO được ưu tiên khớp trên cả mua giá trần mà, tuy nhiên đó là trong ưu tiên, còn khi khớp thực tế, chúng ta chỉ khớp thực tế theo giá khớp mà thôi, trong ví dụ trên nếu ta thấy người mua M1 có đặt mua 10K giá ATO, tức là họ sẵn sàng mua kể cả giá là 14.7 nhưng thực tế chỉ khớp là giá 13.9 và chi phí thanh toán đặt mua thực tế cuối cùng của họ sẽ chỉ là 13.900 (13.9) x 10.000 (10K) = 139.000.000 đồng, không phải 147 triệu đồng, tất nhiên khi ra lệnh như thế số tiền trong tài khoản của họ ít nhất phải có 147.000.000 đồng thì mới ra được lệnh mua ATO có thể bị chi phí cao nhất là mua giá trần 14.7. Về phía bán cũng thế, đặt bán ATO nhưng chưa nhất định phải khớp giá sàn 12.9, mà lại là giá khớp 13.9. Hay kể cả là không phải là lệnh ATO ATC đi nữa, ví dụ người mua M2 đặt mua 6K giá 14.1 thì không có nghĩa là họ nhất sẽ chỉ được mua giá đó, mà đó là giá cao nhất họ chấp nhận có thể mua, họ có thể mua giá 14.1 hay 14 hay 13.9 hay 13.8 … 12.9 , ví dụ thực tế khớp 13.9 thì có nghĩa giá khớp thực của họ là 13.9 và chi phí mua 6K này sẽ là 13.900 (13.9) x 6.0000 (6K) = 83.400.000 đồng (Bán cũng ngược lại như vậy).

—————————————————————

Khớp lệnh vẫn ví dụ trên – Phiên Giao dịch Định kỳ nhưng có thêm 1 lệnh bán

– Giả sử vẫn có các lệnh như ở trên, tuy nhiên bên bán giờ có thêm người bán thứ 7 với giá 13.7 và Khối lượng bán 10K. Lúc này ta có các lệnh mua và bán mô phỏng như sau:

Các Lệnh Mua bán với ví dụ thêm Lệnh bán (Link gốc ảnh)

Khi đó Hệ thống sẽ tính toán khớp lệnh như sau: (Bạn có thể xem rõ hơn tại Ví dụ Khớp lệnh Định kỳ tại HOSE – Bản Excel (Thêm lệnh bán)):

Vẫn Ví dụ Phiên Giao dịch Định kỳ mã PET tại sàn HOSE ngày 07/03/2013 nhưng có thêm lệnh bán (Link gốc ảnh)

Ta có thể dễ dàng thấy rằng do tăng lượng bán giá thấp (Người bán 7 bán giá 13.7 Khối lượng 10K) nên Giá Khớp lệnh đã bị rơi xuống từ 13.9 còn 13.8. Khối lượng khớp lệnh cao nhất lúc này là 26K (Thay vì 22K như trường hợp gốc).

—————————————————————

Khớp lệnh vẫn ví dụ trên – Phiên Giao dịch Định kỳ nhưng có thêm 1 lệnh mua

– Giả sử vẫn có các lệnh gốc như ở trên cùng, tuy nhiên bên mua giờ có thêm người mua thứ 7 với giá 14.1 và Khối lượng mua 10K. Lúc này ta có các lệnh mua và bán mô phỏng như sau:

Các Lệnh Mua bán với ví dụ thêm Lệnh mua (Link gốc ảnh)

Khi đó Hệ thống sẽ tính toán khớp lệnh như sau: (Bạn có thể xem rõ hơn tại Ví dụ Khớp lệnh Định kỳ tại HOSE – Bản Excel (Thêm lệnh mua)):

Vẫn Ví dụ Phiên Giao dịch Định kỳ mã PET tại sàn HOSE ngày 07/03/2013 nhưng có thêm lệnh mua (Link gốc ảnh)

Ta có thể dễ dàng thấy rằng do tăng lượng mua giá cao (Người mua 7 mua giá 14.1 Khối lượng 10K) nên Giá Khớp lệnh đã bị tăng lên từ 13.9 lên 14.0. Khối lượng khớp lệnh cao nhất lúc này là 27K (Thay vì 22K như trường hợp gốc).

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

Cách xem Bảng giá Chứng khoán Online
Giá Tham chiếu và Cách tính
Các loại Lệnh Đặt trong Chứng khoán – LO ATO ATC MP MTL MOK MAK PLO
Biên độ dao động và Giá trần sàn

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 3/2013 – Bổ sung cho Bài viết Cách xem Bảng giá Chứng khoán Online)