Hướng dẫn Nộp tiền vào Tài khoản Chứng khoán

Giới thiệu

Sau khi đã Mở Tài khoản Chứng khoán xong như Hướng dẫn tại Bài viết: Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán. Bạn muốn Nộp tiền vào Tài khoản Chứng khoán để bắt đầu tư tham gia Thị trường Chứng khoán. Bài viết dưới đây sẽ Hướng dẫn việc này. Bạn cũng có thể xem thêm: Hướng dẫn Rút tiền từ Tài khoản Chứng khoán để biết thêm Cách Rút khi cần.

Ngoài ra, Bài này cũng thường được tìm đến sau khi đã nắm rõ Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản và biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:

+ Phương pháp Quản lý Tiền của Công ty Chứng khoán
+ Cách Nộp tiền Trực tiếp tại Công ty Chứng khoán hoặc qua Ngân hàng
+ Cách tìm Tài khoản Ngân hàng của Công ty Chứng khoán để Nộp
+ Cách Nộp tiền vào Tài khoản Chứng khoán tại HSC
+ Thời gian Chờ tiền vào Tài khoản Chứng khoán / Kiểm tra Số dư Tài khoản Chứng khoán
+ Tra soát Nội dung khi Nộp tiền sai và Một số các Vấn đề liên quan khác

—————————————————————

Phương pháp Quản lý tiền của các Công ty Chứng khoán với khách hàng

– Về cơ bản tồn tại 2 phương pháp Quản lý tiền của Công ty Chứng khoán đối với khách hàng:

+ Phương pháp Quản lý tiền Liên kết trực tiếp với Tài khoản Ngân hàng: đây là phương pháp quản lý tiền mà trong đó tài khoản chứng khoán và tài khoản ngân hàng của khách hàng liên kết trực tiếp nhau. Cơ sở của việc này là Công ty Chứng khoán đó phải có ký hợp tác với 01 Ngân hàng, khi đó ngoài việc mở tài khoản chứng khoán thì khách hàng phải mở tài khoản tại Ngân hàng này và ký tiếp 1 Hợp đồng khung ủy quyền theo mẫu của họ để bảo đảm việc trích tiền ra từ Tài khoản khi có lệnh đặt mua (Lệnh bán thì chờ tiền về không nói làm gì). Phương pháp này có ưu điểm tính an toàn tuyệt đối và thông với tài khoản Ngân hàng thông thường của khách nên giao dịch sẽ qua hết Ngân hàng này tuy nhiên các Dịch vụ đi kèm vì thế bị kém đi và không thuận tiện cho việc giao dịch, ví dụ như cách dịch vụ Giao dịch ký quỹ, ứng trước đều có một số bất tiện và chậm nên trong thực tế ít được áp dụng, không phổ biến. Các Ngân hàng chuyên cung cấp dịch vụ hợp tác này với các Công ty Chứng khoán có thể kể đến ở đây là BIDV, ACB (Công ty Chứng khoán hợp tác chính là Công ty Chứng khoán con của 2 Ngân hàng này).

+ Phương pháp Quản lý tiền Tài khoản Tổng: đây là phương pháp quản lý tiền khá đơn giản và thông dụng phổ biến nhất lúc này (Chiếm >90% trên thị trường). Cách thức khá đơn giản, Công ty Chứng khoán mở Tài khoản đứng tên mình tại một số các Ngân hàng lớn. Sau đó các khách hàng của Công ty sẽ nộp vào một trong số các Tài khoản này của Công ty Chứng khoán (Đứng tên Công ty Chứng khoán) ở các Ngân hàng, và để phân biệt là khách hàng nào đã nộp vào thì sẽ sử dụng Nội dung của món tiền chuyển đến. Về cơ bản Nội dung sẽ có dạng như sau: “Chuyển tiền vào Tài khoản số <Tài khoản Chứng khoán của bạn> của <Tên đầy đủ Chủ tài khoản>”. Như vậy nội dung ở đây phân biệt ở hai điểm là số tài khoản chứng khoán và tên của chủ tài khoản đó. Trường hợp nếu bạn nộp không đúng thì sẽ bị hoàn trả trở lại hoặc phải tra soát lại bên Ngân hàng chuyển để đảm bảo sửa đúng Nội dung thì kế toán Công ty CK mới hạch toán được vào TK Chứng khoán chi tiết của khách. Ngoài ra thì hầu như Công ty CK nào cũng có thuê riêng 1 Ngân hàng tại Trụ sở Văn phòng Giao dịch của mình để tiện cho việc nộp rút tiền trực tiếp tại địa điểm giao dịch đó. Để rõ hơn xin mời xem tiếp về phần này ngay bên dưới đây. Và trong bài viết này cũng chủ yếu tập trung giới thiệu phương pháp quản lý tiền này (Vì nó là phổ biến).

—————————————————————

Phương pháp Quản lý Tài khoản Tổng tại các Công ty Chứng khoán

Như đã nói ở phía trên thì Phương pháp Quản lý Tài khoản Tổng là phương pháp Quản lý tiền mà ở đó các khách hàng phải nộp tiền vào tài khoản đứng tên Công ty Chứng khoán đó ở các Ngân hàng. Hiện có 2 cách để Nộp Rút tiền đối với Phương pháp này:

Nộp tiền Trực tiếp tại Văn phòng Công ty Chứng khoán: Hiện theo Quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì từ năm 2008 các Công ty Chứng khoán không được phép chi trả trực tiếp khi khách hàng tới Nộp Rút tiền trực tiếp tại các Văn phòng của các Công ty Chứng khoán mà phải thuê đơn vị chuyên nghiệp ở đây là các Ngân hàng để đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro. Ví dụ như tại HSC Láng Hạ chỗ mình công tác thì thuê của Ngân hàng Techcombank Chi nhánh Ba Đình.

Trong ảnh: hình chụp tại Điểm a, Khoản 4, Điều 21 – Nghị Định 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán (Link gốc ảnh)

Do Công ty Chứng khoán phải thuê và bố trí 1 quầy riêng cho Ngân hàng ngồi ngay trong Văn phòng của mình nên Cách thức Nộp hay Rút trực tiếp lúc này khá đơn giản, gần giống với việc bạn ra Ngân hàng nộp rút. Viết vào Phiếu/ Giấy đề nghị Nộp Rút.

Trong ảnh: Phiếu Nộp tiền mặt của HSC Láng Hạ – Thông tin cần điền: Tên, Địa chỉ, số CMND, Ngày cấp, Nơi cấp, …
(Link gốc ảnh)

Trong ảnh: Khách hàng đang Nộp tiền mặt trực tiếp tại Quầy Ngân hàng Techcombank do HSC thuê (Link gốc ảnh)

Phương pháp này ngày nay ít người dùng, vì do công việc cuộc sống bận nên không phải ai cũng có thời gian lên Nộp Rút trực tiếp, thường là ai đang công tác hoặc sống gần các văn phòng này tiện qua. Nộp tiền ngày nay được thực hiện chủ yếu qua Ngân hàng.

Nộp tiền qua Ngân hàng: ngày nay do cuộc sống bận rộn nên 90% là nộp tiền qua hệ thống Ngân hàng. Bạn có thể qua trực tiếp các Phòng Giao dịch hoặc Chi nhánh Ngân hàng để nộp hoặc Nộp qua Internet Banking của hệ thống Ngân hàng (Mình hay dùng Internet Banking). Về cơ bản việc Nộp tiền qua Ngân hàng sẽ được theo cấu trúc sau:

Người nhận: <Tên Công ty Chứng khoán hoặc Chi nhánh Công ty Chứng khoán>
Số tài khoản nhận: <Số tài khoản Ngân hàng của Công ty Chứng khoán chuyên nhận tiền khách nộp tiền vào>
Tại: <Tên Ngân hàng và Chi nhánh Ngân hàng mà Công ty Chứng khoán mở để nhận tiền khách nộp tiền vào>
Nội dung: <Chuyển tiền vào tài khoản số … (Số Tài khoản Chứng khoán của bạn), chủ tài khoản … (Tên đầy đủ của bạn)>

Để rõ về cấu trúc nộp tiền trên xin mời bạn xem ví dụ phần dưới đây khi mình nộp tiền tại Công ty Chứng khoán HSC.

—————————————————————

Cách tìm Tài khoản Ngân hàng của Công ty Chứng khoán

Mỗi một Công ty Chứng khoán đều mở tài khoản tại 1 số Ngân hàng nhất định. Bạn có thể xem Ngân hàng nào trùng với mình Tài khoản Ngân hàng bạn hay dùng để chuyển cùng hệ thống thì tiền sẽ vào tài khoản chứng khoán nhanh hơn. Ở đây mình nộp tiền vào HSC nên sẽ tìm các tài khoản Ngân hàng mà HSC mở để nhận tiền khách hàng nộp vào để đầu tư chứng khoán.

+ Tìm kiếm qua Google với nội dung “Nộp tiền HSC” như hình:

Trong ảnh: tìm các tài khoản của HSC mở tại các Ngân hàng để chuẩn bị nộp tiền vào tài khoản chứng khoán (Link gốc ảnh)

+ Bấm vào kết quả đầu tiên của Google phía trên, ta có được các thông tin Ngân hàng cần tìm của HSC như hình hoặc link Các tài khoản Ngân hàng Nộp tiền vào tài khoản chứng khoán tại HSC:

Trong ảnh: các tài khoản Ngân hàng của HSC ở chi nhánh Hà Nội mà các khách hàng có thể lựa chọn (Link gốc ảnh)

Như vậy bạn đã biết cách tìm ra các Tài khoản Ngân hàng của các Công ty Chứng khoán để nộp vào. Tương tự khi bạn mở tại các Công ty Chứng khoán khác thì sẽ tìm Google theo cấu trúc dạng: “Nộp tiền SSI”, “Nộp tiền VnDirect”, “Nộp tiền Chứng khoán Bản Việt”, …

—————————————————————

Nộp tiền vào tài khoản Chứng khoán tại HSC

Các Ngân hàng để nộp tiền vào của HSC: Ở trên bạn đã biết cách tìm ra Ngân hàng của Công ty để nộp vào, với HSC ta dễ dàng thấy thông tin Ngân hàng tóm tắt như sau:

+ Với các Tài khoản Chứng khoán mở tại Trụ sở Tp. Hồ Chí Minh (Tên Chủ tài khoản nhận: Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh):

* BIDV Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa (119.10.00.00.5181.7)
* HDBank Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh (0687 0407 0000941)
* Vietcombank Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh (007.100.395.3218)
* Eximbank Chi nhánh Sài Gòn (1401.1485.1023.180)
* Techcombank Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh (1022.1485.904.012)
* ACB Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh (417.684.99)
* MaritimeBank Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh (040.0101.004.6244)
* Sacombank Chi nhánh Trần Hưng Đạo, Tp. Hồ Chí Minh (0600.0811.6051)

+ Với các Tài khoản Chứng khoán mở tại Chi nhánh Hà Nội (Tên Chủ tài khoản nhận: Chi nhánh HN – Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh):

* BIDV Chi nhánh Hà Nội (211.10.00.020.743.7)
* HDBank Chi nhánh Hoàn Kiếm (020.704.070.000.126)
* Vietcombank Chi nhánh Hoàn Kiếm (0301.000.86.26.68)
* Techcombank Chi nhánh Ba Đình (115.2666.6666.066).

Ví dụ thực tế Nộp tiền vào HSC: ở đây mình dùng tài khoản Ngân hàng Techcombank cá nhân của mình để nộp tiền vào Tài khoản Techcombank CN Ba Đình của HSC qua Internet Banking trên Website. Công thức nộp:

Người nhận: Chi nhánh HN – Công ty CP Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh
Số tài khoản nhận: 115.2666.6666.066
Tại: Ngân hàng Techcombank Chi nhánh Ba Đình
Nội dung: Chuyển tiền vào tài khoản số 011C142810, chủ tài khoản Bùi Huy Hiệp

Trong ảnh: hệ thống Internet Banking của Techcombank báo đã chuyển thành công vào tài khoản của HSC với nội dung và số TK như  hình (Link gốc ảnh)

Lưu ý rằng khi cùng hệ thống Ngân hàng thì số tài khoản đánh vào sẽ hiện lên tên của Công ty Chứng khoán (Ở đây là HSC Hà Nội) nên khá dễ kiểm tra. Riêng Nội dung là thứ rất quan trọng để phân biệt Tài khoản Chứng khoán Chi tiết cần nộp thì Nộp dung phải nêu bật được 2 điểm: Số tài khoản Chứng khoán của bạn và Tên đầy đủ của bạn. Nếu ít nhất 1 trong 2 Nội dung trên bị sai, tức là bạn đã Nộp sai và khi đó trong tài khoản Chứng khoán chắc chắn là không có tiền. Muốn xử lí bạn phải qua trực tiếp Ngân hàng để tra soát sửa lại nội dung nói chung cho đúng thì tiền mới vào tài khoản chứng khoán được. Ở đây của mình là số tài khoản: 011C142810 và Tên đầy đủ: Bùi Huy Hiệp.

Riêng trường hợp nếu bạn dùng Internet Banking của Vietcombank để chuyển vào cũng Tài khoản Vietcombank của HSC thì sẽ theo hướng dẫn tại link sau: Nộp tiền vào Tài khoản Chứng khoán HSC qua VCB-iBanking (Nộp theo cách phía trên sẽ bị báo lỗi nếu cùng Vietcombank). Nguyên nhân là vì HSC ký riêng với Vietcombank dịch vụ mảng này, và thu thêm ít phí của khách hàng, bù lại có rất ít người bị sai hay quên nội dung (Khá tốt). Theo khảo sát thì đang có 10 Công ty Chứng khoán sử dụng Dịch vụ này của Vietcombank như hình Dịch vụ Tài chính – VCB i-Banking.

—————————————————————

Thời gian chờ tiền vào Tài khoản Chứng khoán

Như trên đã phân tích thì Phương pháp Quản lý Tài khoản Tổng bản chất là phương pháp quản lý tiền gián tiếp, Khách hàng Nộp tiền vào tài khoản, rồi Kế toán Công ty Chứng khoán sẽ kiểm tra định kỳ, có món tiền nào báo thì sẽ lại hạch toán tiếp vào Tài khoản Chứng khoán chi tiết của khách. Khi đó trong Tài khoản Chứng khoán mới có tiền, nên các bạn mới rất hay thắc mắc: “Anh ơi, sao e vừa nộp tiền rồi, cùng hệ thống Ngân hàng mà sao Tài khoản Chứng khoán của em chưa nổi tiền anh nhỉ?”. Thông thường theo mình quan sát ở nhiều Công ty Chứng khoán từng tiếp xúc thì thời gian các Kế toán họ kiểm tra để hạch toán thường khoảng 1 tiếng đồng hồ nếu trong giờ giao dịch, còn nếu bạn nộp vào sau giờ giao dịch thì sẽ sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp bạn nộp trực tiếp tại quầy tại HSC như đã nói ở trên thì tiền sẽ vào ngay, không cần chờ như trường hợp này.

Ví dụ: mình có nộp tiền qua Internet Banking Techcombank cùng hệ thống vào Tài khoản của HSC Hà Nội cũng ở Techcombank vào lúc 14:29 phút chiều 25/01/2017 (OTP đến vào lúc 14:27) thì vào lúc 14:59 phút tức là sau đó khoảng nửa tiếng thì Tài khoản Chứng khoán có tiền (Khá nhanh so với mức bình quân khoảng 1 tiếng). Chi tiết như hình: .

Trong ảnh: SMS đến từ Techcombank, trong đó 14:27 là OTP đến từ Tech để nhập vào xác nhận chuyển tiền đi. Giờ xác nhận là 14:29 (Link gốc ảnh)

Trong ảnh: SMS đến từ HSC, trong đó 14:59 cũng theo giờ Điện thoại thì Tài khoản Chứng khoán đã có tiền để bắt đầu nhập mua bán (Link gốc ảnh)

—————————————————————

Kiểm tra số dư tiền trong Tài khoản Chứng khoán

Lúc này ta có thể bắt đầu vào xem Tài khoản Chứng khoán để kiểm tra số dư tiền. Với Tài khoản của mình ở HSC mình vào bản Web Vi Trade HSC. Ta có hình:

Trong ảnh: vào Tab “Giao dịch cổ phiếu” / Tab con “Mua/Bán” – Ta dễ dàng thấy ô “Sức mua” có giá trị 10 triệu đồng đúng bằng số tiền đã nộp. Phần dư lẻ là tiền gửi không kỳ hạn do hết tháng (Link gốc ảnh)

Trong ảnh: vào Tab “Tài khoản” / Tab con “Giao dịch tiền” – Ta dễ dàng giao dịch 10 triệu đồng đó tại cột “Mô tả” và cột “Nộp  tiền” (Link gốc ảnh)

Như vậy về cơ bản đến đây đã hoàn thành việc biết cách Nộp tiền vào Tài khoản Chứng khoán và kiểm tra tiền cũng trong Tài khoản Chứng khoán Online. Ngoài ra thì còn 1 số trường hợp ngoại lai khác mà bạn cần biết trình bày tiếp bên dưới.

—————————————————————

Tra soát Nội dung tại Ngân hàng khi Nộp tiền bị sai

Như ở phần trên có nói khi Nộp vào Tài khoản Chứng khoán qua Ngân hàng thì ở Nội dung phải Nêu bật được số Tài khoản Chứng khoán của bạnTên đầy đủ của bạn thì Giao dịch đó mới được chấp nhận và duyệt vào Tài khoản Chứng khoán. Tuy nhiên trong vài trăm món tiền hàng ngày lại có vài món bị sai và không làm đúng nguyên tắc nói trên. Khi đó chờ lâu chưa thấy tiền thì bạn phải kiểm tra lại, và đúng là sai thì bạn phải mau chóng ra Ngân hàng nơi bạn mở tài khoản chuyển đi đó để đề nghị tra soát sửa lại nội dung. Chỉ khi tra soát sửa lại nội dung xong thì tiền mới được hạch toán. Đây là nguyên tắc. Dưới đây là 2 trong số hàng trăm lỗi sai mọi người mắc mà HSC đã từng thông báo: 

Trong ảnh: thông báo của HSC về có 1 món tiền 380 triệu đồng chuyển vào qua Sacombank bị sai Nội dung (Link gốc ảnh)

Nhìn vào Hình ảnh trên ta có thể dễ dàng thấy rằng Nội dung trên bị sai vì không có số Tài khoản Chứng khoán, còn tên thì chưa biết có đúng không. HSC thông báo lại cho toàn bộ Khối Môi giới, để ai là Môi giới quản lý khách hàng nói trên thì mau chóng liên hệ với khách và đề nghị khách ra Ngân hàng tra soát sớm và hướng dẫn lại Nội dung cho đúng. 

Trong ảnh: thông báo của HSC về có 1 món tiền 62 triệu đồng chuyển vào qua Techcombank bị sai Nội dung (Link gốc ảnh)

Nhìn vào Hình trên ta có thể dễ dàng thấy rằng Nội dung trên bị sai vì số Tài khoản Chứng khoán trên chắc chắn bị sai. Đầu số 058C vốn dĩ là của Công ty Chứng khoán FPTS, còn đầu số của HSC là 011C. Phỏng đoán là khách hàng này có mở tài khoản và đầu tư cả 2 bên FPTS và HSC nên khi nộp bị … “lẫn”.

Trong ảnh: thông báo Điền Tra soát / Điều chỉnh thông tin của Vietcombank CN Thanh hóa gửi Vietcombank CN Tp. Hồ Chí Minh với đề nghị sửa lại nội dung như trong Điện tra soát theo đề nghị từ khách hàng (Link gốc ảnh)

Trong ngày 05/06/2017 thì mình có khách hàng từ Thanh Hóa do vội nên quên chưa điền nội dung có số Tài khoản Chứng khoán nên đã phải ra Ngân hàng Vietcombank gần nhất là Vietcombank Chi nhánh Thanh Hóa để thực hiện tra soát sửa lại nội dung cho đúng như chỗ dấu đỏ trên hình. Đây chính là bản tra soát mà Vietcombank Chi nhánh Thanh Hóa gửi về Vietcombank Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh (Đầu nhận là HSC Hội sở mở ở Vietcombank Tp. Hồ Chí Minh). Mình có đề nghị khách hàng nhờ chụp lại bản tra soát nói trên để mình tiện qua gặp kế toán HSC ở Hà Nội (Nơi đang quản lý Tài khoản Chứng khoán) đề nghị sửa lại. Muốn tra soát được, thì trong nội bộ Ngân hàng Vietcombank hay các Ngân hàng khác cần phải có 1 bản như thế.

—————————————————————

Một số thông tin khác có liên quan đến việc Nộp tiền vào Tài khoản Chứng khoán

Quản lý Rủi ro của Ủy ban Chứng khoán: Ngày nay sau nhiều năm quản lý điều hành thị trường, với rất nhiều Rủi ro đã từng xảy ra thì về cơ bản Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng được 1 Hệ thống Pháp lý khá hoàn chỉnh liên quan đến Quản lý Tiền của các Công ty Chứng khoán như: Tách bạch Tài khoản của khách hàng và Tài khoản của bản thân Công ty Chứng khoán riêng, Nộp báo cáo số dư theo tuần tại tất cả các Ngân hàng của Công ty Chứng khoán (Cá biệt khi thị trường nhạy cảm bắt báo cáo theo ngày), hay mới đấy nhất là nghiêm cấm chuyển khoản nội bộ giữa các Công ty Chứng khoán (Bản chất là không qua Ngân hàng), … Tất cả đều theo thông lệ quốc tế, mình tin rằng cơ bản hoạt động ở mảng này đã ổn định và không thể xảy ra rủi ro, nhất là kết hợp với việc Thanh tra định kỳ hàng năm nhằm cảnh báo Tình hình tài chính từ xa trước. Nên về cơ bản bạn có thể yên tâm, không thể có chuyện lợi dụng “Dễ dàng” như những năm 2007 về trước, nên vài năm nay bạn không còn thấy các vụ vi phạm vấn đề này nữa.

Không có Tài khoản Ngân hàng có Đầu tư Chứng khoán được không?: Xin trả lời thêm ở đây là nhìn chung không có tài khoản Ngân hàng thì vẫn đầu tư được chứng khoán, tuy nhiên khi có Tài khoản Ngân hàng thì sẽ tiện hơn, và tiện hơn ở chỗ khi cần sẽ Rút tiền Online vì có Tài khoản nhận. Nhất là các bạn ở tỉnh xa, thì nên có.

Nên dùng Tài khoản Ngân hàng nào cho tiện với Chứng khoán?: hiện nay theo mình quan sát thì hầu như Công ty Chứng khoán nào cũng có dùng Vietcombank và BIDV, hơn nữa đây cũng là 2 Ngân hàng lớn, có hệ thống Online khá tốt. Theo mình nên sử dụng tại 2 Ngân hàng này (Bản thân mình cũng đang dùng). Khi là Ngân hàng lớn thì thường các Công ty Chứng khoán sẽ kiểm tra và hạch toán nhanh hơn là nếu bạn nộp vào các Ngân hàng nhỏ hơn như MB hay ACB.

Có chuyển được tiền vào Tài khoản Chứng khoán bằng ATM của Ngân hàng không?: trả lời ở đây là không, nguyên nhân căn bản là khi chuyển khoản qua ATM thì không có Nội dung, mà không có Nội dung thì không thể phân biệt được ai đang chuyển vào. Ngày nay Internet đã phát triển rộng rãi, bạn nên qua Ngân hàng đăng ký dịch vụ Internet Banking để nộp Online cho tiện.

—————————————————————

Các bài viết khác có liên quan

Hướng dẫn Mở Tài khoản Chứng khoán
Hướng dẫn Cài Đặt và Đăng nhập Tài khoản Chứng khoán Online
Hướng dẫn Rút tiền từ Tài khoản Chứng khoán
Hướng dẫn Đặt Lệnh, Sửa Hủy Lệnh, Xem Lịch sử Lệnh đặt, Xem Số dư Tiền Chứng khoán

—————————————————————

Các bài viết khác có thể bạn quan tâm

Các bước Tìm hiểu về Chứng khoán
Dịch vụ Ủy thác Đầu tư Chứng khoán – Đầu tư “Hộ”
> Khóa học Chứng khoán Cơ bản tại Hà Nội   /   Khóa học Chứng khoán Online

—————————————————————

(Hiep Bui / Bui Hiep – Cập nhật tháng 01/2017)