Sàn Đại chúng Chưa Niêm yết (ĐCCNY) và sự thu hẹp sàn OTC

Giới thiệu

Bài viết Sàn Đại chúng Chưa Niêm yết (ĐCCNY) và sự thu hẹp sàn OTC là 1 phần của Nhóm Bài viết Các khái niệm và thuật ngữ về Chứng khoán. Qua đó giúp bạn tự nghiên cứu được Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để biết cách Phân tích Cổ phiếu. Bài viết này giới thiệu về Sàn Đại chúng chưa Niêm yết (ĐCCNY), Việc phân sàn trên Thị trường Chứng khoán của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước và sự thu hẹp của sàn Tự do OTC (Over The Counter). Các Vấn đề chính gồm:

+ Nguồn gốc của việc Niêm yết trên Thị trường Chứng khoán – Sàn Đại chúng Chưa Niêm yết.
+ Sàn ĐCCNY là gì và từ đầu mà có?
+ ĐCCNY và sự phân chia TTCK Việt Nam thực tế thành 5 sàn có sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
+ Sự phân sàn “thực tế” theo quan niệm mới nhất hiện nay của Luật Chứng khoán.

————————————————————–

Nguồn gốc của việc Niêm yết trên Thị trường Chứng khoán – Sàn Đại chúng Chưa Niêm yết (ĐCCNY)

Mặc dù Chứng khoán Việt Nam được thành lập từ năm 2000 (Còn khá non trẻ so với các nước trong vùng). Tuy nhiên càng ngày Chứng khoán càng đóng vai trò quan trọng trong nền Kinh tế Việt Nam, nó giúp cho Thị trường vốn được hoàn chỉnh, huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Giúp các Doanh nghiệp hàng đầu huy động được vốn thành công, tiếp thu được kinh nghiệm quản trị tiên tiến từ nước ngoài, nâng cao độ công khai minh bạch, tạo ra mức chuẩn minh bạch nói chung cho nền kinh tế. Nếu không có Thị trường Chứng khoán thì không thể có các Doanh nghiệp siêu lớn rất thành công lúc này như Vinamilk (VNM), Thế giới Di động (MWG), Hòa Phát (HPG), …

Nhắc lại bài viết trước Khái niệm về Công ty Đại chúng – hàng hóa trên Thị trường Chứng khoán thì chúng ta đã biết sau khi Công ty Cổ phần lớn mạnh hơn và có tính đại chúng hơn khi đạt được 2 điều kiện cùng lúc là: Vốn điều lệ >= 10 tỷ và số cổ đông >= 100. Khi đó, Công ty Cổ phần đó sẽ thành Công ty Đại chúng và phải làm thủ tục trong 90 ngày để đăng ký với Ủy ban Chứng khoán, sau đó Công ty phải xin Giấy phép Đăng ký cấp Mã Chứng khoán riêng dù chưa niêm yết cũng trong 90 ngày tiếp theo ví dụ như mã THA của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) – Giấy Chứng nhận Đăng ký Chứng khoán Giấy Chứng nhận Đăng ký Chứng khoán. Và khi được cấp Mã chứng khoán rồi thì nghiễm nhiên được xếp vào sàn ĐCCNY (Viết tắt của Đại Chúng chưa Niêm yết hay dân gian còn gọi là OTC (Over The Counter)) của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD).

Mã Chứng khoán THA của Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã có mã nhưng chưa Niêm yết từ 2013 và xếp ở sàn DCCNY (Link gốc ảnh)

————————————————————–

Sàn ĐCCNY là gì và từ đầu mà có?

Giai đoạn khởi nguồn: Cuối năm 2006 có 1 đợt bùng nổ các Công ty thi nhau Niêm yết lên sàn, nguyên nhân chính của việc này là do: làn sóng đấu giá cổ phần hóa lần đầu (IPO) của các Công ty Nhà nước trong giai đoạn 2005 – 2007 và quyết định của Bộ Tài chính nếu Công ty nào Niêm yết trước 31/12/2006 thì sẽ được miễn thuế Thu nhập Doanh nghiệp. Theo thống kê thì đã có rất nhiều Công ty Nhà nước đã cổ phần hóa trong giai đoạn này nên số Công ty lên sàn trong đoạn cuối 2006 cũng không đáng kể là bao. Cộng với việc “bong bóng” trên Thị trường Niêm yết, thì các cổ phiếu chưa lên sàn hay thời đó còn gọi là cổ phiếu thị trường tự do (không có ai quản lý), cổ phiếu OTC đã lên cơn … sốt nóng liên tục. Thị trường này không khác gì Thị trường Bất động sản, cách giao dịch giống hệt, chỉ cần Hợp đồng chuyển nhượng, Sổ cổ đông và Chứng Minh thư là số cổ phiếu tự do trao tay liên tục. Thống kê cũng cho thấy Thị trường tự do lớn gấp vài lần Thị trường Niêm yết chính thức. Và Ủy ban Chứng khoán thì không có cách nào với tay tới để quản lý thị trường này. Như vậy đây chính là nguồn gốc sâu xa của Thị trường ĐCCNY ngày nay.

Sàn UPCoM ra đời và sự kỳ vọng thu hẹp Thị trường OTC: sau nhiều lần họp bàn cách để thu hẹp Thị trường cổ phiếu chưa niêm yết, cuối cùng thì ngày 24/6/2009 sàn UPCoM chính thức có phiên giao dịch đầu tiên, UPCoM được viết tắt của từ Tiếng Anh Unlisted Public Company Market, tức là Thị trường các Công ty Chưa niêm yết, tên của sàn đã thể hiện đúng ý nghĩa muốn thu hẹp các Công ty không chịu Niêm yết.

Một đoạn giới thiệu về UPCoM của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong Báo cáo thường niên năm 2009 (Link gốc ảnh)

Tuy nhiên là trái ngược với lập luận của Sở và Ủy ban cho rằng do nhiều Công ty Đại chúng không đủ điều kiện Niêm yết nên khi mở sàn UPCoM vốn không có điều kiện gì cả ngoài việc hơn mỗi cái Bảng giá Chứng khoán để giao dịch cho tiện thì sẽ thu hút được rất nhiều Công ty vào đó và qua đó thu hẹp được Thị trường OTC. Kết quả UPCoM giao dịch rất kém, hầu như không ai quan tâm, rồi các Công ty lỗ nhiều năm tại HOSE và HNX bị buộc hủy niêm yết lại được sang đó nên dần dần UPCoM trong giai đoạn này giống như là 1 sàn … “rác”. Rõ ràng là cả Sở và Ủy ban đã lập luận sai khi cho rằng các Công ty Đại chúng chưa niêm yết cũng thích có 1 cái Bảng giá, cái họ sợ là … minh bạch, bị xã hội và báo chí nhìn vào.

Sàn ĐCCNY (Đại chúng Chưa niêm yết) chính thức được bắt đầu và sự lấn dần “miếng bánh” của Thị trường OTC: vào tháng 1/2013 thì Ủy ban Chứng khoán đã ban hành Quyết định trong đó bản chất của nó là sự thông báo chính thức sự ra đời của sàn ĐCCNY với hiệu lực bắt đầu là từ 1/3/2013. Lúc này mọi cổ phiếu chưa niêm yết HOSE HNX, chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM không được phép chuyển nhượng tự do, mọi sự chuyển nhượng đều phải qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) với đại lý chuyển nhượng là các Công ty Chứng khoán thành viên. Như vậy, thay vì kỳ vọng sự tự giác háo hức tự lên UPCoM của nhiều Công ty chưa niêm yết để có sự quản lý thì Ủy ban lại ra văn bản mọi sự chuyển nhượng không qua VSD là vi phạm pháp luật. Một kiểu văn bản ban hành mang nặng tính hành chính thường thấy ở Việt Nam. Tuy nhiên trong trường hợp này đã mang lại hiệu quả rất cao và kết quả thì ngay lập tức. Như vậy về mặt pháp lý ngoài 3 sàn đang được quản lý là HOSE, HNX, UPCoM thì lúc này có thêm 1 sàn được quản lý tiếp là ĐCCNY, bên cạnh sàn cuối OTC vốn rất khó bị quản lý thì giờ đã bị thu hẹp đáng kể phạm vi.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Sàn ĐCCNY là gì và từ đầu mà có?” thì nghe thêm dưới đây:

————————————————————–

ĐCCNY và sự phân chia TTCK Việt Nam thực tế thành 5 sàn có sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Như chúng ta đã biết với các lập luận kể trên thì cứ hễ là Công ty Đại chúng và đã đăng ký với Ủy ban, rồi đăng ký cấp mã với Trung tâm Lưu ký thì sẽ được xếp ngay vào sàn này – sàn ĐCCNY (Mặc định). Đứng từ sàn ĐCCNY bắt đầu chuyển sang niêm yết, đăng ký giao dịch tại 1 trong 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM. Như vậy trên Bảng giá Chứng khoán ta có thể nhìn thấy 3 sàn có bảng giá, nhưng thực tế là có tới … 5 sàn cổ phiếu.

Trong ảnh: Chỗ dấu đỏ cho thấy chỉ có duy nhất 3 Bảng giá Chứng khoán có thể giao dịch được – Nguồn FPTS (Link gốc ảnh)

Trong ảnh: Một đoạn thông báo của VSD về việc chuyển dữ liệu của BHN (Bia Hà Nội – Habeco) từ ĐCCNY sang UPCoM (Link gốc ảnh)

Hiện nay theo quy định mới nhất thì tất cả các Công ty Nhà nước sau khi cổ phần hóa xong thì 90 ngày sau ít nhất phải đăng ký giao dịch lên UPCoM (Lên HOSE hay HNX thì càng tốt hơn), các Công ty Đại chúng mà Nhà nước còn cầm chi phối >51% cũng phải lên ít nhất là UPCoM tương tự như mới cổ phần hóa. Nhờ có các chính sách như vậy mà suốt vài tháng cuối năm 2016 đầu năm 2017 hàng loạt các Công ty đã lên sàn, trong đó có rất nhiều Công ty lớn như SAB (Bia Sài Gòn – Sabeco), BHN (Bia Hà Nội – Habeco), HVN (Vietnam Airline), ACV (Tổng Công ty Cảng Hàng không), QNS (Đường Quảng Ngãi), MCH (Masan Consumer), … .

Trong ảnh: Chỗ dấu đỏ Cột “Sàn Giao dịch” trên Web của VSD cho thấy thực tế có 4 sàn cổ phiếu được quản lý (Với OTC Trung tâm không quản lý) (Link gốc ảnh)

————————————————————–

Sự phân sàn “thực tế” theo quan niệm mới nhất hiện nay của Luật Chứng khoán

Ta có bảng như hình dưới đây, dễ thấy sàn OTC là có sự “nhập nhèm” nhất vì theo quy định của Luật, khi thành Công ty Đại chúng chính thức (>=100 cổ đông và >=10 tỷ đồng) nhưng Công ty đó vẫn có 90 ngày để đăng ký với Ủy ban Chứng khoán. Và tất nhiên trong thời gian chưa đăng ký đó thì Quyền Quản lý thực tế vẫn nằm ở Sở kế hoạch Đầu tư (Phòng Đăng ký Kinh doanh). Thậm chí có rất nhiều Công ty còn chậm không đăng ký Công ty Đại chúng đúng thời hạn (Quá hạn nhiều năm như đề cập tại Phần cuối Bài viết Khái niệm về Công ty Đại chúng). Sau khi Đăng ký thì Đơn vị Quản lý trực tiếp nhất lúc này mới là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong ảnh: sự phân sàn theo Góc nhìn của Luật Chứng khoán hiện nay (Link gốc ảnh)

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

————————————————————–

Các bài viết khác có liên quan

> Các khái niệm và thuật ngữ trong Chứng khoán
Khái niệm về Công ty Đại chúng – hàng hóa trên Thị trường Chứng khoán

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online 

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 2/2017)