Cổ phiếu bị Cảnh báo, Cổ phiếu bị Kiểm soát, Cổ phiếu bị Tạm ngừng giao dịch là gì?

Giới thiệu

Lâu nay mỗi khi đọc Thông tin trên 2 Sở giao dịch Chứng khoán hay các trang Thông tin truyền thông Tài chính như CafeF, Vietstock ta hay thấy có những Cổ phiếu này, Cổ phiếu kia bị rơi vào trạng thái Cổ phiếu bị Nhắc nhở vi phạm trên toàn Thị trường, Cổ phiếu bị Cảnh báo, Cổ phiếu Bị kiểm soát, Cổ phiếu bị Tạm ngừng Giao dịch … Vậy những cổ phiếu loại này là gì và tại sao lại có 1 nhóm như vậy? Bài viết này sẽ tập trung nói về Vi phạm, Cảnh báo của Cổ phiếu mà không bàn đến Vi phạm, Cảnh báo của Trái phiếu hay Chứng chỉ Quỹ.

Ngoài ra Bài viết là 1 phần của Nhóm Bài viết Các khái niệm và thuật ngữ về Chứng khoán. Qua đó giúp bạn tự nghiên cứu được Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Bảo vệ Nhà đầu tư và Nhóm Cổ phiếu bị Cảnh báo.
+ Phân loại Nhóm Cổ phiếu bị Cảnh báo, Bị Kiểm soát, Bị Tạm ngừng giao dịch, …
+ Lý do vi phạm bị xếp vào Nhóm Cổ phiếu bị Cảnh báo, Bị Kiểm soát, Bị Tạm ngừng Giao dịch, …
+ Xem thông tin Cổ phiếu vi phạm ở đâu? Tổng kết.

—————————————————————

Bảo vệ Nhà đầu tư và Nhóm Cổ phiếu bị Cảnh báo

Theo Thống kê hiện tại của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thì hiện nay đến hết tháng 8/2018 thì Việt Nam chúng ta đang có khoảng hơn 2,1 triệu tài khoản Chứng khoán, tức là cũng chỉ khoảng hơn 2% dân số nếu so với Tổng số dân vào khoảng 95 – 96 triệu người gì đó. Đặc biệt hàng tháng hiện tại trong vòng vài năm qua thì số lượng Tài khoản mới tăng thêm là vào khoảng 15 – 20 ngàn tài khoản / tháng. Như vậy con số nhà đầu tư mới gia nhập thị trường là khá lớn.

Trong ảnh: Thống kê Số lượng Tài khoản mở trên toàn Việt Nam vào cuối mỗi tháng trong năm 2018. Nguồn: Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) (Link gốc ảnh)

Tuy nhiên các Nhà đầu tư mới tham gia Thị trường thì do Kiến thức, Kinh nghiệm Thị trường hầu như chưa có, họ chưa thể nhận thức thế nào gọi là Cổ phiếu tốt, Cổ phiếu Minh bạch nên rất dễ rơi vào các Cổ phiếu “không chuẩn”. Trong khi đây lại là dòng tiền mới để phát triển Thị trường Chứng khoán trong tương lai. Để đảm bảo Thị trường được ổn định, các nhà làm Luật đã nghĩ ra cần phải có những tiêu chí để lọc ra các cổ phiếu “không chuẩn” này để cảnh báo cho Nhà đầu tư biết trước khi xem xét Đầu tư vào các Cổ phiếu đó. Như vậy, trong cách chọn Cổ phiếu, tốt nhất là không nên dính vào đám này.

—————————————————————

Phân loại Nhóm Cổ phiếu bị Cảnh báo, Bị Kiểm soát, Bị Tạm ngừng giao dịch, …

Hiện tại thì căn cứ vào mức độ từ nhẹ đến nặng của mức độ vi phạm để cảnh báo Nhà đầu tư thì Ủy ban Chứng khoán phân nhóm này ra làm 6 loại:

– Cổ phiếu bị Nhắc nhở Vi phạm trên Toàn thị trường

– Cổ phiếu bị Cảnh báo

– Cổ phiếu bị Kiểm soát

– Cổ phiếu bị Kiểm soát Đặc biệt (Chỉ có ở HOSE, riêng HNX không có loại này)

– Cổ phiếu bị Tạm ngừng Giao dịch

– Cổ phiếu bị Hủy Niêm yết bắt buộc

—————————————————————

Lý do vi phạm bị xếp vào Nhóm Cổ phiếu bị Cảnh báo, Bị Kiểm soát, Bị Tạm ngừng Giao dịch, …

– Vi phạm Công bố Thông tin trong nhiều lần: Chậm nộp Báo cáo Tài chính, Chậm nộp Báo cáo Thường niên, Chậm nộp Nghị quyết Đại hội đồng Cổ đông, … . Đây là 1 lỗi khá phổ biến và thường bị nhắc nhở kèm phạt vi phạm. Minh bạch là trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của Thị trường Chứng khoán. Bạn có thể xem thêm bài viết: Công bố thông tin của Công ty Đại chúng và Công ty Niêm yết (Phần 1) / (Phần 2) để biết thêm các Quy định của Nhà nước về Công bố Thông tin trước khi bàn đến các Vi phạm, Cảnh báo mắc phải của các Công ty Niêm yết.

Trong ảnh: Xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban Chứng khoán nước với Công ty CP An Trường An (Mã CK: ATG) do chậm Công bố Thông tin (Link gốc ảnh)

Theo quy định hiện hành thì 3 lần Vi phạm Công bố Thông tin (CBTT) trong 1 năm sẽ bị xếp vào Nhóm: Cổ phiếu bị Nhắc nhở vi phạm trên toàn Thị trường. Nếu 4 lần Vi phạm Công bố Thông tin trong 1 năm thì bị xếp vào nhóm cao hơn: Cổ phiếu bị Cảnh báo. Riêng trường hợp nếu chậm Nộp Báo cáo Tài chính Kiểm toán Năm hoặc Soát xét Bán niên quá 15 ngày so với Hạn quy định thì cũng bị xếp luôn vào Nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo (Không cần đếm đủ 4 lần Vi phạm). Nếu tiếp tục vi phạm thêm sẽ bị xếp vào nhóm tiếp dần: Cổ phiếu bị Kiểm soát (Với sàn HNX / UPCoM) hoặc Cổ phiếu bị Kiểm soát Đặc biệt (Với sàn HOSE); Cổ phiếu bị Tạm ngừng Giao dịch; Cổ phiếu bị Hủy Niêm yết bắt buộc.

Vốn điều lệ thực góp giảm xuống dưới mức quy định tối thiểu của sàn: 120 tỷ đồng với sàn HOSE, 30 tỷ đồng với sàn HNX, 10 tỷ đồng với sàn UPCoM. Căn cứ để tính vi phạm là dựa trên Báo cáo Tài chính Kiểm toán năm hoặc Báo cáo Tài chính Soát xét Bán niên. Nếu trên Báo cáo tài chính gần nhất sẽ bị xếp vào nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo. Nếu trong Báo cáo Tài chính kỳ kế tiếp (6 tháng) vẫn tiếp tục vi phạm và chưa khắc phục được thì bị xếp vào Nhóm cao hơn: Cổ phiếu bị Kiểm soát. Và kỳ kế toán tiếp nữa Báo cáo Tài chính (Tức là sau 1 năm bị xếp vào Cổ phiếu bị Cảnh báo) vẫn tiếp tục vi phạm và chưa khắc phục được thì bị xếp vào Nhóm cuối: Hủy niêm yết bắt buộc.

Trong ảnh: Thông báo của HOSE về việc đưa cổ phiếu AAM vào diện Cổ phiếu bị Cảnh báo. Lý do: Vốn điều lệ thực góp giảm xuống dưới 120 tỷ đồng (Link gốc ảnh)

Trong hình trên thì Công ty CP Thủy sản MeKong – Mã Chứng khoán: AAM đã bị HOSE xếp vào diện Cổ phiếu bị Cảnh báo do Vốn điều lệ thực góp < 120 tỷ đồng tại Báo cáo Tài chính Soát xét 6 tháng đầu năm 2018. Theo Thuyết minh Vốn chủ sở hữu của AAM tại Báo cáo Tài chính Soát xét Bán niên 2018 – Trang 42/42, ta dễ thấy trong kỳ AAM đã thực hiện giảm Vốn điều lệ thực góp của mình bằng cách xóa số lượng Cổ phiếu Quỹ đã mua trước đây, nguồn còn thiếu được bù trừ bằng Thặng dư vốn. Liên quan đến Vốn chủ sở hữu, Vốn điều lệ thực góp và Thặng dư vốn, bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu (Phần 1) / (Phần 2). Ngoài ra thì HOSE không quên nhắc nhở, 1 năm nữa nếu Vốn điều lệ thực góp vẫn tiếp tục < 120 tỷ đồng, sẽ bị hủy Niêm yết như tại Công văn đưa cổ phiếu AAM vào diện Cảnh báo và khả năng Hủy Niêm yết.

Lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo Tài chính Kiểm toán Năm là số âm: đây cũng là 1 lỗi khá phổ biến, nếu bị năm 1 thì sẽ xếp vào Nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo. Nếu năm thứ 2 liên tiếp bị lỗ thì sẽ xếp Nhóm cao hơn: Cổ phiếu bị Kiểm soát và đặc biệt là năm thứ 3 liên tiếp bị lỗ sẽ xếp Nhóm cuối: Cổ phiếu bị Hủy niêm yết bắt buộc. Xem thêm: Thông báo về việc đưa Cổ phiếu TIE vào diện Cổ phiếu bị Cảnh báo – HOSE.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Báo cáo Tài chính Kiểm toán Năm là số âm (Tức là Lỗ lũy kế): nếu bị năm 1 thì bị xếp vào Nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo. Riêng với sàn HOSE, nếu năm thứ 2 liên tiếp trở lên thì sẽ xếp Nhóm cao hơn: Cổ phiếu bị Kiểm soát. Đặc biệt là nếu Lỗ Lũy kế mà lớn hơn Vốn điều lệ thực góp thì xếp luôn vào Nhóm cuối: Cổ phiếu bị Hủy niêm yết bắt buộc. Trường hợp Nếu lỗ Lũy kế lớn hơn Vốn điều lệ thực góp nhưng chỉ trong Báo cáo Tài chính Soát xét Bán niên thì vẫn chỉ xếp ở Nhóm: Cổ phiếu bị Kiểm soát.

Trong ảnh: Thông báo của HNX về việc đưa cổ phiếu TH1 vào diện Cổ phiếu bị Hủy Niêm yết bắt buộc. Lý do: Lỗ 3 năm liên tiếp và Lỗ lũy kế vượt qua Vốn điều lệ thực góp (Link gốc ảnh)

Công ty ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính: từ 03 tháng trở lên thì bị xếp vào Nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo. Từ 09 tháng trở lên thì bị xếp vào Nhóm cao hơn: Cổ phiếu bị Kiểm soát và từ 12 tháng trở lên thì bị xếp vào Nhóm cuối: Cổ phiếu bị Hủy niêm yết bắt buộc.

Cổ phiếu không có giao dịch trong thời gian dài: từ 06 tháng trở lên thì bị xếp vào Nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo và từ 12 tháng trở lên thì bị xếp vào Nhóm cuối: Cổ phiếu bị Hủy niêm yết bắt buộc.

Ngoài ra còn một số lý do khác ít phổ biến hơn mà các Công ty Niêm yết có thể bị mắc phải và về cơ bản sẽ được thống kê như bản Excel Online Quy định về các lỗi Vi phạm – Nhắc nhở, Cảnh báo, Kiểm soát, Kiểm soát đặc biệt, Tạm ngừng Giao dịch và Hủy Niêm yết bắt buộc hoặc hình ảnh sau:

Trong ảnh: Quy định của 2 Sở HOSE, HNX về các lỗi Vi phạm: Nhắc nhở vi phạm, Cảnh báo, Kiểm soát, Kiểm soát Đặc biệt, Tạm ngừng Giao dịch và Hủy Niêm yết bắt buộc (Link gốc ảnh)

Về thời gian: trường hợp nếu bị vi phạm vào diện Cổ phiếu bị Kiểm soát thì sẽ bị hạn chế Thời gian giao dịch. Với sàn HOSE thì chỉ được giao dịch 15 phút cuối cùng (Tức Phiên Khớp lệnh Định kỳ – 14h30 đến 14h45) và với sàn HNX thì trong 1 tuần chỉ được giao dịch phiên giao dịch cuối tuần (Thứ 6).

—————————————————————

Xem thông tin Cổ phiếu vi phạm ở đâu? và Tổng kết

Xem Cổ phiếu vi phạm ở đâu: xem các cổ phiếu có bị “dính” hay không khá đơn giản. Ngoài việc truy cập vào Website chính thống của 2 Sở HOSE, HNX. Bạn cũng có thể truy cập vào Trang CafeF.vn, tìm thông tin Cổ phiếu mà bạn quan tâm, bạn sẽ dễ thấy ngay trên đầu như hình ảnh sau:

Trong ảnh: Thông báo của CafeF – Mã Chứng khoán AAM bị xếp vào diện Cổ phiếu bị Cảnh báo từ 31/08/2018 do Vốn điều lệ thực góp giảm xuống dưới 120 tỷ đồng (Link gốc ảnh)

Tổng kết: việc có các Thông báo của 2 Sở tạo ra các Nhóm cảnh báo như này là để cảnh báo cho Nhà đầu tư là Cổ phiếu họ đang quan tâm đang “có vấn đề” hoặc là làm ăn hoặc là Minh bạch và cần phải rất thận trọng khi chọn Mua Đầu tư các mã này. Và tốt nhất là nên tránh các cổ phiếu như vậy. Đó cũng là 1 cách chọn, 1 tiêu chí để chọn lọc cổ phiếu. Nói “Không” với cổ phiếu bị những Cảnh báo như vậy.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Công bố thông tin của Công ty Đại chúng và Công ty Niêm yết (Phần 1) / (Phần 2)
> Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu (Phần 1) / (Phần 2)

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online 

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 9/2018)