Cổ tức Cổ phiếu, Cổ phiếu Thưởng bao lâu về Tài khoản?

Giới thiệu

Trong quá trình tham gia Đầu tư vào Thị trường Chứng khoán, chắc hẳn sẽ có nhiều bạn đã từng được nhận Cổ tức Cổ phiếu hoặc Cổ phiếu Thưởng (Hay còn gọi là Phát Cổ phiếu từ Nguồn Vốn Chủ sở hữu) của các Doanh nghiệp Niêm yết. Thời gian gần đây (Sau Mùa Đại hội Cổ đông hàng năm) cũng là thời điểm nhiều Công ty Niêm yết thường sẽ chốt quyền chia Cổ tức hay Cổ phiếu Thưởng, do đó có khá nhiều bạn đang quan tâm và thắc mắc với mình về vấn đề Chia Cổ tức này, đặc biệt là câu hỏi Cổ tức Cổ phiếu / Cổ phiếu Thưởng bao lâu về Tài khoản? hay Bao giờ được bán Cổ tức Cổ phiếu / Cổ phiếu Thưởng này?  hay Cổ tức Cổ phiếu bao giờ về Tài khoản, … Như vậy, để giải đáp cho các bạn hiểu rõ hơn về câu hỏi trên, mình sẽ đưa ra một số Thống kê và giải thích trong Bài viết này. Các Vấn đề chính gồm:

+ Giới thiệu chung về Cổ tức Cổ phiếu / Cổ phiếu Thưởng và Quy trình chi trả.
+ Thống kê Thời gian Cổ tức Cổ phiếu về Tài khoản ở một số Mã Cổ phiếu hàng đầu VN30.
+ Kết luận và một số lưu ý khi nhận Cổ tức Cổ phiếu.

—————————————————————

1. Giới thiệu chung về Cổ tức Cổ phiếu / Cổ phiếu Thưởng và Quy trình chi trả

Cổ tức Cổ phiếu: được dùng với thuật ngữ đầy đủ hơn là Cổ tức được trả bằng Cổ phiếu. Đây là một Hình thức trả Cổ tức khá phổ biến của nhiều Công ty (Gồm cả các Công ty chưa Niêm yết), sau Quá trình làm ăn có lãi hàng năm, được sự Xác nhận Số liệu của Tổ chức Kiểm toán thì Công ty Niêm yết tại Đại hội Cổ đông và lên kế hoạch Phân phối Lợi nhuận, trong đó có một Hình thức giữ lại để Tái đầu tư Mở rộng Phát triển là Cổ tức Cổ phiếu hay hiểu nôm na là Lấy Lãi để Tăng Vốn Điều lệ (bên cạnh hình thức Tăng vốn truyền thống khác là Nộp thêm Tiền). Về mặt Chi tiết thì mỗi Cổ đông sẽ được nhận thêm Cổ phiếu từ Cổ tức theo Tỷ lệ nhất định đã Công bố tại Đại hội Cổ đông. Như vậy, phần Lợi nhuận kiếm được sẽ được giữ lại để Công ty tái đầu tư phát triển tiếp. Bạn cũng có thể xem thêm về Cổ tức Cổ phiếu ở đây: Cổ tức là gì? Cổ tức Tiền mặt và Cổ tức Cổ phiếu là gì?Nguồn gốc và Nguyên tắc Chia Cổ tức Tiền mặt – Cổ tức Cổ phiếu.

Trong ảnh: Thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM – HOSE về việc Trả Cổ tức năm 2021 bằng Cổ phiếu của HPG (Hòa Phát) – Tháng 6/2022 (Link gốc ảnh)

Cổ phiếu thưởng: có hình thức chia Cổ phiếu gần giống như Cổ tức Cổ phiếu nhưng khác một điểm Cơ bản là Nguồn để Trả không hoàn toàn 100% đến từ Lợi nhuận, có thể kèm cả Thặng Dư Vốn từ các Đợt Tăng vốn hay Bán Lãi Cổ phiếu Quỹ. Cổ phiếu Thưởng là tên gọi cũ trước đây, vài năm nay thường được Cơ quan Nhà nước chính thông sử dụng lại có tính chất diễn giải đầy đủ hơn là “Phát Cổ phiếu từ Nguồn Vốn Chủ sở hữu” hay “Phát hành Cổ phiếu tăng Vốn từ Nguồn Vốn Chủ sở hữu”. Ta có thể hiểu đây chính là Cổ phiếu Thưởng.

Thực tế quá trình trả Cổ tức bằng Cổ phiếu / Cổ phiếu thưởng khá phức tạp và phải qua nhiều bước hơn so với Cổ tức bằng Tiền mặt nên thời gian chờ đợi thường sẽ lâu hơn do gắn liền với quá trình Tăng Vốn Điều lệ của Doanh nghiệp kèm đổi Giấy Đăng ký Kinh doanh.

Quy trình chi trả Cổ tức Cổ phiếu / Cổ phiếu thưởng: Có thể thấy, để thực hiện được việc trả Cổ tức bằng Cổ phiếu / Cổ phiếu thưởng thì Doanh nghiệp Niêm yết cần phải trải qua khá nhiều Thủ tục và làm việc với nhiều đơn vị cơ quan khác nhau. Thông thường, Doanh nghiệp chốt danh sách trả Cổ tức Cổ phiếu / Cổ phiếu thưởng nhưng Cổ đông rất lâu sau mới nhận được Cổ phiếu. Ở dưới đây, mình sẽ đưa ra sơ đồ cụ thể, các bạn có thể tham khảo để nắm được tổng quan toàn bộ quy trình này:

Trong ảnh: Sơ đồ Quy trình Chi trả Cổ tức bằng Cổ phiếu của Doanh nghiệp Niêm yết – Dòng In đậm nghiêng là Tài liệu Thông tin đi kèm tại mỗi bước (Link gốc ảnh)

Trong Sơ đồ Quy trình Chi Trả Cổ tức bằng Cổ phiếu / Cổ phiếu thưởng kể trên, ta có thể chia cả giai đoạn thành 11 bước, bắt đầu từ Bước Đại hội Cổ đông thông qua việc trả Cổ tức Cổ phiếu hoặc Cổ phiếu Thưởng đến Bước cuối cùng là khi Cổ phiếu từ Cổ tức / Cổ phiếu thưởng (Từ đây về sau trong Bài viết – Cổ tức Cổ phiếu được hiểu chung gồm cả Cổ phiếu thưởng) được Giao dịch Niêm yết bổ sung. Có thể thấy, quá trình này diễn ra tuần tự với nhiều Thông tin Công bố. Chi tiết các bước cụ thể như sau:

Bước 1: Sau khi Đại hội Cổ đông Công ty Niêm yết thông qua việc trả Cổ tức Cổ phiếu thì sẽ có Nghị quyết Hội đồng Quản trị – Thông qua việc Chi Trả Cổ tức Cổ phiếu của năm tài chính trước.
Bước 2: Công ty Niêm yết nộp Báo cáo phát hành đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và có Thông báo nhận được Tài liệu Báo cáo Phát hành Cổ tức Cổ phiếu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Bước 3: Khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận đủ hồ sơ, Doanh nghiệp Niêm yết liên hệ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) để xin Ngày chốt chia. Lúc này sẽ có Thông báo về Ngày Đăng ký Cuối cùng nhận Cổ tức Cổ phiếu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Xem thêm: Ngày Đăng ký Cuối cùng là gì? Xem Thông báo ở đâu mới nhất ở đâu?.
Bước 4: Liên hệ Sở Giao dịch Chứng khoán HoSE / HNX để chốt Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền – lùi 01 ngày làm việc so với Ngày Đăng ký Cuối cùng. Sau đó sẽ có Thông báo về Ngày Đăng ký Cuối cùng và Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền nhận Cổ tức Cổ phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán. Xem thêm: Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền là gì? Tra cứu Lịch Ngày này Ở đâu?.
Bước 5:
Tại Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền, Cổ phiếu giao dịch trên sàn sẽ bị điều chỉnh giá tham chiếu tương ứng với tỷ lệ Cổ tức được nhận. Xem thêm: Cách tính Giá Điều chỉnh trong Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền.

Trong ảnh: Giá Cổ phiếu Thế giới Di động (MWG) tại Ngày Giao dịch không hưởng Quyền được cập nhật trên Lịch sử giá MWG – Website CafeF (Link gốc ảnh)

Ví dụ: Trong đợt trả Cổ tức Cổ phiếu Tỷ lệ 1:1 của MWG mới đây, tại Ngày Giao dịch không hưởng Quyền (16/06/2022) ta thấy Giá Cổ phiếu đã bị điều chỉnh. Kết thúc phiên Giao dịch hôm trước đó (15/06/2022), Giá Cổ phiếu đang ở mức 147,7 ngàn đồng / cổ phiếu. Đến ngày chia, Giá Cổ phiếu bị điều chỉnh tương ứng với tỷ lệ 1:1 nên sẽ có Giá tham chiếu là 147,7/2 = 73,85 ngàn đồng / cổ phiếu. Kết Phiên hôm ấy, giá Cổ phiếu tăng trần (6,9%) nên giá đóng cửa phiên 16/06/2022 sẽ là 73,85*106,9% = 79 ngàn đồng / cổ phiếu (Kết quả như hình trên). Hiểu nôm na ta có 1.000 Cổ phiếu Lúc 147,7 ngàn đồng là 147,7 triệu đồng cũng sẽ bằng 2.000 Cổ phiếu lúc 73,85 ngàn đồng.

Bước 6: Công ty Niêm yết nhận được Thông báo về Danh sách cổ đông được hưởng quyền nhận Cổ tức bằng cổ phiếu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Bước 7: Công ty Niêm yết gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bản Báo cáo Kết quả Phát hành Cổ tức Cổ phiếu của Công ty và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đưa ra Thông báo nhận được Báo cáo Kết quả Phát hành Cổ tức Cổ phiếu.
Bước 8: Công ty Niêm yết tiến hành Đăng ký tăng Vốn điều lệ, Xin Giấy Đăng ký Kinh doanh mới theo Vốn Điều lệ mới tại Phòng Đăng ký Kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trong ảnh: Giá Cổ phiếu Thế giới Di động (MWG) tại Ngày Giao dịch không hưởng Quyền được cập nhật trên Lịch sử giá MWG – Website CafeF (Link gốc ảnh)

Bước 9: Tiếp tục thực hiện các Thủ tục Lưu ký bổ sung số Cổ phiếu mới phát hành để trả Cổ tức tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
Bước 10: Khi Sở Giao dịch Chứng khoán (HoSE / HNX) chấp thuận niêm yết bổ sung thì Công ty Niêm yết đăng ký Ngày giao dịch bổ sung số Cổ phiếu mới phát hành để trả Cổ tức. Lúc này sẽ có Thông báo về Ngày Giao dịch Niêm yết Bổ sung từ Cổ tức Cổ phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán.
Bước 11: Tại ngày giao dịch bổ sung chính thức, Cổ tức Cổ phiếu sẽ về Tài khoản và Cổ đông nhận Cổ tức có thể giao dịch số Cổ phiếu mới này trên Thị trường.

Từ Quy trình trên, ta thấy Thời gian Cổ tức Cổ phiếu / Cổ phiếu thưởng về Tài khoản chính là khoảng thời gian từ Ngày Cổ phiếu bị chia (Bước 5) đến Ngày Cổ phiếu chính thức được giao dịch (Bước 11). Đây chính là khoảng Thời gian mà các Nhà Đầu tư quan tâm nhất sau khi nhận Cổ tức Cổ phiếu / Cổ phiếu Thưởng của Doanh nghiệp Niêm yết. Quá trình này có thể kéo dài nếu Công ty Niêm yết không có nhiều kinh nghiệm, chuẩn bị Hồ sơ mất nhiều thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, nếu Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm có thể chuẩn bị Hồ sơ các bước song song thì sẽ rút ngắn được khoảng thời gian này một cách đáng kể.

Trong ảnh: Cập nhật Thông tin về Cổ tức bằng Cổ phiếu năm 2021 của Thế giới Di động (MWG) trên Website của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán – VSD (Link gốc ảnh)

Về Quy định Pháp luật thì hiện nay mới chỉ có Văn bản quy định việc trả Cổ tức nói chung. Theo Khoản 4, Điều 135, Luật Doanh nghiệp 2020, Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng (Thời gian Tối đa) kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên. Do đó, sau khi có quyết định nhận Cổ tức Cổ phiếu thì bạn cũng sẽ không biết được chính xác sau bao lâu số Cổ tức Cổ phiếu kia sẽ về Tài khoản Chứng khoán của bạn (Tất nhiên sẽ phải < 6 tháng theo quy định). Bạn chỉ biết được chính xác khi có chấp thuận niêm yết bổ sung của Sở (tại Bước 10 – khá lâu so với Ngày chia). Như ở Ví dụ tại hình trên, bạn sẽ thấy có Thông báo MWG Chi trả Cổ tức bằng Cổ phiếu năm 2021 được cập nhật trên website VSD hôm 03/06/2022 (Thông báo Ngày chia là ngày 16/06/2022). Đến hôm 14/07/2022 thì mới cập nhật Thông báo ngày hạch toán của cổ phiếu thay đổi niêm yết (Thông báo Ngày Giao dịch chính thức là ngày 20/07/2022). Như vậy có thể thấy, sau Ngày chia khá lâu, khi sắp tới Ngày Giao dịch chính thức thực tế thì bạn mới thấy có Thông báo để biết chính xác Ngày Giao dịch bổ sung chính thức là khi nào.  

Tuy nhiên, trong suốt quá trình thực hiện việc chi trả Cổ tức Cổ phiếu thì bạn sẽ thấy các đơn vị có Công bố Thông tin để Nhà Đầu tư có thể nắm được (Thường trước khoảng 1 – 2 tuần khi có Ngày chính thức). Như vậy, bạn có thể theo dõi các Tài liệu Thông tin tham chiếu về Cổ tức (Tài liệu mình in đậm trong Quy trình trên) để cập nhật được Thông tin cần thiết. Bạn có thể xem thêm bài viết sau: Xem Thông tin Cổ tức Ở đâu? Lịch trình Chi Trả Cổ tức.

—————————————————————

2. Thống kê Thời gian Cổ tức Cổ phiếu về Tài khoản ở một số Mã Cổ phiếu hàng đầu VN30

Như mình đã chỉ ra ở trên, hiện nay, vẫn chưa có Văn bản pháp lý nào được đưa ra để quy định cụ thể Thời gian Cổ tức Cổ phiếu / Cổ phiếu Thưởng về Tài khoản Chứng khoán của Nhà Đầu tư từ khi Chốt Quyền như bên Cổ tức Tiền mặt. Do đó bạn sẽ chỉ có thể ước lượng Thời gian trong khoảng chứ không thể biết chính xác bao lâu được. Thông thường, khoảng thời gian này sẽ phụ thuộc nhiều vào quá trình Công ty Niêm yết hoàn tất các Thủ tục nhanh hay chậm. Và để các bạn dễ dàng ước lượng được thì mình sẽ đi Thống kê Thời gian Cổ tức Cổ phiếu về Tài khoản ở một số Mã Cổ phiếu nổi bật – Nhóm VN30 trong 2 năm qua (Từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2022). Đây là nhóm Cổ phiếu dẫn dắt Thị trường Chứng khoán, do đó sẽ phần nào phản ánh được tính Đại diện cho chung các Công ty Niêm yết.

Trong ảnh: Bảng Thống kê Thời gian Cổ tức Cổ phiếu về Tài khoản ở các Mã Chứng khoán thuộc Nhóm VN30 (Link gốc ảnh)

Theo Thống kê, ta có thể thấy trong nhóm VN30 thì chỉ có khoảng một nửa Doanh nghiệp Niêm yết có trả Cổ tức bằng Cổ phiếu (phần còn lại sẽ trả Cổ tức bằng Tiền mặt hoặc không trả Cổ tức), thời gian Cổ tức Cổ phiếu về Tài khoản thì hoàn toàn khác nhau giữa các Mã Cổ phiếu và giữa các Đợt phát hành. Đối với Doanh ngiệp hay trả Cổ tức bằng Cổ phiếu thì thời gian Cổ tức về Tài khoản thường sẽ ngắn hơn so với các Doanh nghiệp ít khi trả Cổ tức bằng Cổ phiếu, có thể do có nhiều kinh nghiệm xử lý Hồ sơ thủ tục Tăng vốn với Cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước nên rút ngắn được thời gian hay các Ngành như Ngân hàng thì còn phải báo cáo thêm Ngân hàng Nhà nước nên có thể sẽ lâu hơn. Trong ví dụ ở đây, khoảng thời gian từ Ngày Cổ phiếu chia đến Ngày Cổ phiếu giao dịch được ngắn nhất là gần 1 tháng và dài nhất là hơn 3 tháng. Khoảng thời gian phổ biến nhất là từ 1-2 tháng. Thống kê chung trên toàn Thị trường thì khoảng thời gian phổ biến cũng rơi vào từ 1 đến 2 tháng. Cá nhân mình thì thường hay chia sẻ chung chung khi Tư vấn cho mọi người là vào khoảng trên dưới 45 ngày hay 1,5 tháng.

—————————————————————

3. Kết luận và một số lưu ý khi nhận Cổ tức Cổ phiếu

Tóm lại, khi bạn nhận Cổ tức bằng Cổ phiếu hoặc Cổ phiếu Thưởng của Doanh nghiệp thì sau Ngày Chia khoảng 1-2 tháng thì Cổ tức Cổ phiếu này sẽ về Tài khoản Chứng khoán để bạn giao dịch được. Khoảng thời gian này có thể ngắn hơn hoặc dài hơn một chút, phụ thuộc vào Doanh nghiệp hoàn tất Thủ tục chi trả Cổ tức Cổ phiếu nhanh hay lâu. Tuy rằng khi có thông báo Doanh nghiệp trả Cổ tức bằng Cổ phiếu thì bạn sẽ chưa biết chính xác sau bao lâu Cổ tức Cổ phiếu về Tài khoản nhưng hoàn toàn có thể ước lượng được khoảng thời gian tương đối, từ đó phần nào dự đoán được cơ hội cũng như rủi ro để đưa ra quyết định có nên “lăn chốt” vụ Cổ tức bằng Cổ phiếu này hay không.

Có thể thấy, việc chia Cổ tức Cổ phiếu / Cổ phiếu thưởng là một hình thức pha loãng Cổ phiếu nên mang lại lợi thế cho Doanh nghiệp nhưng với Nhà đầu tư thì sẽ một chút kỳ vọng và một số có rủi ro nhất định. Một số lưu ý khi nhận Cổ tức Cổ phiếu bạn có thể xem xét dưới đây:

Trong ảnh: Thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM – HOSE về Ngày Giao dịch Niêm yết bổ sung của Lô Cổ phiếu Thưởng và Quyền mua của VND – Tháng 5/2022 (Link gốc ảnh)

– Do thời gian Cổ tức về Tài khoản là từ 1-2 tháng nên đây chính là bất lợi lớn nhất, nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian để chờ đợi. Trong khoảng thời gian khá dài đó, giá cổ phiếu có thể có biến động mạnh so với khi trước chia, lúc này nhà đầu tư không thể giao dịch bán được nên có thể bị lỗ lớn (khi giá giảm mạnh) hoặc mất cơ hội chốt lãi cao (khi giá tăng mạnh). Ví dụ như Mã VND trong Quý 2/2022 khi mới chia Ngày 10/03/2022 thì Giá Cổ phiếu là 31,85 ngàn đồng nhưng khi hàng về thì đóng cửa là 19,45 ngàn đồng, lô gốc bạn có thể bán sớm được giá, còn lô Cổ phiếu thưởng 10:8 của VND (Cùng lô Quyền mua 1:1 giá 10) hoàn toàn không thể bán được trong thời gian chờ về.

– Với Cổ phiếu nhận từ Cổ tức sẽ làm nhà đầu tư dễ phát sinh Cổ phiếu lẻ (Lô < 100 Cổ phiếu). Điều này gây khó khăn cho việc giao dịch, với các mã Cổ phiếu trên sàn HOSE thì rất khó bán do không có Bảng giá Lô lẻ như sàn HNX / UPCoM, bạn chỉ có thể bán lại cho Công ty Chứng khoán với giá thấp và có sự khó khăn về thủ tục Bán Cổ phiếu Lô lẻ ở một số Công ty Chứng khoán. Xem thêm: Bảng giá Chứng khoán Lô lẻ là gì? Xem ở đâu?.

Trong ảnh: Việc nhận Cổ tức bằng Cổ phiếu thường hay gây ra Cổ phiếu lẻ – Giao diện Đăng nhập vào Tài khoản Chứng khoán Mirae Asset bản website (Link gốc ảnh)

– Về thuế Cổ tức, khi nhận Cổ tức bằng tiền mặt hay bằng Cổ phiếu thì bạn cũng đều phải nộp 5% thuế Cổ tức. Khi Cổ tức Cổ phiếu về tài khoản và bạn muốn thực hiện giao dịch bán số Cổ phiếu này thì vẫn phải chịu thêm thuế bán như quy định thông thường nữa. Do đó, nhà đầu tư nhận Cổ tức Cổ phiếu sẽ bị thiệt hơn. Xem thêm: Cách tính Thuế Cổ tức Cổ phiếu và Cổ phiếu thưởng.

Trên đây mình đã giải thích cho các bạn hiểu hơn về thắc mắc việc Cổ tức Cổ phiếu / Cổ phiếu thưởng bao lâu về Tài khoản? cùng một số lưu ý khi nhận Cổ tức Cổ phiếu. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc và muốn được giải thích thêm thì có thể liên hệ mình theo Thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới, mình sẽ hỗ trợ cho bạn.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Cổ tức là gì? Cổ tức Tiền mặt và Cổ tức Cổ phiếu là gì?
> Xem Thông tin Cổ tức Ở đâu? Lịch trình Chi Trả Cổ tức
> Nguồn gốc và Nguyên tắc Chia Cổ tức Tiền mặt – Cổ tức Cổ phiếu
> Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền là gì? Tra cứu Lịch Ngày này Ở đâu?
> Cách tính Giá Điều chỉnh trong Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền
> Cách tính Thuế Cổ tức Cổ phiếu và Cổ phiếu thưởng

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online 

—————————————————————

(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 07/2022)