Cổ phiếu là gì? Phân loại, Đặc điểm và Ví dụ

Giới thiệu

Khi bắt đầu tìm hiểu về Thị trường Chứng khoán, ta sẽ thấy trên Thị trường có khá nhiều loại Chứng khoán đang được giao dịch và thu hút dòng tiền của Nhà Đầu tư. Nổi bật nhất trong đó là Cổ phiếu. Vậy Cổ phiếu là gì? Phân loại, Đặc điểm của Cổ phiếu như thế nào? Đây là câu hỏi rất cơ bản mà hầu hết các bạn mới tham gia đều quan tâm. Và trong Bài viết này, mình sẽ đưa ra cách nhìn tổng quát cũng như các đặc điểm, phân loại của Cổ phiếu để các bạn có thể tham khảo. Các Vấn đề chính gồm:

+ Khái niệm Cổ phiếu là gì? Đặc điểm của Cổ phiếu.
+ Phân loại Cổ phiếu hiện nay.
+ Một số Thuật ngữ liên quan đến Cổ phiếu.

—————————————————————

1. Khái niệm Cổ phiếu là gì? Đặc điểm của Cổ phiếu

Giới thiệu Khái niệm Cổ phiếu: Về lịch sử ra đời, có thể thấy Cổ phiếu được gắn liền với lịch sử hình thành nên một Công ty Cổ phần. Vốn Điều lệ của Công ty Cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là Cổ phần. Người mua Cổ phần gọi là Cổ đông. Cổ đông được cấp một Giấy xác nhận Quyền Sở hữu Cổ phần gọi là Cổ phiếu. Định nghĩa về Khái niệm này cũng được ghi rõ trong Luật Chứng Khoán và Luật Doanh nghiệp như sau:

* Theo khoản 2, điều 4, Luật chứng khoán Việt Nam Số 54/2019/QH14 quy định rõ: Cổ phiếu là loại Chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần Vốn cổ phần của Tổ chức Phát hành.

* Theo khoản 1, Điều 121 Luật Doanh Nghiệp Việt Nam Năm 2020 Số 59/2020/QH14 cũng ghi cụ thể: Cổ phiếu là chứng chỉ do Công ty Cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận Quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.

Trong ảnh: Định nghĩa Khái niệm Cổ phiếu được quy định trong văn bản Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp Việt Nam (Link gốc ảnh)

Như vậy, Khái niệm Cổ phiếu chính là một loại Chứng chỉ do Doanh nghiệp phát hành hoặc ở dưới dạng bút toán ghi sổ xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của Công ty. Nhà Đầu tư sẽ mua Cổ phiếu và trở thành Cổ đông, nắm giữ Cổ phần của Công ty đó, từ đó được xem là người góp vốn cùng Công ty hoạt động để tạo ra Vốn điều lệ. Vì vậy Cổ phiếu còn được gọi là Chứng khoán Vốn.

Nói đơn giản người nắm giữ Cổ phiếu chính là chủ hoặc đồng chủ của Công ty Cổ phần đó. Ngày nay khi phát triển cao hơn và vừa để phục vụ cho việc huy động Vốn trong nền kinh tế thì các Nước trong đó có Việt Nam có tổ chức được Thị trường Cổ phiếu theo hướng chuyên nghiệp tập trung. Hiện nay, Việt Nam đang tổ chức Thị trường Cổ phiếu tập trung ở 3 Sàn Cổ phiếu là HOSE, HNX và UPCoM do hai Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội quản lý với khoảng gần 2000 Mã Cổ phiếu được Niêm yết hoặc Đăng ký Giao dịch trên Sàn.

Trong ảnh: 3 sàn Cổ phiếu HOSE (Hay HSX), HNX và UPCoM được tổ chức Tập trung dưới sự quản lý trực tiếp của hai Sở Giao dịch Chứng khoán (Link gốc ảnh)

Đặc điểm của Cổ phiếu: Vì Cổ phiếu là một loại Giấy chứng nhận của người nắm giữ đối với Doanh nghiệp phát hành nên đây cũng là một loại Tài sản có khả năng sinh lời phụ thuộc vào sự phát triển, hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp. Để đảm bảo an toàn đối với loại Tài sản dưới dạng Chứng khoán này, Luật Chứng khoán cũng đã đưa ra quy định các Cổ đông sẽ giữ Cổ phiếu được quản lý bởi Công ty Phát hành hoặc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Ngoài ra, về thời hạn của Cổ phiếu thì Cổ phiếu sẽ không có kỳ hạn, thời hạn Cổ phiếu tương đương với thời hạn hoạt động của Công ty đã phát hành ra nó. Ví dụ Công ty hoạt động 20 năm, 30 năm, 50 năm hoặc lâu hơn thì thời hạn Cổ phiếu cũng kéo dài như thế. Trong trường hợp Công ty bị giải thể thì Cổ phiếu mới bắt buộc bị hủy theo nên việc Đầu tư Cổ phiếu được hiểu là Đầu tư Dài hạn nếu muốn và Thị trường Cổ phiếu được coi là Thị trường Vốn Dài hạn, khác với Thị trường Tiền tệ của Ngân hàng (Thời gian Vay của 1 Món vay luôn có giới hạn nhất định và thường là một vài năm đổ lại).

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Khái niệm Cổ phiếu là gì? Đặc điểm của Cổ phiếu” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

2. Phân loại Cổ phiếu hiện nay

Để hiểu thêm Khái niệm Cổ phiếu là gì? thì mình xin giới thiệu một số Tiêu chí phân loại Cổ phiếu phổ biến nhất và được dùng trong thực tế, cụ thể:

Căn cứ vào Giấy phép Đăng ký Kinh doanh, Góp Vốn và Vốn Kinh doanh thực tế thì ta có thể phân loại Cổ phiếu thành: Cổ phiếu được phép phát hành, Cổ phiếu đã phát hành, Cổ phiếu quỹ và Cổ phiếu đang lưu hành để hiểu được hết bản chất về Cổ phiếu của Công ty đó. Thống kê các Cổ phiếu này cũng được cập nhật đầy đủ trên Website của Công ty cũng như trên Báo cáo Tài chính của Công ty qua hàng quý và năm.

+ Cổ phiếu được phép Phát hành: Khi một Công ty Cổ phần được thành lập thì Cổ đông Sáng lập của Công ty đó phải thực hiện góp Vốn Điều lệ và được thể hiện trong Giấy Đăng ký Kinh doanh của Doanh nghiệp. Căn cứ vào Vốn Điều lệ trên sẽ được quy đổi ra một lượng Cổ phiếu nhất định (Thông qua Mệnh giá Cổ phiếu). Luật pháp sẽ quy định Công ty phải đăng ký Tổng số Cổ phiếu và phải ghi trong Điều lệ Công ty. Số cổ phiếu này được gọi là Cổ phiếu được phép phát hành (hay Cổ phiếu đăng ký), thể hiện số lượng Cổ phiếu tối đa của một Công ty có thể phát hành từ lúc bắt đầu thành lập cũng như trong suốt quá trình hoạt động. Khi cần có sự thay đổi số lượng Cổ phiếu được phép phát hành thì phải được đa số Cổ đông bỏ phiếu tán thành và phải sửa đổi Vốn Điều lệ của Công ty.

Trong ảnh: Thông tin số lượng Cổ phiếu đã phát hành, Cổ phiếu quỹ và Cổ phiếu đang lưu hành được cập nhật trên Báo cáo Tài chính quý hợp nhất năm 2018 của Ngân hàng VPBank (Link gốc ảnh)

+ Cổ phiếu đã Phát hành: là Cổ phiếu mà Công ty đã bán ra cho các Nhà Đầu tư trên Thị trường và Công ty thu về được toàn bộ tiền bán số Cổ phiếu đó. Những thông tin về người sở hữu cũng được ghi đúng và đầy đủ vào Sổ đăng ký Cổ đông. Số lượng Cổ phiếu đã phát hành có thể nhỏ hơn hoặc tối đa bằng vối số Cổ phiếu được phép phát hành.

+ Cổ phiếu Quỹ: là Cổ phiếu đã được giao dịch trên Thị trường và được chính Tổ chức Phát hành mua lại bằng Nguồn Vốn chủ Sở hữu của mình. Số Cổ phiếu này có thể được Công ty lưu giữ một thời gian sau đó lại được bán ra theo diễn biến của Thị trường và Chiến lược của Công ty. Cổ phiếu quỹ không phải là Cổ phiếu đang lưu hành, không có Cổ đông nắm giữ, do đó không được tham gia vào việc chia Lợi tức Cổ phần và không có quyền tham gia bỏ phiếu. Trên thực tế, hiện nay có rất ít Công ty đang có Cổ phiếu quỹ. Bản chất Cổ phiếu giống như một hiệu ứng giảm Vốn Điều lệ tạm thời. Xem thêm: Cổ phiếu Quỹ là gì? Khái niệm, Bản chất và Mục đích. Hiện nay theo quy định mới nhất trên sàn Chứng khoán thì ngay khi Mua Cổ phiếu Quỹ thì Công ty Niêm yết phải tiến hành thủ tục giảm Vốn Điều lệ (Công ty chưa lên sàn thì chưa bị quy định này).

Trong ảnh: Mua Cổ phiếu Quỹ thì 10 ngày sau phải làm thủ tục Giảm Vốn Điều lệ được quy định tại Khoản 5, 6 – Điều 36 – Luật Chứng khoán 2019 (Link gốc ảnh)

+ Cổ phiếu đang Lưu hành: là Cổ phiếu mà Công ty đã phát hành, hiện đang lưu hành trên Thị trường và do các Cổ đông đang nắm giữ. Số Cổ phiếu đang lưu hành được xác định như sau: Số Cổ phiếu đang lưu hành = Số Cổ phiếu đã phát hành – Số Cổ phiếu Quỹ. Đây cũng được xem là số liệu quan trọng nhất vì ý nghĩa của Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành cho ta biết số vốn thực sự mà các cổ đông đang góp vào Công ty (Số lượng Cổ phiếu x Mệnh giá 10.000 đồng). Trên Thị trường Chứng khoán, Số lượng Cổ phiếu đang Lưu hành tham gia vào rất nhiều các Chỉ số Tài chính quan trọng như Thu nhập trên mỗi đồng Cổ phiếu – EPS, Giá trị Sổ sách (BV – Book Value), … rồi bỏ phiếu tại Đại hội Cổ đông của Công ty Phát hành, Giá trị Cổ tức Tiền mặt Công ty chi trả cho Cổ đông.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý trên thì nghe thêm dưới đây:

Dựa vào Đối tượng Sở hữu: có thể phân biệt Cổ phiếu ghi danh và Cổ phiếu vô danh.

+ Cổ phiếu Ghi danh: đây là loại Cổ phiếu ghi rõ tên của người sở hữu trên bề mặt Cổ phiếu ở dạng Chứng chỉ. Loại Chứng khoán này ra đời đầu tiên trong lịch sử Thị trường Chứng khoán, tuy nhiên có nhược điểm là việc chuyển nhượng phức tạp, phải đăng ký tại Cơ quan phát hành và phải được Hội đồng Quản trị của Công ty cho phép, người mua và người bán phải trực tiếp gặp mặt nhau và thỏa thuận. Với quy trình mua bán phức tạp như vậy nên hiện nay loại Cổ phiếu này chỉ được ưu tiên dùng khi Công ty Phát hành niêm yết lên Sàn Chứng khoán.

Trong ảnh: Cổ phiếu Ghi danh của Công ty CP Dịch vụ Viễn thông Sài Gòn và Cổ phiếu Vô Danh của Công ty CP Dêt May Sài Gòn (Link gốc ảnh)

+ Cổ phiếu Vô danh: đây là loại Cổ phiếu không ghi tên của người sở hữu, việc chuyển nhượng dễ dàng và đơn giản, không cần có thủ tục pháp lý rườm rà. Nếu Cổ phiếu đó chưa lên sàn thì hình thức này sẽ rất thuận lợi vì không cần sự Xác nhận của Hội đồng Quản trị Công ty Phát hành nên giao dịch Mua bán rất thuận lợi. Tuy nhiên loại Cổ phiếu này có một nhược điểm lớn là trường hợp nếu Chủ Sở hữu làm mất Giấy chứng nhận là mất luôn và không thể báo mất Giấy chứng nhận Sở hữu như trường hợp Cổ phiếu Ghi danh. Điều này khiến cho Loại Cổ phiếu này ít được dùng hơn.

Dựa vào Quyền lợi: có thể phân biệt Cổ phiếu Phổ thông (hay Cổ phiếu thường) và Cổ phiếu ưu đãi. Đây là cách phân loại được nhiều Nhà Đầu tư quan tâm vì bản chất 2 loại Cổ phiếu này có khá nhiều điểm khác nhau.

Trong ảnh: Bảng So sánh các Đặc điểm của Cổ phiếu Phổ thông (Hay Cổ phiếu thường) và Cổ phiếu Ưu đãi (Link gốc ảnh)

+ Cổ phiếu thường (hay còn gọi là Cổ phiếu phổ thông): đây là loại Cổ phiếu mà Công ty Cổ phần bắt buộc phải phát hành để huy động Vốn điều lệ, có thu nhập Cổ tức phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của Công ty. Nhà Đầu tư nắm giữ Cổ phiếu phổ thông sẽ được tự do chuyển nhượng, chính điều này tạo ra tính thanh khoản cho Cổ phiếu và hấp dẫn Nhà Đầu tư. Bên cạnh đó, Người sở hữu Cổ phiếu phổ thông cũng được tham gia họp Đại hội đồng Cổ đông và được bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của Công ty. Tuy nhiên, trong trường hợp Công ty bị phá sản thì người sở hữu Cổ phiếu thường sẽ được nhận phân chia giá trị tài sản còn lại của Công ty sau cùng. Cổ phiếu thường chính là loại Cổ phiếu phổ biến nhất hiện nay, hầu hết các Doanh nghiệp khi phát hành Cổ phiếu thì sẽ phát hành Cổ phiếu thường là chủ yếu.

+ Cổ phiếu ưu đãi: đây là loại Cổ phiếu được hưởng một số quyền ưu tiên hơn so với Cổ phiếu thường. Nhà đầu tư nắm giữ Cổ phiếu ưu đãi có quyền được hưởng một mức Cổ tức riêng biệt có tính cố định hàng năm (vẫn được nhận cổ tức khi Công ty làm ăn thua lỗ), được ưu tiên phân chia tài sản còn lại của Công ty khi giải thể, phá sản trước loại Cổ phiếu thường (nhưng sau người có Trái phiếu). Tuy nhiên, những người sở hữu Cổ phiếu ưu đãi thường sẽ không được tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Quản trị và quyết định những vấn đề quan trọng của Công ty như Cổ phiếu thường. Giá Cổ phiếu ưu đãi trên Thị trường thường không dao động lớn như giá Cổ phiếu thường và sẽ phù hợp với những Nhà đầu tư muốn có thu nhập ổn định, đều đặn, không thích mạo hiểm, rủi ro. Trên thực tế, không phải Công ty nào cũng phát hành Cổ phiếu ưu đãi cho Nhà Đầu tư.

Trong ảnh: Nghị quyết chia Cổ tức bằng tiền mặt cho Cổ đông sở hữu Cổ phiếu ưu đãi của Công ty Thành Thành Công Biên Hòa – SBT (Link gốc ảnh)

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

3. Một số Thuật ngữ liên quan đến Cổ phiếu

Liên quan đến Khái niệm Cổ phiếu là gì? thì ta có một số thuật ngữ có liên quan như: Mã Cổ phiếu, Cổ phiếu chưa Lưu ký, Cổ phiếu đã Lưu ký, Thị trường Cổ phiếu và các Khái niệm Giá trị Cổ phiếu (Mệnh giá, Giá trị Sổ sách, Giá Cổ phiếu). Cụ thể:

Mã Cổ phiếu: Hiện nay muốn Niêm yết trên sàn Chứng khoán thì trước đó Công ty đó cần liên hệ với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán – VSD để làm thủ tục Đăng ký Mã Cổ phiếu cho Công ty mình để các Nhà Đầu tư có thể thực hiện giao dịch. Theo đó, Cổ phiếu của mỗi Công ty Niêm yết / Đăng ký Giao dịch sẽ có một Mã duy nhất là đại diện, không trùng lặp để tránh nhầm lẫn. Hiện nay ở Việt Nam thì Mã Cổ phiếu sẽ có gồm 3 Ký tự. Ví dụ Mã Cổ phiếu của Tập đoàn Hòa phát là HPG, Mã Cổ phiếu của Ngân hàng Techcombank là TCB, Mã Cổ phiếu của Vinamilk là VNM, …

Cổ phiếu chưa lưu ký và Cổ phiếu đã lưu ký: Cổ phiếu chưa lưu ký được hiểu là Cổ phiếu vẫn đang tồn tại dưới dạng Sổ cổ đông / Giấy chứng nhận sở hữu Cổ phần do Công ty Cổ phần lập nên để chứng nhận Cổ đông đã góp bao nhiêu vốn cấu thành nên Vốn điều lệ thực góp của Công ty. Nếu đó là các Công ty Cổ phần chưa phải Đại chúng hoặc đã là Đại chúng nhưng chưa đăng ký lưu ký với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thì vẫn giao dịch mua bán được (bằng cách gặp mặt trực tiếp và chuyển nhượng sang tên sổ), mọi quyền lợi như Cổ tức, Đại hội Cổ đông sẽ được thực hiện qua chính Công ty Cổ phần đó.

Trong ảnh: Mẫu Sổ Cổ đông của Ngân hàng VietCombank (bên trái) và Tài Khoản Chứng khoán của Nhà Đầu tư có sở hữu Cổ phiếu Vietcombank – VCB (bên phải) (Link gốc ảnh)

Ngược lại nếu đó là các Công ty Đại chúng đã đăng ký lưu ký với Trung tâm và cũng đã có Mã Chứng khoán thì nếu vẫn tồn tại dưới dạng Sổ cổ đông như vậy chắc chắn là không mua bán được. Khi đó muốn bán được sổ Cổ phiếu đó, bạn cần phải Mở Tài khoản tại một Công ty Chứng khoán, gửi Sổ cổ đông cho Công ty Chứng khoán đó (Trước khi Công ty Chứng khoán đó gửi cho Trung tâm Lưu ký) để lưu ký số Cổ phiếu đó lên sàn và chuyển sang trạng thái Cổ phiếu đã Lưu ký rồi mới bán được trên sàn như bình thường chúng ta vẫn thấy hàng ngày. Xem thêm: Chứng khoán chưa Lưu ký và Chứng khoán đã Lưu ký.

Thị trường Cổ phiếu: đây là Thị trường mà tại đó các Cổ phiếu được giao dịch mua bán qua lại giữa các Nhà Đầu tư. Hiện nay, ở Việt Nam đang tổ chức Thị trường Cổ phiếu tập trung ở 3 Sàn Cổ phiếu chính là HOSE, HNX và UPCoM do hai Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội quản lý. Thị trường Cổ phiếu được coi là Thị trường Vốn Dài hạn cùng với Thị trường Trái phiếu và Thị trường Tiền tệ của bên Ngân hàng để trở thành Thị trường Tài chính hoàn chỉnh của một Quốc gia.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

Các khái niệm Giá trị của Cổ phiếu:

Trong ảnh: Thuyết minh Vốn góp của Chủ Sở hữu của Tập đoàn FPT tại 30/06/2022. Trong đó có Mệnh giá, Số Cổ phiếu và Giá trị Cổ phiếu theo Vốn Góp (Link gốc ảnh)

+ Mệnh giá: đây chính là giá trị gốc ban đầu mà Công ty Cổ phần đưa ra cho một Cổ phiếu và được ghi trên Cổ phiếu khi góp Vốn ban đầu. Hiện nay, trước khi lên sàn Chứng khoán, theo quy định chung của Luật Chứng khoán thì tất cả các Công ty Cổ phần sẽ phải đổi toàn bộ số Cổ phiếu của mình về Mệnh giá gốc là 10.000 đồng/ cổ phiếu. Do đó có thể thấy Mệnh giá Cổ phiếu sẽ không thay đổi và từ Số Cổ phiếu bạn đã đang sở hữu có thể tính được Giá trị Vốn góp theo Mệnh giá của Cổ đông đó vào Công ty. Với cách hiểu như vậy thì Mệnh Giá Cổ phiếu thì không liên quan gì đến Thị Giá Cổ phiếu đó trên Thị trường, chỉ đơn giản là Giá trị Vốn góp gốc của Cổ đông vào Công ty. Xem thêm: Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành.

+ Giá trị Sổ sách: đây là giá trị của Cổ phiếu được xác định dựa trên cơ sở Số liệu Sổ sách Kế toán của Công ty. Trường hợp Công ty chỉ phát hành Cổ phiếu thường thì Giá trị sổ sách của một Cổ phiếu thường được xác định bằng cách lấy Vốn chủ Sở hữu (bằng Tổng Tài sản – Tổng Nợ phải trả) của Công ty chia cho Tổng số Cổ phiếu thường đang lưu hành. Trường hợp Công ty phát hành cả Cổ phiếu ưu đãi, thì phải lấy Vốn Chủ sở hữu trừ đi phần Giá trị thuộc Cổ phiếu ưu đãi rồi mới chia cho số Cổ phiếu thường đang lưu hành. Khi nhìn vào Giá trị sổ sách, ta sẽ thấy được số giá trị tăng thêm của Cổ phiếu thường sau một thời gian Công ty hoạt động so với số Vốn góp ban đầu. Xem thêm: Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu (Phần 1)Giá trị Sổ sách là gì? Cách tính và Ý nghĩa.

Trong ảnh: Bảng giá Chứng khoán cập nhật Giá thị trường của Cổ phiếu trên Website Công ty Chứng khoán Mirae Asset – MAS (Link gốc ảnh)

+ Giá trị Thị trường hay Giá Cổ phiếu: hay còn được gọi là Giá thị trường và trên thực tế thì mọi người thường gọi tắt là Giá của Cổ phiếu. Đây chính là mức giá giao dịch hiện tại của Cổ phiếu thường đang được mua bán trên các Sàn Giao dịch Chứng khoán (cập nhật trên mục Giá của Bảng giá Chứng khoán như hình trên). Giá thị trường của Cổ phiếu sẽ được xác định bởi giá thống nhất giữa người đặt bán và người đặt mua (Giá khớp lệnh). Tóm lại, Giá thị trường của Cổ phiếu được xác định bởi quan hệ cung – cầu trên Thị trường, chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, do vậy nó thường xuyên biến động.

Trên đây, mình đã đưa ra những phân tích cụ thể để các bạn hiểu hơn về Khái niệm Cổ phiếu là gì? Phân loại, Đặc điểm kèm Ví dụ về Cổ phiếu. Đây được xem là một trong những kiến thức cơ bản nhất cho người mới bắt đầu tìm hiểu Thị trường Chứng khoán. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hay cần tham khảo thêm thì có thể liên hệ với mình theo thông tin liên lạc phía trên hoặc điền vào bảng dưới để để lại Thông tin cho Nhóm mình chủ động liên hệ lại.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Các khái niệm Giá trị của Cổ phiếu” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Trái phiếu là gì? Phân loại, Đặc điểm & Ví dụ   /   Chứng chỉ quỹ là gì? Phân loại, Đặc điểm & Ví dụ
> Cổ phiếu Quỹ là gì? Khái niệm, Bản chất và Mục đích
> Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành
> Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu (Phần 1)   /   Chứng khoán chưa Lưu ký và Chứng khoán đã Lưu ký

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 01/2023)