Công bố thông tin của Công ty Đại chúng và Công ty Niêm yết (Phần 1)

Giới thiệu

Bài viết dưới đây là một phần của chủ đề Công bố thông tin trên Thị trường Chứng khoán, ở đây mình sẽ tập trung giới thiệu về việc Công bố thông tin của Công ty Đại chúng, Công ty Đại chúng Quy mô lớn và Công ty Niêm yết trên Thị trường Chứng khoán. Các đối tượng Công bố thông tin khác sẽ được trình bày ở 1 bài viết khác cụ thể hơn. Bài viết được thực hiện hướng tới góc nhìn cung cấp thông tin cho Nhà đầu tư là các Công ty đang Niêm yết trên Thị trường Chứng khoán phải công bố những loại thông tin gì, thời hạn và phải công bố chi tiết đến đâu. Đây là 1 chủ đề hơi mang tính chất “Luật” và khá nghiêng về Công ty Đại chúng, Công ty Niêm yết nên việc trình bày sẽ không tránh khỏi việc hơi “khô cứng”. Trong chừng mực mình sẽ cố gắng đưa các ví dụ minh họa thực tế để tạo ra sự sinh động tốt hơn cho chủ đề quan trọng và ít người đề cập đến này. Các Vấn đề chính gồm:

+ Phân loại để Công bố thông tin trên Thị trường Chứng khoán.
+ Công bố Thông tin Định kỳ – Phần 1 – Báo cáo Tài chính.

+ Phần 2 (Phần Tiếp) – Công bố thông tin của Công ty Đại chúng và Công ty Niêm yết (Phần 2).

————————————————————–

Phân loại để Công bố thông tin trên Thị trường Chứng khoán

Phân sàn và Tên gọi: ở bài viết trước Sàn Đại chúng Chưa Niêm yết (ĐCCNY) và sự thu hẹp sàn OTC, ta đã biết đến việc nhà nước phân sàn ra làm 4 loại dựa trên các sàn mà Nhà nước đang quản lý là: HOSE, HNX, UPCoM và Đại chúng Chưa Niêm yết (DCCNY). Trong đó nếu cổ phiếu Công ty nào đang Niêm yết trên sàn HOSE hoặc HNX thì được gọi là Công ty Niêm yết và 2 sàn HOSE HNX được gọi là Thị trường Niêm yết, còn các Công ty trên 2 sàn còn lại được gọi là Công ty chưa Niêm yết, riêng UPCoM được gọi chính xác hơn là Công ty Đăng ký Giao dịchThị trường Đăng ký Giao dịch.

Trong hình: 4 sàn có sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán – Điều kiện Vốn điều lệ, Điều kiện số cổ đông và Trạng thái Tên gọi của Công ty ở từng sàn (Link gốc ảnh)

Phân loại Công ty Đại chúng: ở bài viết Công ty Đại chúng và Công ty Đại chúng Quy mô lớn ta đã biết đến việc phân loại này của Luật, trong đó Công ty Đại chúng Quy mô lớn là các Công ty có Vốn điều lệ thực góp lớn hơn 120 tỷ đồng, còn Công ty Đại chúng khác còn lại gọi chúng là Công ty Đại chúng có vốn điều lệ < 120 tỷ đồng và > 10 tỷ đồng. Số lượng cổ đông thì không có sự khác biệt giữa 2 khái niệm này > 100 cổ đông và không kể các nhà đầu tư chuyên nghiệp (Ngân hàng, Công ty Tài chính, Công ty cho thuê Tài chính, Công ty Bảo hiểm, Công ty Chứng khoán, Công ty Quản lý quỹ và Quỹ đầu tư).

Trong hình: Phân loại Công ty Đại chúng và Công ty Đại chúng Quy mô lớn theo tiêu chí của Ủy ban Chứng khoán – Vốn điều lệ lớn hơn hay nhỏ hơn 120 tỷ đồng (Link gốc ảnh)

Phân loại Công bố thông tin: dựa trên tính quy mô Vốn điều lệ và Phân sàn thì Ủy ban Chứng khoán đã phân loại Công bố thông tin của các Công ty Đại chúng thành 2 nhóm: Nhóm 1 – Công ty Đại chúng và Nhóm 2 – Công ty Đại chúng Quy mô lớn và Công ty Niêm yết. Kết hợp với việc Phân sàn, ta có Bảng sau:

Trong hình: Phân loại Nhóm Công bố Thông tin của Công ty Đại chúng và Công ty Đại chúng Quy mô lớn, Công ty Niêm yết (Link gốc ảnh)

Theo như Bảng trên thì ta thấy về cơ bản Nhà nước phân làm 2 nhóm:

+ Nhóm 1 là Nhóm của Công ty Đại chúng có quy mô vốn điều lệ < 120 tỷ và không phải Công ty Đang Niêm yết trên sàn HOSE hay HNX. Như vậy đây có thể là các Công ty đang Đăng ký Giao dịch ở UPCoM hoặc là sàn Đại chúng Chưa Niêm yết (DCCNY). Nhìn chung đây có thể được coi là nhóm Công ty Đại chúng nhỏ và không cần phải quản lý chặt hay Công bố thông tin chặt quá nên mức độ Công bố thông tin các Công ty này theo quy định là thấp.

+ Nhóm 2 là Nhóm các Công ty Đại chúng Quy mô lớn và Công ty Niêm yết: như vậy đây là các Công ty đang Niêm yết ở HOSE / HNX và các Công ty Đại chúng lớn khác có Vốn điều lệ > 120 tỷ đồng đang ở UPCoM / DCCNY. Bạn có thể dễ thấy cùng ở UPCoM nhưng có những Công ty phải Công bố cả Báo cáo tài chính Quý, Báo cáo Tài chính Bán niên nhưng cũng có nhưng Công ty không phải công bố, nguyên nhân quan trọng ở đây là Vốn điều lệ của họ sẽ quyết định họ ở Nhóm 1 – Công ty Đại chúng hay ở Nhóm 2 – Công ty Đại chúng Quy mô lớn. Ví dụ như hình ảnh sau:

Trong hình: Công bố thông tin Định kỳ của HNX với Mã Chứng khoán BEL – Công ty CP Điện tử Bình Hòa (Link gốc ảnh)

Trong hình trên là Hình ảnh Công bố thông tin – Báo cáo Định kỳ – BEL_UPCoM của Mã Chứng khoán BEL – Công ty CP Điện tử Biên Hòa đang Đăng ký Giao dịch ở UPCoM với Vốn điều lệ: 60 tỷ đồng, dễ thấy không hề có Báo cáo tài chính Quý hay Báo cáo Tài chính Bán niên được công bố. Trong khi Hình ảnh Công bố thông tin – Báo cáo Định kỳ – BDG_UPCoM của mã Chứng khoán BDG – Công ty CP May mặc Bình Dương cũng đang Đăng ký Giao dịch ở UPCoM nhưng vốn điều lệ lớn hơn là: 120 tỷ đồng và phải công bố cả Báo cáo Tài chính Quý và Bán niên như hình. Như vậy cùng ở UPCoM mức độ công bố thông tin cũng có thể sẽ khác nhau. Và lời khuyên ở đây là bạn nên đầu tư vào các Công ty Đại chúng thuộc nhóm 2 – Nhóm có Công ty Đại chúng Quy mô lớn và Công ty Niêm yết vì các Công ty này mới đủ thông tin để bạn đánh giá Đầu tư.

Về cơ bản thì Thông tin phải Công bố trên Thị trường Chứng khoán với các Công ty Đại chúng, Công ty Niêm yết sẽ được phân làm 3 loại: Công bố Thông tin Định kỳ, Công bố Thông tin Bất thường và Công bố Thông tin theo Yêu cầu.

————————————————————–

Công bố Thông tin Định kỳ – Phần 1 – Báo cáo Tài chính

Đây là thông tin mà cứ tới kỳ thì các Công ty Đại chúng, Công ty Đại chúng Quy mô lớn và Công ty Niêm yết ở trên phải Công bố và đây cũng chính là thông tin khác nhau phân biệt giữa 2 nhóm Công bố thông tin ở trên. Còn thông tin bên Thông tin Bất thường và Thông tin Yêu cầu thì không có sự khác biệt. Hiện tại thì Công bố Thông tin Định kỳ được chia làm 6 nội dung chính: 1. Báo cáo Tài chính; 2. Báo cáo Thường niên; 3. Đại hội đồng cổ đông Thường niên; 4. Hoạt động Chào bán và Báo cáo sử dụng vốn; 5. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài; 6. Báo cáo tình hình Quản trị Công ty. Về cơ bản thì 6 thông tin Định kỳ kể trên nếu có thể nghiên cứu, đánh giá và phân tích được hết thì sẽ nắm được khoảng 70 – 80% về Công ty Đại chúng đó, số % còn lại sẽ thuộc về thông tin Bất thường và Yêu cầu. Trong phần 1 này, mình sẽ giới thiệu qua về Báo cáo Tài chính và Thời hạn nộp. Việc Phân tích Báo cáo Tài chính sẽ được trình bày trong 1 bài viết khác chuyên sâu hơn sau này.

Giới thiệu Báo cáo Tài chính: đây là 1 trong những Báo cáo Định kỳ cung cấp thông tin quan trọng bậc nhất về sức khỏe của một Công ty. Báo cáo Tài chính cung cấp thông tin Tài chính của Công ty trong kỳ như: TIền mặt, Phải thu, Hàng tồn kho, Tài sản cố định, Vay, Doanh thu thuần, Lợi nhuận sau thuế, … . Báo cáo này theo tiêu chí Thời gian sẽ được chia làm 3 loại với 3 kỳ tương ứng là: Báo cáo Tài chính Quý được công bố 1 quý lần; Báo cáo Tài chính Bán niên được công bố cho kỳ 6 tháng đầu năm và được soát xét độc lập bởi 1 Công ty Kiểm toán được cấp phép theo quy định (Soát xét có mức độ thấp hơn Kiểm toán); Báo cáo Tài chính Kiểm toán Năm được công bố cho kỳ 1 năm và được kiểm toán độc lập bởi 1 Công ty Kiểm toán được cấp phép theo quy định. 

Trong hình: Công bố thông tin Định kỳ – Báo cáo Tài chính của VinGroup trên CafeF. Trong đó có Báo cáo Tài chính Quý, Bán niên Soát xét và Kiểm toán Năm (Link gốc ảnh)

04 nguyên tắc cơ bản khi Lập và Công bố Báo cáo Tài chính:

+ Đầy đủ các Báo cáo, Phụ lục, Thuyết minh theo quy định về Luật Kế toán Doanh nghiệp. Xem thêm tại Hình ảnh Mục lục Báo cáo Tài chính Hợp nhất Kiểm toán Năm 2017 – VIC của Tập đoàn VinGroup tại Trang 2/103 của Báo cáo Tài chính Hợp nhất Kiểm toán năm 2017 – VIC.

+ Nếu có Công ty con có tư cách Pháp nhân thì phải công bố: Báo cáo Tài chính Công ty mẹ và Báo cáo Tài chính Hợp nhất. Xem thêm tại Hình ảnh các Báo cáo Tài chính – HPG – CafeF của Tập đoàn Hòa Phát trên CafeF, dễ thấy do HPG có 11 Công ty con thành viên nên phải Lập song song cả 2 loại Báo cáo Tài chính. Xem thêm Hình ảnh Các Công ty thành viên – Báo cáo Thường niên – HPG của Tập đoàn Hòa Phát tại Trang 18/164 của Báo cáo Thường niên 2017 – HPG.

+ Nếu có Đơn vị phụ thuộc không có tư cách pháp nhân thì phải công bố: Báo cáo Tài chính Văn phòng và Báo cáo Tài chính Tổng hợp. Xem thêm hình:

Trong hình: Công bố thông tin Định kỳ – Báo cáo Tài chính của Sun World Ba Na Hill trên Website của Công ty. Trong đó có Báo cáo Tài chính Văn phòng và Báo cáo Tài chính Tổng hợp (Link gốc ảnh)

Trong hình trên là Website của thương hiệu Du lịch Sun World Ba Na Hill với tên Pháp lý là Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà. Theo công bố trên Báo cáo Tài chính gần nhất thì Công ty chỉ có duy nhất 1 Đơn vị hạch toán phụ thuộc là: Chi nhánh Khu du lịch và Biệt thự nghỉ dưỡng Làng Pháp (Trang 9/36 – Báo cáo Tài chính Tổng hợp Soát xét Bán niên 2018 – BNC). Vậy nên Công ty sẽ phải công bố Báo cáo Tài chính Văn phòng và Báo cáo Tài chính Tổng hợp.

+ Nếu Kiểm toán không chấp toàn phần với Báo cáo Tài chính Bán niên hay Báo cáo Tài chính Kiểm toán năm thì phải Công bố Văn bản Giải trình. Ví dụ như tại Báo cáo Tài chính Bán niên Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2018 của Công ty Đầu tư Năm Bảy bảy – Mã Chứng khoán: NBB đã bị Hãng Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam lưu ý về việc 1 Công ty con của Công ty là Công ty Hùng Thanh dính vào vụ cháy tai tiếng trên các mặt báo là Tòa nhà Chung cư Carina Plaza như hình:

Trong hình: Vấn đề cần nhấn mạnh của Hãng kiểm toán Ernst & Young với Báo cáo Tài chính Bán niên Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2018 của NBB tại Trang 7/54 (Link gốc ảnh)

Đây là vấn đề lưu ý nghiêm trọng và có ảnh hưởng 1 phần đến hoạt động của Công ty, đặc biệt là về truyền thông. Sau khi có ý kiến trên thì NBB phải có ý kiến Giải trình về việc này. Bạn có thể xem thêm: Báo cáo Tài chính Soát xét Bán niên 6 tháng đầu năm 2018 – NBB (Trang 7/54) và Giải trình Ý kiến Kiểm toán nhấn mạnh Báo cáo Tài chính Hợp nhất Soát xét Bán niên 2018 – NBB.

Thời hạn Nộp Báo cáo Tài chính: hiện nay thì Báo cáo Tài chính được chia ra làm 3 loại tương ứng với 3 loại kỳ là Quý, Bán niên (6 tháng đầu năm) và Năm. Trong đó mỗi Kỳ đều có Thời hạn nộp riêng gồm: Thời hạn nộp sau khi được Kiểm toán, Soát xét (Riêng Quý có thể là Nếu có); Thời hạn nộp khi kết thúc Niên độ (31/3, 30/6, 30/9 hay 31/12) và Thời hạn nộp nếu được Ủy ban Chứng khoán gia hạn (Do lập Báo cáo Tài chính Hợp nhất hay Tổng hợp bao gồm cả các Công ty con, Công ty Liên kết hay Đơn vị Kế toán Trực thuộc nên cần thời gian nhiều hơn). Riêng các Công ty Đại chúng thì không phải Công bố Báo cáo Tài chính Quý và Soát xét Bán niên (Chỉ phải Kiểm toán Năm) nhưng vẫn được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến khích, còn Công ty Đại chúng Quy mô lớn và Công ty Niêm yết (HOSE, HNX) thì là quy định bắt buộc. Về cơ bản sẽ được tuân theo Bảng sau:

Trong hình: Quy định về Công bố Thông tin Định kỳ – Báo cáo Tài chính và Thời hạn Nộp (Link gốc ảnh)

Trong hình ảnh quy định chi tiết về Thời hạn nộp với từng loại Báo cáo Tài chính. Ngày ở đây được hiểu là Ngày thực tế và không phải là Ngày làm việc. Ngày nộp được hiểu là Ngày mà Sở giao dịch Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực nhận được theo Công văn đến hoặc Chữ ký số đã gửi đến và đương nhiên không phải là Ngày công bố trên Website của Sở. Ta có 3 loại Thời hạn theo quy định:

+ Thời hạn nộp sau khi được Kiểm toán / Soát xét: ngay sau khi Đơn vị Kiểm toán Độc lập đã thực hiện xong và ký xác nhận công việc Kiểm toán hoặc Soát xét cho Báo cáo Tài chính của Công ty Đại chúng, Công ty Niêm yết thì Công ty phải có trách nhiệm công bố Báo cáo Tài chính trong thời hạn như quy định ở trên. Ví dụ: tại Báo cáo Tài chính Hợp nhất Soát xét Bán niên 2018 – ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu – Mã Chứng khoán ACB đang niêm yết ở sàn HNX được Công ty TNHH Kiểm toán PWC Việt Nam soát xét và xác nhận Báo cáo Tài chính Soát xét Bán niên 6 tháng đầu năm 2018 vào ngày 13/08/2018. 

Trong hình: Hãng kiểm toán PWC Việt Nam đã ký xác nhận Báo cáo Tài chính Bán niên Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2018 của ACB tại Trang 6/86. Trong đó ngày ký là 13/08/2018 là 1 Thời điểm để tính (Link gốc ảnh)

Theo quy định thì Báo cáo Bán niên sẽ được hạn là 5 ngày sau phải nộp, tức ngày cuối nộp sẽ là 18/08/2018. Nếu nộp muộn hơn 5 ngày, khi đó Công ty sẽ bị xem là vi phạm quy định về Công ty thông tin và sẽ có hình thức xử phạt. Phần xử phạt này sẽ được trình bày ở bài viết sau. Ở đây trong thực tế thì ACB đã nộp vào ngày 14/08/2018 tức là ngay sau đó 1 ngày như Hình ảnh Xác nhận Báo cáo Tài chính Bán niên 2018 bằng chữ ký số của ACB và đạt chuẩn quy định Công bố Thông tin về thời hạn nộp sau khi Đơn vị Kiểm toán phát hành Báo cáo.

+ Thời hạn nộp kể từ khi Kết thúc Niên độ: ở đây là thời hạn nộp cuối cùng mà Công ty Đại Chúng, Công ty Niêm yết phải hoàn thành. Vẫn lấy ví dụ về trường hợp Báo cáo Tài chính Bán niên kể trên của ACB thì do kết thúc niên độ 6 tháng là 30/06/2018 nên hạn cuối nộp sẽ cộng thêm 45 ngày tức là ngày 14/08/2018 (31 ngày trong tháng 7 và 14 ngày trong tháng 8). Như vậy việc ACB cũng nộp chính xác vào ngày 14/08/2018 thì đó đồng thời cũng là ngày cuối cùng có trách nhiệm phải nộp và đạt chuẩn Công bố Thông tin về Thời hạn cuối cùng phải nộp Báo cáo Tài chính.

+ Thời hạn nộp kể từ khi Kết thúc Niên độ nếu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận gia hạn: một cách tương tự trường hợp trên của ACB thay vì 45 ngày thì nếu xin phép gia hạn thì sẽ là 60 ngày, tức là hạn cuối nộp nếu được gia hạn sẽ là ngày 29/08/2018 (31 ngày trong tháng 7 và 29 ngày trong tháng 8). Tất nhiên ở đây do ACB đã hoàn thành sớm trong thời hạn đầu nên không cần phải xin Gia hạn như nhiều Công ty khác. Đây là thời hạn rất quan trọng, ngay khi kết thúc, các Công ty chưa nộp sẽ bị Sở Giao dịch Chứng khoán nhắc nhở đôn đốc nộp trước khi Ủy ban Chứng khoán có hình thức phạt tiếp theo nếu có tiếp tục chậm nộp hơn nữa.

Trong hình: Công văn nhắc nhở các Công ty Niêm yết của HOSE do các Công ty này chậm nộp Báo cáo Tài chính Soát xét Bán niên 2018 (Link gốc ảnh)

Giải trình Báo cáo Tài chính: Riêng Công ty Đại chúng Quy mô lớn, Công ty Niêm yết khi Công bố Báo cáo Tài chính sẽ đồng thời phải Giải trình khi xảy ra một trong những nguyên nhân sau. Việc giải trình này nếu có sẽ phải giải trình cả Báo cáo Tài chính Công ty mẹ riêng, Hợp nhất riêng hay Báo cáo Tài chính Văn phòng riêng, Tổng hợp riêng khi các Công ty con, các Công ty Liên kết hoặc các Đơn vị trực thuộc cũng phát sinh sự kiện:

+ Lợi nhuận sau thuế trong kỳ Báo cáo thay đổi 10% so với cùng kỳ năm trước. Xem thêm: Giải trình Quý 2/2018 – PVS.

+ Lợi nhuận sau thuế trong kỳ Báo cáo bị lỗ hoặc chuyển từ Lãi ở kỳ trước sang Lỗ kỳ này hoặc ngược lại. Xem thêm: Giải trình Bán niên 2018 – ATG.

+ Có sự chênh lệch từ 5% trở lên hoặc chuyển từ Lỗ thành Lãi hoặc ngược lại giữa Số liệu, Kết quả hoạt động kinh doanh trước và sau Kiểm toán, Soát xét. Đặc biệt là các kỳ mặc định hàng năm như Lũy kế Báo cáo Tài chính Quý 2 và Quý 4 với Báo cáo Tài chính Bán niên Soát xét và Báo cáo Tài chính Kiểm toán Năm. Xem thêm: Giải trình Bán niên 2018 – HAG.

—————————————————————

Xem tiếp Phần 2: Công bố thông tin của Công ty Đại chúng và Công ty Niêm yết (Phần 2).

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

> Công ty Đại chúng và Công ty Đại chúng Quy mô lớn
> Sàn Đại chúng Chưa Niêm yết (ĐCCNY) và sự thu hẹp sàn OTC
Cổ phiếu bị Cảnh báo, Cổ phiếu bị Kiểm soát, Cổ phiếu bị Tạm ngừng giao dịch là gì?

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

> Các bước Tìm hiểu Chứng khoán
> Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán   /   Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online 

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Tháng 9/2018)