Chứng khoán đã lưu ký và Chứng khoán chưa lưu ký

Giới thiệu

Bài viết Chứng khoán đã lưu ký và Chứng khoán chưa lưu ký là 1 phần của Nhóm Bài viết Các khái niệm và thuật ngữ về Chứng khoán. Qua đó giúp bạn tự nghiên cứu được Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để biết cách Phân tích Cổ phiếu. Bài viết trình bày một số khái niệm có liên quan đến việc Gửi sổ Cổ đông lên sàn để bán, để nhận Cổ tức, Quyền qua Công ty Chứng khoán và Quá trình tạo hàng hóa gốc cho Thị trường Thứ cấp. Các Vấn đề chính gồm:

+ Khái niệm về Lưu ký Chứng khoán.
+ Lưu ký Chứng khoán – Quá trình tạo hàng hóa cho Thị trường Chứng khoán Việt Nam.
+ Phí Lưu ký Chứng khoán.

—————————————————————

Khái niệm về Lưu ký Chứng khoán

Lưu ký (Tiếng Anh hay dùng là Depository) là một từ dịch thuật từ nước ngoài về, trong đó Lưu là lưu giữ, còn ký là ký gửi, nôm na lại Lưu ký là việc chúng ta nhờ ký gửi một vật hoặc tài sản gì đó cho 1 cá nhân hoặc tổ chức khác lưu giữ hộ tài sản đó, giống như việc một số người có vàng để ở nhà không an toàn, kể cả trong két sắt nên đã ký gửi số vàng đó cho ngân hàng và mất 1 khoản phí khi nhờ cất giữ hộ đó.

Lưu ký Chứng khoán vì thế được hiểu là chúng ta – các cổ đông mà đại diện là Hội đồng quản trị Công ty Đại chúng đã ký gửi số chứng khoán chúng ta đang sở hữu cho một tổ chức mà ở đây ở Việt Nam là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam quản lý và bảo đảm quyền sở hữu chứng khoán của mọi cổ đông. Lưu ý rằng muốn ký gửi được thì Công ty Đại chúng đó phải làm việc và đã đăng ký với Trung tâm (Tức là cũng đã có mã chứng khoán riêng được quản lý), cụ thể như hình:

Trong hình: Giấy chứng nhận Đăng ký Chứng khoán lần đầu của Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh do Trung tâm Lưu ký cấp với mã chứng khoán NAP, kể từ ngày 7/10/2015 Trung tâm sẽ nhận lưu ký cổ phiếu này (Link gốc ảnh)

Sổ cổ đông bản chất chính là một cuốn sổ hoặc Giấy chứng nhận do Công ty Cổ phần lập nên để chứng nhận cổ đông đã góp bao nhiêu vốn cấu thành nên vốn điều lệ thực góp của Công ty, theo thời gian thì việc mua bán chuyển nhượng cũng khiến cho danh sách và số lượng cổ đông thay đổi. Theo quy định thì khi Công ty Cổ phần chưa phải là Công ty Đại chúng thì mọi hoạt động chuyển nhượng đều do Hội đồng Quản trị Công ty đó xác nhận và quản lý, đồng thời phải có báo cáo lại Sở kế hoạch Đầu tư tỉnh/ thành phố. Hình thức mua bán trong thời kỳ này khá đơn giản, 02 bên mua bán tìm hiểu và gặp nhau trực tiếp, sau đó tự thỏa thuận về giá chuyển nhượng và phương thức thanh toán (Thường là tiền mặt và thanh toán luôn), sau đó 02 bên ký vào Hợp đồng Chuyển nhượng cổ phần (Cũng có thể là theo Mẫu của Hội đồng quản trị Công ty như ví dụ tại đây), sau đó cùng ra Công ty Cổ phần kia để Hội đồng Quản trị chứng nhận và chuyển nhượng sang tên số cổ phần vừa ký chuyển nhượng. Và số cổ phiếu mà các cổ đông vẫn giao dịch như vậy trong thời kỳ “sơ khai” đó được gọi là Chứng khoán chưa lưu ký. Bạn có thể xem mẫu sổ cổ đông của GEX – Tổng Công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam (GELEX) như hình dưới hoặc chi tiết như hình ảnh tại đây:

Trong hình: Mẫu sổ cổ đông của GEX phải nộp lên cho Trung tâm Lưu ký làm cơ sở đối chiếu khi cổ đông của GEX lưu ký qua Công ty Chứng khoán (Link gốc ảnh)

Như vậy, Chứng khoán chưa lưu ký được hiểu là loại chứng khoán vẫn đang tồn tại dưới dạng sổ cổ đông/ Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần như trên. Nếu đó là các Công ty Cổ phần chưa phải Đại chúng hoặc đã là Đại chúng nhưng chưa đăng ký lưu ký với Trung tâm lưu ký Chứng khoán VN thì vẫn giao dịch mua bán được, mọi quyền lợi như cổ tức tiền mặt, đại hội cổ đông sẽ được thực hiện qua Công ty cổ phần đó hết. Còn ngược lại nếu đó là các Công ty Đại chúng đã đăng ký lưu ký với Trung tâm và cũng đã có mã chứng khoán thì nếu cầm sổ cổ đông như vậy chắc chắn là không mua bán được. Khi đó muốn bán được sổ cổ phiếu đó, bạn cần phải mở tài khoản tại một Công ty Chứng khoán, gửi sổ cổ đông cho Công ty Chứng khoán đó (Trước khi Công ty Chứng khoán đó gửi cho Trung tâm Lưu ký) để lưu ký số cổ phiếu đó lên sàn và chuyển sang trạng thái Chứng khoán đã Lưu ký rồi mới bán được trên sàn như bình thường chúng ta vẫn thấy hàng ngày.

Trong hình: là chú thích CK đã lưu ký thì nhận cổ tức tại các Thành viên Lưu ký (Chủ yếu là các Công ty CK). Còn CK chưa lưu ký thì cầm CMND và Sổ cổ đông đến Công ty Niêm yết đó mới nhận được (Link gốc ảnh)

Còn Chứng khoán đã Lưu ký là Chứng khoán đã được lưu ký và tồn tại dưới dạng điện tử tích hợp vào tài khoản ở Công ty Chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản trên cơ sở được sự bảo đảm của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Hiểu đơn giản thì đây chính là số chứng khoán đang mua bán hàng ngày trên sàn hiện tại, mọi quyền thực hiện lúc này trên thị trường như Quyền Họp đại hội cổ đông, Quyền cổ tức tiền mặt, … sẽ được thực hiện thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán trên cơ sở Đại lý là các Công ty Chứng khoán. Về mặt tổ chức giao dịch thì Chứng khoán đã Lưu ký sẽ được tổ chức thực hiện giao dịch thông qua Sở giao dịch Chứng khoán (Đại lý là các Công ty Chứng khoán). Và tổng hợp lại thì: Chứng khoán chưa Lưu ký + Chứng khoán đã Lưu ký = Tổng số Chứng khoán đang Niêm yết.

Trong hình là Danh mục TK Chứng khoán của một nhà đầu tư đang giao dịch trên thị trường bằng Online trên Máy tính. Và tất nhiên đây là các Chứng khoán đã Lưu ký (Link gốc ảnh)

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube phần “Khái niệm về Lưu ký Chứng khoán” thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Lưu ký Chứng khoán – Quá trình tạo hàng hóa cho Thị trường Chứng khoán Việt Nam

Khi một Công ty mới lên sàn thì một trong các việc đã phải làm là ký một Hợp đồng Ủy quyền toàn bộ việc quản lý Cổ đông cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong đó có việc nộp toàn bộ danh sách chi tiết cổ đông đang sở hữu hiện tại cho VSD. Lúc mới nộp thì đương nhiên toàn bộ cổ đông đều ở dạng Chứng Khoán chưa Lưu ký, khi đó từng cổ đông muốn bán được số chứng khoán đó thì phải làm như sau:

– Bước 1: Nhà đầu tư nhận sổ cổ đông từ Công ty mới lên sàn trên (Liên hệ trực tiếp với họ hoặc qua Công ty Chứng khoán được ủy quyền, cầm theo CMND để xác nhận lấy).

– Bước 2: Nhà đầu tư – Cổ đông qua Công ty Chứng khoán bất kỳ cầm CMND theo và đề nghị cho Mở tài khoản Chứng khoán (Khai hồ sơ chắc độ 15 – 20 phút gì đó), về việc này bạn có thể xem thêm Hướng dẫn Mở Tài khoản Giao dịch Chứng khoán.

– Bước 3: Sau khi mở xong thì đề nghị luôn nhân viên hỗ trợ Mở tài khoản Chứng khoán đó là muốn Lưu ký số cổ phiếu của Công ty mới lên sàn kia bằng cách đưa cho Nhân viên Sổ cổ đông để họ kiểm tra thông tin, chờ họ lập Phiếu gửi Chứng khoán và ký xác nhận gửi sổ cổ đông cho họ (Sổ cổ đông phải đưa lại cho Công ty Chứng khoán đó). Quá trình này gọi là Lưu ký Chứng khoán. Bạn có thể xem thêm Mẫu Phiếu gửi Chứng khoán mới nhất của VSD tại Mẫu 8A hoặc Mẫu 8B (Kèm thay đổi CMND).

Trong hình: Phiếu gửi Chứng khoán mẫu mới nhất của Trung tâm Lưu ký nhằm Lưu ký Chứng khoán cho cổ đông trên toàn Thị trường (Link gốc ảnh)

– Bước 4: Công ty Chứng khoán lập hồ sơ đề nghị gửi Chứng khoán cho khách hàng lên VSD để gửi chứng khoán đó lên sàn. Quá trình này gọi là Tái Lưu ký Chứng khoán.

– Bước 5: VSD phê duyệt thành công, thông báo lại Công ty Chứng khoán quá trình Tái Lưu ký đã hoàn tất, đồng thời gửi sổ cổ đông nói trên về lại Công ty mới lên sàn để thông báo vừa có một nhà đầu tư đã hoàn tất Lưu ký để chuyển từ Chứng khoán chưa Lưu ký thành Chứng khoán đã Lưu ký.

– Bước 6: Công ty Chứng khoán thông báo lại Nhà đầu tư biết quá trình Lưu ký đã hoàn tất và có thể giao dịch bán bất kỳ lúc nào từ thời điểm đó. Nhìn chung nếu bạn mới tinh chưa mở cả tài khoản chứng khoán thì sẽ mất độ 1 tuần để từ lúc mở tới lúc lưu ký và bán được.

—————————————————————

Phí Lưu ký Chứng khoán

Như những gì đã nói ở trên thì Chứng khoán chưa Lưu ký là thực tế vẫn do Công ty Đại chúng quản lý trực tiếp nên về cơ bản là không có phí gì hết. Tuy nhiên các Chứng khoán đã Lưu ký thì do Công ty Chứng khoán quản lý trực tiếp trên cơ sở sự giám sát liên tục của Trung tâm Lưu ký, chính vì vậy ở đây lại phát sinh khoản phí để Trung tâm quản lý số chứng khoán này và được gọi là Phí Lưu ký Chứng khoán. Như vậy Phí Lưu ký sẽ có 1 số đặc điểm:

– Là Phí do Trung tâm Lưu ký thu qua Công ty Chứng khoán. Tức Công ty Chứng khoán thu của khách hàng và nộp lại về cho Trung tâm hàng tháng. Ở đây Công ty Chứng khoán chỉ đóng vai trò là người thu hộ và không được hưởng 1 khoản nào hết.

– Phí Lưu ký chỉ đánh vào các Chứng khoán đã Lưu ký, nếu bạn có rất nhiều Chứng khoán (Như cổ đông lớn, Cổ đông Chiến lược, Cổ đông Nhà nước, Cổ đông nội bộ gắn bó lâu dài với Công ty), … và xác định không bán cầm rất lâu thì tốt nhất là nên để ở dạng Chứng khoán chưa Lưu ký vì lâu dài thì nó vẫn là 1 khoản chi phí nhất định (Khi nào định bán thì đi Lưu ký chắc mất vài ngày là xong).

Trong hình: Thông báo của HSC về Phí Lưu ký Cổ phiếu vào cuối tháng 9/2017 cho Tài khoản của Khách hàng liên quan đến Chứng khoán đã Lưu ký đang Giao dịch trên sàn (Link gốc ảnh)

– Phí Lưu ký – Phí để bảo hiểm tài sản: đối với các cổ đông nhỏ lẻ đại chúng như bao người thì đây là 1 khoản phí với họ do Trung tâm thu của họ nhưng bản chất đây chính là phí phải trả để Trung tâm rà xoát kiểm tra các Công ty Chứng khoán hàng ngày xem rằng họ đã quản lý đúng chưa. Có sai sót gì cho cổ đông/ nhà đầu tư/ khách hàng hay không? Thậm chí trên Trung tâm như được biết thì ngoài máy chủ chính, còn một máy chủ phụ lúc nào cũng có thể kích hoạt nếu máy chủ chính gặp trục trặc nhất thời. Như vậy, luôn tồn tại một dữ liệu nữa bên cạnh dữ liệu trực tiếp của các Công ty Chứng khoán. Và cho dù thậm chí có Công ty Chứng khoán nào đó cháy nổ, mất hết dữ liệu ở Công ty thì ngay lập tức Trung tâm cũng có thể cung cấp lại chi tiết từng nhà đầu tư đang có những chứng khoán gì. Hay nói một cách khác, Công ty Chứng khoán muốn làm “láo” làm “ẩu” cũng không được, vì còn có cả sự đối soát ngược lại từ các bên, bao gồm cả Công ty Đại chúng khi họ gửi giấy họp cổ đông sẽ ghi rõ bạn có bao nhiều chứng khoán tại thời điểm chốt danh sách đi họp với số chứng khoán đang hiện trên tài khoản của bạn. Cho nên về bản chất với chứng khoán, Công ty Chứng khoán to hay nhỏ, lớn hay bé cũng không khác biệt nhau nhiều. Chỉ cần bạn đã mua hết tiền thì không gì có thể trục lợi rủi ro được.

– Phí Lưu ký là một khoản phí phụ trong hệ thống các loại phí và thuế khi đầu tư chứng khoán, về cơ bản là khá thấp. Theo như hiện tại thì cứ 10.000 cổ phiếu VNM giá trị khoảng 1,68 tỷ đồng thì mỗi tháng 30 ngày phí lưu ký bạn phải trả là 4.000 đồng. Một năm có 12 tháng là 48.000 đồng (Khá rẻ). Phí lưu ký tính theo số lượng cổ phiếu (Không tính theo giá trị). Ở bài viết về Các loại Phí và thuế trong chứng khoán thì mình sẽ trình bày kỹ hơn về việc này.

– Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Video Youtube các ý bên trên thì nghe thêm dưới đây:

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

Các khái niệm và thuật ngữ trong Chứng khoán
Phí Lưu ký và Cách tính Phí Lưu ký Chứng khoán

————————————————————–

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

————————————————————–

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 08/2016)