Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền là gì? Tra cứu Lịch Ngày này Ở đâu?

Giới thiệu

Ở Bài viết trước Ngày Đăng ký Cuối cùng là gì? Xem Thông báo ở đâu mới nhất ở đâu? ta đã biết đến Khái niệm Ngày Đăng ký Cuối cùng là Ngày chốt Danh sách cổ đông để Thực hiện 1 Quyền nào đó của Cổ đông. Tuy nhiên ta cũng biết giữa Ngày Giao dịch T và Ngày Thanh toán T+2 là khác nhau để tính Quyền sở hữu Chứng khoán tại Bài viết Ngày giao dịch, Ngày Thanh toán, Ngày T và Ngày T+2 trong chứng khoán, tức là tại Ngày Đăng ký Cuối cùng ta mới bắt đầu mua thì sẽ không được hưởng Quyền trên. Để thuận lợi hơn và không phải trừ lùi 2 Ngày làm việc để tính thì Sở giao dịch Chứng khoán (HOSE / HNX) đã đặt ra thêm khái niệm Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền bên cạnh khái niệm Ngày Đăng ký Cuối cùng do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Quản lý, Thông báo và ban hành. Vậy Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền là gì? Và khác gì so với Ngày Đăng ký Cuối cùng?.

Bài viết cũng là 1 Phần của Bài viết lớn: Chu kỳ Thanh toán T+2, Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền, Ngày Đăng ký Cuối cùng và Ứng trước Tiền bán Chứng khoán và là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền là gì?
+ Tại sao cần phải có Khái niệm Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền?
+ Xem Thông báo Ngày Đăng ký Cuối cùng và Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền ở đâu?
+ Lịch trình Thực hiện Quyền của các Công ty Niêm yết trên sàn.

—————————————————————

Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền là gì?

Nhắc lại Kiến thức cũ về Ngày Giao dịch, Ngày Thanh toán T+2 và Ngày Đăng ký Cuối cùng. Ta có:

– Trong hình dưới, như tính toán Lịch bên trái, Ta dễ thấy nếu Ta mua 1.000 Cổ phiếu DGC vào Thứ 3 – Ngày 15/01/2019 thì 2 Ngày làm việc sau vào lúc 16h30 – Thứ 5 – Ngày 17/01/2019 ta sẽ sở hữu số Cổ phiếu DGC đó và hết ngày là lúc 17h – Thứ 5 – Ngày 17/01/2019 (Sau đó 30 phút) thì Trung tâm Lưu ký Chứng khoán sẽ chốt Danh sách Cổ đông sở hữu (hay còn gọi là Ngày Đăng ký Cuối cùng) để được nhận Quyền Cổ tức Tiền mặt 10% như hình (Mua vừa kịp để nhận Quyền).

Trong hình: Thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán về việc Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (Mã Chứng khoán: DGC) Tạm ứng Cổ tức năm 2018 bằng Tiền (Link gốc ảnh)

– Tuy nhiên, nếu 1 ngày làm việc sau ta mới mua như tính toán Lịch bên phải, tức là Ngày 16/01/2019 mới mua thì theo quy tắc T+2 tức là 16h30 – Thứ 6 – Ngày 18/01/2019 ta mới sở hữu. Tuy nhiên, DGC lại được Chốt Danh sách nhận Cổ tức Tiền mặt vào trước đó 1 Ngày – 17h Thứ 5 Ngày 17/01/2019. Do đó là bạn sẽ không nhận được Quyền Cổ tức trên. Như vậy, Nếu Mua, thì Ngày 15/01/2019 sẽ gọi là Ngày Mua Cuối cùng còn được hưởng Quyền và Ngày 16/01/2019 sẽ gọi là Ngày Mua Đầu tiên không còn được hưởng quyền hay từ Ngày này trở đi sẽ không hưởng Quyền. Thuật ngữ gọi tóm tắt là Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền. Như vậy với Chu kỳ Thanh toán T+2 hiện tại thì Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền sẽ trước đúng 1 ngày làm việc so với Ngày Đăng ký Cuối cùng.

—————————————————————

Tại sao cần phải có Khái niệm Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền?

– Ở trên, Ta đã hiểu Đơn giản là nếu Ta mua Cổ phiếu vào Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền thì ta sẽ không được hưởng Quyền đó và ta cũng biết rằng Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền hiện tại trước Ngày Đăng ký Cuối cùng đúng 1 Ngày làm việc. Dùng Khái niệm Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền vì thế Tiện hơn khá nhiều so với việc phải đi tính trừ lùi ngày làm việc nếu tính từ Ngày Đăng ký Cuối cùng, đặc biệt là Thứ 7 – Chủ nhật lại không hưởng tính là Ngày làm việc khi trừ lùi qua Cuối tuần hay đặc biệt hơn là qua các dịp Nghỉ lễ như Tết Âm lịch, 30/4 1/5, … Do đó nếu không nắm chắc Lịch như Cơ quan ban hành Lịch làm việc Ngành Chứng khoán. Rất nhiều người sẽ tính nhầm và không đúng.

Trong hình: Giá Cổ phiếu VNM (Vinamilk) bị giảm mạnh trong Ngày 05/09/2018. Đây chính là Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền của hỗn hợp 2 Quyền – Quyền Cổ tức Tiền mặt và Quyền Cổ phiếu Thưởng (Link gốc ảnh)

– Trong số các Quyền được thực hiện Chốt Danh sách thì có vài Quyền khá Đặc biệt như: Quyền nhận Cổ tức Tiền mặt, Quyền Cổ tức Cổ phiếu, Quyền Cổ phiếu Thưởng, Quyền Mua Phát hành thêm Tăng vốn và 1 vài Quyền đặc biệt khác. Điểm đặc biệt ở đây khi thực hiện các Quyền này thì Giá Cổ phiếu sẽ bị Giảm do Điều chỉnh Kỹ thuật của Sở Giao dịch Chứng khoán. Giảm này có lúc bị giảm là do Trừ Giá, rồi có lúc là do Chia giá, hay thậm chí là hỗn hợp khi có nhiều Quyền tham gia trong 1 lần Chốt Danh sách Quyền. Ví dụ: khi chia Cổ tức Tiền mặt thì sau khi chia, Công ty Niêm yết sẽ mất 1 lượng Tiền mặt do vừa trả cho Cổ đông nên Giá trị của Công ty sau chia cần phải giảm xuống. Đây là 1 Vấn đề rộng lớn Liên quan đến cả Định giá và Tính toán Thời điểm Mua bán, bạn có thể xem thêm 2 Bài viết liên quan sau: Cách tính Giá điều chỉnh trong Ngày Giao dịch Không hưởng quyền và Tại sao khi chia Quyền thì Giá cổ phiếu bị điều chỉnh?.

—————————————————————

Xem Thông báo Ngày Đăng ký Cuối cùng và Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền ở đâu?

Theo quy định hiện tại thì Trung tâm Lưu ký Chứng khoán sẽ là Cơ quan Quản lý toàn bộ vấn đề thực hiện Quyền tại Việt Nam. Mọi Công ty Niêm yết hay Công ty Đại chúng có Mã Chứng khoán muốn thực hiện chốt Danh sách Cổ đông đều phải liên hệ và làm việc với Phòng Đăng ký của Trung tâm để có Ngày Đăng ký Cuối cùng. Còn Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ là Đơn vị Thông báo và Quản lý Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền. Ở Bài viết Ngày Đăng ký Cuối cùng là gì? Xem Thông báo ở đâu mới nhất ở đâu?, Ta đã biết cách Tra cứu Lịch Ngày Đăng ký Cuối cùng, tuy nhiên khá đáng tiếc là Bên Sở Giao dịch Chứng khoán lại không có 1 Lịch như vậy. Cách duy nhất là ta vẫn tiếp tục tra giống như Lịch bên kia nhưng phải trừ lùi 01 Ngày làm việc để xem gần đây có những Mã nào sắp tới sẽ Chốt Quyền.

Trong hình: Ta có thể vào Trang chủ www.vsd.vn của Trung tâm lưu ký và tìm Lịch Thực hiện Quyền ở Bên phải, chọn Ngày Đăng ký Cuối cùng cần tìm như trên hình (Link gốc ảnh)

—————————————————————

Lịch trình Thực hiện Quyền của các Công ty Niêm yết trên sàn

– Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam phải nhận được Hồ sơ Đề nghị từ phía Công ty Niêm yết về việc muốn thực hiện Quyền gì đó như Cổ tức Tiền mặt, Cổ tức Cổ phiếu, … . Tài liệu Ví dụ như trường hợp của VietJet Air (Mã Chứng khoán: VJC) đi theo gồm có: Nghị quyết Đại hội cổ đông Thường niên 2018 (Có Thông qua việc Trả Cổ tức Tiền mặt) và Nghị quyết Hội đồng Quản trị  (về việc Tạm ứng Cổ tức Đợt 01 năm 2018 bằng Tiền). Như vậy từ trước khi có Ngày Chốt Danh sách, bạn có thể biết được Công ty sắp trả và việc sắp trả như vậy cũng dựa trên Chủ trương ban hành từ Đầu năm trong Đại hội Cổ đông Thường niên. Việc duyệt Hồ sơ này sẽ được thực hiện bởi Phòng Đăng ký Chứng khoán của Trung tâm.

Trong hình: Thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán về việc VietJet Air (Mã Chứng khoán: VJC) Tạm ứng Cổ tức Đợt 01 năm 2018 bằng Tiền (Link gốc ảnh)

– Sau khi nhận được Hồ sơ đầy đủ thì Trung tâm sẽ ra Thông báo như hình ảnh trên về Ngày Chốt để trả Cổ tức Tiền mặt của VietJet Air. Cần lưu ý là sau khi có Thông báo trên thì nhanh nhất 2 tuần sau mới được Chốt Danh sách (cần Thời gian để đông đảo Nhà Đầu tư có thể biết). Thông báo trên sẽ được đăng trên Website của Trung tâm, đồng thời gửi cho VietJet Air và Sở giao dịch Chứng khoán Tp. HCM – HOSE (Nơi VJC đang Niêm yết). Đến lượt mình, HOSE có thông báo:

Trong hình: Thông báo về Ngày Đăng ký Cuối cùng và Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM về việc VietJet Air (Mã Chứng khoán: VJC) Tạm ứng Cổ tức năm 2018 bằng Tiền (Link gốc ảnh)

– Để ý kỹ hơn nhiều Công ty Niêm yết khác khi Chốt Quyền tương tự như: Thông báo Quyền Cổ tức Tiền mặt VCB  (Vietcombank), Thông báo Quyền Cổ tức Tiền mặt và Lấy ý kiến Cổ đông bằng Văn bản SAB (Sabeco), … . Ta thấy: trong Thông báo của Sở HOSE luôn song hành thông báo cả 2 Ngày Đăng ký Cuối cùng và Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền. Còn Thông báo của Trung tâm chỉ có Ngày Đăng ký Cuối cùng. Lý giải việc trong Thông báo của Sở có thêm Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền là vì Ngày này được Sở HOSE theo dõi chặt chẽ và chính Sở sẽ thực hiện việc Điều chỉnh Giá nói trên trên Bảng giá Chứng khoán như trong Ví dụ VNM ở giữa bài (Phòng Giám sát thực hiện). Chi tiết hơn việc Điều chỉnh Giá thì bạn có thể xem thêm: Cách tính Giá điều chỉnh trong Ngày Giao dịch Không hưởng quyền

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Chu kỳ Thanh toán T+2, Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền, Ngày Đăng ký Cuối cùng và Ứng trước Tiền bán Chứng khoán
> Ngày Giao dịch, Ngày Thanh toán, Ngày T và Ngày T+2 trong Chứng khoán
> Ngày Đăng ký Cuối cùng là gì? Xem Thông báo ở đâu mới nhất ở đâu?
> Cách tính Giá điều chỉnh trong Ngày Giao dịch Không hưởng quyền
> Tại sao khi chia Quyền thì Giá cổ phiếu bị điều chỉnh?

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online 

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 02/2019)