Giá trị Sổ sách là gì? Cách tính và Ý nghĩa

Giới thiệu

Nếu bạn đang tìm hiểu về các kiến thức về Định giá Cổ phiếu trong Chứng khoán thì Giá trị sổ sách (Book Value – BV) là một trong những định nghĩa rất quan trọng và cần phải hiểu rõ nếu muốn ra các quyết định đầu tư hợp lý. Vậy nên trong nội dung bài viết dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về các định nghĩa như Giá trị sổ sách là gì? Cách tính cũng như Ý nghĩa trên từng con số này trong quá trình đầu tư chứng khoán như thế nào. Bài viết này cũng thường được tìm đến sau khi đã nắm rõ Kiến thức Cơ bản Chứng khoán và biết cách Phân tích Cổ phiếu. Về cơ bản, các Vấn đề chính gồm:

+ Giá trị sổ sách là gì? Khái niệm và Công thức tính tổng quát.
+ Vốn Chủ sở hữu ròng, Tài sản cố định Vô hình và Số lượng Cổ phiếu lưu hành để tính Giá trị sổ sách.
+ Ý nghĩa và Ứng dụng của Giá trị sổ sách.

—————————————————————

1. Giá trị sổ sách là gì? Khái niệm và Công thức tính tổng quát

Khái niệm Giá trị Sổ sách: được hiểu là giá trị của một Doanh nghiệp xét theo giá trị toàn bộ Tài sản của Doanh nghiệp trừ các khoản Nợ phải trả. Đây là số tiền mà Cổ đông nhận được trong trường hợp Công ty bị phá sản hoặc tự động giải thể và cũng có thể hiểu là Số tiền còn lại sau khi thanh lý Tài sản và chi trả các khoản Nợ. Giá trị sổ sách được phản ánh qua Báo cáo Tài chính của Doanh nghiệp và đôi khi còn được gọi tắt là Sổ sách. Giá trị sổ sách còn có tên Tiếng Anh là Book Value và được viết tắt là BV.

Ví dụ: Công ty A có Tổng Tài sản là 100 tỷ đồng, tổng Nợ phải trả là 40 tỷ đồng, thì Giá trị sổ sách (BV) của Công ty là 100 – 40 = 60 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là nếu Công ty bán hết Tài sản của mình và trả hết Nợ thì Giá trị Vốn chủ sở hữu ròng của Doanh nghiệp sẽ là 60 tỷ đồng và đây cũng là Giá trị sổ sách của cả Công ty dự kiến nếu được thanh lý.

Trong ảnh: Giá trị sổ sách của một Cổ phiếu HPG – Tập đoàn Hòa Phát được cập nhật trên Website CafeF – Tháng 7/2023 (Link gốc ảnh)

Trong chứng khoán, Chỉ số BV thường được hiểu thành BVPS (viết tắt của từ tiếng Anh: Book Value per Share) có nghĩa là Giá trị sổ sách trên mỗi Cổ phiếu. Nó thường được dùng để phản ánh Giá trị thực tế của mỗi Cổ phiếu trong một doanh nghiệp mà Cổ đông có thể nhận được trong trường hợp Công ty phá sản / giải thể. Khi Giá trị sổ sách của toàn Công ty được chia cho Số lượng cổ phiếu Công ty đang lưu hành, chúng ta sẽ nhận được Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (BVPS).

Công thức tính Giá trị sổ sách của một Cổ phiếu – BVPS: Bạn có thể dễ dàng tính toán Giá trị sổ sách của một Cổ phiếu từ Báo cáo tài chính của Doanh nghiệp, được công bố định kỳ hàng quý và hàng năm. Cụ thể, Ta có Công thức tổng quát như sau: BVPS = (Vốn chủ Sở hữu ròng – Tài sản cố định vô hình) / Số lượng Cổ phiếu đang lưu hành. Từ đó, ta cũng dễ hiểu BVPS là Vốn chủ của một Cổ phiếu. Cụ thể, mình sẽ phân tích rõ hơn ở phần dưới.

Trong ảnh: Công thức Tổng quát tính Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu – Chỉ số BV – BVPS và diễn giải các thành phần cấu thành (Link gốc ảnh)

Ví dụ: theo Báo cáo Tài chính Hợp nhất Quý 1/2023 của HPG – Tập đoàn Hòa Phát công bố thì ta có các Dữ liệu sau:

+ Vốn chủ Sở hữu tại 31/03/2023: 96.437 tỷ đồng như Hình ảnh (Trang 5/33).
+ Lợi ích cổ đông không kiểm soát tại 31/03/2023: 91 tỷ đồng như Hình ảnh (Trang 5/33).
+ Tài sản Cố định Vô hình tại 31/03/2023: 619 tỷ đồng như Hình ảnh (Trang 18/33).
+ Quyền sử dụng đất tại 31/03/2023: 217 tỷ đồng như Hình ảnh (Trang 18/33).
+ Số lượng Cổ phiếu đang lưu hành tại 31/03/2023: 5.814.785.700 cổ phiếu như Hình ảnh (Trang 26/33).

Do đó, Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu của HPG sẽ là: [96.437 – 91 – (619 – 217)] / 5.814.785.700 = 16.638 đồng / cổ phiếu như File Excel. Để hiểu chi tiết hơn các thành phần trên, mình sẽ giải thích ngay dưới để đây.

—————————————————————

2. Vốn Chủ sở hữu ròng, Tài sản cố định Vô hình và Số lượng Cổ phiếu lưu hành để tính Giá trị sổ sách

Vốn Chủ sở hữu ròng: đây là nguồn Vốn thuộc sở hữu của Chủ doanh nghiệp hay chính là các Cổ đông trong Công ty. Về cơ bản, Vốn chủ ròng thường sẽ được cấu thành từ 2 yếu tố chính là Vốn Điều lệ (hay còn gọi là Vốn cổ phần) và Lợi nhuận sau thuế chưa Phân phối. Bạn có thể xem thêm Bài viết sau để hiểu hơn về Khái niệm này Lãi ròng và Vốn chủ sở hữu ròng là gì? Cách tính và Ý nghĩa. Để xác định Lợi nhuận ròng, ta sẽ xem xét Mô hình Công ty để đưa ra giá trị chính xác nhất, cụ thể:

+ Với Mô hình Công ty không có Công ty con (không nắm >50% cổ phần trở lên ở Công ty nào) hoặc có Công ty con nhưng Tỷ lệ nắm giữ 100% thì Vốn chủ ròng sẽ chính là Vốn chủ sở hữu của chính Công ty đó trong Báo cáo Tài chính. Bạn cũng có thể tính đơn giản như sau: Vốn Chủ sở hữu ròng = Tổng Tài sản – Nợ phải trả. 

Trong đó:
* Tổng Tài sản sẽ thường gồm: Tiền mặt, các khoản Đầu tư Tài chính, Phải thu, Hàng tồn kho, Tài sản cố định, Bất động sản Đầu tư và các loại Tài sản khác.
* Nợ phải trả: bao gồm Phải trả người bán, Người mua trả tiền trước, Thuế phải trả, Phải trả Người lao động, Chi phí phải trả, Doanh thu chưa thực hiện, Phải trả khác, Dự phòng, Vay … .

Trong ảnh: Giá trị Vốn chủ ròng của ACB là Vốn chủ sở hữu (hình bên trái) và Vốn chủ ròng của FPT là Vốn chủ sở hữu trừ đi Lợi ích Cổ đông không kiểm soát (hình bên phải) – BCTC Hợp nhất Quý 1/2023 (Link gốc ảnh)

Ví dụ: Trong Báo cáo Tài chính Hợp nhất Quý 1/2023 của Ngân hàng ACB, ta dễ thấy ACB nắm các Công ty con nhưng toàn là 100% nên Vốn chủ ròng của ACB chính là Vốn chủ sở hữu, có giá trị là 62.530 tỷ đồng.

+ Với Mô hình Công ty có Công ty con nhưng không nắm đủ 100% (nắm từ 50% đến < 100%) thì Vốn chủ ròng lúc này sẽ là phần Vốn chủ sở hữu trừ đi Lợi ích Cổ đông không kiểm soát. Ví dụ như trong Báo cáo tài chính Hợp nhất Quý 1/2023 của FPT ở hình trên, ta dễ thấy Lợi ích của Cổ đông không Kiểm soát của FPT là 4.472 tỷ đồng. Lúc này, ta có Vốn chủ ròng của FPT tại 31/03/2023 = Vốn chủ sở hữu – Lợi ích của Cổ đông không Kiểm soát = 27.061 – 4.472 = 22.589 tỷ đồng và đây là số liệu được dùng để tính Giá trị sổ sách cả FPT. So với chỉ tiêu Vốn chủ sở hữu thì Vốn chủ ròng của FPT đã giảm đi đáng kể vì phần Lợi ích Cổ đông không kiểm soát khá lớn (Chứng tỏ Tỷ lệ Sở hữu của FPT tại một số Công ty con không cao).

Tài sản cố định Vô hình: đây là những Tài sản không có hình thái vật chất, khi thanh lý thì hầu hết các Tài sản vô hình như Bản quyền, Bằng sáng chế, Phần mềm máy tính,… sẽ không mang lại giá trị, vậy nên khi tính Giá trị sổ sách thì ta sẽ trừ đi những Tài sản vô hình này. Tuy nhiên, trong Tài sản cố định vô hình, ta thấy có một loại Tài sản là Quyền sử dụng đất trong thực tế nếu phải thanh lý Tài sản thì luôn có Giá trị và thực tế thường là khi được thanh lý nhượng bán sẽ có Giá trị còn cao hơn Giá trị ghi sổ, vậy nên ta sẽ không trừ phần giá trị Quyền sử dụng đất này.

Trong ảnh: 2 Cách tính Giá trị Sổ sách phổ biến – Số liệu Giá trị Sổ sách tại 31/03/2023 của một số Công ty lớn trong VN30 (Link gốc ảnh)

Trên thực tế, các Tài sản cố định vô hình ngoại trừ Quyền sử dụng đất của Doanh nghiệp thường sẽ có Giá trị không đáng kể so với Vốn chủ Sở hữu cũng như Tổng Tài sản nên ta có thể bỏ qua và tính đơn giản Giá trị Sổ sách của cả Công ty = Vốn chủ Sở hữuGiá trị Sổ sách của một cổ phiếu = Vốn chủ Sở hữu / Số lượng Cổ phiếu đang lưu hành.

Như trong hình trên mình có thống kê 5 Công ty lớn trong VN30 đại diện cho 5 Ngành khác nhau là: HPG (Hòa Phát – Thép), FPT (FPT – Công nghệ Thông tin), MWG (Thế giới Di động – Bán lẻ), SAB (Bia Sài Gòn – Thực phẩm đồ uống) và GVR (Tập đoàn Cao su – Cao su) thì có duy nhất FPT là có lệch 1 chút không quá lớn – 4,22% trong trường hợp mình tính cả Tài sản cố định Vô hình với giả định tất cả Tài sản có thể thanh lý được và ra Giá trị số tiền như trên Báo cáo Tài chính. Còn phần lớn các Công ty còn lại hầu như các Tài sản cố định Vô hình như Phần mềm, Giấy phép Phát hành, Bản quyền, … đều không có hoặc có thì cũng không đáng kể nên Cơ bản chúng ta tính Sổ sách bằng cách đơn giản lấy Vốn chủ Sở hữu / Số lượng Cổ phiếu đang lưu hành vẫn cho kết quả có ý nghĩa và phản ánh gần như chính sách đại lượng này.

Số lượng Cổ phiếu đang lưu hành: đây là số lượng Cổ phiếu mà Công ty đã phát hành, hiện đang lưu hành trên Thị trường và do các Cổ đông đang nắm giữ. Số Cổ phiếu đang lưu hành được xác định như sau: Số Cổ phiếu đang lưu hành = Số Cổ phiếu đã phát hành – Số Cổ phiếu Quỹ. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành của một công ty không cố định và có thể biến động theo thời gian khi qua các đợt tăng vốn, chia tách Cổ phiếu mới hoặc mua bán Cổ phiếu quỹ.

Trong ảnh: Thông tin Số lượng cổ phiếu đang lưu hành của HPG được cập nhật trong BCTC Hợp nhất Quý 1/2023 và trên Website CafeF (Link gốc ảnh)

Xem thêm: Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hànhCổ phiếu Quỹ là gì? Khái niệm, Bản chất và Mục đích để hiểu thêm về các Khái niệm này.

Thông tin về Số lượng cổ phiếu đang lưu hành thường được tìm thấy trong thuyết minh Vốn chủ thuộc Báo cáo Tài chính của Công ty đó. Bạn cũng có thể dễ dàng tìm được Số lượng Cổ phiếu đang lưu hành của Doanh nghiệp trên các trang Web như CafeF hay Vietstock, … 

Ví dụ: Trong Báo cáo Tài chính Hợp nhất Quý 1/2023 của HPG – Hòa Phát tại Trang 26/33 như Hình ảnh, ta có Thông tin về Số lượng Cổ phiếu đang lưu hành là 5.814.785.700 cổ phiếu. Và số liệu này cũng đã được CafeF cập nhật trên Webiste của mình để các Nhà đầu tư tiện tìm kiếm Thông tin cho mình.

—————————————————————

3. Ý nghĩa và Ứng dụng của Giá trị sổ sách

Ý nghĩa của Giá trị sổ sách: Trong chứng khoán, Giá trị sổ sách có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là một yếu tố để cấu thành nên chỉ số P/B – chỉ số so sánh Giá trị của một Cổ phiếu trên thị trường so với Giá trị sổ sách của chính cổ phiếu đó. Chỉ số này được rất nhiều Nhà Đầu tư áp dụng trong việc tính toán, Định giá một cổ phiếu. Và được ứng dụng mạnh lúc Thị trường rơi vào suy thoái, hoạt động kinh doanh kém, không có mấy lãi hoặc thậm chí Lỗ giống như cuối năm 2022. Lúc đó thì rõ ràng chúng ta không thể dùng Định giá bằng P/E, mà sẽ dùng P/B để xét mối tương quan giữa Tài sản và Giá. 

Sau đợt giảm giảm giá mạnh trong năm 2022, thì trên toàn Thị trường Chứng khoán có rất nhiều Cổ phiếu đã có Thị giá thấp hơn cả Sổ sách và cơ sở để mang lại cơ hội đầu tư tốt cho rất nhiều người nắm bắt được phương pháp định giá P/B này. Những Cổ phiếu có Giá thị trường thấp hơn Giá sổ sách có thể được xem là đang bị Định giá thấp và bạn sẽ kỳ vọng Giá Cổ phiếu tăng trong tương lai.

Trong ảnh: Bảng so sánh Giá trị sổ sách và Giá thị trường của 27 Công ty Chứng khoán đang niêm yết tại thời điểm ngày 15/11/2022 (Link gốc ảnh)

Ví dụ: Nhóm Cổ phiếu Ngành Chứng khoán trong năm 2022 cũng là Nhóm đã giảm rất mạnh và phần lớn đều dưới Sổ sách vào những tạo đáy trong Tháng 11/2022. Bạn có thể tham khảo Bảng so sánh Giá trị sổ sách và Giá thị trường của 27 Công ty Chứng khoán đang niêm yết trên sàn tại thời điểm 15/11/2022 và Giá Cổ phiếu đóng cửa trong phiên đó như Hình.

Theo bảng trên thì vào phiên đáy tại Ngày 15/11/2022 thì có 4 Công ty Chứng khoán giá Giá Cổ phiếu > Giá trị sổ sách là PHS, TVS, VCI và VUA. Còn lại đều dưới Sổ sách, thậm chí rất nhiều mã < 0,5 lần Giá trị Sổ sách. Tính chung toàn bộ cả Nhóm Ngành Chứng khoán cũng cho ra Giá Thị trường trung bình cỉ bằng 0,7399 lần Giá trị sổ sách. Điều này cho thấy dấu hiệu bên ngoài sơ bộ đang khá “rẻ” lúc đó để nghiên cứu Đầu tư.

Cách ứng dụng Giá trị sổ sách trong thực tế: Tuy rằng Chỉ số BV rất quan trọng trong Định giá Cổ phiếu, nhưng nếu xét trong thời điểm Thị trường Chứng khoán đang tốt, hầu hết các Cổ phiếu đều có Giá thị trường vượt xa Giá trị sổ sách thì lúc này (P/B lớn hơn 1 rất xa), khi đó Giá trị sổ sách sẽ không mang nhiều ý nghĩa nữa. Để Định giá Cổ phiếu trong trường hợp này, bạn phải sử dụng thêm các Chỉ số Tài chính khác như P/E. Xem thêm: Chỉ số P/E là gì? Cách tính, Ý nghĩa và Ví dụ (Phần 1).

Ngoài ra, vì Chỉ số BV được tính dựa vào các số liệu trong Báo cáo Tài chính nên nó cũng có một số nhược điểm nhất định như:

+ Có độ trễ về thời gian: Giá trị sổ sách không phải là Chỉ số được cập nhật thường xuyên và liên tục, đa phần chỉ được cập nhật khi Báo cáo Tài chính thường kỳ của Doanh nghiệp được công bố. Do đó, Nhà Đầu tư chỉ có thể biết được Giá trị sổ sách theo Quý, Bán niên hoặc năm. Tới lúc này, Nhà đầu tư mới có thể đánh giá được Giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Do đó, tính tham khảo của Sổ sách cũng bị hạn chế khi trong kỳ có những sự kiện lớn xảy ra.

Trong ảnh: Tài sản Cố định của HPG tại 31/03/2023 được coi là khá mới khi Hao mòn Lũy kế < 1/3 Nguyên giá Tài sản Cố định (Link gốc ảnh)

+ Không phản ánh chính xác hoàn toàn: Giá trị sổ sách được tính toán dựa trên số liệu kế toán trong Báo cáo Tài chính, trong khi các số liệu này có thể thay đổi, điều chỉnh tùy trường hợp. Do phải tuân theo các nguyên tắc kế toán nên giá trị cũng chưa phản ánh sát hoàn toàn so với thực tế nếu Tài sản Công ty được lôi ra thanh lý trong thực tế. Ví dụ các Tài sản Cố định mới (Hao món < 1/3 Nguyên giá) thường khi thanh lý trong thực tế sẽ có Giá trị thấp hơn Giá ghi nhận trên Báo cáo Tài chính và ngược lại Tài sản Cố định cũ thường khi được thanh lý trong thực tế lại Giá trị cao hơn Giá ghi nhận trên Báo cáo. Nên vẫn cần kinh nghiệm tính toán và chiết khấu lại lần nữa dựa trên giả định “có thể bị giải thể thật”.

Trên đây là một số phân tích về để bạn có thể nắm rõ được Khái niệm Giá trị sổ sách là gì?, các khái niệm có liên quan Giá trị sổ sách, Sổ sách, Book Value, BV, BVPS, Cách tính, Ý nghĩa và Ứng dụng trong Định giá Đầu tư Cổ phiếu. Nếu bạn còn thắc mắc gì có thể liên hệ lại Nhóm mình được để tư vấn hỗ trợ thêm.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Lãi ròng và Vốn chủ sở hữu ròng là gì? Cách tính và Ý nghĩa
> Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành
> Cổ phiếu Quỹ là gì? Khái niệm, Bản chất và Mục đích
> Chỉ số EPS cơ bản và EPS pha loãng là gì? Cách tính và Ví dụ
> Cách Xác định thời điểm Mua bán Cổ phiếu – Phương pháp Dòng tiền

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online 

—————————————————————

(Kieu Oanh / Hiep Bui – Tháng 07/2023)