Call Margin và Force Sell trong Chứng khoán là gì?

Giới thiệu

Như chúng ta đã biết, trong Chứng khoán, Giao dịch Ký quỹ (hay còn gọi là Vay Margin) là hình thức Khách hàng vay tiền Công ty Chứng khoán để thực hiện các giao dịch đầu tư trên Thị trường. Do đó, về cơ bản, hình thức này cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro cần phải quản lý, trong đó, Call Margin và Force Sell là những tình trạng xảy ra khi Tài khoản Chứng khoán của bạn đang rơi vào trạng thái rủi ro và đây là điều mà các Nhà Đầu tư đều không mong muốn gặp phải.

 Bài viết trước, mình đã phân tích cho các bạn hiểu rõ về Khái niệm Tỷ lệ Ký Quỹ và Tỷ lệ Cho vay Margin trong Chứng khoán là gì?, từ đó thấy được sự thay đổi của Tỷ lệ Ký quỹ sẽ phản ánh mức độ rủi ro trong Tài khoản. Và trong Bài viết này, mình sẽ đi phân tích chi tiết hơn về 2 trạng thái Call Margin và Force Sell để các bạn nắm rõ được các Khái niệm Call Margin và Force Sell trong Chứng khoán là gì?  Bài viết này cũng thường được tìm đến sau khi đã nắm rõ Kiến thức Cơ bản Chứng khoán và biết cách Phân tích Cổ phiếu. Về cơ bản, các Vấn đề chính gồm:

+ Cơ chế Vay Margin và các Trạng thái Tài khoản Ký quỹ.
+ Call Margin là gì? Cách tính Call Margin.
+ Force Sell là gì? Khi nào thì bị Force Sell.
+ Một số Lưu ý để tránh tình trạng Call Margin và Force Sell.

—————————————————————

1. Cơ chế Vay Margin và các Trạng thái Tài khoản Ký quỹ

Cơ chế hoạt động Vay Margin: hiểu một cách đơn giản thì hoạt động Vay Margin chính là một dạng Đòn bẩy Tài chính khi Nhà Đầu tư có thể thế chấp những Cổ phiếu / Tiền trong Danh mục của mình, rồi dùng khoản thế chấp đó để Vay thêm tiền từ Công ty Chứng khoán. Điều này sẽ giúp Nhà Đầu tư tối ưu được nguồn Vốn sẵn có để gia tăng Lợi nhuận tuy nhiên phần rủi ro có thể gặp phải cũng sẽ lớn hơn. Trong hoạt động Vay Margin, một tiêu chí được các Công ty Chứng khoán thường sử dụng để quản lý hoạt động cho vay, thể hiện mức độ an toàn trong Tài khoản Chứng khoán và gắn liền với cơ chế hoạt động của việc Vay Margin là Tỷ lệ Ký quỹ (đây là Tỷ lệ giữa Giá trị Tài sản thực có của Nhà Đầu tư so với Tổng Tài sản trên Tài khoản Ký quỹ bao gồm cả Vốn thực có của Khách và Tiền vay Công ty Chứng khoán).

Ta có thể thấy, Giá của Cổ phiếu mỗi ngày đều biến động, kéo theo sự biến động của Giá trị Danh mục Đầu tư và Giá trị Tài sản ròng của Khách hàng, trong khi phần Nợ vay không đổi làm cho Tỷ lệ Ký quỹ sẽ thay đổi theo và sự thay đổi này cho thấy các Trạng thái trên Tài khoản Ký quỹ của bạn có đang an toàn hay không.

Trong ảnh: Trạng thái Ký quỹ trong một Tài khoản Chứng khoán tại Mirae Asset (Phần bên Phải) có mục Tỷ lệ Ký quỹ Hiện tại (Link gốc ảnh)

Các Trạng thái trên Tài khoản Ký quỹ: bạn có thể theo dõi Trạng thái trên Tài khoản Ký quỹ của bạn khi đăng nhập vào Tài khoản Chứng khoán trên bản App Mobile hoặc Website. Để có cách nhìn chi tiết hơn về các Trạng thái trên Tài khoản Ký quỹ thì mình sẽ đưa ra ví dụ cụ thể sau, trong trường hợp Giá Cổ phiếu giảm thì Tỷ lệ Ký quỹ sẽ giảm theo và Tỷ lệ Ký quỹ Margin càng nhỏ thì rủi ro của Tài khoản càng lớn.

Ví dụ: Bạn đang có 100 triệu đồng và muốn mua Cổ phiếu Ngân hàng Quân đội – MB (Mã chứng khoán: MBB). Hiện tại, MBB đang được Công ty Chứng khoán cho Vay Margin với Tỷ lệ Ký quỹ Ban đầu là 50%. Bạn nạp 100 triệu đồng vào Tài khoản Ký quỹ thì tổng Sức mua Tối đa của bạn là 200 triệu đồng, trong đó 100 triệu đồng là Vốn tự có của bạn, 100 triệu đồng còn lại là do Công ty Chứng khoán cho bạn vay. Để đơn giản hơn, trong ví dụ mình sẽ chưa tính đến các loại Phí Thuế.

* Trong phiên giao dịch, bạn thận trọng đặt Lệnh để mua Cổ phiếu MBB, Lệnh đầu tiên bạn mua thành công 100 triệu đồng Cổ phiếu MBB bằng vốn tự có của mình. Lúc này Trạng thái Tài khoản của bạn là Không Vay Margin vì số Cổ phiếu MBB bạn mua vẫn nằm trong Vốn tự có của bạn và bạn chưa sử dụng tiền vay của Công ty Chứng khoán. Tỷ lệ Ký quỹ hiện tại là 100/100 = 100%.

Trong ảnh: Biểu đồ và Chi tiết Lệnh Giao dịch Mua bán Cổ phiếu MBB trên Bảng giá Chứng khoán của Mirae Asset (Link gốc ảnh)

* Bạn theo dõi giá Cổ phiếu và thấy giá không bị biến động nhiều, bạn tiếp tục thực hiện Lệnh mua 60 triệu đồng Cổ phiếu MBB, giá mua vẫn giống với giá mua trong Lệnh đầu tiên. Lúc này bạn đã bắt đầu sử dụng Vay Margin với số Nợ vay là 60 triệu đồng, Tổng Tài sản trên Tài khoản Ký quỹ bạn đã mua là 160 triệu đồng bé hơn Sức mua tối đa (200 triệu đồng). Như vậy, sau khi hoàn tất giao dịch mua thì Tài khoản của bạn vẫn sẽ còn Sức mua (Từ Vay Margin) và bạn có thể đặt thêm Lệnh mua tiếp. Lúc này Tài khoản ở Trạng thái Vay một phần (Dư sức mua) và ta có Tỷ lệ Ký quỹ Hiện tại của Tài khoản sẽ là 100/160 = 62.5% > Tỷ lệ Ký quỹ Ban đầu tối thiểu là 50%.

* Sau 2 Lệnh mua, ta thấy sức mua còn lại của bạn là 100 – 60 = 40 triệu đồng. Bạn quyết định mua thêm 40 triệu đồng Cổ phiếu MBB nữa để dùng hết số sức mua còn lại. Giá mua vẫn không đổi so với 2 Lệnh trên. Lúc này Tổng Nợ vay của bạn là 60 + 40 = 100 triệu đồng, Tổng Tài sản là 200 triệu đồng và Trạng thái Tài khoản khi đó được gọi là Full Margin. Tức là bạn đã sử dụng tối đa sức mua để mua mã Cổ phiếu mình mong muốn và không thể đặt thêm lệnh mua được nữa. Tỷ lệ Ký quỹ hiện tại của Tài khoản là 100/200 = 50%, chính bằng Tỷ lệ Ký quỹ ban đầu tối thiểu của mã Chứng khoán MBB theo quy định của Công ty Chứng khoán.

* Sau một thời gian đầu tư, Giá Cổ phiếu MBB bị giảm 15% so với giá mua làm cho Tổng Tài sản trên Tài khoản Ký quỹ của bạn bị giảm 30 triệu, còn lại 170 triệu đồng (Từ Gốc Giá trị lúc mua là 200 triệu đồng). Số tiền bạn vay Ký quỹ từ Công ty Chứng khoán vẫn đang là 100 triệu đồng (không đổi), vậy nên Tài sản Thực có của bạn lúc này chỉ còn là 170 – 100 = 70 triệu đồng (100 triệu Gốc, Lỗ 30 triệu nên còn 70 triệu đồng). Khi đó, ta có Tỷ lệ Ký quỹ Hiện tại trên Tài khoản của bạn cập nhật lại là 70/170 = 41.2% và bị giảm so với gốc lúc mua ban đầu là 50%. Việc giảm này thể hiện mức độ an toàn trong Tài khoản Chứng khoán của bạn đang giảm xuống và ở Trạng thái Warning – Cảnh báo (Âm Sức mua).

Trong ảnh: Ví dụ về Vay Margin Ký quỹ và các trạng thái Tài khoản biến động theo Giá Cổ phiếu (Link gốc ảnh)

* Thời gian tiếp theo, Giá Cổ phiếu MBB tiếp tục giảm ở mức giảm 25% so với giá mua làm cho Tổng Tài sản trên Tài khoản Ký quỹ bị giảm 50 triệu đồng so với lúc mua, còn lại 150 triệu đồng. Số Nợ vay vẫn không đổi là 100 triệu đồng, Tài sản thực có lúc này là 150 – 100 = 50 triệu đồng. Ta có Tỷ lệ Ký quỹ Hiện tại trên Tài khoản của bạn sẽ là 50/150 = 33.33% < Tỷ lệ Ký quỹ duy trì theo quy định là 35%. Trường hợp này, Tài khoản của bạn đã rơi vào Trạng thái bị Call Margin và bạn có 3 ngày để bán Cổ phiếu hoặc bổ sung Tài sản thế chấp sao cho nâng Tỷ lệ Ký quỹ về đúng quy định >35%.

* Nếu bạn không thực hiện bán bớt Cổ phiếu theo quy định trong khi sau đó, Giá Cổ phiếu lại tiếp tục giảm sâu xuống 30% so với giá mua, Tổng Tài sản trên Tài khoản Ký quỹ giảm 60 triệu đồng xuống còn 140 triệu đồng. Tài sản thực có chỉ còn là 140 – 100 = 40 triệu đồng. Lúc này, Tỷ lệ Ký quỹ trên Tài khoản của bạn sẽ là 40/140 = 28.57% < Tỷ lệ Ký quỹ bắt buộc là 30%. Với trường hợp này, Tài khoản của bạn đã rơi vào Trạng thái bị Force Sell và ngay trong Phiên Giao dịch tiếp theo, Công ty Chứng khoán sẽ thực hiện bán bớt Cổ phiếu để thu nợ theo quy định sao cho Tỷ lệ Ký quỹ lại tăng lên >35%.

* Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất là Cổ phiếu bán ra mà không có ai mua làm Công ty Chứng khoán không thể bán thu hồi nợ được. Khi Giá Cổ phiếu bị giảm 54% so với giá mua làm Tổng Tài sản giảm 108 triệu đồng, còn lại 92 triệu đồng. Lúc này Tài sản thực có của Nhà Đầu tư sẽ bị âm 8 triệu và Công ty Chứng khoán chính thức bị âm tiền cho vay. Trên thực tế, trường hợp này rất khó xảy ra, thường chỉ khi Cổ phiếu có thông tin quá xấu và không ai muốn mua vào như trường hợp của NVL, PDR và HPX trong Năm nay – Năm 2022.

Trong ảnh: Lịch sử Giá của Cổ phiếu NVL – Novaland trong Tháng 11/2022. Trong đó giảm mạnh từ Giá NVL giảm 69.2 về 25.35 ngàn đồng mới bán được (Link gốc ảnh)

Như vậy, bạn có thể nắm được tổng quát các Trạng thái trên Tài khoản Ký quỹ có thể gặp phải trong quá trình tham gia Giao dịch Ký quỹ. Cụ thể có 7 Trạng thái cơ bản, trong đó Call Margin và Force Sell là những Trạng thái mà Nhà Đầu tư cần chú ý nhất để hạn chế được những rủi ro mà Đòn bẩy Tài chính mang lại. Chi tiết hơn về 2 Trạng thái này thì mình sẽ đi phân tích rõ ở phần dưới.

—————————————————————

2. Call Margin là gì? Cách tính Call Margin

Khái niệm Call Margin (hay có tên gọi khác là Lệnh gọi Ký quỹ): như mình đã chỉ ra ở trên, Call Margin xảy ra khi giá trị Chứng khoán của Nhà Đầu tư bị giảm gần dưới mức an toàn so với Tài sản đảm bảo và Call Margin chính là cụm để chỉ sự thông báo từ Công ty Chứng khoán tới Nhà Đầu tư đang sử dụng Vay Margin vào thời điểm đó. Lời Thông báo này có nội dung yêu cầu Khách hàng phải nộp thêm Tiền hoặc bán ra Chứng khoán để Tỷ lệ vay Margin đạt ngưỡng an toàn. Mỗi Công ty Chứng khoán sẽ có quy định cụ thể về Tỷ lệ Margin Call khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất hiện nay là khi Tỷ lệ Ký quỹ của Nhà đầu tư giảm xuống mức 35% thì hiện tượng Call Margin sẽ xảy ra.

Về hình thức gọi Ký quỹ, thông thường, hệ thống của Công ty Chứng khoán sẽ gửi cảnh báo đến Nhà Đầu tư qua email và tin nhắn điện thoại, nội dung ghi rõ Tình trạng của Tài khoản Ký quỹ đồng thời yêu cầu Nhà Đầu tư có phương án xử lý là bán Chứng khoán hoặc thực hiện việc bổ sung tiền hoặc bổ sung Tài sản thế chấp sao cho đảm bảo Tỷ lệ Ký quỹ Hiện tại không thấp hơn Tỷ lệ cho phép. Một số khác sẽ có cuộc gọi trực tiếp tùy theo mức độ Tỷ lệ Ký quỹ của Khách hàng. Thời hạn để Nhà Đầu tư bổ sung tiền mặt hoặc xử lý tài sản tại mỗi Công ty Chứng khoán cũng khác nhau, nhưng thường trong vòng 3 ngày làm việc. Nếu Nhà Đầu tư không thực hiện yêu cầu này đúng thời hạn, Công ty Chứng khoán sẽ được quyền chủ động bán Chứng khoán của Nhà Đầu tư mà không cần phải hỏi ý kiến. Nói cách khác, đây là một hình thức tịch thu Tài sản đã thế chấp (Force Sell) để đảm bảo an toàn cho chính Nhà cho vay là Công ty Chứng khoán.

Trong ảnh: Thông báo về việc yêu cầu Khách hàng bổ sung Ký quỹ bổ sung để Tài sản Đảm bảo của Công ty Chứng khoán với Khách hàng kèm Thời gian yêu cầu (Link gốc ảnh)

Cách tính Call Margin: để có thể chủ động hơn trong quá trình Vay Margin thì bạn có thể tự tính toán Giá trị Tài sản Ký quỹ bổ sung trong trường hợp bị Call Margin, từ đó đưa ra hướng xử lý phù hợp. Cụ thể về cách tính Call Margin, mình sẽ phân tích tiếp từ Ví dụ ở trên để các bạn tiện theo dõi, các giao dịch trong ví dụ đều chưa tính đến Phí Thuế.

Ví dụ: Bạn có 100 triệu đồng trên Tài khoản Ký quỹ và muốn mua Cổ phiếu MBB có Tỷ lệ Ký quỹ Ban đầu là 50%. Thông qua Giao dịch Ký quỹ, bạn thực hiện mua 200 triệu đồng Cổ phiếu MBB (100 triệu tiền Thực có và 100 triệu Tiền vay). Tỷ lệ Ký quỹ Duy trì Công ty Chứng khoán quy định là 35%. Sau một thời gian giá trị Cổ phiếu giảm 25% so với giá mua làm cho Tổng Tài sản trên Tài khoản Ký quỹ bị giảm 50 triệu đồng so với lúc mua, còn lại 150 triệu đồng. Tài sản thực có lúc này là 150 – 100 = 50 triệu đồng. Ta có Tỷ lệ Ký quỹ Hiện tại trên Tài khoản của bạn sẽ là 50/150 = 33.33% < Tỷ lệ Ký quỹ duy trì theo quy định là 35%.

Khi đó Call Margin sẽ xảy ra, Công ty Chứng khoán sẽ yêu cầu bạn nộp thêm tiền hoặc bán bớt Cổ phiếu để giải quyết. Cụ thể:

* Trường hợp 1: Nộp bổ sung tiền để mức Tỷ lệ Ký quỹ đạt tối thiểu 35% theo quy định.
(Tài sản thực có + Số tiền bổ sung) / Tổng Tài sản trên Tài khoản Ký quỹ = 35%
(50 triệu đồng + Số tiền bổ sung) / 150 triệu đồng = 35%
=> Số tiền bổ sung = (150 triệu đồng* 35% – 50 triệu đồng = 2,5 triệu đồng.

Trong ảnh: Ví dụ về Trường hợp Tài khoản bị Call Margin và 2 hướng Xử lý – Nộp thêm Tiền và bán bớt Chứng khoán (Link gốc ảnh)

* Trường hợp 2: Bán bớt Chứng khoán để mức Tỷ lệ Ký quỹ đạt tối thiểu 35% theo quy định.
Tài sản thực có / (Tổng Tài sản trên Tài khoản Ký quỹ – Giá trị bán Chứng khoán) = 35%
50 triệu đồng / (150 triệu đồng – Giá trị bán Chứng khoán) = 35%
=> Giá trị bán Chứng khoán = 150 triệu đồng – (50 triệu đồng /35%) = 7,15 triệu đồng.

Vậy bạn phải nộp thêm 2,5 triệu đồng vào Tài khoản Ký quỹ, hoặc bán 7,15 triệu đồng Cổ phiếu MBB để không bị Call Margin nữa.

—————————————————————

3. Force Sell là gì? Ảnh hưởng của Force Sell tới Thị trường Chứng khoán

Khái niệm Force Sell: hiểu cụ thể ở đây là thanh lý bắt buộc hay còn gọi là Giải chấp. Hiện tượng Force Sell xảy ra khi Giá Cổ phiếu bị giảm mạnh tới mức Tài khoản giao dịch của Nhà Đầu tư vi phạm Tỷ lệ Ký quỹ tối thiểu do Công ty Chứng khoán quy định, thông thường là dưới mức 30%. Khi đó, Công ty Chứng khoán sẽ thực hiện bán giải chấp bắt buộc một số lượng nhất định Cổ phiếu của Nhà Đầu tư trong phiên giao dịch tiếp theo để đưa Tỷ lệ Ký quỹ về ngưỡng an toàn >35%. Như vậy Force Sell là một trạng thái Ký quỹ “xấu” hơn Call Margin và thường sau khi Call Margin đã xảy ra (<30% so với <35%).

Ví dụ: tiếp tục ở ví dụ trên, Giá Cổ phiếu bị giảm sâu xuống 30% so với giá mua, Tổng Tài sản trên Tài khoản Ký quỹ giảm 60 triệu đồng xuống còn 140 triệu đồng. Tài sản thực có chỉ còn là 140 – 100 = 40 triệu đồng. Lúc này, Tỷ lệ Ký quỹ trên Tài khoản của bạn sẽ là 40/140 = 28.57% < Tỷ lệ Ký quỹ bắt buộc là 30% và Công ty Chứng khoán sẽ có quyền bán Cổ phiếu của bạn trong phiên tiếp theo. Nếu bạn muốn thoát khỏi Force Sell thì ngay khi nhận được thông báo, bạn cần nộp thêm tiền vào Tài khoản hoặc bán bớt Cổ phiếu để tăng Tỷ lệ Ký quỹ trở về mức duy trì là 35%. Cách tính cũng tương tự như Call Margin ở trên.

Trong ảnh: Thông báo về việc bán Force Cell Cổ phiếu DIG cập nhật trên Website Công ty Chứng khoán Mirae Asset – MAS (Link gốc ảnh)

Ảnh hưởng của Force Sell tới Thị trường Chứng khoán: Thông thường, khung giờ Force Sell của hầu hết Công ty Chứng khoán là từ 10h – 11h sáng và 14h chiều, nhiều nơi còn xử lý Force Sell ngay từ phiên khớp lệnh ATO. Nếu bạn thấy nhiều Cổ phiếu đang giảm mạnh và Lệnh bán được thực hiện ồ ạt như đang xả hàng thì rất có thể là Thị trường đang bị Force Sell. Như vậy, Force Sell là Trạng thái Tài khoản rơi vào mức rủi ro rất lớn, thường xuất hiện sau khi bị Call Margin và lúc này quyền bán Chứng khoán sẽ do Công ty Chứng khoán quyết định chứ không do Nhà Đầu tư quyết định nữa, vậy nên khi thực hiện bán Chứng khoán thì Công ty Chứng khoán sẽ bán bằng mọi giá gây nên Lệnh bán ồ ạt.

Đặc biệt, trong trường hợp Thị trường Chứng khoán đang trong giai đoạn suy yếu, nếu các Nhà Đầu tư trên Thị trường sử dụng Vay Margin nhiều thì tình trạng Force Sell sẽ xảy ra nhiều hơn, cộng với tâm lý hoảng loạn dẫn tới việc nhiều Nhà Đầu tư phải bán Cổ phiếu của mình một cách bất chấp. Nếu Thị trường vẫn tiếp tục giảm giá thì có thể hình thành tình trạng Force Sell chéo, khi những mã chạm ngưỡng rủi ro không thể bán được, dẫn tới việc bán tháo những mã còn lại trong danh mục. Cứ 1 mã Cổ phiếu bị tình trạng Force Sell này thì sẽ kéo theo 1 – 2 mã Cổ phiếu khác cũng buộc phải Force sell chéo, rồi dần dần lây lan, dẫn đến việc bán tháo trên diện rộng, càng khiến cho Chỉ số sụp đổ nhanh chóng hơn, Thị trường khi ấy sẽ tụt dốc không phanh, ví dụ điển hình là Đợt giảm giá rất mạnh của Thị trường Chứng khoán trong các Tháng 9, 10, 11/2022 vừa qua. Như vậy, có thể thấy rủi ro Force Sell sẽ làm Nhà Đầu tư bị thua lỗ nặng nề và ảnh hưởng rất lớn tới Thị trường Chứng khoán.

—————————————————————

4. Một số Lưu ý để tránh tình trạng Call Margin và Force Sell

Có thể thấy, công cụ Vay Margin sẽ giúp Nhà Đầu tư nâng cao khả năng sinh lời từ nguồn vốn có sẵn. Tuy nhiên, đây cũng là công cụ đòi hỏi Nhà Đầu tư sử dụng cẩn thận vì nó đi kèm với rủi ro rất lớn, đó chính là tình trạng Call Margin và đặc biệt là Force Sell. Để tránh tình trạng này xảy ra, bạn cần phải theo dõi sát sao Tỷ lệ Ký quỹ của Tài khoản và lưu ý một số thông tin sau:

Kinh nghiệm & Thời gian tham gia Thị trường Chứng khoán: Bạn chỉ nên sử dụng Vay Margin khi đã nắm được các kiến thức nền tảng và kinh nghiệm thực tế trên Thị trường Chứng khoán. Với những bạn mới tham gia Đầu tư thì chưa nên vội sử dụng Hình thức Đòn bẩy Tài chính này (Ít nhất là 12 tháng đầu mới tham gia Thị trường).

Thời điểm sử dụng Margin: Bạn không nên sử dụng Vay Margin khi thị trường đang đi ngang hoặc đang giảm điểm Downtrend. Chỉ sử dụng khi Thị trường đã có tín hiệu tăng hồi phục rõ rệt. Trên thực tế, một số Nhà Đầu tư có xu hướng sử dụng Margin để mua thêm Cổ phiếu khi giá giảm mạnh với mục đích bình quân giá xuống, tuy nhiên việc này lại làm tăng độ rủi ro cho Tài khoản vì chỉ cần giá Cổ phiếu tiếp tục giảm thì bạn sẽ rất nhanh bị Call Margin và thậm chí cả Force Sell.

Trong ảnh: Lưu ý để Tài khoản tránh bị Call Margin và Force Sell (Link gốc ảnh)

Thanh khoản của Cổ phiếu dùng Margin: Bạn chỉ nên sử dụng Vay Margin với Cổ phiếu cơ bản có thanh khoản tốt. Không nên sử dụng Margin với Cổ phiếu có biến động quá mạnh. Đặc biệt cần xây dựng Danh mục Đầu tư phù hợp với xu hướng Thị trường và có Chiến lược quản trị rủi ro tốt. Thông thường thì Công ty Chứng khoán đã có sàng lọc trước qua việc các Mã được cho vay và Tỷ lệ Cho vay từng Mã nên rủi ro này không lớn quá.

Mức độ Vay Margin: Khi thực hiện Giao dịch Ký quỹ, bạn không nên sử dụng Full Margin mà chỉ nên ở mức độ vừa phải, tạo biên độ an toàn cho Tài khoản để khi Cổ phiếu có biến động ngoài dự kiến qua các sự kiện bất ngờ thì Tài khoản chưa rơi vào Trạng thái Call Margin và Force Sell, từ đó có nhiều thời gian để đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Thông thường bạn chỉ nên sử dụng khoảng 1/2 đến 2/3 mức Cho vay của Công ty Chứng khoán.

Như vậy, với bài viết này mình đã phân tích cho các bạn nắm được Khái niệm Call Margin và Force Sell trong Chứng khoán là gì? Từ đó, bạn nên có những cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn sử dụng đến Margin trong quá trình đầu tư vì những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hay cần tham khảo thêm thì có thể liên hệ với mình theo thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới để để lại Thông tin cho Nhóm mình chủ động liên hệ lại.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Tỷ lệ Ký Quỹ và Tỷ lệ Cho vay Margin trong Chứng khoán là gì?
> Đảo Nợ Margin trong Chứng khoán là gì?
> Cách tính Lãi vay Margin Ký quỹ trong Chứng khoán

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 12/2022)