Ứng trước Tiền bán Chứng khoán là gì và Cách tính Phí

Giới thiệu

Bài viết dưới đây là 1 phần của Bài viết Chu kỳ thanh toán T+2, Ngày giao dịch không hưởng quyền, Ngày đăng ký cuối cùng và Ứng trước Tiền bán Chứng khoán và nằm trong Nhóm Bài viết Các khái niệm và thuật ngữ về Chứng khoán, nhằm giải thích Rõ hơn Khái Niệm: Ứng trước Tiền bán Chứng khoán.

Ngoài ra, chủ đề này cũng là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Ứng trước Tiền bán Chứng khoán là gì và Tại sao lại có?
+ Cách tính Phí Ứng trước Tiền bán Chứng khoán
+ Ứng trước Tiền bán Chứng khoán Tự động là gì?
+ Ví dụ về Ứng trước Tiền bán Chứng khoán Tự động và Hạch toán của Công ty Chứng khoán

—————————————————————

Ứng trước Tiền bán Chứng khoán là gì và Tại sao lại có?

Như bạn đã biết tại Bài viết Chu kỳ thanh toán T+2, Ngày giao dịch không hưởng quyền, Ngày đăng ký cuối cùng và Ứng trước Tiền bán Chứng khoán. Khi Bán xong thì đúng 16h30 – 2 Ngày làm việc sau Tiền bán Chứng khoán đó mới về và bắt đầu dùng vào các việc khác. Tuy nhiên một số khách hàng do lại có nhu cầu muốn dùng tiền ngay dù nó chưa về. Khi đó:

– Công ty Chứng khoán nơi Khách hàng Mở Tài khoản Chứng khoán nhận thấy: Tiền Bán Chứng khoán kia chắc chắn sẽ về (Ít nhất là từ khi thành lập năm 2000 đến giờ là luôn về). Khách hàng lại có nhu cầu “mượn” hay “vay” để dùng sớm. Để gia tăng Tiện ích cho khách hàng, cũng như có thêm nguồn thu đáp ứng nhu cầu này. Công ty Chứng khoán cho khách hàng “mượn tạm” số tiền này trong Thời gian chờ nó về. Hoạt động như vậy được gọi là: Ứng trước Tiền bán Chứng khoán.

Trong hình: Sơ đồ quy trình Ứng trước Tiền bán Chứng khoán giữa Công ty Chứng khoán và Khách hàng tại Ngày Giao dịch, Ngày thanh toán (Link gốc ảnh)

– Khách hàng phải trả Công ty Chứng khoán 1 khoản Phí để được mượn tiền ít ngày như vậy được gọi là Phí Ứng trước Tiền bán Chứng khoán (Hay một số nơi gọi là Lãi vay Ứng trước Tiền bán Chứng khoán). Mức Phí này sẽ phụ thuộc vào số Ngày vay thực tế của khách hàng, Lãi suất vay của các Công ty Chứng khoán cũng khác nhau (Thường Công ty Chứng khoán lớn thì lớn hơn). Thời kỳ khác nhau cũng có mức Lãi suất vay mặt bằng chung khác nhau (Thường thì có 1 phần tham chiếu từ Lãi Gửi tiền / Cho vay bên Ngân hàng).

– Mục đích của Ứng trước khá đơn giản, mua luôn Mã Chứng khoán khác khi nhận thấy cơ hội hoặc Đơn giản là Rút tiền mặt ra ngay trong ngày do nhu cầu cá nhân.

—————————————————————

Cách tính Phí Ứng trước Tiền bán Chứng khoán

Mặc dù được các Công ty Chứng khoán coi là 1 khoản Phí nhưng bản chất đây là 1 khoản Cho vay của Công ty Chứng khoán cho khách hàng nên khoản Phí Ứng trước này sẽ có Cách tính dựa trên số Ngày thực vay của khách hàng. Lãi suất 1 Ngày sẽ tùy thuộc vào chính sách của Mỗi Công ty Chứng khoán cho từng thời kỳ. Một số Ví dụ minh họa để dễ hình dung Cách tính của các Trường hợp:

Vay 2 Ngày: Nếu bạn Bán Chứng khoán vào Thứ 2 – Ngày 10/12/2018 (Ngày T) thì Thứ 4 – Ngày 12/12/2018 Tiền mới về. Khi đó nếu bạn Ứng trước ra luôn để mua luôn Mã Chứng khoán khác hoặc Rút tiền, tức là Vay 2 Ngày và nếu Giả sử Giá trị Ứng trước là 100 triệu đồng, Lãi suất 1 Ngày Ứng trước là 0,04% / ngày thì số Phí Ứng trước Tiền bán Chứng khoán mà bạn phải trả trong trường hợp này sẽ là: 2 ngày x 100 triệu đồng x 0,04% / ngày = 80 ngàn đồng.

Trong hình: Bán Ngày Thứ 2 – 10/12/2018 thì Tiền sẽ về Ngày Thứ 4 – 12/12/2018. Muốn dùng trước Tiền thì phải Ứng trước Tiền bán Chứng khoán (Link gốc ảnh)

– Vay 1 Ngày: Nếu bạn Bán Chứng khoán vào Thứ 2 – Ngày 10/12/2018 (Ngày T) thì Thứ 4 – Ngày 12/12/2018 Tiền mới về. Tuy nhiên thay về Ứng luôn trong Ngày 10/12/2018 thì do 1 ngày sau mới có nhu cầu tức Thứ 3 – Ngày 10/12/2018. Khi đó nếu bạn mới Ứng trước để mua Mã Chứng khoán khác hoặc Rút tiền, tức là Vay 1 Ngày và nếu Giả sử Giá trị Ứng trước là 100 triệu đồng, Lãi suất 1 Ngày Ứng trước là 0,04% / ngày thì số Phí Ứng trước Tiền bán Chứng khoán mà bạn phải trả trong trường hợp này sẽ là: 1 ngày x 100 triệu đồng x 0,04% / ngày = 40 ngàn đồng.

Vay 4 Ngày: Nếu bạn Bán Chứng khoán vào Thứ 5 – Ngày 13/12/2018 (Ngày T) thì Thứ 2 Tuần sau – Ngày 17/12/2018 Tiền mới về. Khi đó nếu bạn Ứng trước ra luôn để mua luôn Mã Chứng khoán khác hoặc Rút tiền, tức là Vay 4 Ngày (Gồm cả Thứ 7 & Chủ nhật) và nếu Giả sử Giá trị Ứng trước là 100 triệu đồng, Lãi suất 1 Ngày Ứng trước là 0,04% / ngày thì số Phí Ứng trước Tiền bán Chứng khoán mà bạn phải trả trong trường hợp này sẽ là: 4 ngày x 100 triệu đồng x 0,04% / ngày = 160 ngàn đồng.

Trong hình: Bán Ngày Thứ 5 – 13/12/2018 thì Tiền sẽ về Ngày Thứ 2 Tuần sau – 17/12/2018. Muốn dùng trước Tiền thì phải Ứng trước Tiền bán Chứng khoán (Link gốc ảnh)

– Vay 3 Ngày: Nếu bạn Bán Chứng khoán vào Thứ 5 – Ngày 13/12/2018 (Ngày T) thì Thứ 2 Tuần sau – Ngày 17/12/2018 Tiền mới về. Tuy nhiên thay về Ứng luôn trong Ngày 13/12/2018 thì do 1 ngày sau mới có nhu cầu tức Thứ 6 – Ngày 14/12/2018. Khi đó nếu bạn mới Ứng trước để mua Mã Chứng khoán khác hoặc Rút tiền, tức là Vay 3 Ngày và nếu Giả sử Giá trị Ứng trước là 100 triệu đồng, Lãi suất 1 Ngày Ứng trước là 0,04% / ngày thì số Phí Ứng trước Tiền bán Chứng khoán mà bạn phải trả trong trường hợp này sẽ là: 3 ngày x 100 triệu đồng x 0,04% / ngày = 120 ngàn đồng.

Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt như qua dịp Lễ, Tết như Tết âm lịch, có nhiều năm phải chịu lãi vay tới 10 ngày. Khi đó ta chỉ việc tính số ngày thực vay Ứng trước x Lãi vay / Ngày x Số tiền Ứng trước là ra kết quả cần tính toán. Mức Lãi suất tính Phí Ứng trước hiện nay cũng vào khoảng 0,035 – 0,04% / Ngày tùy từng Công ty Chứng khoán. Như vậy bạn đã biết Cách tính Phí Ứng trước Tiền bán Chứng khoán.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Ứng trước Tiền bán Chứng khoán Tự động là gì?

Nếu bạn đã Mở hoặc có xem Hồ sơ Mở Tài khoản Chứng khoán của các Công ty Chứng khoán, bạn sẽ thấy trong các Dịch vụ họ cung cấp trên Hồ sơ Hợp đồng sẽ có 1 cụm từ là “Ứng trước Tiền bán Chứng khoán Tự động”. Vậy “Tự động” là thế nào và hay là còn 1 dạng là … “Không Tự động”?

Trong hình: Hợp đồng Mở Tài khoản Chứng khoán của HSC với 1 Dịch vụ phải Đăng ký là Ứng trước Tiền bán Chứng khoán Tự động (Link gốc ảnh)

Lật ngược lại, trước đây khi muốn sử dụng Dịch vụ Ứng trước Tiền bán Chứng khoán thì khách hàng phải có Đăng ký Dịch vụ. Và khi dùng thì trong Phần mềm Giao dịch của Công ty Chứng khoán sẽ có riêng 1 phần Ứng trước, nếu khách hàng bấm vô đó để Xác nhận muốn Ứng thì sẽ bị trừ Phí ngay lập tức, dù sau đó nếu khách hàng Đặt mua Mã Chứng khoán khác nhưng không khớp. Một Dịch vụ như được gọi là Ứng trước Tiền bán Chứng khoán Thông thường hay gọi đơn giản là “Ứng Tay”.

Nhằm khác phục nhược điểm trên và gia tăng tiện ích cho khách hàng thì các Công ty Chứng khoán ra đời thêm Dịch vụ Ứng trước Tiền bán Chứng khoán Tự động. Tức là ngay khi vừa Khớp Lệnh bán thì số Tiền mà đáng ra 2 ngày làm việc nữa mới về thì sẽ được tự động ứng ra luôn. Tuy nhiên lợi điểm ở đây là bạn có thể Đặt mua Mã Chứng khoán tiếp nhưng nếu không khớp và qua ngày, đến T+2 Tiền về thì coi như bạn … chưa Ứng và đương nhiên là không mất Phí (Nếu mua Khớp rồi thì coi như là Ứng thật). Dịch vụ này khá lợi cho khách hàng và được gọi là Ứng trước Tiền bán Chứng khoán Tự động. Ở HSC chỗ mình đang công tác thì họ tạo ra 1 Tiểu khoản gọi là “Khả dụng” chuyên để Quản lý Dịch vụ này để tính Phí đúng cho khách hàng.

Trong hình: Tài khoản Chứng khoán của HSC – Phiên bản Website HSC VI Trade. Ta dễ dàng thấy tại Ô “Sức mua” bên phải góc dưới có 2 Tiểu khoản là “Thực dư” và “Khả dụng” (Link gốc ảnh)

Để Quản lý số Tiền chờ về, ở đây là HSC sẽ tạo ra 2 Tiều khoản:

+ Thực dư: là số dư Tiền mặt thực sự đang có trong Tài khoản của khách hàng. Trong ví dụ trên ảnh là: 42 triệu đồng chẵn.
+ Khả dụng: là số dư Tiền mặt có thể sử dụng được của khách hàng. Gồm: Thực dư + Tiền bán Chứng khoán Chờ về do chưa đủ T+2. Do Tài khoản trên gần đây chưa Bán gì thêm nên không có Tiền bán Chứng khoán Chờ về nên Khả dụng vẫn là 42 triệu đồng chẵn.

—————————————————————

Ví dụ về Ứng trước Tiền bán Chứng khoán Tự động và Hạch toán của Công ty Chứng khoán

– Để rõ hơn mình sẽ tiếp tục Ví dụ như Tài khoản ở trên và các trường hợp về Cách tính Phí Ứng trước Tiền bán Chứng khoán. Giả sử: Thứ 2 – Ngày 10/12/2018, Tài khoản nói trên Bán 100 cổ phiếu MWG giá 88.000 đồng, tức 8,8 triệu đồng Giá trị Bán.  Khi đó:

+ Phí Bán: mức Phí Bán của HSC hiện tại đang 0,35% thì Giá trị Phí bán sẽ là: 8.800.000 đồng x 0,35% = 30.800 đồng.
+ Thuế Thu nhập từ Chuyển nhượng Chứng khoán khi Bán: hiện tại đang 0,1% thì Giá tri Thuế Bán 8.800.000 đồng x 0,1% = 8.800 đồng.

– Số Tiền ròng mà bạn nhận được nếu như không Ứng trước và cứ đợi cho đến khi Tiền về Ngày T+2 – Thứ 4 – Ngày 12/12/2018 sẽ là: Giá trị Bán 8.800.000 đồng – Phí Bán 30.800 đồng – Thuế Bán 8.800 đồng = 8.760.400 đồng. Liên quan đến Phí và Thuế ở trên bạn có thể xem thêm: Các loại Phí và Thuế trong Chứng khoán. Trường hợp:

+ Nếu Ứng trước 2 ngày thì lãi vay Phí Ứng trước sẽ là: 8.760.400 đồng x Lãi vay 0,04% / ngày x 2 ngày = 7.008 đồng.
+ Nếu Ứng trước 1 ngày thì lãi vay Phí Ứng trước sẽ là: 8.760.400 đồng x Lãi vay 0,04% / ngày x 1 ngày = 3.504 đồng.

– Hình ảnh Tài khoản cuối Ngày T (Chưa Mua thêm): Do ở đây có sử dụng Dịch vụ Ứng trước Tiền bán Chứng khoán Tự động nên ngay khi vừa Bán xong và vẫn trong Ngày T – Thứ 2 – Ngày 10/12/2018 thì Tiền tạm ứng ròng sẽ được nhả ra hồi lại vào Tài khoản khi đó Số tiền Tạm ứng sẽ là: Giá trị Tiền bán sau Thuế Phí 8.760.400 đồng – Lãi vay 2 Ngày 7.008 đồng = 8.753.392 đồng. Khi đó:

Trong hình: Tài khoản Chứng khoán của HSC. Ta dễ thấy tại Ô “Sức mua”, Tiểu khoản “Khả dụng” đã tăng lên hơn 50 triệu đồng, trong khi Tiểu khoản “Thực dư” vẫn đang là 42 triệu đồng (Link gốc ảnh)

Ta dễ thấy Tiểu khoản “Khả dụng” tăng lên so với “Thực dư” đúng bằng 8.753.392 đồng (50.753.392 đồng – 42.000.000 đồng). Nếu ta nhập lệnh Mua hết số Tiền hơn 50 triệu đồng nói trên trong hôm nay thì được coi là Thực ứng, không phải Tạm ứng nữa và Số tiền Ứng ra nói trên là đúng (Bạn sẽ mất Phí ứng tối đa 7.008 đồng). Hình ảnh trên vào cuối Ngày và không Mua hoặc chưa Mua thêm gì hoặc Không Rút tiền.

– Hình ảnh Tài khoản cuối Ngày T (Giả sử do Rút tiền): Cần lưu ý là nếu bạn Rút tiền 45 triệu đồng, thì Hệ thống sẽ tự động tính: Rút hết 42 triệu tiền mặt trước, 3 triệu còn lại sẽ dính vào Ứng trước và khi đó bạn sẽ thực vay 3 triệu này trong 2 ngày (3 triệu đồng x 2 ngày x 0,04% = 2.400 đồng) và Phí Ứng trước Tiền bán Chứng khoán sẽ được tính trên cơ sở 3 triệu này chứ không phải toàn bộ hơn 8,7 triệu còn lại. Vay Ứng trước đến đâu thì tính đến đấy. Khi đó:

Trong hình: Dễ thấy tại Ô “Sức mua”, Tiểu khoản “Khả dụng” đã giảm còn -3 triệu đồng (Âm), trong khi Tiểu khoản “Thực dư” chỉ còn hơn 5,7 triệu đồng do Lệnh Rút tiền 45 triệu đồng (Link gốc ảnh)

– Hình ảnh Tài khoản cuối Ngày T+1 (Chưa Mua thêm): Do trong Ngày T – Thứ 2 – Ngày 10/12/2018 chưa sử dụng đến số Tiền Ứng trước trên, Giờ đang là Ngày T+1 – Thứ 3 – Ngày 11/12/2018 thì Tiền tạm ứng ròng sẽ được tính lại là Chỉ vay 1 ngày và khi đó Số tiền Tạm ứng sẽ là: Giá trị Tiền bán sau Thuế Phí 8.760.400 đồng – Lãi vay 1 Ngày 3.504 đồng = 8.756.896 đồng. Khi đó:

Trong hình: Dễ thấy tại Ô “Sức mua”, Tiểu khoản “Khả dụng” tăng lên hơn 50 triệu đồng, trong khi Tiểu khoản “Thực dư” vẫn đang là 42 triệu đồng (Link gốc ảnh)

Ta dễ thấy Tiểu khoản “Khả dụng” tăng lên so với “Thực dư” đúng bằng 8.756.896 đồng (50.756.896 đồng – 42.000.000 đồng).

– Hình ảnh Tài khoản cuối Ngày T+1 (Giả sử Đã Mua thêm): tương tự như trình bày ở Ngày T (Giả sử Đã Mua thêm).

– Hình ảnh Tài khoản Ngày T+2: Ngay khi vừa vào đầu ngày T+2, do 2 ngày trước không sử dụng Tiền nên toàn bộ số Tiền bán ra sau khi trừ Phí Thuế sẽ được cộng vào cả 2 Tiểu khoản “Thực dư” và “Khả dụng” vì lúc này Tiền bán Chứng khoán đã thực về và không cần phải Ứng trước Tiền bán Chứng khoán nữa.

Trong hình: Tại Ngày T+2, Dễ thấy tại Ô “Sức mua”, cả Tiểu khoản “Thực dư” và “Khả dụng” đều tăng lên đúng bằng 50.760.400 đồng, lệch đúng 8.760.000 đồng – Giá trị Bán thuần (Sau khi đã trừ Phí Thuế) (Link gốc ảnh

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

Trên đây là Tổng thể tất cả các Loại Phí và Thuế trong Chứng khoán áp cho Nhà Đầu tư khi tham gia Đầu tư trên Thị trường Chứng khoán Cơ sở. Nếu bạn có vướng mắc gì cứ liên hệ lại Mình để được giải đáp trực tiếp từ Mình.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Chu kỳ thanh toán T+2, Ngày giao dịch không hưởng quyền, Ngày đăng ký cuối cùng và Ứng trước tiền bán chứng khoán
Các loại Phí và Thuế trong Chứng khoán

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online 

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 12/2018)