Cách tính Chỉ số VN-Index và Chỉ số HNX-Index

Giới thiệu

Bài viết này Giới thiệu về Chỉ số Giá Thị trường (Index), Sự cần thiết phải có cũng như Cách tính Chỉ số giá Thị trường Index và Ứng dụng ở Việt Nam thông qua 3 Chỉ số chính VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index. Ngoài ra còn Mở rộng ra cả Chỉ số phụ phổ biến là Chỉ số VN30 và Chỉ số HNX30. Ngoài ra, chủ đề này cũng là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Giới thiệu chung về Chỉ số Giá Thị trường (Index).
+ Cách tính Chỉ số Giá thị trường Index.
+ VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index của Thị trường Chứng khoán Việt Nam.

+ Xem tiếp – Chỉ số VN30, HNX30 là gì và Điều kiện vào Chỉ số (Phần 1).

—————————————————————

Giới thiệu chung về Chỉ số Giá Thị trường (Index)

Từ rất lâu rồi chúng ta luôn thấy trên Báo đài, Tivi hay nhắc tới các Chỉ số Giá thị trường Index như VN-Index hay HNX-Index (Hoặc quốc tế thì sẽ là Chỉ số Công nghiệp Dow Jones hoặc Nasdaq, …) tăng bao nhiêu điểm bao nhiêu phần trăm. Vậy thì những chỉ số thị trường như vậy là gì và có ý nghĩa như thế nào tới việc đầu tư và đánh giá thị trường chứng khoán???

Quay trở lại một vấn đề khác có liên quan, giả sử bạn đang nắm giữ trong danh mục 3 cổ phiếu hàng đầu là VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk và VIC của Công ty CP Tập đoàn VinGroup. Và vì một lí do nào đó bạn đang bận phải đi công tác ở xa, không theo dõi được diễn biến thị trường. Bạn có điện thoại cho nhà môi giới Quản lý tài khoản của mình với câu hỏi: “Hôm nay 03 cổ phiếu của mình thế nào bạn ơi? …” Và tất nhiên bạn sẽ được thông báo lại về giá cổ phiếu, tình hình giao dịch từ đầu giờ sáng tới giờ và dự kiến. Ngoài ra thì bạn sẽ được nhà môi giới thông báo thêm là: “Tình hình thị trường hôm nay đang tăng / giảm … thế này thế kia … vì thế này thế kia”.

Trong ảnh: Các Chỉ số Thị trường Chứng khoán Quốc tế chính trên Thế giới như Mỹ Anh, Nhật, … tại Trang Bloomberg (Link gốc ảnh)

Tới đây chúng ta sẽ thấy là nhà môi giới kia làm sao có thể nói là thị trường đang tăng hay đang giảm được. Không thể nào ngồi đi đọc cụ thể mấy trăm mã cho khách mình nghe được, và cũng càng không thể nào đọc vì số lượng mã chứng khoán tăng hôm nay nhiều hơn nên thị trường đang tăng, như thế là không đúng bởi vì quy mô các cổ phiếu là rất khác nhau (như VIC – VinGroup vốn điều lệ 14.587 tỉ đồng, giá 52 so với DRH – DreamHouse vốn điều lệ 184 tỉ đồng, giá 6.6).

Như vậy chúng ta có thể hình dung nôm na là Chỉ số Giá Thị trường Index ra đời để giải quyết vấn đề quan trọng là tổng hợp Giá các chứng khoán trên toàn thị trường đang tăng hay là đang giảm, để ít nhiều công chúng đầu tư nắm được xu hướng chung, vì bản thân xu hướng chung cũng ảnh hưởng tới chính các cổ phiếu mà bạn đang nắm giữ hay quan tâm. Khi thị trường chung đang tăng thì hầu hết các cổ phiếu đều tăng, tất nhiên là mức tăng khác nhau vì nội tại mỗi cổ phiếu cũng luôn khác nhau, như thế dù cổ phiếu của bạn là hạng kém nhưng vào thị trường tốt lên điểm mạnh thì vẫn lên giá là rất bình thường. Và ngược lại. Đi sâu hơn ngày nay các nhà tổ chức thị trường còn xây dựng thêm nhiều bộ chỉ số mới, chuyên cho từng nhóm ngành, từng lĩnh vực, … để có cái nhìn tổng quan tốt hơn. Và cũng để lí giải tốt hơn là tại sao khi một mã lên thì sang các mã khác cùng ngành cũng lên mạnh mẽ (Ví dụ dòng Dầu khí từ tháng 7 – 9/2014 như tại đây).

Trong ảnh: Đợt lên giá mạnh mẽ kéo thị trường lên của các Cổ phiếu thuộc ngành Dầu khí trong năm 2014 (Link gốc ảnh)

—————————————————————

Cách tính Chỉ số Giá thị trường Index

Như đã trình bày ở trên, Chỉ số Giá thị trường Index chính là Tổng hợp Giá cổ phiếu toàn Thị trường đang Niêm yết. Ở Việt Nam chúng ta hiện nay đang có 3 chỉ số chính là VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index để đại diện cho 3 sàn. Trước khi vào cách tính chỉ số giá cụ thể từng sàn, thì mình xin nếu một ví dụ giản đơn nhỏ để mô phỏng cho chỉ số mà không làm mất Tính Tổng quát của Vấn đề:

– Giả sử Thị trường Chứng khoán khi lập sàn chỉ gồm 3 cổ phiếu A, B và C với các thông tin cơ bản tại đây hoặc như hình:

Trong ảnh: Phiên giao dịch giả sử đầu tiên của Thị trường Chứng khoán với 03 mã cổ phiếu là A, B và C (Link gốc ảnh)

Một số khái niệm chung liên quan:

+ Điểm số Index: khi lập Thị trường Chứng khoán ngày đầu tiên, kết quả cuối cùng của phiên đó sẽ được gọi là phiên gốc. Tùy vào mỗi thị trường mỗi quốc gia, thì cách lấy điểm gốc sẽ hơi khác nhau một chút, ví dụ như ở Việt Nam thì cả 3 sàn đều lấy gốc là 100 điểm. Nhưng ở Anh hay Mỹ, họ lại chọn điểm gốc là 1.000, nguyên nhân là vì các quốc gia đó đã phát triển lâu đời, số Doanh nghiệp tham gia niêm yết lớn nên cần lấy số lớn để điểm số biểu hiện sâu hơn. Ví dụ sau 1 năm giao dịch nếu thị trường chung tăng được 25,567% thì Việt Nam ta sẽ ghi điểm số là 125,56 điểm (bỏ số 7 là ký tự số thứ 3 sau dấu phẩy), trong khi ở Mỹ thì sẽ là 1.255,67 điểm (không bỏ số nào và biểu hiện sát hơn nếu tính theo nguyên tắc sau 2 dấu phẩy). Tính đến cuối ngày 24/06/2015 thì VN-Index đang đứng ở 590,02 điểm (Từ năm 2000), HNX-Index là 86,46 điểm (từ năm 2005) và UPCoM-Index là 57,22 điểm (Từ năm 2009). Như vậy VN-Index ở sàn HOSE đã tăng trưởng rất tốt so với 02 sàn còn lại.

+ Mệnh giá: Ở Việt Nam chúng ta hiện nay, mệnh giá khi lên sàn được quy đổi là 10.000 đồng / cổ phiếu. Xem thêm: Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành.

+ Vốn điều lệ: ở đây là vốn điều lệ thực góp để làm cơ sở hoạt động kinh doanh của các Doanh nghiệp.

+ Số lượng Chứng khoán Niêm yết: chính là số lượng cổ phiếu mà các Công ty khi niêm yết đã đăng ký, nếu niêm yết số lượng cổ phiếu Công ty có thì nó chính là Vốn điều lệ thực góp của Công ty chia cho mệnh giá gốc 10.000 đồng.

+ Số lượng Cổ phiếu Quỹ: đây chính là số lượng cổ phiếu mà trong quá trình hoạt động, có một số cổ đông đã bán lại cho chính Công ty, bản chất gần như là Công ty tự giảm vốn điều lệ, do số lượng cổ đông cũng như vốn thực tế góp đã giảm đi. Xem thêm: Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành.

+ Số lượng Cổ phiếu lưu hành: là số lượng cổ phiếu thực sự lưu hành trên thị trường, nó chính bằng số lượng cổ phiếu thực niêm yết trừ đi số lượng cổ phiếu quỹ Công ty đã mua lại.

+ Giá đóng cửa: là giá giao dịch cuối cùng của ngày, đồng thời cũng là giá tham chiếu của phiên tiếp theo khi giao dịch trên Thị trường Chứng khoán, cũng là giá để tính tài sản của thị trường, của nhà đầu tư.

+ Giá trị Vốn hóa Thị trường (Capital Market): đây là một khái niệm rất quan trọng, nó chính là giá trị của một Công ty theo thị trường đánh giá là bao nhiêu. Nó chính bằng số lượng cổ phiếu lưu hành nhân với giá trị trường / giá đóng cửa của cổ phiếu đó. Ví dụ một Công ty có vốn điều lệ: 100 tỷ đồng, nhưng do làm ăn tốt, nên giá cổ phiếu Công ty đang được giao dịch giá 20.000 đồng, so với mệnh giá gốc 10.000 đồng thì đang gấp đôi tức là giá trị Công ty này theo giá đang giao dịch được định giá là 200 tỷ đồng. Chúng ta cũng có thể tính cách khác là số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ là 10 triệu cổ phiếu (100 tỷ / mệnh giá 10.000 đồng) nhân với giá 20.000 đồng là ra. Xem thêm: Vốn hóa Thị trường và Cổ phiếu Blue-Chip, Penny, MidCap.

+ % Vốn hóa trên Tổng thị trường: chính là % giá trị vốn hóa của từng Công ty so với Tổng thị trường, khá dễ dàng ta thấy Index trong trong ví dụ trên hầu như bị chi phối bởi 2 mã cổ phiếu A và B (Chiếm hơn 90%) còn cổ phiếu C là hạng nhỏ và không có ảnh hưởng gì đáng kể.

– Trở lại với Phiên giao dịch ngày thứ 1 như ở trên hình thì Giá trị Vốn hóa Tổng thị trường 474 tỷ đồng cuối ngày, đây được xem là như điểm gốc 100 điểm. Để hiểu rõ hơn ví dụ trên ta tiếp tục tới hình tiếp là Kết quả của Phiên giao dịch ngày thứ 2 tại đây hoặc như hình:

Trong ảnh: Phiên giao dịch giả sử thứ 2 của Thị trường Chứng khoán với 03 mã cổ phiếu là A, B và C (Link gốc ảnh)

– Trong phiên thứ 2 như trên hình, để ý chút ta sẽ thấy cổ phiếu A vẫn giữ nguyên giá nên Giá trị Thị trường của Công ty vẫn luôn là 204 tỷ đồng, trong khi Cổ phiếu A lại tăng giá từ 15.000 đồng lên 15.500 đồng giúp cho Giá trị Thị trường của Công ty A tăng từ 225 tỷ đồng lên 232,5 tỷ đồng (tức là tăng ròng 7,5 tỷ đồng hay 3,33%), trong khi Cổ phiếu C lại giảm giá từ 10.000 đồng xuống còn 9.500 đồng khiến cho giả trị Công ty C giảm từ 45 tỷ đồng xuống 42,75 tỷ đồng (tức là giảm ròng 2,25 tỷ đồng hay 5%). Để ý một chút, ta sẽ thấy mặc dùng Công ty C giảm mạnh 5%, trong khi Công ty A tăng có 3,33% nhưng Index Thị trường vẫn sẽ tăng (Do Công ty B không đổi nên không tham gia vào tác động), nguyên nhân là vì quy mô Công ty A lớn hơn Công ty C rất nhiều. Dễ thấy Tổng vốn hóa thị trường tăng ròng một khoảng là: 7,5 tỷ đồng – 2,25 tỷ đồng = 5,25 tỷ đồng hay tổng quát ra là Index Phiên 1 là 100 điểm với giá trị 474 tỷ đồng sẽ thành 479,25 tỷ đồng ở Phiên thứ 2 và điểm số Index lúc này sẽ là 479,25 / 474 = 101,11 điểm tức là đã tăng 1,11% (tương đương mức tăng ròng 5,25 tỷ đồng). Tới đây chúng ta đã biết cách tính Index thực ra ra sao.

Phân tích sâu hơn ta sẽ thấy một vài đặc điểm: Giá cả Cổ phiếu hàng ngày do cung cầu, tin tức, … và biến động liên tục nên có thể xem là biến số tác động trực tiếp tới Giá trị vốn hóa của Tổng thị trường, trong khi biến số thứ 02 là Số lượng cổ phiếu lưu hành mà gốc chính là Vốn điều lệ của Công ty thì hầu như rất hiếm khi biến động. Thông thường thì một Công ty vào chu kỳ tăng trưởng cần vốn cũng chỉ 1 năm tăng vốn từ 01 đến 02 lần là cùng, trong khi 1 năm tính theo ngày làm việc thường xuyên có hơn 250 phiên giao dịch. Vì thế, đây có thể xem biến số không đổi tạm thời. Và từ đây sẽ đưa đến 01 kết luận quan trọng là sự thay đổi giá trị vốn hóa trong nhất thời sẽ đến từ sự thay đổi giá cả của cổ phiếu. Như vậy, Phân tích sự biến động Chỉ số giá Index của Thị trường qua thông số Giá trị vốn hóa Thị trường biến tướng ra chính là phân tích sự biến động giá của tổng hợp các cổ phiếu. Và Index chính là Giá của Tổng thị trường.

– Và để rõ ràng hơn, chúng ta sẽ tới Phiên giao dịch thứ 3 với một biến động quan trọng là Công ty B quyết định tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng thông qua hình thức chào bán cho chính cổ đông hiện hữu với giá mua cổ phiếu mới: 10.000 đồng, tỷ lệ chào bán: 2:1 (Ai cứ có 02 cổ phiếu gốc thì được quyền mua thêm 01 cổ phiếu mới). Như vậy sau khi tăng vốn thành công thì Công ty B có vốn điều lệ mới là 180 tỷ đồng (từ 120 tỷ đồng gốc và 60 tỷ đồng mới tăng thêm) và trở thành Công ty có vốn điều lệ lớn nhất thị trường lúc này (vượt Công ty A – 150 tỷ đồng). Lúc này trước khi vào Phiên giao dịch thứ 3 thì Phiên 2 sẽ bị điều chỉnh do tác động trên tại đây hoặc như hình sau:

Trong ảnh: Phiên giao dịch thứ 2 bị điều chỉnh bởi việc tăng vốn của Công ty B trên Thị trường với 03 mã cổ phiếu là A, B và C (Link gốc ảnh)

Như đã biết thì trước khi điều chỉnh thì Giá trị vốn hóa của Công ty B vẫn là 204 tỷ đồng, tuy nhiên do có nhu cầu huy động vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thì Công ty B đã huy động thêm vốn thành công để tăng vốn từ 120 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng, lượng vốn huy động thành công là 60 tỷ đồng. Như vậy giá trị thị trường mới của Công ty B sẽ là: 204 + 60 = 264 tỷ đồng. Vốn điều lệ mới là 180 tỷ đồng thì Số lượng CK niêm yết mới và Số lượng CK lưu hành đều là 18 triệu cổ phiếu. Khi đó giá đóng cửa điều chỉnh mới sẽ là: 264.000.000.000 đồng / 18.000.000 cổ phiếu = 14.667 hay làm tròn là 14.700 đồng. Lúc này Tổng vốn hóa toàn thị trường sẽ thay đổi tương ứng từ 479,25 tỷ đồng lên thành 539,25 tỷ đồng (tăng 60 tỷ đồng). Và 539,25 tỷ đồng lúc này sẽ được coi là 101,11 điểm. Để làm cơ sở tính cho Phiên giao dịch tiếp theo – Phiên thứ 3. Lý do vẫn là từng đó điểm là vì Chỉ số Index thị trường phải đảm bảo là biểu hiện được đúng mức tăng giá tự nhiên của chính cổ phiếu chứ không phải đến từ việc thay đổi số cổ phiếu lưu hành (Hay tăng giảm vốn điều lệ). Đến đây có thể thấy rằng trong 02 biến số tạo nên Giá trị vốn hóa là: Giá cổ phiếu và Số lượng CP lưu hành (Hay từ vốn điều lệ chính mà ra) thì dù cho trong năm một số Công ty có tăng vốn điều lệ thì Index vẫn là biểu hiện Giá của Tổng thị trường.

Về phía nếu bạn là nhà đầu tư thì sẽ thấy phương pháp chia giá trên khi tăng vốn điều lệ là để nhằm đảm bảo tổng tài sản của Nhà đầu tư cổ phiếu B trước và sau điều chỉnh phải bằng nhau. Ví dụ: nếu bạn có 1.000 cổ phiếu B trước khi điều chỉnh, giá đóng cửa là 17.000 đồng thì giá trị tài sản của bạn đang có khi nắm cổ phiếu B là: 1.000 x 17.000 = 17 triệu đồng. Khi Công ty B tăng vốn điều lệ theo tỉ lệ 2:1 giá mua là 10.000 đồng thì số tiền bạn phải bỏ ra mua thêm: 500 x 10.000 = 5 triệu đồng. Như vậy tổng tiền bạn đầu tư vào B lúc này sẽ là: 17 triệu đồng + 5 triệu đồng = 22 triệu đồng. Còn sau điều chỉnh số cổ phiếu bạn đang có là: 1.500 cổ phiếu (Gồm 1.000 cổ phiếu gốc và 500 cổ phiếu mới mua giá 10.000 đồng). Giá điều chỉnh làm tròn: 14.700 đồng. Vậy tài sản sau điều chỉnh: 1.500 x 14.700 = 22,05 triệu đồng. Ta thấy chỉ lệch 01 phần nhỏ là 50 ngàn đồng ở đây là bằng nhau, nguyên nhân là do giá điều chỉnh bị làm tròn từ 14.667 thành 14.700 (Nguyên tắc làm tròn của Sở giao dịch Chứng khoán là bội số hàng trăm đồng).

Trong ảnh: Phiên giao dịch giả sử thứ 3 của Thị trường Chứng khoán với 03 mã cổ phiếu là A, B và C (Link gốc ảnh)

– Trong phiên thứ 3 như trên hình, ta thấy giá cổ phiếu thay đổi làm cho Tổng giá trị Vốn hóa thị trường tăng từ 539,25 tỷ đồng lên thành 543,6 tỷ đồng. Khi đó Index cuối phiên 3 sẽ là: 101,11 x (543,6 / 539,25) hay chính xác hơn là: (479,25 / 474) x (543,6 / 539,25) = 101,92 điểm tức là tăng 0,81 điểm hay 0,81%.

Chúng ta sẽ tiến hành xem nhanh với một số trường hợp đặc biệt khác:

– Trước khi vào phiên thứ 4, thì Công ty A thông báo chốt trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ là 10% (trên mệnh giá gốc 10.000 đồng), khi đó ta có Kết quả Phiên Giao dịch thứ 3 (Có điều chỉnh) và Phiên giao dịch thứ 4 tại đây hoặc như hình:

Trong ảnh: Phiên giao dịch thứ 3 bị điều chỉnh bởi việc Trả cổ tức tiền mặt 10% của Công ty A trên Thị trường với 03 mã cổ phiếu là A, B và C (Link gốc ảnh)

Trong ảnh: Phiên giao dịch giả sử thứ 4 của Thị trường Chứng khoán với 03 mã cổ phiếu là A, B và C (Link gốc ảnh)

Liên quan đến Cổ tức Tiền mặt và việc Điều chỉnh Giá trong Phiên Giao dịch thứ 3 (Có điều chỉnh) bạn có thể xem thêm 2 bài viết có liên quan sau: Cách tính Giá điều chỉnh trong Ngày giao dịch Không hưởng quyền / Tại sao khi chia Quyền thì Giá cổ phiếu bị điều chỉnh?.

– Trước khi vào phiên thứ 5, thì Công ty C thông báo đã bán thành công 200.000 cổ phiếu quỹ và Công ty B thông báo trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ là 20%, khi đó ta có Kết quả Phiên Giao dịch thứ 4 (Có điều chỉnh) và Phiên giao dịch thứ 5 tại đây hoặc như hình:

Trong ảnh: Phiên giao dịch thứ 4 bị điều chỉnh bởi việc Công ty C bán 200.000 Cổ phiếu quỹ và Trả cổ tức Cổ phiếu 20% của Công ty B trên Thị trường với 03 mã cổ phiếu là A, B và C (Link gốc ảnh)

Trong ảnh: Phiên giao dịch giả sử thứ 5 của Thị trường Chứng khoán với 03 mã cổ phiếu là A, B và C (Link gốc ảnh)

—————————————————————

VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index của Thị trường Chứng khoán Việt Nam

Ở phần trên bạn đã biết cách tính chỉ số Index nói chung theo phương pháp qua vốn hóa thị trường của tất cả các cổ phiếu trên toàn thị trường. Do đó ta có thể tính được khá dễ dàng, ở đây mình xin đề cập tới phiên giao dịch tại ngày 23/06/2015. Với chỉ số Vn-Index chi tiết tại đây hoặc như hình sau:

Trong ảnh: Giá trị thị trường của tất cả các cổ phiếu cấu thành Chỉ số Vn-Index ngày 23/06/2015 (Link gốc ảnh)

Qua hình và File như link ta có thể thấy chỉ số Vn-Index mặc dù được cấu thành từ khoảng 300 cổ phiếu nhưng thực sự chỉ số này bị chi phối ở 1 số rất ít cổ phiếu hàng đầu, như trên ta có thể thấy cả thị trường có giá trị gần 1,1 triệu tỷ đồng, thì 15 mã lớn nhất đã có giá trị 783 ngàn tỷ đồng, tức là chiếm hơn 70% giá trị của Vn-Index, đáng chú ý là 3 mã hàng đầu mỗi mã đã chiếm hơn 10% Index, tức là nếu các mã này tăng giảm 1% thì Index cũng sẽ tăng giảm hơn 0,1% (Hay khoảng 0,6 điểm vì khi đi Vn-Index đóng cửa ngày 23/06/2015 là 593,07 điểm).

Một điểm khác cần chú ý khi tính toán cụ thể nếu đóng cửa phiên ngày 23/06/2015 là 593,07 điểm hay tương đương với chính xác giá trị vốn hóa là 1.099.391.385.341.500 đồng, và trong phiên giao dịch liên tục ngày 24/06/2015 giả sử không có hiện tượng tăng vốn, cổ phiếu quỹ, … thì nếu trong phiên giao dịch ta tổng hợp tất cả tăng giảm của tất cả các cổ phiếu trên toàn thị trường thì giả sử thị trường có giá trị tăng thêm đúng 1.200 tỷ đồng thì khi đó giá trị toàn thị trường mới sẽ là 1.100.591.385.341.500 đồng, khi đó giá trị % tăng thêm sẽ là 1.200.000.000.000 / 1.099.391.385.341.500 = 0,10915% hay làm tròn là 0,11% tương đương 593,07 x 0,10915% = 0,65 điểm. Và điểm số đóng cửa phiên tới 24/06/2015 theo giả sử sẽ là 593,72 điểm. Một cách tương tự ta có thể tính toán với các giả sử khác.

Chúng ta cũng có thể tính toán và xem ví dụ về chỉ số HNX-Index chi tiết tại đây hoặc hình tại đây; chỉ số UPCOM-Index chi tiết tại đây hoặc hình tại đây.

—————————————————————

Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 là gì?

Đây là 2 Chỉ số phụ rất quan trọng. Nôm na Chỉ số VN30 là 30 Công ty hàng đầu của sàn HOSE và Chỉ số HNX30 là 30 Công ty hàng đầu của sàn HNX. Bạn có thể xem thêm Bài viết sau: Chỉ số VN30, HNX30 là gì và Điều kiện vào Chỉ số (Phần 1).

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

Vốn hóa Thị trường và Cổ phiếu Blue-Chip, Penny, MidCap
Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành
Cách tính Giá điều chỉnh trong Ngày giao dịch Không hưởng quyền
Tại sao khi chia Quyền thì Giá cổ phiếu bị điều chỉnh?
Tỷ lệ Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float
Chỉ số VN30, HNX30 là gì và Điều kiện vào Chỉ số (Phần 1)

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

Các bước Tìm hiểu về Chứng khoán
Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 7/2015)