Tỷ lệ Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float

Giới thiệu

Ở bài viết trước Cách tính Chỉ số VN-Index và HNX-Index ta đã biết đến việc tính Chỉ số Giá chung của cả Thị trường là VN-Index và HNX-Index. Cách tính cơ bản là dựa trên Tổng Vốn hóa Thị trường của tất cả các Mã Chứng khoán đang Niêm yết. Tuy nhiên trong quá trình vận hành đã xuất hiện rất nhiều hạn chế như: một số cổ phiếu quá lớn trong chỉ số như VIC, VNM; một số cổ phiếu lớn nhưng tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi giao dịch tự do rất ít nên Giá dễ bị “làm giá” tác động như SAB; các cổ phiếu mới lên sàn thường bị định giá quá cao như TCB, YEG; … Để khắc phục điều trên, 2 Sở Giao dịch Chứng khoán HOSE và HNX đã đưa ra một số khái niệm mới để tính chỉ số mới chạy song hành cùng. Trong đó có đưa ra 2 khái niệm quan trọng để hạn chế các nhược điểm như đã nói ở trên là: Tỷ lệ Free-Float và Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán. Bài viết này sẽ tập trung Giới thiệu về Tỷ lệ Free-Float, còn Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán sẽ được trình bày trong Bài viết Thanh khoản Chứng khoán và Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán.

Ngoài ra Bài viết này là 1 phần của Nhóm Bài viết Các khái niệm và thuật ngữ về Chứng khoán. Qua đó giúp bạn tự nghiên cứu được Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Tỷ lệ Free-Float hay Tỷ lệ Cổ phiếu Tự do chuyển nhượng là gì?
+ Ví dụ về Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Free-Float.
+ Chỉ số và Quy tắc làm tròn Tỷ lệ Free-Float.

—————————————————————

Tỷ lệ Free-Float hay Tỷ lệ Cổ phiếu Tự do chuyển nhượng là gì?

– Khái niệm: Tỷ lệ Free-Float (f) hay Tỷ lệ Cổ phiếu Tự do chuyển nhượng được hiểu đơn giản là Tỷ lệ Số lượng cổ phiếu được thực sự tự do chuyển nhượng mà không chịu bất kỳ sự ràng buộc hay công bố thông tin Mua bán nào. Tỷ lệ này được tính trên Tổng số lượng tự do chuyển nhượng trên Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành. Ta có công thức:

Trong ảnh: Công thức tính Tỷ lệ Free-Float. Trong đó có dựa vào Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành và Số lượng Cổ phiếu Tự do chuyển nhượng (Link gốc ảnh)

Trong công thức ở trên thì khái niệm Số lượng Cổ phiếu Đang Lưu hành bạn có thể xem thêm tại phần giữa bài Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành. Còn Số lượng Cổ phiếu Không tự do Chuyển nhượng là các cổ phiếu thuộc các Trường hợp sau:

+ Cổ phiếu của các đối tượng đang trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng:

* Cổ đông sáng lập: sau 3 năm thành lập mới được phép chuyển nhượng cho cổ đông khác.
* Phát hành Riêng lẻ (Phát hành cho dưới 100 Nhà đầu tư): tùy vào Thỏa thuận nhưng ít nhất 1 năm hạn chế chuyển nhượng. Ví dụ như đợt  Phát hành Riêng lẻ của Vietcombank cho Ngân hàng Mizuho Bank của Nhật với thời hạn Hạn chế chuyển nhượng là 5 năm.
* Phát hành Cổ phiếu Ưu đãi cho Cán bộ nhân viên: tùy vào Thỏa thuận.
* Cổ phiếu của Doanh nghiệp FDI chuyển sang Công ty Cổ phần để Niêm yết Chứng khoán: cam kết nắm giữ ít nhất 30% trong 10 năm kể từ ngày chuyển đổi.
* Các trường khác theo quy định.

+ Cổ phiếu thuộc sở hữu của cổ đông nội bộ và những người có liên quan: Cổ đông Nội bộ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Thành viên Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng. Người liên quan là: Bố, Mẹ, Vợ, Chồng, Con, Anh Chị Em ruột, các Công ty có sở hữu liên quan của các Cổ đông Nội bộ ở trên. Các cổ đông này khi Mua bán Cổ phiếu của Công ty mình đều phải Đăng ký trước khi Mua Bán và Báo cáo Kết quả sau khi Mua bán xong. Ví dụ: 

Trong ảnh: Thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – HNX về việc Cổ đông liên quan đến Cổ đông Nội bộ Đăng ký Mua cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB trước khi Thực hiện Mua (Link gốc ảnh)

+ Cổ phiếu thuộc sở hữu của Cổ đông Chiến lược.

+ Cổ phiếu thuộc sở hữu của Cổ đông Nhà nước.

+ Cổ phiếu thuộc sở hữu của Cổ đông Lớn (Trừ Công ty Quản lý Quỹ, Công ty Chứng khoán, Công ty Bảo hiểm, Quỹ Đầu tư, Quỹ ETF và Doanh nghiệp Đầu tư có tính chất Tự doanh).

+ Cổ phiếu thuộc sở hữu chéo trực tiếp giữa các Công ty trong cùng Chỉ số (Ví dụ như VIC và VRE).

– Tổng kết và Ý nghĩa: chốt lại Tỷ lệ Free-Float chính là chính là Tỷ lệ số cổ phiếu đang thực sự tự do chuyển nhượng (Không bị Hạn chế, không phải báo cáo trước khi Mua Bán hay Kết quả khi Mua Bán xong) trên Tổng số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành. Hay gọi nôm na như tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi đang có thực sự là bao nhiêu. Điều đó lý giải vì sao có những Cổ phiếu có số lượng cổ khá lớn như SAB, BHN nhưng số lượng cổ phiếu giao dịch hàng ngày lại rất thấp, nguyên nhân là các cổ đông nội bộ bên trong đã cầm gần hết Tổng số. Từ đây sẽ dẫn đến ứng dụng rất quan trọng là Vốn hóa Thị trường nhưng có điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float và chỉ số mới được dựa trên cách tính Vốn hóa Thị trường điều chỉnh này sẽ “chính xác” hơn để phản ánh mức độ ảnh hưởng của từng Cổ phiếu trong Chỉ số Index (Cổ phiếu trôi nổi ít thì cũng sẽ bị ảnh hưởng ít đi cho đúng hơn). Và để dễ hình dung hơn mình sẽ nêu Ví dụ trong phần dưới đây.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Tỷ lệ Free-Float hay Tỷ lệ Cổ phiếu Tự do chuyển nhượng là gì?” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Ví dụ về Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Free-Float

– Để đảm bảo Ví dụ được đầy đủ và không mất làm mất đi tính Tổng quát của vấn đề, mình sẽ nêu 2 Ví dụ, trong đó có 1 Ví dụ về 1 Công ty Nhà nước và 1 Ví dụ về 1 Công ty Tư nhân. Trước tiên mình sẽ ví dụ từ Công ty Nhà nước là Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải Khát Sài Gòn (Sabeco) hay gọi tắt là Bia Sài Gòn (Mã Chứng khoán là SAB). Số liệu cần xem xét đầu tiên là Số lượng Cổ phiếu Không tự do Chuyển nhượng của SAB với cơ cấu cổ đông như sau:

Trong ảnh: Cơ cấu Cổ đông của Sabeco và Tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông so với Tổng là Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành (Link gốc ảnh)

Bảng trên được Tổng hợp chủ yếu từ Báo cáo thường niên 2017 – SAB (Trang 36/86 và 37/86) (Báo cáo Thường niên thường được lấy từ Website của chính Công ty Niêm yết tại Tab “Cổ đông” và Tab con “Báo cáo thường niên”) hoặc ngay trên chính CafeF thông tin của từng Doanh nghiệp tại Mục “Ban lãnh đạo và Sở hữu” và mục con “Cổ đông lớn” như hình ảnh Thông tin Cổ đông Lớn và Cổ đông Nội bộ của SAB trên CafeF. Ở đây ta thấy Cơ cấu cổ đông của Sabeco khá đơn giản, có 4 cổ đông thuộc diện Mua Bán phải báo cáo, trong đó 2 cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Vietnam Beverage và Bộ Công thương đã nắm gần như tuyệt đối nhóm này là hơn 89%. Tổng hợp lại Tổng số cổ phiếu không Tự do chuyển nhượng là: 574.520.834 cổ phiếu. Như vậy Số lượng cổ phiếu Tự do chuyển nhượng của SAB sẽ là: Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành 641.281.186 cổ phiếu – Số lượng Cổ phiếu không tự do chuyển nhượng 574.520.834 cổ phiếu = 66.760.352 cổ phiếu hay Tỷ lệ Free-Float sẽ là: 66.760.352 / 641.281.186 = 10,41%.

Tính đến cuối ngày 27/07/2018 thì SAB có Giá cổ phiếu là: 207.000 đồng / cổ phiếu. Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành là: 641.281.186 cổ phiếu. Như vậy Vốn hóa Thị trường sẽ là: 207.000 đồng / cổ phiếu x 641.281.186 cổ phiếu = 132.745.205.502.000 đồng hay 132.745 tỷ đồng (Bạn có thể xem thêm bài viết Vốn hóa Thị trường và Cổ phiếu Blue-Chip, Penny, MidCap nếu chưa hiểu hết về Vốn hóa Thị trường). Giá trị này khá lớn và có ảnh hưởng nhất định trong VN-Index nhưng rõ ràng là không phản ánh được xu hướng chung của Thị trường do Số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng quá ít. Do đó nếu tính Vốn hóa Thị trường có điều chỉnh Tỷ lệ cổ phiếu Tự do chuyển nhượng (Tỷ lệ Free-Float) thì sẽ đúng hơn và con số này sẽ là: 132.745 tỷ đồng x 10,41% = 13.918 tỷ đồng. Con số này rõ ràng trở nên bình thường hơn rất nhiều nếu so với 132.745 tỷ đồng.

– Một cách Tương tự, ta có Cơ cấu cổ đông và Tỷ lệ Cổ phiếu Không tự do chuyển nhượng của HPG như sau:

Trong ảnh: Cơ cấu Cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát và Tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông so với Tổng là Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành (Link gốc ảnh)

Như hình trên thì ta có thể thấy Cổ đông Nội bộ và những người có liên quan đã nắm giữ Tổng cộng là 1.012.153.224 cổ phiếu. Trong số các nhóm cổ đông nội bộ nói trên thì cổ đông có liên quan đến Ông Hans Christian Jacobsen là 2 Quỹ đầu tư là PENM III GERMANY GMBH & CO.KG nắm khoảng 59.956.778 cổ phiếu và PENM IV GERMANY GMBH & CO.KG nắm khoảng 21.672.000 cổ phiếu. Do quy định loại trừ Quỹ đầu tư nên Số lượng cổ phiếu Không tự do chuyển nhượng thực tế sẽ là 1.012.153.224 cổ phiếu – 59.956.778 cổ phiếu (Quỹ PENM III) – 21.672.000 cổ phiếu (Quỹ PENM IV) = 930.524.446 cổ phiếu. Do đó ta có Số lượng Cổ phiếu Tự do chuyển nhượng sẽ là: Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành 2.123.907.166 cổ phiếu – Số lượng Cổ phiếu không tự do chuyển nhượng 930.524.446 cổ phiếu = 1.193.382.720 cổ phiếu hay Tỷ lệ Free-Float sẽ là: 1.193.382.720 / 2.123.907.166 = 56,19%.

Tính đến cuối ngày 27/07/2018 thì HPG có Giá cổ phiếu là: 37.300 đồng / cổ phiếu. Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành là: 2.123.907.166 cổ phiếu. Như vậy Vốn hóa Thị trường sẽ là: 37.300 đồng / cổ phiếu x 2.123.907.166 cổ phiếu = 79.221.737.291.800 đồng hay 79.222 tỷ đồng. Giá trị này cũng khá lớn và có ảnh hưởng nhất định trong VN-Index tuy nhiên vẫn nhỏ hơn và chỉ bằng tầm 60% Vốn hóa Thị trường của SAB. Tuy nhiên, ta thấy HPG giao dịch rất sôi động và đôi khi còn mang tính định hướng Thị trường nên nếu tính Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float thì sẽ đúng hơn với bản chất của HPG và con số này sẽ là: 79.222 tỷ đồng x 56,19% = 44.515 tỷ đồng. Con số này rõ ràng vẫn còn khá lớn và vượt hẳn so với của SAB chỉ là 13.918 tỷ đồng.

Như vậy Vốn hóa Thị trường của HPG nhỏ hơn SAB, nhưng tính Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Free-Float thì HPG lại cao hơn và cao hơn khá nhiều. Điều này phản ánh rõ hơn, đúng đắn hơn xu hướng chung của Thị trường. Và ứng dụng này được áp dụng vào tính các chỉ số thành phần như VN30, HNX30, VN100, … .

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Ví dụ về Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Free-Float” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Chỉ số và Quy tắc làm tròn Tỷ lệ Free-Float

Trong thực tế khi vận hành xây dựng Chỉ số thì do Chỉ số chỉ bao hàm 1 nhóm với số lượng cổ phiếu nhất định như VN30 là 30 Công ty, VN100 là 100 Công ty và định kỳ trong vòng 3, 6 hay 12 tháng thì chỉ số lại sắp xếp lại 1 lần Danh mục mới với một chút thay đổi về cơ cấu cổ phiếu thành phần. Việc thay đổi này để đảm bảo Chỉ số luôn phản ánh đúng xu hướng của Nhóm Cổ phiếu theo 1 tiêu chí nào đó. Do trong kỳ đôi khi vẫn có sự thay đổi của Tỷ lệ Free-Float đối với từng cổ phiếu nên nếu liên tục điều chỉnh mỗi khi có 1 Cổ phiếu thay đổi sẽ dẫn đến tình trạnh “lắt nhắt” và bị “nhiễu” khá nhiều. Để đảm bảo tránh tình trạng đó mà cũng không làm mất đi tính Tổng quát phản ánh của Chỉ số, thì các Sở giao dịch Chứng khoán khi vận hành Chỉ số đã đặt ra nguyên tắc làm tròn, chính xác là làm tròn lên khi tính Tỷ lệ Free-Float như sau:

Trong ảnh: Quy tắc làm tròn Tỷ lệ Free-Float theo hướng làm tròn lên và mỗi mức là 5%. Riêng <5% sẽ bị loại do tỷ lệ tự do quá ít dễ dẫn đến thao túng giá và phản ánh không chính xác giá (Link gốc ảnh)

Theo như quy tắc làm tròn trên thì SAB có Tỷ lệ Free-Float thực tế là: 10,41% sẽ được làm tròn mặc định là 15%. Khi đó Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float (Đã làm tròn) sẽ là: 132.745 tỷ đồng x 15% = 19.912 tỷ đồng. Còn HPG sẽ có Tỷ lệ Free-Float thực tế là: 56,19% sẽ được làm tròn mặc định là 60%. Khi đó Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float (Đã làm tròn) sẽ là: 79.222 tỷ đồng x 60% = 47.533 tỷ đồng. Rõ ràng là tương quan Vốn hóa Thị trường mới này vẫn có sự khác biệt lớn giữa HPG và SAB. Về cơ bản làm không làm thay đổi bản chất của sự việc và hạn chế được sự “lắt nhắt” mỗi khi Cổ đông nội bộ mua ra bán vào cổ phiếu của chính Công ty mình với số lượng ít không đáng kể.

Bạn có thể xem thêm Danh mục 70 Mã Chứng khoán có Vốn hóa lớn nhất ở HOSE và Vốn hóa điều chỉnh tỷ lệ Free-Float để thấy được sự thay đổi Tỷ lệ Free-Float lên Vốn hóa Thị trường.

Ngoài ra, theo quy định mới nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh – HOSE thì từ Tháng 4/2019, Quy tắc làm tròn Tỷ lệ Free-float có thay đổi lớn ở các Mã Chứng khoán có Tỷ lệ Free-Float thực tế từ 5% đến 15% sẽ chỉ được làm tròn lên theo bước là 1%, thay vì bước 5% như trước. Riêng các Mã Chứng khoán khác có Tỷ lệ Free-Float thực tế từ 15% trở lên vẫn được làm tròn lên theo bước là 5%. Cụ thể như hình sau:

Trong ảnh: Quy tắc làm tròn Tỷ lệ Free-Float theo theo quy định mới. Trong đó vùng từ 5 – 15% sẽ chỉ làm tròn lên theo mức 1%. Các Vùng còn lại vẫn theo quy định cũ (Link gốc ảnh)

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Chỉ số và Quy tắc làm tròn Tỷ lệ Free-Float” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Các khái niệm và thuật ngữ trong Chứng khoán
Cách tính Chỉ số VN-Index và HNX-Index
Vốn hóa Thị trường và Cổ phiếu Blue-Chip, Penny, MidCap
> Thanh khoản Chứng khoán và Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 8/2018)