Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 và Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa (Phần 3)

Giới thiệu

Nội dung của Bài viết Phần 3 trong Chuỗi các Bài viết liên quan đến Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 sẽ Tập trung vào các Khái niệm liên quan đến Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa. Hệ số Giới hạn Vốn hóa Thị trường là Hệ số quan trọng cuối cùng để có được Cách tính Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 một cách hoàn chỉnh. Ngoài ra, chủ đề này cũng là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính của Phần 3 gồm:

+ Giới thiệu sự cần thiết của Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa trong Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30.
+ Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa trong Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 – Khái niệm và Hệ số.
+ Công thức Tổng quát Hệ số Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa và Ví dụ – Chỉ số VN30 – Đầu kỳ – Kỳ 2/2018.
+ Một số thay đổi của Chỉ số VN30 kể từ Năm 2019 liên quan đến Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa.

+ Phần 1 (Xem lại) – Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 là gì và Điều kiện vào Chỉ số (Phần 1).
+ Phần 2 (Xem lại) – Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 và Cách lựa chọn Cổ phiếu vào Chỉ số (Phần 2).
+ Phần 4 (Phần Tiếp) – Cách tính Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 (Phần 4).

—————————————————————

Giới thiệu về sự Cần thiết của Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa trong tính Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30

Ở bài viết trước Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 là gì và Điều kiện vào Chỉ số (Phần 1) ta đã biết đến việc khi các Chỉ số chung Thị trường là Chỉ số VN-Index, Chỉ số HNX-Index bị thao túng ảnh hưởng quá nhiều bởi 1 số ít các Cổ phiếu lớn nhưng Giao dịch hàng ngày lại rất ít thì 2 Sở HOSE / HNX đã xây dựng thêm 1 loạt các Chỉ số phụ khác để hạn chế sự “méo mó”. Trong đó nổi bật nhất là Chỉ số VN30 và Chỉ số HNX30. Ta cũng biết đến việc 2 Sở Giao dịch Chứng khoán HOSE và HNX đều đã sử dụng khái niệm Tỷ lệ Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float cũng như Tỷ lệ Free-Float làm tròn mốc 5% để tính toán các Chỉ số như Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 để khắc phục những tồn tại về Sự phụ thuộc quá lớn vào 1 số Cổ phiếu lớn trên. Tuy nhiên trong thực tế vẫn không thể khắc phụ hết được các nhược điểm đó mà chỉ làm giảm bớt 1 phần nào. Ta cùng theo dõi Ví dụ thực tế của Chỉ số VN30 (Chỉ số HNX30 cũng sẽ tương tự) như sau:

Trong hình: Vốn hóa Thị trường và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float của các Cổ phiếu trong VN30 – Ngày 20/07/2018 và Tỷ trọng Vốn hóa từng Cổ phiếu trong Tổng (Link gốc ảnh)

Trong hình trên ở Cột Xanh da trời – Cột Tỷ trọng Vốn hóa Thị trường trên Tổng, Ta thấy 3 Mã lớn nhất là VIC, VNM, VCB đã chiếm đến 40,62% trong Tổng 30 Mã của Chỉ số VN30 dự kiến của kỳ mới – Kỳ 2/2018. 5 Mã lớn nhất thì chiếm 55,52%, còn 10 Mã lớn nhất thì chiếm đến 76,53%. Như vậy là quá lớn so với phần còn lại. Khắc phụ tình hình đó, Sở đặt ra quy tắc Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float, lúc này 3 Mã lớn nhất lại là VNM, VIC và HPG (VCB đã bị loại vì Free-Float khá thấp, Chỉ 10%) vẫn chiếm đến 41,05%. 5 Mã lớn nhất thì cũng đến 53,01% và 10 Mã lớn nhất thì vẫn 74,56%. Như vậy là cũng chả khác gì khi chưa có Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float và về mặt chỉ hạn chế được tình trạng lũng đoạn quá mức ở 1 số Giao dịch ít nhưng ảnh hưởng lớn như trước. Để khắc phục nốt sự hạn chế này, Sở HOSE quyết định đưa ra 1 khái niệm mới: Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa. Vậy Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa là gì?Và làm thế nào để khắc phục được nhược điểm vẫn còn tồn tại ở trên.

—————————————————————

Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa trong Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 – Khái niệm và Hệ số

Ở trên, Ta thấy các có sự mất cân đối và phụ thuộc vào 1 Nhóm nhỏ các Mã, kể cả trong Chỉ số VN30 đã điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float. Sở quyết định trong Chỉ số VN30 sẽ Giới hạn 1 Cổ phiếu không được chiếm quá 10% Tổng Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float của cả 30 Mã hàng đầu trên. Theo đó thì các Mã có Tỷ trọng >10% sẽ tự động điều chỉnh về Tối đa là 10% tại Ngày điều chỉnh Đầu kỳ (Tháng 1 hoặc 7) hoặc Giữa kỳ (Tháng 4 hoặc 10). Việc điều chỉnh các Mã lớn này sẽ dẫn đến Tỷ trọng các Mã sẽ tăng lên, trường hợp các Mã khác có Mã lại > 10% thì sẽ lại được Điều chỉnh tiếp, cho đến khi chỉ còn không còn Mã nào quá 10%. Khi đó ta sẽ có 1 Danh mục Tỷ trọng Chỉ số VN30 hoàn chỉnh. Vẫn tiếp tục các Ví dụ để xét vào Kỳ 2/2018 của Chỉ số VN30 chính thức. Ta có:

Trong hình: Vốn hóa Thị trường và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float của các Cổ phiếu trong Chỉ số VN30 – Ngày 13/07/2018 và Tỷ trọng Vốn hóa từng Cổ phiếu trong Tổng (Link gốc ảnh)

Ở đây do Ngày Áp dụng kỳ VN30 kỳ mới – Kỳ 2/2018 là 23/07/2018 (Ngày Thứ 2 Tuần thứ 4 của Tháng) và Sở phải công bố trước đúng 1 tuần, tức Thứ 2 – Ngày 16/07/2018. Do đó Dữ liệu cần cập nhật tính “Thời sự” tốt nhất nên sẽ lấy ngay Ngày làm việc gần nhất là Thứ 6 – Ngày 13/07/2018. Dữ liệu Bảng trên để tính Tỷ trọng là Dữ liệu tính theo Giá đóng cửa của Ngày 13/07/2018. Tiếp tục, Ta có:

+ Tổng Giá trị Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float của 30 Mã trên là: 631.298 tỷ đồng và theo như Bảng trên thì chỉ có duy nhất VNM và VIC có tỷ trọng > 10%. Như vậy đây là 2 Mã cần phải được điều chỉnh xuống để tối đa chỉ chiếm đúng 10% Tỷ trọng tại Ngày tính toán này. Các Mã còn lại sẽ không bị điều chỉnh bới Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa này.

+ Tổng Giá trị Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float của 28 Mã còn lại không bị điều chỉnh Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa là: 412.006 tỷ đồng. Cần lưu ý là do 2 Mã VNM và VIC đã chiếm mất 20% của “Tổng mới” nên phần còn lại của 28 Mã trên sẽ chiếm đúng 80%. Khi đó Tổng Giá trị Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float của cả 30 Mã mà trong đó 2 Mã VNM và VIC đã bị điều chỉnh Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa về 10% (Gọi tắt là “Tổng mới”) sẽ là: 412.006 / 80% = 515.007 tỷ đồng.

+ Do “Tổng mới” là 515.007 tỷ đồng nên Vốn hóa Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float có tính đến Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa 10% của VNM và VIC đều sẽ là: 515.007 x 10% = 51.501 tỷ đồng (Làm tròn lên). Như vậy là việc Điều chỉnh đã làm cho Giá trị Vốn hóa Tỷ lệ Free-Float của VNM từ 120.671 tỷ đồng về 51.501 tỷ đồng và của VIC từ 98.621 tỷ đồng về 51.501. Việc điều chỉnh như vậy được tính ra bằng 1 Hệ số và gọi là Hệ số Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa (Ký hiệu là C). Hệ số này của mỗi Mã trong kỳ sẽ được tính lại vào Đầu kỳ hoặc Giữa kỳ và duy trì trong suốt khoảng Thời gian đó.

—————————————————————

Công thức Tổng quát Hệ số Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa và Ví dụ – Chỉ số VN30 – Đầu kỳ – Kỳ 2/2018

– Ta dễ dàng thấy được Hệ số Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa trong trường hợp của VNM ở trên là: 51.501 / 120.671 = 0,4268 hay 42,68% và của VIC là: 51.501 / 98.621 = 0,5222 hay 52,22%. Quay trở lại, Ta có Công thức Tổng quát của Hệ số này như sau:

Trong hình: Công thức Tổng quát tính Hệ số Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa Thị trường của Cổ phiếu i (Link gốc ảnh)

Trong đó:

+ i: Là Cổ phiếu bị Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa – Là các Cổ phiếu có Tỷ trọng Vốn hóa Free-Float > 10% như VNM, VIC trong xét vào Kỳ 2/2018 của Chỉ số VN30.

+ j: Là Cổ phiếu không bị Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa – Là các Cổ phiếu có Tỷ trọng Vốn hóa Free-Float < 10% như VCB, GAS, SAB, … (28 Cổ phiếu còn lại trừ VNM, VIC).

+ Ci: Hệ số Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa của Cổ phiếu i – Cổ phiếu bị Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa (VNM, VIC).

+ Z: Ngưỡng Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa Tối đa – Mặc định ở đây là 10%, tức là sau khi Điều chỉnh Giới hạn 10% thì Tỷ trọng của cả 2 Mã Chứng khoán VNM và VIC đều được chỉnh về đúng 10%. Các Mã còn lại không bị Điều chỉnh do đã < 10%.

+ P: Là Giá của Cổ phiếu tại Ngày tính toán (Ở đây Ngày tính toán là Ngày 13/07/2018).

+ S: Là Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành tại Ngày tính toán. Xem thêm Khái niệm này tại Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành.

+ F: Là Tỷ lệ Free-Float của một Cổ phiếu tại Ngày tính toán.

+ I: là Tổng Tỷ trọng mới sau Điều chỉnh Giới hạn của các Cổ phiếu không bị Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa tại Ngày tính toán (Ở đây Tỷ trọng I là 80% do có 2 Cổ phiếu bị Giới hạn là VNM và VIC đã chiếm mất 20%, mỗi Cổ phiếu là 10%).

+ Pi * Si * Fi: Là Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float của Cổ phiếu i – Cổ phiếu bị Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa (VNM hoặc VIC) khi chưa tính đến việc bị Giới hạn tại Ngày tính toán.

+ ∑(Pj * Sj * Fj): Là Tổng Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float của toàn bộ các Cổ phiếu j – Cổ phiếu không bị Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa (28 Mã còn lại ngoại trừ VNM và VIC) tại Ngày tính toán.

– Áp dụng Công thức trên, Ta có Hệ số Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa của 2 Cổ phiếu VNM và VIC như sau:

+ Ci (VNM) = {10% / [(166.300 * 1.451.246.749 * 50%) x 80%]} / 412.005.878.496.065 = 0,4268 hay 42,68%

+ Ci (VIC) = {10% / [(103.000 * 3.191.626.624 * 30%) x 80%]} / 412.005.878.496.065 = 0,5222 hay 52,22%

Dễ thấy VNM có Hệ số Ci thấp hơn VIC vì Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float của VNM lớn hơn VIC.

– Cuối cùng, Ta có Bảng Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float và Tỷ trọng mới của các Cổ phiếu trong Chỉ số VN30 sau khi 2 Cổ phiếu VNM và VIC bị Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa về 10% như sau:

Trong hình: Vốn hóa Thị trường và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float có tính đến Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa của các Cổ phiếu trong Chỉ số VN30 – Ngày 13/07/2018 và Tỷ trọng Vốn hóa từng Cổ phiếu trong Tổng (Link gốc ảnh)

Dễ thấy trong hình trên, do VNM và VIC đều bị hạ Tỷ trọng về 10%, nên các mã khác đều tăng Tỷ trọng lên, đáng kể và có ảnh hưởng nhất còn lại tại Ngày 13/07/2018 có: HPG (8,81%), VPB (7,73%), VJC (6,89%), MSN (6,13%), VRE (6,06%). Các Mã có ảnh hưởng thấp hơn Top dưới còn có: MBB (4,8%), MWG (4,28%), SAB (4,07%), FPT (3,87%), VCB (3,83%), STB (3,48%) và NVL (3,17%). Tổng cộng 14 Mã lớn nhất này sẽ chiếm 83,12%.

Như vậy về Cơ bản bạn đã biết cách tính Chỉ số VN30 và Chỉ số HNX30 sau khi biết nốt được thông số cuối là Hệ số Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa. Trong thực tế thì Hệ số Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa (C) sẽ được giữ nguyên liên tục và chỉ bị thay đổi khi thay đổi kỳ; thay đổi Giữa kỳ như tại Thông báo Cập nhật Thông tin Cổ phiếu thuộc Chỉ số VN30 kỳ tháng 7/2018 – HOSE – 15/10/2018 (Giữa Kỳ 2/2018) hoặc có sự kiện liên quan đến Doanh nghiệp như Cổ phiếu bị rơi vào tình trạng Cổ phiếu Bị Cảnh báo, Cổ phiếu Bị kiểm soát, … hay Sáp nhập, Mua lại, Chia tách Công ty. Vấn đề Vận hành Cách tính Chỉ số VN30 hàng ngày kèm các Ví dụ thực tế sẽ được trình bày ở Phần tiếp ngay dưới đây.

—————————————————————

Một số thay đổi của Chỉ số VN30 kể từ Năm 2019 liên quan đến Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa

Theo quyết định thì từ 2019 Chỉ số VN30 sẽ có 3 thay đổi lớn và 1 trong số đó liên quan đến phần này. Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa từ 2019 sẽ thêm 1 khái niệm mới là Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa 1 Nhóm Cổ phiếu có liên quan (15%), bên cạnh Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa 1 Cổ phiếu Đơn lẻ đang áp dụng lâu này (10%). Theo Định nghĩa mới của Sở HOSE thì Nhóm Cổ phiếu có liên quan là các Công ty mẹ và Công ty con được xác định dựa trên Công bố tại Báo cáo Tài chính Soát xét Bán niên Hợp nhất hoặc Báo cáo Tài chính Kiểm toán Năm Hợp nhất gần nhất. Khi đó cả Nhóm sẽ được áp 1 Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa có Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float Tối đa trong Tổng của Chỉ số VN30 là 15%.

Trong hình: Một số thay đổi của HOSE về Chỉ số VN30 kể từ Kỳ mới của năm 2019. Trong đó có Thay đổi Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa của 1 Nhóm Cổ phiếu có liên quan là 15% trong Chỉ số VN30 (Link gốc ảnh)

Cụ thể theo Thông báo mới nhất được Sở HOSE đã Công bố trên Website của mình vào Thứ 2 của Tuần thứ 3 của Tháng 1/2019 – Ngày 21/01/2019 về Bộ chỉ số mới như trong Link Thông báo Danh mục Cổ phiếu thành phần của Bộ Chỉ số HOSE-Index – HOSE. Ta thấy ngoài VNM và VIC là 2 cái tên thường xuyên xuất hiện trong các Kỳ gần đây thì có thêm VHM và VRE. Ở đây Sở HOSE xác định VHM và VRE là Công ty con của VIC và 3 Mã VIC VHM VRE là 1 nhóm các Cổ phiếu có liên quan đầu tiên của Quyết định trên của Sở.  VIC đang nắm 69,66% VHM (Trích Trang 30/121 Bản cáo Bạch Niêm yết 5/2018 – VHM) và VIC đang nắm 58,87% VRE qua cả 2 Công ty con khác (Trích Trang 28/62 Báo cáo Thường niên 2017 – VRE).

Hệ số Giới hạn Tỷ trọng C cho cả 3 theo tính toán là 47% (Ta có thể dễ dàng tự Tính toán tương tự như Giới hạn 1 Cổ phiếu Riêng lẻ). Khi đó, Ta có Bảng Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float và Tỷ trọng mới của các Cổ phiếu trong Chỉ số VN30 sau khi Cổ phiếu VNM và Nhóm Cổ phiếu Liên quan VIC VHM VRE bị Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa về 10% và 15% như sau:

Trong hình: Vốn hóa Thị trường và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float có tính đến Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa của các Cổ phiếu trong Chỉ số VN30 – Ngày 18/01/2019 và Tỷ trọng Vốn hóa từng Cổ phiếu trong Tổng (Link gốc ảnh)

—————————————————————

Xem tiếp Phần 4: Cách tính Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 (Phần 4).

Xem lại Phần 1: Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 là gì và Điều kiện vào Chỉ số (Phần 1).

Xem lại Phần 2: Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 và Cách lựa chọn Cổ phiếu vào Chỉ số (Phần 2).

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

Tỷ lệ Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float
Mệnh giá Chứng khoán, Cổ phiếu Quỹ và Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online 

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 11/2018)